TRANG CHỦ / Du lịch Hà Nội / Khám phá làng lụa Vạn Phúc, Cái nôi tơ lụa truyền thống Việt Nam

Khám phá làng lụa Vạn Phúc, Cái nôi tơ lụa truyền thống Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Quý
2.031 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
Làng lụa Vạn Phúc
(Nguồn: @nhat_bun)

Đến với làng lụa Vạn Phúc Hà Đông, du khách sẽ có dịp tìm hiểu các sản phẩm lụa chất lượng cao, khám phá quy trình dệt lụa kỳ công, và cách thức người dân Vạn Phúc duy trì và phát triển làng nghề trong suốt hơn 1200 năm qua. Dưới đây là một số thông tin hữu ích khi du khách muốn tìm hiểu và trải nghiệm khi tham quan làng nghề truyền thống Vạn Phúc.

 

Làng lụa Vạn Phúc hay còn có tên gọi khác làng lụa Hà Đông là một trong những thiên đường sống ảo đẹp nhất nhì Hà Thành. Nơi đây là cái nôi của nghề dệt lụa gấm, một ngôi làng cổ kính, bình yên giữa lòng đô thị đông đúc, tấp nập người xe qua lại.

Lụa Vạn Phúc cùng với lụa Hội An, lụa Bảo Lộc, lụa Tân Châu,… đã đưa lụa Việt Nam đến với bạn bè thế giới, được nhiều người yêu thích, ưa chuộng bởi mỏng, mát và nhẹ tênh. Lụa Vạn Phúc lần đầu tham dự hội chợ Marseille từ năm 1931, đến nay vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp đặc trưng vốn có mà không bị cuốn theo sự xô bồ của đô thành.

Làng lụa Vạn Phúc thuộc địa phương nào?

Làng dệt lụa nổi tiếng này thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Du khách có thể lựa chọn một trong những phương thức di chuyển sau:

  • Phương tiện cá nhân: Tuyến đường di chuyển: đường Tôn Đức Thắng → đường Nguyễn Lương Bằng → đường Tây Sơn → đường Nguyễn Trãi → đường Trần Phú → rẽ phải vào Chu Văn An → đi tiếp khoảng 2km nữa điểm đến của du khách nằm ở bên phải đường. Cách cổng làng Vạn Phúc vài mét có một điểm trông giữ xe, du khách có thể gửi phương tiện ở đây với giá: 5.000đ/xe máy và 30.000đ/ô tô.
  • Xe buýt: Du khách có thể lựa chọn xe buýt số 19, số 22C, số 33, số 57, số 89 để đến đây; giá vé: 7.000đ/người/lượt; thời gian di chuyển: 45 – 60p/chuyến; điểm dừng: cổng chùa Vạn Phúc Hà Đông, sau đó đi bộ khoảng 190m.

Tham quan làng lụa Vạn Phúc Hà Đông

Sản phẩm lụa Vạn Phúc có gì đặc biệt ?

Với lịch sử phát triển lâu đời, sản phẩm lụa của làng nghề truyền thống Vạn Phúc đã từng được sử dụng để may phục triều từ thời Nhà Nguyễn (1802 – 1945). Nhờ chất lượng và màu sắc đa dạng nên rất được ưa chuộng thời bấy giờ.

Năm 1931 khi tham gia Hội chợ quốc tế Marseille lụa Vạn Phúc cũng được đánh giá là sản phẩm “tinh xảo của Đông Dương”. Từ năm 1990 sản phẩm lụa của làng lụa Vạn Phúc chính thức được xuất khẩu và bày bán tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Lụa Vạn Phúc
(Nguồn: @nhat_bun)

Toàn bộ quy trình dệt lụa ở đây vô cùng phức tạp và được làm hoàn toàn thủ công. Nhờ thế mà văn lụa rất trong, đẹp mà không bị già hay dễ nhăn, độ dày cũng vừa phải. Khi đặt dưới ánh nắng mặt trời có thể nhìn thấy hàng vạn tia ánh sáng nhỏ xuyên qua tựa như chiếc quạt giấy nhưng lại bền chắc khó rách, điều mà không phải sản phẩm lụa nào cũng có được.

Lụa Vạn Phúc
Lụa Vạn Phúc (Nguồn: @h_uang_ying)

Tính đến nay thì cũng chỉ có làng lụa Vạn Phúc mới có thể dệt được lụa Vân như vậy. 

Với bề dày lịch sử gần 1.200 năm từ khi hình thành và phát triển thì lụa Vạn Phúc luôn là sản phẩm có chất lượng tốt và chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, xứng tâm là thương hiệu Việt Nam nổi tiếng quốc tế.

Làng lụa Vạn Phúc có gì đẹp?

Với du khách làng lụa Hà Đông không chỉ nổi tiếng với sản phẩm lụa chất lượng mà còn hấp dẫn bởi khung cảnh tuyệt đẹp, tựa như thế giới của câu chuyện cổ tích ngoài đời thực.

Nằm ngay cạnh đường Chu Văn An, cổng làng hiện ra sừng sững, kiên cố với lối kiến trúc đơn giản. Nhưng nổi bật bởi màu đỏ tươi của gạch và lối kiến trúc cổng tam quan đặc trưng của cổng làng quê vùng Bắc Bộ.

Cổng Làng Vạn Phúc
(Nguồn: @naoko_ro)

Hai bên cổng là hai câu đối, bên trái của cổng là bia đá khắc chữ cách điệu “làng lụa Vạn Phúc”. Từ xa xưa thì cổng làng luôn là một công trình quan trọng, được chú trọng xây dựng với mục tiêu bảo vệ cuộc sống bình yên của dân làng.

Bước qua cổng làng là không gian rực rỡ sắc màu của những chiếc ô với nhiều màu sắc trên đoạn đường dài khoảng 200m. Đoạn đường này trở thành địa điểm chụp hình được nhiều du khách yêu thích, đây cũng là điểm nhấn tạo nên không gian đặc biệt cho ngôi làng cổ này, tựa như nét chấm phá hiện đại giữa không gian cổ kính.

Đặc biệt, hình ảnh làng lụa Vạn Phúc dưới ánh chiều tà được tô điểm bởi những chiếc ô nhiều màu càng thêm phần rực rỡ, lung linh, trở thành một trong những địa điểm chụp ảnh đẹp ở Hà Nội. Nơi đây chính là “cục nam châm” thu hút nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ.

Hình ảnh làng Lụa Vạn Phúc
(Nguồn: @myle.286)

Giữa làng lụa chính là bức tường bích họa rực rỡ sắc màu, nơi tái hiện lại nhiều hình ảnh thân thương của làng quê Việt xưa như: đôi quang gánh, cầu ao, cổng làng, gốc đa, cánh đồng lúa,… Các cụ già trong làng lụa Vạn Phúc thường ngồi trên những băng ghế dài tận hưởng một buổi chiều yên bình và tâm sự những câu chuyện về cuộc sống thường nhật. Hình ảnh thân thương và yên bình ấy khiến nhiều du khách không khỏi bồi hồi nhớ quê hương. 

Con đường làng lụa Vạn Phúc
(Nguồn: @chriswood8713)

Trải dài khắp dãy phố Lụa là những cửa tiệm lớn nhỏ chuyên bày bán lụa và các sản phẩm lụa Vạn Phúc với nhiều màu sắc, chủng loại và giá thành khác nhau. Du khách có thể chọn mua từ áo dài, tấm vải lụa, khăn lụa cho đến những món đồ thủ công từ lụa như tranh lụa, túi xách bằng lụa,… Đồng thời cũng có dịp tìm hiểu về quy trình sản xuất lụa tại làng nghề từ khi nuôi tằm, se sợi, nhuộm màu cho tới dệt vải,… Mỗi dải lụa rực rỡ sắc màu ở đây đều chứa đựng đầy tình yêu nghề, sự gắn bó với nghề và tâm huyết của người dân làng lụa Vạn Phúc Hà Đông.

Làng lụa cổ Vạn Phúc
(Nguồn: @nhat_bun)

Không những thế trong làng nghề cổ Vạn Phúc còn rất nhiều góc lưu giữ lại hình ảnh của làng quê Việt Nam xưa khiến nhiều du khách thích thú: giếng nước làm từ đá tổ ong, gốc đa đầu làng, sân đình – mái đình làng, rặng tre làng xanh mát, bàn trà cổ bằng tre, con ngõ nhỏ cổ kính,…. Tất cả hòa quyện với nhau cùng với không gian yên tĩnh khác biệt hoàn toàn với phố xá ồn ào ngoài kia, khiến du khách cảm nhận như bước chân vào thế giới trong truyện cổ tích Việt Nam, gần gũi mà thân thương đến lạ.

Tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử với các làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng hoa Tây Tự, làng nón Chuông hay nét đẹp của làng quê Bắc Bộ xa xưa ở làng cổ Đường Lâm.

Trải nghiệm thú vị khi du lịch làng lụa Vạn Phúc

Giữa không gian cổ kính của làng quê Việt Nam ấy một tà áo dài, một chiếc nón lá sẽ cho du khách một bộ ảnh tuyệt đẹp. Tại đây cũng có dịch vụ cho thuê áo dài chụp ảnh với giá khoảng 100.000 – 250.000đ/bộ. Đây cũng là địa điểm chụp ảnh áo dài lý tưởng bởi du khách có thể kết hợp du lịch làng nghề và chụp hình nghệ thuật.

Du khách cũng có cơ hội tìm hiểu về những cỗ máy phục vụ quá trình dệt vải của người dân làng nghề Vạn Phúc. Thiết kế tưởng chừng như đơn giản ấy lại hoạt động vô cùng phức tạp và đòi hỏi người thao tác phải khéo tay, nhanh mắt và kiên trì, có lẽ bởi vậy mà sản phẩm lụa Vạn Phúc luôn có chất lượng tốt, vải lụa mềm mịn trơn nhẵn, và có độ bền cao. Từ công đoạn quay tơ, dệt lụa, nhuộm màu đều được tái hiện một cách sinh động giúp du khách có cái nhìn chân thực nhất về quy trình làm nghề. Đặc biệt, du khách đừng quên “check in” với những máy dệt, quay guồng đã có niên đại hàng chục năm ở đây.

Máy dệt làng lụa Vạn Phúc
(Nguồn: @krissy_kidd)

Làng lụa Vạn Phúc Hà Đông cũng hấp dẫn du khách bởi những món ngon đậm chất quê với giá từ 5.000 – 10.000đ như: thạch dừa, chè đỗ đen, bánh rán,… Chiếc xe đẩy nhỏ xinh luôn đầy ắp đồ ăn và hương thơm khiến du khách nhớ mãi không quên tựa như lời bài hát “Áo lụa Hà Đông” chẳng biết từ bao giờ đã in đậm trong trí nhớ của bao người.

Mua sắm những sản phẩm từ lụa với mức giá từ 200.000đ và tận tay, tận mắt cảm nhận chất lượng siêu đỉnh. Sản phẩm từ lụa ở đây khá đa dạng nhưng “hợp ý” nhiều du khách hơn cả có thể nhắc tới như: khăn quàng cổ, khăn tay, áo dài,… Kinh nghiệm mua hàng ở làng lụa Vạn Phúc du khách nên “bỏ túi”:

  • Cách 1: Vò lụa – lụa nguyên chất sẽ trở về dáng vẻ ban đầu ngược lại lụa pha có thể nhăn hoặc nhàu nát, mất thẩm mỹ.
  • Cách 2: Quan sát – lụa được làm thủ công nên sẽ có một số lỗi nhỏ, ngược lại lụa pha màu sắc sẽ bắt mắt và rực rỡ hơn.
  • Cách 3: Thử lửa – Lụa nguyên chất khi cháy có mùi khét, than dùng tay vò nhẹ sẽ ra bọt ngược lại lụa pha có mùi khét tựa đốt nilon, khói đen và vón cục vò cũng không tan.

Kết thúc hành trình tham quan và khám phá làng lụa Vạn Phúc Hà Đông – làng nghề dệt lụa lâu đời và nổi tiếng nhất nhì Việt Nam, nhiều du khách không khỏi bồi hồi bởi những trải nghiệm thú vị: quy trình ươm tơ – dệt lụa, khung cảnh làng quê Việt Nam bình yêu,… Nếu có dịp du khách hãy khám làng nghề lụa Vạn Phúc và lựa chọn cho mình một vài sản phẩm phù hợp. Đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật thông tin du lịch mới nhất.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien