TRANG CHỦ / Du lịch Hà Nội / Tham quan hoàng thành Thăng Long | Dấu ấn một thời vàng son Hà thành

Tham quan hoàng thành Thăng Long | Dấu ấn một thời vàng son Hà thành

Tác giả: Nguyễn Quý
2.074 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
Hoàng thành Thăng Long
Nguồn: @wecozyvietnam

Di tích Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội là một trong những di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận với hơn 1000 năm lịch sử, đã được nhiều đời vua xây dựng, giữ gìn. Không những thế đây còn là một công trình văn hóa lịch sử, được coi là biểu tượng của Thủ đô mà bất cứ ai tới Hà Nội cũng nên ghé thăm. Du khách hãy cùng Du lịch 3 miền tham quan một vòng địa điểm thiêng liêng này.

Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội kết quả của sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, cụ thể là Nho giáo, Phật giáo và mô hình vương thành của phương Đông cùng với mô hình kiến trúc quân sự phương Tây. Những điều này được thể hiện rất rõ trong cảnh quan, kiến trúc và những hiện vật ở cung điện. Hoàng Thành Hà Nội đã trở thành là biểu tượng cho văn hóa, truyền thống lâu đời của người dân Đại Việt ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng sau hơn 13 thế kỷ tồn tại và mang ý nghĩa lịch sử trọng đại mang tầm cỡ Quốc tế, có tác động to lớn đến phong trào chống chủ nghĩa Đế quốc, Thực dân trên toàn thế giới.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long ở đâu?

Khu di tích hiện nay nằm ở số 19C đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội – ngay trong khu vực trung tâm của thủ đô. Để di chuyển tới đây bạn có thể lựa chọn phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng như:

Xe máy, ô tô

Lịch trình cụ thể bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của ứng dụng Google Maps. Cần lưu ý rằng di chuyển trong các khung giờ 6h00 – 9h00 và 16h30 – 19h30, bạn sẽ rất dễ gặp tình trạng tắc đường.

Xe bus

Một số tuyến xe bus có điểm dừng gần với Hoàng Thành Thăng Long gồm: Xe bus 22A, xe bus 50 và xe bus 45. Những tuyến xe bus này sẽ dừng ở đối diện tượng đài Bắc Sơn – Hoàng Diệu – cách khu di tích khoảng 300m.

  • Giá vé: 7,000đ/vé
  • Tần suất: 10 – 20 phút/chuyến từ 5h30 – 9h00
  • Truy cập busmap.vn để biết thêm chi tiết. 

Lưu ý: 

Giờ tham quan: 8h00 – 11h30 và 14h00 – 17h00 hàng ngày

Vé vào Hoàng thành Thăng Long và Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu hiện được niêm yết như sau:

  • Khách thường: 30.000đ/ lượt
  • Học sinh, sinh viên (có thẻ minh chứng), người từ 60 tuổi trở lên: 15.000đ
  • Trẻ em dưới 15 tuổi: Miễn phí

Vé tham quan Cột cờ Hà Nội

  • Khách thường: 20.000đ
  • Học sinh, sinh viên trên 15 tuổi (có mang theo thẻ minh chứng); người trên 60 tuổi: 10.000đ
  • Học sinh dưới 15 tuổi, người có công với Cách mạng: Miễn phí

Lịch sử Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội

Hoàng thành có một lịch sử rất lâu đời. Ngược dòng lịch sử, chúng ta quay về những năm đầu của triều đại nhà Lý. Cụ thể hơn, vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long (nghĩa là rồng bay lên). Sau khi rời đô, vua tiến hành cho xây dựng Thăng Long thành trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước, một trong các công trình tiêu biểu vào thời gian đó có Hoàng thành Thăng Long. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, nơi đây vẫn là nơi sinh hoạt, làm việc của Vua và Hoàng tộc các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ,.. 

khu di tích hoàng thành hà nội
Đây từng là kinh đô của nhiều thời đại phong kiến – Nguồn: @jenniferluzi

Đến thời nhà Nguyễn, Huế được chọn làm kinh đô của Việt Nam và Thăng Long được đổi tên và trở thành một tỉnh lỵ của đất nước. Năm 1954, khu vực Hoàng Thành từng được sử dụng làm trụ sở Bộ quốc phòng, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay dù kiến trúc đã bị tàn phá bởi thời gian, nơi đây vẫn lưu giữ được một số di tích, hiện vật có giá trị cao về lịch sử và văn hóa.

Kinh nghiệm tham quan Hoàng Thành Thăng Long

Di tích lịch sử ở Hà Nội này đã trở thành một trong những địa điểm hoàn hảo cho những ai có niềm đam mê với lịch sử. Bạn có thể liên hệ với Phòng Hướng dẫn Thuyết minh để được phục vụ nếu có nhu cầu tìm hiểu kỹ hiện vật, kiến trúc cũng như có cái nhìn sâu sắc hơn về hình ảnh Hoàng Thành Thăng Long.

Chiêm ngưỡng các kiến trúc tiêu biểu còn sót lại

Khu di tích có diện tích vô cùng rộng lớn (khoảng 14ha) nhưng chỉ có 20ha được khoanh vùng bảo vệ và xin danh hiệu là di sản văn hóa thế giới. Để có cái nhìn tổng quát nhất về kinh đô của Đại Việt, du khách hãy theo chân Du lịch 3 miền tìm hiểu từng khu vực tham quan tại đây.

Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu

  • Địa chỉ: 18 Hoàng Diệu, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội

Được khai quật vào năm 2002, đây là nơi lưu giữ những dấu tích phong phú trong thời kì xây dựng và phát triển của hoàng thành Thăng Long xưa. Các cổ vật được chia ra thành ba lớp tương ứng với ba thời kỳ lịch sử: thời tiền Thăng Long (thế kỷ 7 – 9), thời Đinh – Tiền Lê, Lý và Trần (thế kỷ 10 – 14) và thời Lê, Nguyễn (thế kỷ 15 – 20). Chúng cũng được chia thành từng ô trong bốn khu A, B, C, và D.

Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu – Nguồn: @vicestr3lla

Đây đều là những hiện vật có ý nghĩa đặt nền móng cho các công trình kiến trúc cổ của Hoàng thành. Tham quan Hoàng Thành Thăng Long, bạn được nhìn thấy nhiều cổ vật có giá trị từ các triều đại phong kiến Việt Nam và cả một số nước Tây Á như Trung Quốc, Nhật Bản,…

Chúng được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, góp phần nâng cao vị thế về lịch sử và văn hóa của Hà Nội, thu hút khách du lịch tứ phương. Ngoài ra, bạn có thể tới thưởng thức tách cafe ở Civie Coffee ở trong khuôn viên khu khảo cổ, cảm nhận hương vị đồ uống thơm ngon trong không khí trong lành, mát mẻ.   

Cột cờ Hà Nội

  • Địa chỉ: 28A đường Điện Biên Phủ, phường Điện Bàn, quận Ba Đình (cách lối vào Hoàng Thành Thăng Long khoảng 450m)

Cột cờ mang nét kiến trúc cổ kính, độc đáo, là sự lựa chọn của rất nhiều khách du lịch tới thả dáng, “checkin”. Men theo cầu thang lên đến đỉnh cột cờ, du khách sẽ thu được vào tầm mắt hình ảnh của những di tích lịch sử, văn hóa từ bốn phía như Đoan Môn, Hồ Gươm, Lăng Chủ tịch, bảo tàng Lịch sử Quân sự,…

Cột cờ Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long
Cột cờ Hà Nội – Nguồn: @huyentihy

Phần còn sót lại của điện Kính Thiên

Điện Kính Thiên được xây dựng ở trung tâm khu di tích Hoàng thành Thăng Long, thể hiện rõ nét kiến trúc thời Lê Sơ. Tuy nhiên, vào thế kỉ 19, nơi đây đã bị thực dân Pháp phá hủy, chỉ còn sót lại nền móng và hai bậc thềm rồng bằng đá được xây dựng từ thế kỷ 15. Đó cũng chính là hình ảnh nổi bật mà du khách có thể thấy khi tới điện Kính Thiên.

Phần sót lại của điện kính thiên thành Thăng Long
Phần sót lại của điện Kính Thiên – Nguồn: @phuongseol

Tĩnh Bắc Lâu (Hậu Lâu) – Lầu công chúa

Hậu Lâu gồm 3 tầng với nét kiến trúc đậm chất Việt Nam thời xưa. Hậu Lâu từng là nơi ở của hoàng hậu và công chúa ở những thời kỳ trước và được xem là nơi trấn giữ phong thủy cho Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội.

Tĩnh Bắc Lâu Hoàng thành Thăng Long
Tĩnh Bắc Lâu – Nguồn: phanxipang.wordpress

Kiến trúc ở đây gồm ba tầng với nét kiến trúc đậm chất Việt Nam thời xưa. Hậu Lâu đã từng bị hư hỏng nặng vào thế kỷ 19 và được người Pháp bắt tay tu sửa lại. Đến thời điểm hiện tại, Tĩnh Bắc Lâu đã sẵn sàng đón chào du khách với vẻ ngoài hoàn thiện nhất, được nhiều người lựa chọn làm “background” cho những tấm ảnh đẹp mắt.

Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long

  • Địa chỉ: 46 Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội

Cửa Bắc được xây dựng dưới thời Hậu Lê, là cổng trấn giữ kinh thành. Đây là một trong số ít di tích nguyên vẹn còn sót lại ở Hoàng Thành Hà Nội, ở trên vẫn còn những dấu vết đạn đại bác do bị quân Pháp phá hủy.  Địa điểm này có thể được cho là nơi chứng kiến những chiến thắng hào hùng của người dân Thủ đô.

Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long
Cửa Bắc – Nguồn: @indochina.best.travel

Cửa Bắc hiện là nơi thờ 2 vị Tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương (1800-1873) và Hoàng Diệu (1829 – 1882). 

Tường bao, 8 cổng hành cung của Hoàng thành Hà Nội

Nhà Nguyễn đã cho xây dựng tường bao từ cửa Đoan Môn quanh nội điện, trở thành  nơi để vua nghỉ ngơi và làm việc mỗi khi Bắc tuần vào năm 1805. Khi đến tham quan Hoàng Thành Thăng Long, bạn vẫn có thể quan sát hệ thống tường bao xung quanh được làm bằng gạch vồ – một vật liệu phổ biến trong xây dựng thời bấy giờ.

Tường bao Hoàng thành Thăng Long
Nguồn: @ngocnunguyen_

Chính nét đẹp kiến trúc độc đáo và “tông màu” rêu phong của năm tháng nên tường thành Thăng Long đã trở thành địa điểm chụp ảnh đẹp ở Hà Nội dành cho các dịp kỷ yếu, chụp hình lưu niệm hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn.

Nhà D67 Hoàng thành Hà Nội

Nhà D67 được xây dựng vào năm 1967, là nơi tổ chức những cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Đây cũng là nơi làm việc của một số vị lãnh đạo quan trọng của Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng,…

Nhà D67 Hoàng thành Thăng Long
Nguồn: vnexpress

Dù đã trải qua gần 60 năm lịch sử, nhà D67 vẫn giữ được hình ảnh trang nghiêm và là một minh chứng cho một thời kỳ lịch sử của Thủ Đô.

Các hiện vật có giá trị của Hoàng thành Thăng Long

Tổng cộng có hơn 3 triệu hiện vật được phát hiện trong quá trình khảo cổ tại hoàng thành, có thể kể đến như: bức phù điêu, chi tiết trang trí kiến trúc bằng đất nung, đồ gốm sứ của nhiều triều đại phong kiến, cột gỗ, đồ dùng hay vật dụng của nước ngoài như: đồ sứ Nhật Bản, đồ sứ Trung Quốc,…

Hiện vật tại Hoàng thành Thăng Long
Nguồn: @xxgimgdrgn

Những hiện vật này một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa, trình độ kiến trúc và sự giao thoa của nhiều nền văn hóa tại Hoàng Thành Thăng Long với bề dày hơn 1000 năm lịch sử. Du khách có thể chiêm ngưỡng những hiện vật và tìm hiểu thêm về những triều đại phong kiến ở đây thông qua tour trưng bày trực tuyến: http://trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn/. Ngoài ra, ở Hoàng thành cũng có rất nhiều thước phim giới thiệu lịch sử thú vị, sống động phục vụ mục đích giáo dục.

Các hoạt động thường được tổ chức tại thành cổ Hà Nội

Một số sự kiện quan trọng của Thủ đô.

Với ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, Hoàng thành đã vinh dự được là nơi tổ chức một số sự kiện quan trọng của Hà Nội và tưởng nhớ những vị anh hùng có công lớn trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Một số sự kiện điển hình có thể kể đến: Dâng hương và trồng cây đầu xuân, kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, các triển lãm theo chủ đề,…

Hội chợ sách Hoàng Thành Thăng Long

Sự kiện này được tổ chức thường niên mỗi năm một chủ đề nhằm kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Ví dụ chủ đề năm 2019 là “Hà Nội – Thành phố vì hòa bình” với sự tham gia của nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài. Trong đó, chủ đề về truyền thống của thủ đô và trưng bày tranh thiếu nhi quốc tế “Em yêu Hà Nội – Thành phố Hòa Bình” được chú ý hơn cả.

Hội sách Hoàng thành Thăng Long
Nguồn: @konylia_dayosi

Do vậy, dù được tổ chức thường niên nhưng mỗi năm hội sách vẫn mang tới cho du khách những trải nghiệm mới lạ, độc đáo. Không chỉ trưng bày sách, giao lưu giữa tác giả và độc giả mà hội sách còn là “món ăn” tinh thần không thể thiếu với nhiều người yêu thích sách.

>> Ngoài ra, bạn cũng có thể ghé thăm các con phố sách ở Hà Nội nằm gần đó như: Đinh Lễ, phố 19/12.

Địa điểm tham quan gần Hoàng Thành Thăng Long

Sau khi tham quan hoàng thành, bạn có thể tiếp tục tới một vài địa điểm thú vị khác gần đó để có trải nghiệm Hà Nội một cách trọn vẹn hơn. 

Bảo tàng Lịch sử Quân sự

Nếu muốn tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, bạn có thể đi bộ qua đường Hoàng Diệu để tới bảo tàng lịch sử quân sự – nơi lưu lại những giá trị lâu đời của đất nước. Bên cạnh những hiện vật, bạn sẽ được xem những thước phim tài liệu về những câu chuyện từ thời ông cha ta dựng nước, giữ nước, mang lại hiểu biết về lịch sử và niềm tin yêu đối với nước nhà.

Địa chỉ: 28A đường Điện Biên Phủ, phường Điện Bàn, quận Ba Đình – 350m từ thành cổ Hà Nội 

Giờ mở cửa: 8h00 – 11h30 và 13h00 – 16h30

Giá vé: 

  • Khách trong nước: 20.000đ
  • Trẻ em dưới 16 tuổi và người cao tuổi: 10.000đ
  • Khách nước ngoài: 40.000đ
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí

Vườn hoa Lênin (đối diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự)

Với không gian xanh rộng lớn, thoáng mát và sạch sẽ, vườn hoa Lênin là địa điểm hoàn hảo để tổ chức các hoạt động vui chơi ngoài trời. Hầu hết người dân địa phương đều ưa thích đi bộ hóng gió, tập thể dục ở đây vào buổi tối. Vườn hoa mở cửa cả ngày và không mất phí.

Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch, Chùa Một Cột (1km)

Sau khi tham quan Hoàng Thành Thăng Long, bạn có thể tiếp tục hành trình đến khu Quảng trường – Lăng Bác – chùa Một Cột – cụm di tích có ý nghĩa văn hóa to lớn đối với người Việt. Bạn có thể trải nghiệm lễ thượng cờ vào 6h sáng và lễ hạ cờ tại Quảng trường Ba Đình vào lúc 21h hàng ngày. 

Địa chỉ: 2 đường Hùng Vương, phường Điện Bàn, quận Ba Đình – 1km từ Hoàng Thành 

Giờ mở cửa: 

  • Mùa hè: 7h30 – 10h30 thứ 3, thứ 4, thứ 5 và 7h30 – 11h00 thứ 7, chủ nhật
  • Mùa đông: 8h00 – 11h00 thứ 3, thứ 4, thứ 5 và 8h00 – 11h30 thứ 7, chủ nhật

Giá vé tham khảo:

  • Khách trong nước: Miễn phí
  • Khách nước ngoài: 25.000đ

Một số địa điểm thú vị khác cho hành trình thăm thú của bạn: Đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, cầu long Biên

Với giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc khu di tích Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới Hà Thành. Hy vọng những kinh nghiệm của Dulich3mien đã giúp du khách hiểu hơn về vẻ đẹp của kiến trúc cổ 1000 năm tuổi.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien