Bảo tàng Đà Nẵng ban đầu được thành lập ngày 2/5/1989 với tên gọi Bảo tàng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trên cơ sở của Phòng Bảo tồn trực thuộc tỉnh. Sau khi chia tách thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, bảo tàng được đầu tư xây dựng tại trụ sở mới bắt đầu từ năm 2005 và chính thức khánh thành, đón khách vào ngày 26/4/2011.
Nếu du khách là người yêu thích lịch sử, giá trị văn hóa của thành phố Đà Nẵng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung thì không thể bỏ qua cơ hội khám phá bảo tàng Đà Nẵng. Hãy cùng bài viết tìm hiểu thêm về địa điểm đặc biệt này nhé.
Diện tích bảo tàng Đà Nẵng
Tổng diện tích của bảo tàng hiện nay khoảng 6.000 m2, với hơn một nửa là không gian trưng bày – hơn 3.000m2 với 3 tầng giới thiệu hơn 2.500 tư liệu, hình ảnh và hiện vật. Những vật trưng bày tại bảo tàng Đà Nẵng có giá trị về văn hóa và lịch sử, biểu hiện quá trình hình thành và phát triển từ xưa đến nay của thành phố Đà Nẵng và các vùng lân cận. Đặc biệt, có hơn 1.900 hiện vật gốc được sưu tầm từ ngày giải phóng đến nay, trong đó nhiều tài liệu, hiện vật quý lần đầu tiên được ra mắt công chúng.
Bảo tàng Đà Nẵng có gì?
Bảo tàng Đà Nẵng tầng 1
Qua cửa không gian trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng, bạn sẽ lập bước vào khu vực giới thiệu tổng quan về thành phố được thiết kế trang trọng, mang dáng hình vòng cung như thế đất Đà Nẵng đang dang tay ôm lấy biển khơi. Ngay trung tâm của không gian này là hình ảnh 5 cánh buồm đại diện cho thành phố đang vươn mình ra biển, trên đó là những bức phù điêu với nội dung: Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước.
Tầng 1 Bảo tàng Đà Nẵng trưng bày các bộ sưu tập về cổ vật Đà Nẵng thời tiền – sơ sử, đời sống ngư dân và cảng biển Đà Nẵng, một số hình ảnh về thành phố trước năm 1975, quá trình hội nhập và phát triển của thành phố, … Ở đây có các hình ảnh, hiện vật về địa lý tự nhiên của thành phố Đà Nẵng, bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên, địa chất, khoáng sản, khí hậu, và thủy văn. Ngoài ra, khu vực này còn giới thiệu các yếu tố nghề truyền thống như nông nghiệp, các làng nghề, thủ công mỹ nghệ đặc trưng của thành phố Đà Nẵng như bánh tráng Túy Loan, đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Nam Ô.
Bảo tàng Đà Nẵng tầng 2
Khác với tầng 1 với nội dung tổng quan về địa lý, lịch sử và văn hoá, đời sống con người, tầng 2 tập trung vào các thời kỳ đấu tranh kháng chiến bảo vệ đất nước của khu vực này. Các bộ sưu tập ở đây biểu hiện sự anh dũng, hào hùng của miền đất cảng trong hai cuộc cách mạng – chiến tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược. Các hiện vật, hình ảnh tại Bảo tàng Đà Nẵng được sắp xếp và phân chia theo các mốc thời gian rõ ràng, tiện cho việc theo dõi và tìm hiểu khi tham quan.
Khởi đầu là khu vực “Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống Pháp (1858 – 1860)”, sau đó là khu “Các phong trào yêu nước trước 1945”, và “Các tổ chức cơ sở Đảng trước năm 1945”. Giai đoạn 1946 – 1975 được chia thành Kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) và chống Mỹ (1955 – 1975), với bộ sưu tập cuối cùng là tổng hợp “Đà Nẵng – thành phố anh hùng”.
Không chỉ vậy, bạn có thể tìm thấy tại khu vực này những chứng tích, di vật chiến tranh của quân đội Mỹ còn sót lại ở miền Nam Việt Nam nói chung và chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng xưa nói riêng.
Bảo tàng Đà Nẵng tầng 3
Tỉnh Quảng Nam – thành phố Đà Nẵng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số bản địa với nguồn gốc lịch sử lâu đời như người Cơ Tu, Cor, Xơ Đăng, … có đóng góp lớn trong tiến trình phát triển của vùng. Mỗi dân tộc lại có những yếu tố văn hoá truyền thống khác biệt, đời sống vật chất và tinh thần đặc sắc, xứng đáng được lưu giữ, bảo tồn và nghiên cứu.
Chính vì vậy, toàn bộ tầng 3 bảo tàng Đà Nẵng được bố trí, thiết kế với mục đích giới thiệu các bộ sưu tập về cộng đồng các dân tộc ở Đà Nẵng – Quảng Nam. Một số hiện vật và hình ảnh nổi bật có thể kể đến các công cụ lao động sản xuất, y phục, đồ trang sức, nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào các dân tộc, đồng bào miền núi tại địa bàn. Ngoài ra, tầng 3 còn giới thiệu về tín ngưỡng và phong tục tập quán, các nghề như dệt và đan lát của đồng bào dân tộc thiểu số. Tại triển lãm bảo tàng Đà Nẵng, khách tham quan có thể trực tiếp khám phá đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số, cũng như tư duy xã hội của họ.
Bảo tàng hiện cũng đã được đầu tư phát triển cơ sở vật chất, với trang thiết bị nghe nhìn và hệ thống ánh sáng hiện đại, cùng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên được đào tạo bài bản. Nếu có thời gian, bạn có thể ngồi lại phòng chiếu phim với sức chứa 30 chỗ ngồi để xem những bộ phim tài liệu về lịch sử, văn hóa, xã hội của thành phố.
Tìm hiểu Thành Điện Hải tại bảo tàng Đà Nẵng
Là một di tích lịch sử quan trọng của thành phố, khuôn viên thành Điện Hải hiện được tận dụng để xây dựng bảo tàng. Thành không chỉ là một kiến trúc quân sự còn khá nguyên vẹn từ thời Nguyễn, mà còn từng được sử dụng làm tiền đồn chống thực dân Pháp từ những ngày đầu (1858 – 1860). Với ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, các vua nhà Nguyễn đã cho xây dựng nhiều công trình phòng thủ ở Đà Nẵng, trong đó có đài Điện Hải vào năm 1813. Đến năm 1823, vua Minh Mạng cho xây dựng lại đài về phía nam cách vị trí cũ khoảng 200m, trên một khu đất cao, rộng để tránh biển xâm thực và bắt đầu gọi là thành Điện Hải từ năm 1834. Năm 1847, thành được vua Thiệu Trị cho xây dựng lại theo kiểu Vauban của phương Tây, kiên cố hơn và đóng vai trò như một pháo đài phòng thủ cho Đà Nẵng.
Tường thành Thành Điện Hải tại bảo tàng Đà Nẵng có hai lớp cao hơn 5m, tường ngoài cao hơn tường trong và được ngăn cách bằng hào, không thẳng mà hơi lõm ở giữa nên toà thành có hình vuông chu vi 556m, bốn góc hơi lồi. Thành được bao bọc bởi hệ thống hào rộng và sâu hơn 3m, có cầu bắc qua để ra vào với hai cửa Đông và Nam (cửa chính). Trong thành có cung điện, các cột cờ, nhà gỗ lợp ngói là chỗ ở cho tướng sĩ và binh lính, ngoài ra còn có kho vũ khí, lương thực, xưởng đúc, sửa chữa đại bác. Đặc biệt, thành Điện Hải còn được trang bị khoảng 30 ụ súng thần công cỡ lớn.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860), quân dân đã anh dũng chiến đấu, tận dụng lợi thế của thành vào việc góp phần đánh bại âm mưu của quân xâm lược. Thành Điện Hải nói chung, và khu Bảo tàng Đà Nẵng nói riêng, là dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm:
Địa chỉ và di chuyển tới bảo tàng Đà Nẵng
Bảo tàng nằm ở số 24, đường Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Nếu bạn có ý định đi xe buýt, ba xe số 07, R17A, TMF có điểm xuống gần Bảo tàng Đà Nẵng nhất – ở đối diện 18 – 20 Bạch Đằng. Ngoài ra, xe 07 còn dừng tại Trung tâm Hành chính Trần Phú và đối diện quán cafe Babylon Bạch Đằng (66 Bạch Đằng).
Trong trường hợp bạn đến tham quan bằng phương tiện cá nhân như xe máy hay ô tô thì có chỗ đỗ xe trong khuôn viên của bảo tàng Đà Nẵng. Bạn có thể thuê xe máy tại một số địa điểm trong thành phố Đà Nẵng như sau:
Bình Minh:
- Giá thuê: 80.000 – 160.000 đồng / xe / ngày
- Địa chỉ: Số 36 đường Tạ Mỹ Duật, phường An Hải, quận Sơn Trà
- Điện thoại: 0879 698 886
Văn Khoa
- Giá thuê: 120.000 – 180.000 đồng / xe / ngày
- Địa chỉ: Số 210 đường Núi Thành, phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu
- Điện thoại: 0772 580 588
Bình Minh:
- Giá thuê: 80.000 – 180.000 đồng / xe / ngày
- Địa chỉ: Ngõ 112/82 đường Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê
- Điện thoại: 090 561 65 52
Lưu ý khi tham quan bảo tàng Đà NẵngGiờ mở cửa: 8h – 17h tất cả các ngày trong tuần
Giá vé tham quan bảo tàng: 20.000 đồng / người / lần, ngoại trừ các trường hợp:
- Trẻ em, học sinh, sinh viên
- Người cao tuổi (>60 tuổi)
- Người khuyết tật
- Công dân thường trú tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng
Các quy định khi tham gia bảo tàng Đà Nẵng:
- Đỗ xe đúng nơi quy định.
- Để hành lý đúng nơi quy định; không để tiền, vật có giá trị trong hành lý.
- Không mang theo vũ khí và chất cháy nổ.
- Không sờ vào hiện vật, giữ gìn trật tự, vệ sinh và cảnh quan môi trường. Không được phép hút thuốc lá trong phạm vi Bảo tàng.
- Đoàn khách từ 5 người trở lên liên hệ với nhân viên trực nếu có yêu cầu thuyết minh bảo tàng Đà Nẵng.
- Chỉ được quay phim, chụp ảnh với mục đích lưu niệm. Nếu có ý định khác phải xin phép được sự đồng ý của Giám đốc Bảo tàng.
Các thông tin liên hệ khác:
- Điện thoại: (84 – 236) 3 886 236 – (84 – 236) 3 887 635
- Email: [email protected]
- Website: www.baotangdanang.vn
Bảo tàng Đà Nẵng không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày những giá trị văn hóa, lịch sử của nhân dân thành phố nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung mà còn là địa chỉ giới thiệu, giáo dục, đề cao những giá trị đó. Nếu có dịp đến với đất cảng, bạn nhất định không nên bỏ qua cơ hội tham quan Bảo tàng Lịch sử này.
Dulich3mien gợi ý: