Trong số những địa điểm du lịch thú vị ở miền Trung Việt Nam, chùa Thiên Hương Bình Định tuy không có quy mô hùng vĩ hay lịch sử lâu đời, nhưng vẫn thu hút vô số khách du lịch bởi sự linh thiêng của mình. Ngôi chùa này còn được ví như là “Phượng Hoàng Cổ Trấn” phiên bản Việt, với những kiến trúc đặc sắc mang vẻ đẹp vừa cổ kính, thơ mộng vừa hiện đại, hoa lệ.
Khi đi du lịch Quy Nhơn, nhiều người thường chỉ nghĩ đến các bãi biển và bãi ghềnh tuyệt đẹp, mà không biết hoặc lỡ quên mất rằng ở đây cũng có rất nhiều địa điểm tham quan độc đáo khác. Trong đó, chùa Thiên Hưng là một kiến trúc đặc sắc trong quần thể Linh Phong nổi tiếng của tỉnh Bình Định, là chốn linh thiêng đón lượng lớn khách thập phương tới ngắm cảnh và cúng bái mỗi năm.
Giới thiệu chùa Thiên Hưng
Chùa Thiên Hưng xây dựng năm nào?
Đây là một ngôi chùa ở Bình Định mới được xây dựng cách đây hơn 10 năm, nằm trong một kế hoạch phát triển du lịch lâu dài của tỉnh và khu vực. Đặc biệt, sau trận hỏa hoạn năm 2013, chùa Thiên Hưng đã được sửa chữa, trùng tu và mở rộng để có quy mô như hiện nay.
Chùa còn được nhiều người biết đến dưới một cái tên khác đó là Chùa Đồng Ngộ, theo tên của vị trụ trì – một trong những điều làm nên danh tiếng thu hút nhiều người đến thăm nơi này. Đại đức Thích Đồng Ngộ tuy còn trẻ nhưng lại là vị chân tu vô cùng tài năng, rất am tường về phong thủy và hoằng pháp, thường xuyên tham gia những công việc thiện nguyện và có đóng góp lớn cho Phật pháp. Được nhiều người kính nể, vị trụ trì chùa Thiên Hưng này chính là lý do khiến không chỉ tín đồ mà cả các cán bộ, lãnh đạo nhà nước cũng ghé thăm mỗi khi có dịp đến Bình Định.
Chùa Đồng Ngộ ở đâu?
Ngôi chùa này nằm cạnh đường quốc lộ 1A, phường Nhơn Hưng, xã An Nhơn, với đường di chuyển thuận tiện chỉ khoảng 20km từ trung tâm Thành phố Quy Nhơn. Bạn có thể bắt chuyến bus 12 khởi hành từ ngã tư đường Lê Duẩn và Trần Thị Kỷ (Quy Nhơn) và xuống tại điểm gần chùa Thiên Hưng An Nhơn, với tần suất 30 – 35 phút / chuyến và giá vé 39.000 đồng / vé / lượt.
Nếu muốn chủ động hơn thì xe ô tô và xe máy cũng là những lựa chọn không tồi, đi thẳng theo quốc lộ 1A nếu xuất phát từ trung tâm thành phố Quy Nhơn hoặc hướng quốc lộ 19B – 1A nếu xuất phát từ sân bay Phù Cát.
Nét đặc sắc của chùa Thiên Hưng Bình Định
Chùa Thiên Hưng và bảo vật Ngọc Xá Lợi
Hiện là nơi thờ phụng nhiều bức tượng Phật khác nhau, Chùa Đồng Ngộ còn lưu giữ Ngọc Xá Lợi của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, thu hút được đông đảo khách du lịch và khách hành hương đến cúng bái. Do cơ duyên, 5 viên Xá Lợi Phật đã được Giáo hội Phật giáo nước bạn Myanmar tặng cho Việt Nam vào năm 2013, và được cung nghênh về ngôi chùa Phật giáo này lưu giữ vào tháng 7 cùng năm.
Các tín đồ tin rằng nơi nào có Ngọc Xá Lợi thì nơi đó sẽ có sự hiện diện của Phật tổ – Ngài ban phước lành và cảm hoá, đồng thời mang đến bình an, giải trừ nghiệp ác và nuôi dưỡng lòng thành.
Kiến trúc độc đáo của chùa Thiên Hưng
Ngoài yếu tố tâm linh, chùa còn mang nét ấn tượng về kiến trúc đặc sắc, nổi bật trong không gian làng quê thanh bình và dung dị, thoang thoảng hương lúa đồng nội. Con đường đi vào chùa Thiên Hưng Bình Định nằm giữa hai cánh đồng lúa trải dài, xanh mướt khi còn non và vàng rực khi tới mùa thu hoạch, xen kẽ với đó là những hào nước cùng cây cầu nhỏ bắc qua. Đi qua con đường này là tới chiếc cổng tam quan rộng lớn và uy nghi của chùa, được xây dựng bằng bê tông, cốt thép vững chắc còn phần cánh cổng thì được làm bằng gỗ. Cổng chùa có phần mái cong kiểu kiến trúc đặc trưng của những công trình Phật giáo của miền Bắc, với góc mái hình lưỡi đao hướng lên trời.
Bước qua cổng, bạn sẽ ngay lập tức thấy ấn tượng với chốn bồng lai với những đình viện mang nét cổ kính được lợp mái cong theo kiểu cung đình xưa, nổi bật giữa không gian trong lành đầy cây cối và những hồ sen nở hoa quanh năm. Các kiến trúc chùa Thiên Hưng có tông nâu đỏ và trắng làm chủ đạo và được điểm xuyết thêm những màu vàng và cam, hoà hợp với màu xanh mát thoát tục của những khu vườn, chậu cây và hồ nước xung quanh. Cạnh hồ sen là khu vườn Thiên Thanh được bài trí sinh động với các tiểu cảnh đặc sắc theo phong cách Đông phương, trong đó nằm ở trung tâm có tượng đài Quan Âm được tạc từ đá trắng tự nhiên.
Khu vực chính điện là trái tim của chùa, với tổng cộng 3 tầng chính và 1 tầng mái được nâng đỡ bởi những cột trụ chắc chắn, mỗi tầng lại thờ phụng những bức tượng phật lớn nhỏ khác nhau. Đặc biệt là bức tượng đồng Phật bà nghìn mắt nghìn tay vô cùng uy nghiêm ở tầng một và tượng phật Thích Ca Mâu Ni trên tầng cao nhất.
Đối diện với khu chính điện của chùa Thiên Hưng là tòa tháp chuông 12 tầng cao chọc trời được thiết kế rất công phu, đứng trên đó có thể phóng tầm mắt hết vùng An Nhơn. Dưới chân tháp là khu vườn nhỏ cùng một hồ nước trong vô cùng mát mẻ, được bao quanh bởi hệ thống tượng Mười tám vị La Hán.
Những điều cần nhớ khi tới chùa Thiên Hưng
Thời điểm tốt nhất để đến thăm Chùa Đồng Ngộ Bình Định
Nếu bạn muốn thăm thú Thiên Hưng Tự một cách thoải mái, thì bạn nên đến đây vào khoảng thời gian từ tầm tháng 3 tới tháng 8. Đây là mùa khô của tỉnh Bình Định, trời sáng sủa và ít mưa, giúp cho bạn có thể dễ dàng ngắm cảnh và chụp những bức ảnh check-in siêu chất. Khoảng từ cuối tháng 8 tới tháng 12 sẽ là mùa mưa bão kéo dài, thời tiết thất thường và có thể xảy ra lũ lụt, vô cùng bất tiện và nguy hiểm nên bạn tốt nhất nên tránh thời điểm này.
Có thể bạn quan tâm:
Chùa mở cửa miễn phí đón khách tham quan kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, tuy nhiên bạn nên đến từ đầu ngày vì một số khu vực sẽ đóng cửa trong khoảng 11h sáng đến 3h chiều. Nếu bạn tham quan cả ngày thì buổi trưa chùa có tổ chức nấu cơm chay, phục khách hành hương từ 10h đến 12h, cũng hoàn toàn miễn phí. Bạn chỉ cần xuống nhà ăn và báo với nhà bếp là sẽ được chuẩn bị một phần cơm, bất kể là bạn đến tham gia cúng lễ, cầu bái hay chỉ đến ngắm cảnh và du lịch.
Một vài điểm cần chú ý khi đến thăm Thiên Hương Tự:
Chùa Thiên Hưng sở hữu nét đẹp vừa cổ kính mà cũng rất hiện đại, bất cứ góc nào cũng là một khung nền hoàn hảo để bạn có được những tấm ảnh ấn tượng. Chỉ cần lên đồ thật chất, ngắm một chỗ hợp ý trong chùa, căn hướng máy ảnh sao cho “nghệ” rồi chọn một “filter” chất lượng, là bức hình của bạn có thể gây bão mạng xã hội rồi. Tuy nhiên, đây vẫn là một địa điểm tâm linh, bạn nên ăn mặc kín đáo và gọn gàng một chút, tránh trang phục quá suồng sã hay hở hang. Nhớ là hãy đi đứng nói năng nhẹ nhàng, chú ý phát ngôn của mình, không văng tục hay trong khu vực linh thiêng của chùa.
Nếu bạn đến chùa để cầu khấn, hay chỉ đơn giản là quan tâm tới các vấn đề tâm linh, thì nhớ đừng dẫm lên bậc cửa mà hãy nâng chân bước qua. Khi vào, bạn nên đi bằng cửa phải và ra bằng cửa trái, tránh đi cửa chính vì nó dành cho các bậc cao tăng, người có đạo hạnh, công đức. Cúng tiền trên hương án nhìn vừa không đẹp mắt, thô thiển, vừa không được chấp nhận bởi chùa – ở chính điện có một hòm công đức mà bạn có thể bỏ vào hòm công đức được đặt tại chính điện. Chỉ nên dâng 1 nén hương, không nên cắm nhiều vào bát hương và cũng không nên dâng cúng vàng mã hay hoa dại.
Chùa Thiên Hưng An Nhơn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của miền Trung Việt Nam, thu hút lượng lớn các phật tử về cúng bái và cầu nguyện đặc biệt vào các dịp lễ. Ngoài ra, nhiều khách du lịch cũng ghé qua do bị thu hút bởi danh tiếng về sự linh thiêng cùng kiến trúc độc đáo, sự hoà quyện giữa nét cổ kính và hiện đại của nơi đây. Sau khi đến thăm ngôi chùa Đồng Ngộ nổi tiếng này, bạn cũng có thể ghé qua những địa điểm du lịch văn hoá thú vị gần đó như các tháp Chăm, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, …