TRANG CHỦ / Du lịch Hà Nội / Làng gốm Bát Tràng – Dấu ấn làng nghề 700 năm tuổi

Làng gốm Bát Tràng – Dấu ấn làng nghề 700 năm tuổi

Tác giả: Nguyễn Quý
2.472 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
Làng gốm Bát Tràng
(Nguồn: @trang.trang2606)

Làng gốm Bát Tràng là một địa điểm du lịch làng nghề không thể bỏ qua. Bài viết dưới đây sẽ đưa đến cho bạn đọc một “góc nhìn du lịch” chi tiết về làng nghề, chợ gốm, bảo tàng gốm và các trải nghiệm nên thử khi tham quan Bát Tràng. 

Tham quan làng nghề truyền thống đang dần trở thành xu hướng với những tín đồ đam mê du lịch. Nếu bạn chưa có kế hoạch gì vào cuối tuần này, hãy cùng Du lịch 3 miền tới Bát Tràng và trải nghiệm giá trị văn hóa phi vật thể thông qua cuộc sống lao động của những nghệ nhân nổi tiếng đang hết lòng gìn giữ văn hóa dân tộc. 

Giới thiệu về làng gốm Bát Tràng 

Làng Bát Tràng ở ngoại thành Hà Nội vang danh là một làng nghề làm gốm lâu đời với trên 700 năm tuổi. Các sản phẩm gốm và sứ tinh xảo được đúc nặn từ chất đất sét trắng đặc biệt bởi bàn tay những nghệ nhân tài hoa sẽ khơi nguồn cảm hứng cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về món nghề truyền thống công phu này.

Làng gốm Bát Tràng ở đâu?

Địa chỉ: Nằm ở 204 Giang Cao, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội – cách trung tâm nội thành khoảng 15km. 

Du khách có thể lựa chọn phương tiện cá nhân hoặc xe bus để đi tới đây.

Ô tô, xe máy: 

  • Thời gian di chuyển: 30 phút từ trung tâm
  • Đường đi Bát Tràng bằng xe máy: đi qua đường Hoàng Diệu, Long Biên – Xuân Quang. Lộ trình di chuyển cụ thể sẽ được cập nhật đầy đủ trên Google Maps.
  • Phí gửi xe: từ 10,000đ/phương tiện. (Bạn có thể gửi xe ở sân đình làng). 

Xe bus đi Bát Tràng

  • Du khách có thể lên xe số 47A và xuống xe ở điểm dừng xe Bát Tràng rồi đi bộ khoảng 1km nữa là tới nơi. Lộ trình chi tiết có thể tham khảo tại busmap.vn.
Làng gốm Bát Tràng
(Nguồn: @tahoturtle)

Giá vé và giờ mở cửa

  • Giá vé vào làng gốm Bát Tràng: Miễn phí.
  • Giờ mở cửa: Làng gốm mở cửa cả ngày. Tuy nhiên, một số địa điểm tham quan ở đây sẽ có khung giờ hoạt động nhất định nên du khách cần phải lưu ý như: Nhà cổ Vạn Vân: 8h00 – 17h30; Lò bầu cổ: 8h00 – 17h30; Chợ gốm sứ Bát Tràng: 8h00 – 19h00.

Lịch sử làng gốm Bát Tràng Gia Lâm Hà Nội

“Bát Tràng” có ý nghĩa là “cái sân lớn” dành riêng để phát triển vật dụng sinh hoạt. Không chỉ thế, cái tên này khi dịch ra tiếng Hán có ý nghĩa là sự giàu có gắn liền với cội nguồn, là một lời nhắn nhủ cho con cháu tiếp tục duy trì những giá trị cốt lõi mà cha ông để lại. Thật vậy, làng gốm đã tồn tại được hàng trăm năm với nhiều ý nghĩa văn hóa to lớn, góp phần tạo nên bản sắc nước Việt.

Làng gốm Bát Tràng có từ bao giờ?

Theo truyền thuyết, làng gốm bắt đầu hình thành từ thế kỉ 11, khi vua Lý dời đô đến Thăng Long, các nghệ nhân di cư từ làng Bồ Bát (Ninh Bình) tới đây lập nghiệp. Nơi đây có nguồn nguyên liệu là đất sét trắng, đạt chất lượng để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Tuy nhiên, sử sách bắt đầu ghi lại được sự xuất hiện của làng vào thế kỉ 15, khi các sản phẩm gốm Bát Tràng được sử dụng rộng rãi cả trong nước và Quốc tế, vinh dự được triều đình lựa chọn làm vật cống cho nhà Minh. 

Sản phẩm làng gốm Bát Tràng
(Nguồn@chilan_hiroshima)

Sự phát triển của làng gốm Bát Tràng vẫn tiếp tục rực rỡ trong thế kỷ 16. Khi bước sang giai đoạn từ cuối thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 19, các sản phẩm gốm của Bát Tràng có sụt giảm trong xuất khẩu nhưng vẫn là sự lựa chọn hàng đầu trong nước. 

Vào thời kỳ Pháp thuộc, gốm Bát Tràng phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm ngoại nhập nhưng không hề thua kém, giữ được ưu thế nhất định. 

Cho đến hiện tại, làng nghề gốm sứ Bát Tràng vẫn duy trì sự phát triển vững bền và vẫn đang tiếp tục đào tạo nhiều nghệ nhân trẻ để tiếp tục giữ gìn truyền thống từ thời ông cha. Dần dần, nơi đây ngày càng phát triển, mở rộng chủng loại sản xuất, cải tiến công nghệ sản xuất và mang lại những sản phẩm chất lượng hơn. Bên cạnh đó, dân làng cũng giữ được giá trị cốt lõi của mình và đang nỗ lực phục chế các dòng men từ thời trước. 

Top trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng Hà Nội

Bát Tràng chắc chắn sẽ là một địa điểm du lịch gần Hà Nội lý tưởng để tham quan và khám phá trong một ngày. Là một làng nghề truyền thống nổi tiếng và lâu đời, đến đây du khách có thể tìm cho mình rất nhiều sản phẩm gốm và sứ độc đáo, tinh xảo; đồng thời những hoạt động nặn gốm, tô màu, tham quan bảo tàng gốm, xem các nghệ nhân lành nghề làm gốm,… hẳn sẽ là những trải nghiệm thích thú cho một ngày dạo chơi ở Bát Tràng. 

Làng gốm Bát Tràng có gì đẹp?

Chợ gốm làng cổ Bát Tràng (950m từ cổng làng)

chợ bát tràng
(Nguồn: @lasvegas1988)

Chợ có diện tích khoảng 6000m2 với hàng trăm cửa hàng khác nhau, đưa du khách vào chốn mê cung đầy màu sắc. Chợ gây ấn tượng với du khách bởi những loại sản phẩm đồ gốm Bát Tràng đa dạng: đồ gia dụng, đồ trang trí, đồ thờ cúng,…

Bên cạnh đó, giá cả ở đây cực kì phải chăng, rẻ hơn rất nhiều so với việc mua sắm ở những điểm phân phối khác. Có lẽ đây chính là lý do khiến chợ Bát Tràng luôn luôn là một địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch. 

Nhà bàn xoay Bát Tràng (1,9 km từ cổng làng)

Nhà bàn xoay là một trong những địa điểm không nên bỏ qua khi tham quan làng gốm Bát Tràng, Nhà bàn xoay hay bảo tàng gốm Bát Tràng được khởi công xây dựng từ năm 2018 với thiết kế vô cùng độc đáo, thể hiện tinh thần sáng tạo vô bờ của những người nghệ nhân.

nhà bàn xoay bát tràng
Nhà bàn xoay Bát Tràng (Nguồn: @trang29092001)

Công trình kiến trúc này được chia làm ba phần. Tầng một là khu trưng bày những sản phẩm gốm đẹp mắt từ những nghệ nhân nổi tiếng và không gian tổ chức các sự kiện nghệ thuật. Tầng hai được thiết kế mới lạ với hình dạng 7 bàn xoay tạo thành đường uốn lượn mềm mại, bao quanh bảo tàng.

Trong đó trưng bày các sản phẩm làng gốm Bát Tràng theo từng thời kì, giúp du khách tìm hiểu về quãng đường lịch sử Bát Tràng đã trải qua. Khu vực sân thượng trên cùng vô cùng thoáng mát, là địa điểm các đoàn khách có thể lựa chọn để tổ chức các sự kiện giải trí. Nhà bàn xoay đang ngày càng trở thành một địa điểm siêu “hot” thu hút rất nhiều khách tham quan tới thăm.

Lò bầu cổ Bát Tràng (700m từ cổng làng)

Lò sông Hồng B là lò bầu duy nhất còn tồn tại ở làng gốm Bát Tràng, có diện tích hơn 1000m2, dài 15m, phục vụ được nhu cầu nung nóng lượng sản phẩm rất lớn. Trong lò có năm vòm cuốn liên tiếp hình vỏ sò úp nối vào nhau. Bên ngoài lò nung là phòng trưng bày và khu trải nghiệm làm gốm được rất nhiều du khách ưa thích.

Lò bầu cổ bát tràng
Lò bầu cổ bát tràng (Nguồn: @hyuko_hanoi)

Nhân viên hướng dẫn ở lò bầu cổ đều rất lịch sự, nhiệt tình, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của khách hàng. Bên cạnh địa điểm này là một quán cafe mang phong cách hoài cổ, tao nhã với hương vị đồ uống thơm ngon để du khách dừng chân. 

Đình làng (1,2km từ cổng làng gốm Bát Tràng)

Đình được xây dựng để thờ sáu vị thần có công đánh giặc, giành lại cuộc sống yên bình cho người dân. Để bày tỏ lòng tôn kính, mọi chi tiết của đình đều được làm bằng những vật liệu tốt nhất. Cột, xà làm bằng gỗ lim chắc chắn; thềm đình, móng đình,… được xây bằng các loại gạch do dân làng sản xuất.

Đình làng bát tràng
Đình làng bát tràng (Nguồn: battrang.egal)

Đình được xây theo cấu trúc hình chữ Nhị gồm hai gian song song với nhau là đại đình và cung đình. Nơi này đã được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật xếp hạng vào năm 2002. Khi tìm hiểu về làng gốm Bát Tràng, du khách nên tới đây để có thể vừa tham quan mái đình lịch sử, vừa có thể hóng gió và tận hưởng không khí yên bình bên bờ sông Hồng. 

Nhà cổ Vạn Vân 

Nhà cổ Vạn Vân nằm ở cuối làng Bát Tràng, đã tồn tại hơn 200 năm và là nơi lưu lại những dấu tích phát triển qua từng thời kỳ của sản phẩm gốm. Du khách tới đây có thể tận hưởng không gian xanh với cây cối bao trùm, nhâm nhi một tách trà và thưởng thức các giá trị nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật. 

Khám phá làng cổ Đường Lâm với những ngôi nhà cổ có lịch sử 500 tuổi

Làng gốm Bát Tràng có gì chơi?

Chụp ảnh, check-in

Toàn bộ khung cảnh của khu vui chơi ở Hà Nội này đều mang một vẻ đẹp truyền thống, cổ xưa với “tone” màu đỏ gạch. Do đó, du khách có thể có những tấm hình ưng ý ở mọi góc của làng gốm.

Hình ảnh làng gốm bát tràng
(Nguồn: @snowball.0304)

Một số địa điểm mà du lịch 3 miền gợi ý cho bạn để check-in: cổng làng, chợ gốm, nhà bàn xoay,… Những bức ảnh mang lại từ làng gốm chắc chắn không làm bạn thất vọng vì chất “vintage” và thanh tao. 

Khám phá những giá trị văn hóa truyền thống làng nghề qua các sản phẩm từ gốm

Du khách đến làng gốm Bát Tràng sẽ được nghe những câu chuyện lịch sử lâu đời của làng gốm, tới thăm những địa điểm có ý nghĩa lớn đối với người dân nơi đây như đình Bát Tràng, nhà cổ Vạn Vân, lò bầu cổ,… Không chỉ thế, niềm yêu thích của du khách đến tham quan cũng chính là một động lực để các nghệ nhân tiếp tục yêu nghề và duy trì những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 

Trải nghiệm tham quan, tìm hiểu làng lụa Vạn Phúc, làng hoa Tây Tựu, làng nón Chuông – Những làng nghề truyền thống còn được lưu giữ đến ngày nay.

Đến một số xưởng trong làng và quan sát quy trình làm gốm Bát Tràng

Du khách có thể đi vào sâu trong làng và hỏi đường tới thăm một số xưởng làm gốm như Gốm sứ Minh Quang, Gốm sứ Hưng Hòa,… Người dân làng gốm Bát Tràng đều vô cùng hiếu khách, họ sẵn sàng giải đáp tất cả thắc mắc cho du khách muốn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Làng gốm Bát Tràng
(Nguồn: @kittenvirgo)

Khi tới những nhà xưởng này, bạn sẽ có cơ hội được quan sát quy trình làm gốm từ việc tạo cốt đến trang trí, phủ men và mang đi nung.

Trực tiếp trải nghiệm nặn gốm Bát Tràng 

Một trong những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ nhất của du khách khi đến làng gốm Bát Tràng là được bắt tay tự làm một sản phẩm bằng gốm ở khu vực sân tại lò bầu cổ. Du khách sẽ được cung cấp bàn xoay và các nguyên liệu cần thiết để tự sáng tạo tác phẩm của riêng mình.

Làng gốm Bát Tràng
(Nguồn: @expatvietnam)

Các nhân viên hướng dẫn vô cùng tận tình, mang đến cho khách hàng cảm giác thoải mái. Đặc biệt, họ còn nói tiếng Anh rất trôi chảy nên khu vực nặn gốm này cũng thu hút cả người nước ngoài. Du khách sẽ được trải nghiệm làm gốm, nhào nặn khuôn và tự tay trang trí sản phẩm trước khi nhờ nhân viên nung hộ. Bạn sẽ chỉ cần phải trả khoảng 40.000 – 60.000đ cho trải nghiệm thú vị này và thành quả mang về, rất “vừa túi tiền” đúng không nào?

Tô tượng, vẽ tranh cho trẻ em

Những gia đình có trẻ nhỏ rất ưa chuộng tới thăm làng gốm Bát Tràng bởi khu vực tô tượng, vẽ tranh. Chỉ với 10.000 – 15.000đ, các bé sẽ có trải nghiệm tuyệt vời cùng anh chị em và bạn bè. Vào mùa hè và các ngày cuối tuần, nơi đây thu hút rất đông khách hàng nhí, tạo nên một không khí nhộn nhịp, nô nức tiếng cười trẻ thơ. 

Mua sắm

Đến với làng gốm, du khách chắc chắn sẽ phải “rút ví” khi đi tham quan khu chợ. Bên cạnh việc được sở hữu những sản phẩm đẹp mắt, mua các sản phẩm ở đây cũng là một cách thức thể hiện sự tôn trọng công sức, chất xám của những người nghệ nhân hết lòng vì công việc của mình. Vào dịp Tết, khu chợ đông đúc hơn bao giờ hết khi các gia đình bắt đầu sắm lễ đầu năm. 

Lễ hội làng gốm Bát Tràng

Khi tới tham quan vào đúng dịp ngày Rằm tháng hai âm lịch, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm không khí lễ hội làng gốm được diễn ra tại đình Bát Tràng với nhiều hoạt động vô cùng thú vị như: lễ rước nước, lễ tắm bài vị, lễ dâng thành hoàng, hát thờ, chơi cờ người,…

Như vậy, du khách có thể dành một ngày đầy trải nghiệm tại làng gốm sứ Bát Tràng với chi phí vô cùng rẻ. Khi tới đây, bạn sẽ được miễn phí vé vào cửa và chỉ cần chi trả khoảng 100.000đ/ người cho các hoạt động giải trí hoặc mua sắm nếu có.

Ăn gì tại làng gốm Bát Tràng?

Đến với làng gốm, du khách đừng quên thưởng thức một số món ăn nổi tiếng nơi đây ở khu chợ Bát Tràng. Cùng theo chân du lịch 3 miền điểm tên một số món ăn nhất định không thể bỏ lỡ.

Canh măng mực

Được mệnh danh là món ăn “lên rừng, xuống biển”, đây là sự kết hợp mới lạ, độc đáo giữa măng và mực, mang chất riêng của người dân làng gốm Bát Tràng. Nước dùng trong canh làm từ nước luộc gà, nước hầm xương và tôm he mang hương vị vô cùng khó cưỡng.

Canh măng mực làng gốm bát tràng
Canh măng mực (Nguồn: @hoabachhop0109)

Mọi công đoạn trong khâu chế biến món ăn đều phải được thực hiện tỉ mỉ để cho ra một món ăn đạt chuẩn nhất với vị ngọt và mặn đậm đà của mực kết hợp cùng măng giòn tan. 

Bánh tẻ

Bánh tẻ là đặc sản từ Hưng Yên, Sơn Tây, làm từ gạo tẻ, thịt ba chỉ, mộc nhĩ và lá dong. Đây là một món ăn vô cùng gần gũi với người dân Việt Nam với hương vị béo bùi và giá cả cũng rất vừa túi tiền. Đừng quên xin thêm cô chủ quán một chút tương ớt để thưởng thức bánh tẻ ngon miệng hơn!

Bánh khoai nướng – món ăn vặt nên thử khi du lịch làng gốm Bát Tràng

Nếu bạn là “fan” cuồng của khoai nướng thì chắc chắn không thể bỏ qua món ăn này. Ngày trước, bánh khoai nướng là một món ăn “cứu đói” người dân Việt Nam, nhưng lại bất ngờ trở thành một đặc sản địa phương mà du khách nào cũng muốn thưởng thức. Đến với Bát Tràng, du khách sẽ được trải nghiệm chiếc bánh nướng với sắc tím, vàng cực kì xinh xắn, ngon mắt. Bánh khoai nướng có mùi thơm từ khoai thoang thoảng, hương vị ngọt ngào và vô cùng thu hút. 

Xôi vò chè đường

Đây là một món ăn nổi tiếng của làng gốm Bát Tràng đặc biệt là vào mùa hè. Để làm ra được món tráng miệng này, người chế biến phải trải qua rất nhiều công đoạn kì công.

Khi thường thức, thực khách có thể cảm nhận được hương thơm thanh tao, mùi vị ngọt bùi, chắc chắn sẽ làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất. Đây được coi là món ăn không thể bỏ lỡ khi tham quan Bát Tràng. 

Trà hột hoa sói

Trà được pha chế từ những nụ chè chất lượng và hoa sói với hương thơm mát dịu. Sắc trắng của hoa kết hợp cùng màu nước sẽ tạo nên một tách trà cực kỳ bắt mắt. Đặc biệt, trà hột hoa sói không hề gây mất ngủ nên du khách có thể thưởng thức mà không cần lo lắng bất cứ điều gì về sức khỏe như những loại trà khác. Trà đã trở thành một thú vui tao nhã của người dân địa phương và dần trở thành một phương thức quảng bá vùng Bát Tràng đến với du khách tứ hướng.

Kinh nghiệm đi làng gốm Bát Tràng Hà Nội

Du lịch 3 miền sẽ đưa ra một số lưu ý giúp cải thiện trải nghiệm của du khách ở Bát Tráng:

  • Thứ nhất, du khách có thể sử dụng xe đạp để di chuyển trong làng để tham quan, đây cũng là hoạt động mà trẻ nhỏ vô cùng yêu thích.
  • Thứ hai, khi mua hàng, du khách hãy thử mặc cả để có được mức giá tốt hơn cho mình.
  • Thứ ba, trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm có thể gặp lỗi nên du khách cần xem kỹ sản phẩm trước khi mua để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
  • Thứ tư, khi có trẻ nhỏ, du khách cần chú ý an toàn, tránh gây đổ vỡ các sản phẩm trưng bày, buôn bán.
  • Thứ năm, du khách có thể tới tham quan một số địa điểm gần làng gốm Bát Tràng như Ecopark, Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên,… để trải nghiệm của mình thêm trọn vẹn. 


Bạn đã sẵn sàng lựa chọn Bát Tràng là địa điểm tham quan cho cuối tuần này của mình chưa? Chúng tôi rất mong bài viết của mình đã cung cấp được cho bạn hình ảnh làng gốm Bát Tràng hấp dẫn và chi tiết với vô vàn điều thú vị cần được khám phá. Nếu bạn tiếp tục muốn tìm kiếm những địa điểm du lịch lý tưởng ở khắp đất nước Việt Nam, đừng quên theo dõi hoặc để lại email cho dulich3mien để có được những kinh nghiệm hữu ích.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien