TRANG CHỦ / Du lịch Đà Lạt / Chùa Linh Quy Pháp Ấn | Khám phá “Nơi giao thoa của đất trời”

Chùa Linh Quy Pháp Ấn | Khám phá “Nơi giao thoa của đất trời”

Tác giả: Nguyễn Quý
1.708 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
linh quy pháp ấn
Ảnh: @lena.ng412

Chùa Linh Quy Pháp Ấn là một trong những ngôi chùa lớn và đẹp nhất ở tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù không nằm trong thành phố Đà Lạt nhưng đây vẫn được coi là địa điểm tham quan nổi tiếng của xứ sở ngàn thông. Chùa thu hút du khách bởi lối kiến trúc độc đáo, một địa điểm tâm linh quan trọng đối với người dân khu vực xung quanh.

Không những vậy, nơi đây còn là tọa độ ngắm cảnh và check in tuyệt vời, địa chỉ săn mây đẹp không thua kém gì ở Đà Lạt mà bạn không nên bỏ lỡ. Hãy cùng dulich3mien khám phá chi tiết về ngôi chùa này tại bài viết dưới đây nhé!

Địa chỉ chùa Linh Quy Pháp Ấn ở đâu?

Chùa nằm trên địa bàn xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây cách thành phố Sài Gòn khoảng 215km về phía Bắc và cách thành phố Đà Lạt 121km về phía Tây Nam. Nếu muốn tìm đường tới tham quan vãn cảnh chùa, bạn có thể tham khảo lộ trình đường lên chùa Linh Quy Pháp Ấn như sau: 

  • Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, đi về hướng Tây Nam lên đường Hùng Vương (QL20), tại vòng xuyến, tiếp tục đi thẳng vào đường Trần Hưng Đạo. Đi dọc đường Trần Hưng Đạo khoảng 1.5km thì gặp vào xuyến nữa. Tại đây, bạn đi theo lối ra thứ 3 vào đường Ba Tháng Tư. 
  • Đi tiếp khoảng 9km nữa thì nhập vào đường Mimosa rồi đi khoảng 3km thì chếch sang bên phải để vào QL20. Đi thêm 10km trên QL20 thì lại chếch sang phải lần nữa để vào QL20/Ql27. Tại Vòng xoay Liên Khương, đi theo lỗi thứ 3 vào QL20 theo hướng Thành phố Hồ Chí Minh. 
  • Chạy theo tuyến đường này 78km thì rẽ trái đi qua Lò Bánh Mì Danh Tiến, sau đó rẽ phải rồi lại rẽ trái vào đường Trần Hưng Đạo (QL55). Tiếp tục đi theo QL55 khoảng 8,8km thì bạn rẽ phải và sau đó đi thẳng qua Tạp hóa Thiên Đường rồi rẽ vào đường mòn Linh Quy là bạn sẽ thấy chùa Linh Quy Pháp Ấn phía bên tay trái. 
chùa linh quy pháp ấn
Ảnh: @tranmira

Để lý giải về tên gọi ấn tượng của chùa thì từ Linh Quy xuất phát từ việc ngọn đồi 54 nơi ngôi chùa nằm trên nếu nhìn từ trên cao sẽ có hình dạng của một con rùa lớn, vì vậy mà nó còn có tên là đồi Linh Quy. Ý nghĩa của chữ Pháp Ấn trong tên chùa là 3 dấu ấn quan trọng của đạo phật bao gồm vô thường, vô ngã và không. 

Theo người dân truyền tai nhau thì trước đây, chùa Linh Quy Pháp Ấn chỉ là một vùng đất hoang sơ, xung quanh chỉ có núi đồi cùng các vườn chè và cà phê. Lúc bấy giờ, vị tổ sư của chùa đã vô tình đặt chân đến đây, nhận thấy rằng nơi này có khung cảnh sơn thủy hữu tình nên đã xây dựng một cốc nhỏ và quyết định tu nghiệp. Dần dần thầy xây thêm những hạng mục mới và có được ngôi chùa hoành tráng và tôn nghiêm như ngày nay. 

Chùa Linh Quy Pháp Ấn có điểm gì đặc biệt?

Lối kiến trúc độc đáo 

Chùa nằm trên một ngọn núi cao với diện tích khuôn viên vào rộng đến 40ha. Điều khiến nhiều du khách thấy thích thú là các công trình xây dựng của chùa đều nằm ẩn mình trong thiên nhiên kỳ thú. Tất cả như hòa hợp, nương vào nhau. Chánh điện chùa có thiết kế đơn sơ với mái tôn vách gỗ, tượng phật bày trí tinh gọn ngay chính giữa. Trước cửa điện là tượng đức phật Di Lặc màu trắng ngồi an nhiên giữa đất trời dưới vòm tre xanh mát. Theo một lối nhỏ quanh co, qua rặng trúc đậm dấu ấn thiền tĩnh bạn sẽ đến Giảng Đường của chùa Linh Quy Pháp Ấn. Đây là gian nhà với mái ngói xám tựa theo phong cách kiến trúc Nhật Bản nằm ẩn vào lưng đồi. Trước mặt là một khu vườn, bên dưới là một hồ nước quanh năm trong xanh soi bóng Giảng Đường. Khu vườn yên tĩnh này cũng là nơi các chư tăng vẫn hằng ngày tọa thiền. 

chùa linh quy pháp ấn ở đâu
Tượng Phật ở ngoài chùa – Ảnh: @ducanh17.pt

Một trong những hạng mục được ưu tiên và chú trọng nhất tại chùa Linh Quy Pháp Ấn chính là thư viện. Nơi đây được xây dựng mang theo tâm ý của vị tổ sư khai sơn nhằm chia sẻ kiến thức cho mọi người, hướng đến việc tu thân, tu học. Thư viện có kiến trúc đơn giản, không gian yên tĩnh, thoáng đãng để người đọc có thể chú tâm vào sách vở. Nhìn chung, tổng thể của Linh Quy Pháp Ấn mang đậm tinh thần triết lý nhà phật, nương theo pháp mà thành nên mọi chi tiết kiến trúc, trang trí đều tối giản, chủ yếu dựa vào khung cảnh xung quanh, mọi thứ như hòa quyện vào thiên nhiên. 

Công trình thể hiện rõ nhất tinh thần trên chính là sân Quán Chiếu Đường được xây dựng vào năm 2011. Đây cũng có thể xem là biểu tượng của chùa Linh Quy Pháp Ấn. Hàng ngàn du khách tới tham quan Đà Lạt chỉ mong một lần đặt chân đến đây để được hòa mình với thiên nhiên thiền đạo. Vị sư trụ trì xây dựng Quán Chiếu Đường nhằm giúp chư tăng và chúng sanh có nơi để ngẫm lại bản thân, tháo gỡ mọi muộn phiền. Khi vừa đặt chân lên sân, du khách như bị hớp hồn bởi cảnh vật thiên nhiên hòa cùng cảnh quan kiến trúc tạo ra một bức tranh thật hùng vĩ.

Quả thật, nhà sư đã rất tinh tường khi chọn được một vị thế xuất sắc để xây dựng sân thiên chùa Linh Quy Pháp Ấn. Ngồi thiền định giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình mà tráng lệ như thế này thì chẳng mấy mà lòng sẽ lặng, tâm sẽ sáng. Ngay cả lối kiến trúc của 3 chiếc cổng Không Môn cũng rất đơn giản mà tinh tế, thấm đậm chất thiền, góp phần làm nổi bật cảnh vật đại ngàn xứ Bảo Lộc. Theo dụng ý của các chư tăng thì 3 cánh cổng này chính là tượng trưng cho Tam giải thoát môn gồm Không Môn, Vô Tướng, Vô Tác.

cổng trời linh quy pháp ấn
Ảnh: @uanxenxen

Thiết kế của 3 cánh cổng được lấy cảm hứng từ cổng Torii của Nhật Bản. Tuy nhiên khác với cổng Torii ở Nhật Bản, cổng trời chùa Linh Quy Pháp Ấn không thể bước qua được. Đây cũng là dụng ý của các thiền sư nơi đây. Theo các nhà sư, để bước qua được cổng Thần Đạo thì con người ta phải đạt được đến cảnh giới Không, tức là tâm đã không vướng bụi trần, không còn những chuyện hơn thua, hận thù, chán ghét.

Phía trên của sân Quán Chiếu Đường Linh Quy Pháp Ấn là một điện thờ phật chạy dài theo khoảng sân. Điện thờ bằng gỗ và mái ngói màu chàm theo phong cách tối giản từ lối xây dựng đến bài trí như ngụ ý người tu đã vứt bỏ mọi thứ của thế gian, chỉ còn lại là “không”. Hai bên điện là những chiếc chuông gió với kích thước lớn phát ra những tiếng leng keng trầm lắng hòa quyện cùng tiếng chim hót véo von từ rừng núi xung quanh.

linh quy pháp ấn bảo lộc
Ảnh: ducanh17.pt

Trước điện thờ nhìn xuống sân thiền là tượng mặt của phật Thích Ca Mâu Ni theo lối điêu khắc 3D để từ nhiều góc độ mọi người đều có thể nhìn thấy ngay. Tiếp theo đó là những dãy bậc thang thật rộng trải dài xuống bậc sân thiền. Đây chính là nơi để các chư tăng ngồi tụng kinh niệm phật hay ngồi thiền. Ngay cạnh sân Quán Chiếu Đường chùa Linh Quy Pháp Ấn là một tiểu cảnh rất độc đáo. Chỉ với những tảng đá đen và biển sỏi trắng mà các vị sư của chùa đã thể hiện được triết lý về thiền định và sự tĩnh tại. 

đường lên chùa linh quy pháp ấn
Ảnh: @ucanh17.pt

Dù mới được xây dựng từ những năm 2005 nhưng chùa đã và đang ngày càng nổi tiếng. Các dòng người hành hương nhiếp ảnh tìm đến nơi đây càng ngày càng đông. Họ không chỉ ghé thăm lễ chùa mà còn để ngắm cảnh bởi nơi đây cứ mỗi mùa, mỗi ngày, mỗi giờ lại mang một dáng vẻ khác nhau. Nếu chùa Linh Quy Pháp Ấn đón bình minh bằng những biển mấy trắng xóa thì lại bảng lảng một màu tím pha xanh khi mặt trời dần tắt. Có khi sương chạm vào cả sân thiên, những ai đứng ở đây sẽ có cảm giác như đang rảo bước trên mây. Đến trưa, cảnh vật trong vắt, nét hùng vĩ của đại ngàn được khoe rõ hơn bao giờ hết.

>> Có thể bạn quan tâm:

Kinh nghiệm săn mây tại cổng trời Linh Quy Pháp Ấn

Kể từ sau khi xuất hiện trong MV “Lạc trôi”, nhiều người đã phát hiện ra cổng trời chùa là một địa điểm săn mây tuyệt vời ở Đà Lạt. Kể từ đó, rất nhiều bạn trẻ đã lặn lội lên chùa để săn mây vào sáng sớm. 

5 giờ sáng chính là thời điểm tuyệt vời nhất bởi đây là lúc những làn làn sương sớm như một tấm chăn bao quanh sân Quán Chiếu Đường và cổng trời chùa Linh Quy Pháp Ấn. Tuy nhiên ngay sau đó là khoảnh khắc mặt trời bắt đầu ló rạng từ phía chân trời, xuyên qua những đám mây, dần dần xóa tan đi lớp sương mờ.

cổng trời chùa linh quy pháp ấn
Săn mây tại chùa – Ảnh: Sưu tầm

Để chuẩn bị cho một chuyến đi săn mây như vậy, bạn cần nghỉ đêm tại một địa điểm lưu trú trên thành phố Bảo Lộc, càng gần chùa càng tốt. Sau đó, nhớ đặt chuông đồng hồ để thức dậy từ 2 – 3h sáng chuẩn bị ăn sáng và bắt đầu di chuyển đến địa điểm này. Vì đường đi từ chân đồi lên đến chùa vẫn còn đang trong quá trình xây dựng nên hơi khó đi, bạn nhớ chú ý tay lái để đảm bảo an toàn nhé.  

Thông tin khác về chùa Linh Quy Pháp Ấn

Lưu ý khi đi chùa

  • Để bày tỏ sự tôn trọng đối với không gian linh thiên của chùa Linh Quy Pháp Ấn, bạn nên chú ý ăn mặc kín đáo, lịch sự, không phô trương, hở hang. 
  • Khi tới đây bạn phải chú ý giữ trật tự để không làm ảnh hướng tới các hoạt động của các thiền sư trong chùa.  
  • Chú ý không vứt rác bừa bãi, giữ gìn cảnh quan chùa. 

Địa điểm lưu trú gần chùa Linh Quy Pháp Ấn

OOlong Villa – DoiDep Tea Resort

  • Địa chỉ: Số 27 đường Cao Thắng, huyện Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
  • Số điện thoại: 0919 32 16 16 
  • Giá phòng tham khảo: 2.440.000 – 19.900.000 VNĐ/đêm

Khách sạn Sao Vàng

  • Địa chỉ: Số 801 đường Trần Phú, phường 2, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
  • Số điện thoại: 0931 27 17 39
  • Giá phòng tham khảo: 530,000 – 1,100,000 VNĐ/đêm

Khách sạn ngôi sao Liên Đô

  • Địa chỉ: Số 905A đường Trần  Phú, phường B’Lao, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
  • Số điện thoại:  02633 86 86
  • Giá phòng tham khảo: 350.000 – 1.550.000 VNĐ/đêm 

Chùa Linh Quy Pháp Ấn với kiến trúc khác biệt cùng cảnh sắc thiên nhiên diệu kỳ luôn đem đến cho du khách tham quan những điều bất ngờ thú vị. Nếu có kế hoạch đến với Đà Lạt, đến Lâm Đồng, đừng bỏ lỡ cơ hội được tận hưởng những phút giây lắng đọng bình yên tại ngôi chùa “trên mây” này bạn nhé!

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien