Nhà tù Phú Quốc hay còn được gọi là Nhà lao Cây Dừa là một địa điểm lịch sử đã chứng kiến những màn tra tấn dã man của đế quốc Mỹ đối với các chiến sĩ yêu nước, đi cùng đó là nơi đã dõi theo ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của tù nhân chính trị, không chịu khuất phục trước cường thế, bạo hành.
Kể từ khi được xây dựng từ năm 1946, xuyên suốt gần 30 năm cho đến ngày đất nước giải phóng 30/4/1975, nhà tù Phú Quốc đã trải qua 2 thời kỳ đen tối dưới thời Pháp thuộc và dưới triều đại Mỹ – Ngụy, dù cho chứa đựng những đau buồn, mất mát của những chiến sĩ đã mãi mãi ngã xuống nhưng nơi đây cũng chính là minh chứng hào hùng cho ý chí đấu tranh bất khuất của cha anh, vì một ngày mai tươi sáng cho những thế hệ sau
Nhà tù Phú Quốc ở đâu?
Nhà tù nằm ở số 350, đường Nguyễn Văn Cừ, xã An Thới, Phú Quốc. Nằm cách trung tâm thị trấn Đông Dương 28 km, đoạn đường di chuyển từ thị trấn đến nhà tù khá dễ đi, du khách có thể thuê xe máy, xe du lịch hoặc đi xe khách tới đây, thời gian di chuyển rơi vào khoảng 40 phút – 1 tiếng tùy vào phương tiện di chuyển.
- Nhà tù Phú Quốc giá vé: Mở cửa tham quan miễn phí
Còn được biết đến với cái tên Nhà lao Cây Dừa vào thời kỳ chiến tranh Đông Dương, nơi đây đã chứng kiến những tội ác dã man của 2 nước ngoại xâm Pháp, Mỹ.
Ngoài ra còn có những câu chuyện xúc động về sự hy sinh, anh dũng chiến đấu của những chiến sĩ cách mạng tại nhà tù trước cường quyền của thực dân và đế quốc, thú vị nhất là một vài câu chuyện về quá trình vượt ngục của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa để trở về với Cách mạng, chiến đấu vì nền hòa bình sau này của đất nước.
Khám phá nhà tù Phú Quốc
Tìm hiểu về lịch sử đau thương của nơi đây
Thời Pháp thuộc: Sau năm 1946, khi Pháp chiếm đóng Phú Quốc đã cho xây dựng một hệ thống nhà tù với quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ để giam giữ tù nhân chính trị, chiến sĩ cách mạng và những người dân chống đối Pháp.
Nhà tù với diện tích 40ha, chia làm 4 khu vực, các khu vực đều có rào thép gai, đèn hiệu, chòi canh với binh lính được trang bị vũ trang đầy đủ đi tuần thường xuyên.
Tính đến năm 1954, nơi đây đã giam giữ khoảng 14.000 tù nhân, dưới sự tra tấn bóc lột đã có 99 chiến sĩ cộng sản đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Phú Quốc. Sau hiệp định Geneve chứng kiến sự thất bại của thực dân Pháp trong chiến tranh Việt Nam, tưởng rằng nhà tù sẽ không còn có những người yêu nước ngã xuống nữa, nhưng không, nơi đây bắt đầu chuyển giao sang một giai đoạn mới, tàn bạo và dã man hơn, thời kỳ Mỹ – Ngụy.
Thời kỳ Mỹ – Ngụy: Sau khi Pháp rút quân khỏi nhà tù, nơi đây chuyển sang giai đoạn quản lý của Mỹ – Ngụy sau khi thực hiện chiến tranh ở Nam Bộ, lúc đó nhà tù có tên là nhà lao Cây Dừa. Vào thời kỳ Mỹ – Ngụy, nhà tù được phân chia rõ ràng thành các khu riêng hơn thời Pháp thuộc, đây được coi là thời kỳ man rợ nhất của nhà tù Phú Quốc trước 1975, các khu tra tấn dã man mới được xây dựng thêm gồm: Chuồng cọp, khu chôn người, khu điện cao áp,..
Trong giai đoạn này, nơi đây đã chứng kiến hàng ngàn chiến sĩ đã vĩnh viễn ngã xuống, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế.
Nhà tù như ngày nay là kết quả của quá trình phục dựng mô phỏng lại các khu vực tra tấn man rợ của Pháp và Mỹ. Năm 1995, nơi đây đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Những câu chuyện rùng rợn tại Nhà tù Phú Quốc
Trại giam Phú Quốc là nơi chứng kiến nhiều hình thức tra tấn tàn bạo, dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng ghê rợn nhất vẫn là những hình thức tra tấn tù nhân của viên cai ngục Bảy Nhu thời kỳ Mỹ – Ngụy.
Thời kỳ Bảy Nhu, tù nhân phải chịu đựng những hình thức tra tấn dã man đánh mạnh vào ý chí sắt thép của tù binh Cộng sản, hầu hết những đòn tra tấn tại nhà tù Phú Quốc thời kỳ này đều đưa đến thương tích trầm trọng, không thể phục hồi điển hình như: Đục răng, đập vỡ mắt cá chân, tra tấn mắt bằng bóng đèn, ngâm người trong nước sôi, rút móng chân, móng tay, đóng đinh vào cơ thể,… Ngoài ra còn có sự xuất hiện của các khu vực tra tấn như khu vực chuồng cọp, khu vực điện cao áp, khu vực chôn người,… rất ghê rợn và dã man.
Trước những màn tra tấn dã man đó, tưởng như các tù nhân sẽ khuất phục, ngã xuống nhưng không, trại giam Phú Quốc là nơi chứng nhân cho tinh thần bất khuất, không chịu khuất phục trước cường quyền của chiến sĩ cách mạng. Câu chuyện kể về sự gan dạ, anh dũng của tù nhân Nhà lao Cây Dừa vẫn được các nhân chứng sống kể lại cho đến ngày nay, nổi bật nhất là câu chuyện về cuộc vượt ngục nhà tù Phú Quốc huyền thoại của 21 tù nhân trại giam Phú Quốc. Vào những ngày của tháng 2 năm 1967, 21 tù nhân chính trị tại nhà tù đã họp bàn kế hoạch vượt ngục đầy thử thách và nguy hiểm, kế hoạch được đưa ra là đào hầm xuyên qua trại giam.
Xuyên suốt 140 ngày ròng rã với sự giúp đỡ của muỗng sắt, cọng kẽm, đinh sắt,… bí mật thu được trong quá trình sinh hoạt, các tù nhân nhà tù Phú Quốc đã đào thành công một đường hầm dài 120m để rồi rạng sáng ngày 21/1/1967, 21 chiến sĩ cách mạng phòng giam số 12, phân khu B2 đã thành công trốn thoát khỏi một trong những nhà tù nguy hiểm nhất thời bấy giờ, đánh dấu huyền thoại cũng như con đường tiếp tục chiến đấu cách mạng của các anh, để rồi sau này góp phần cho chiến thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn đất nước.
>> Xem thêm: Trải nghiệm kinh nghiệm du lịch Phú Quốc tự túc
Khám phá kiến trúc nhà tù Phú Quốc
Di tích lịch sử trại giam Phú Quốc là kết quả của quá trình mô phỏng, tái dựng lại của nhà tù huyền thoại ngày xưa, hiện tại di tích còn lại các hạng mục sau:
Cổng tiểu đoàn 8 quân cảnh: Được tạo thành từ 2 trụ vuông ở 2 bên được làm từ lõi sắt và gạch
Nghĩa địa tù binh: Được xây dựng ở đồi 100, cách điểm trại giam – phân khu B2 khoảng 1km. Khu nghĩa địa được xây dựng bằng bê tông, cốt thép có tường bao quanh, ở trung tâm có tượng đài hình nắm đấm giơ lên – thể hiện tinh thần chiến đấu bất khuất, sẵn sàng hi sinh, không chịu cúi mình trước ngoại xâm.
Nhà trưng bày bổ sung di tích: Là phòng trưng bày, nơi lưu giữ lại các hiện vật cũng như tài liệu ( ảnh, phim) về nhà tù Phú Quốc.
Phân khu B2: Được phục dựng lại khu vực giam giữ, tra tấn ngày xưa tại nhà tù gồm có Hệ thống hàng rào bằng kẽm gai, gai nhọn, bùng nhùng đan với nhau thành nhiều lớp, cao khoảng 2 – 3m, bên trên có cột sắt để treo bóng đèn. Ở 4 góc phân khu là 4 vọng gác làm bằng thép, có mái tre tôn, là nơi canh gác của lính canh trại giam.
Lưu ý:
- Nhà tù Phú Quốc giờ mở cửa: 8h – 11h30/ 13h30 – 17h
- Vé tham quan: Miễn phí
- Các đia điểm du lịch nổi tiếng khác của Phú Quốc: Dinh Cậu, bãi Sao, suối Tranh, chợ đêm,…
Khu vực chuồng cọp bao gồm các khu chuồng cọp nằm, chuồng cọp ngồi, chuồng cọp nửa nằm, nửa ngồi, được làm bằng dây kẽm gai, lộ thiên ngoài trời bên trong có mô hình tù nhân đang bị giam giữ.
Khu vực giam giữ tù binh bằng thùng cát xô, đây là giam giữ tù binh bên trong một công – ten – nơ nhỏ có đục lỗ để đưa thức ăn.
Phân khu B8 tại nhà tù Phú Quốc gồm nhiều phòng tái hiện lại cảnh tù binh cách mạng bị giam giữ và tra tấn, đặc biệt nơi đây có 2 phòng số 14 và 17 có mô phỏng lại đường hầm và cảnh các chiến sĩ đào hầm vượt ngục.
Khu biệt giam B2 là nơi giam giữ các tù binh đặc biệt nguy hiểm với thực dân và đế quốc, nơi đây mô phỏng lại các hình thức tra tấn tù binh dã man của cai ngục bằng vồ sắt, giày đinh,.. Ngoài ra còn có hệ thống khu vực nhà ở, khu vực nấu ăn đều có mô hình miêu tả lại hoạt động của tù binh.
Đài tưởng niệm liệt sĩ đồi Sim: Được xây dựng bằng bê tông cốt thép, được thiết kế với biểu tượng ngọn sóng màu xanh da trời ở 2 bên, chính giữa là khối nhọn được khoét rỗng, mang hàm ý “những con người đi ra từ nơi ấy”.
Nhà tù Phú Quốc dù đã chứng kiến nhiều thương đau, nhiều mất mát của dân tộc trước sự tra tấn, cường hoành của thực dân và đế quốc nhưng đây cũng chính là nơi nhóm lên ngọn lửa cách mạng, nơi bồi dưỡng ý chí, tinh thần bất khuất cho các chiến sĩ cách mạng. Nếu có dịp đến du lịch Phú Quốc bạn đừng quên ghé thăm địa điểm “nhớ nguồn” này để tham quan và bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước đã anh dũng hi sinh đánh đổi nền hòa bình như ngày nay cho chúng ta.