Chùa Cổ Thạch mặc dù nằm khá xa thành phố Phan Thiết nhưng vẫn thu hút hàng ngàn du khách ghé thăm mỗi năm nhờ khung cảnh thanh tịnh, trang nghiêm và nổi tiếng là vô cùng linh thiêng. Đặc biệt, chùa nằm nghiêng mình trên sườn đồi ở độ cao khoảng 64m nên từ đây du khách có thể ngắm toàn cảnh khu đồi từ trên cao.
Chùa Cổ Thạch Bình Thuận được xây dựng từ những năm 1835 – 1836 tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Trải qua hơn 170 năm chùa từ một am nhỏ nay đã trở thành danh thắng cấp quốc gia. Vẻ đẹp trang nghiêm cổ kính của chùa vẫn được giữ nguyên sau nhiều lần trùng tu. Đặc biệt, kiến trúc độc đáo của chùa khiến nhiều du khách không khỏi thích thú như: trang trí bằng mực sành, khảm xà cừ, các chi tiết đắp nổi lân rồng sống động,…
Hướng dẫn tham quan du lịch chùa Cổ Thạch
Toàn bộ khuôn viên chùa là một quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo, các điện am liên hoàn với nhau, xen kẽ với hệ thống cây xanh trải rộng trên khu đất rộng 4ha, nằm trọn vẹn trên ngọn đồi cao 64m so với mực nước biển. Đặc biệt, con đường nhỏ dẫn tới chùa chính là khu chợ lúc nào cũng đông đúc với nhiều quầy hàng bày bán nhiều món đồ khác như: Quà lưu niệm, đồ lễ, dịch vụ đổi tiền lẻ, ẩm thực – đặc sản Bình Thuận,…
Cổng Tam Quan chùa Cổ Thạch
Để tới được cổng tam quan Cổ Thạch du khách phải leo qua 36 bậc đá hai bên là cây cối xanh mát. Trước cổng có hai linh vật hộ pháp được tạc bằng bê tông cốt thép và sơn màu sinh động: Voi phục và hổ trầu mang tới cảm giác trang nghiêm.
Cổng chùa Cổ Thạch được xây dựng theo kiến trúc tam quan đặc trưng với tông màu vàng tươi sang, hai bên cột chính và phần mái được tô điểm bằng những bức tranh khảm nổi tinh xảo. Đặc biệt, mỗi lối đi trong khuôn viên chùa đều được bao phủ bởi cây cối xanh mát nên du khách có thể dễ dàng cảm nhận được không khí trong lành, thanh tịnh nơi cửa Phật.
Chánh điện chùa Cổ Thạch Bình Thuận
Chánh điện của chùa nằm sâu trong núi đá tự nhiên, trước sân chánh điện có ba phiến đá tự nhiên kích thước lớn xếp thành hàng tựa như chú cá kình, biểu tượng Ma Kiệt trong kinh Phật – loài thủy quái là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát sẽ xuất hiện giúp đỡ ngư dân gặp nạn khi ra khơi. Xung quanh sẽ là các công trình kiến trúc đặc trưng khác như: Lầu chuông, lầu trống, từ đường, các am và điện thờ khác.
Phía trước chánh điện chùa hang Cổ Thạch có đặt một lư hương lớn được trang trí bằng chi tiết rồng uốn lượn đắp nổi hai bên. Cửa vào Chánh điện có hai cửa chính cũng được trang trí bằng chú rồng xanh đắp nổi uốn lượn, hoành phi và câu đối cũng được chạm khắc vô cùng tinh tế. Phần mái Chánh điện được đắp nổi trang trí hình rồng và khảm gốm xanh nổi bật. Trong chánh điện là án thờ phật được đặt trang nghiêm.
Các điện thờ trong hang động tại chùa Cổ Thạch
Mỗi am điện lại được đặt trong một hang đá tự nhiên, cũng có khi nằm lọt trong hang đá chỉ chừa ra phần cửa vào nhỏ xíu, du khách phải cúi người mới có thể di chuyển vào bên trong.
- Hang thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề chùa Cổ Thạch phía trong đặt bức tượng Phật 8 được dựng giữa vị trí hai phiến đá xếp dựa vào nhau. Trước cửa am thờ có nhiều chi tiết trang trí hoa sen đắp nổi và bức tranh tái hiện lại cảnh người ngồi thiền tịnh dưới gốc đá, chú voi phục được đặt tinh tế bên trái của am thờ.
- Hang Tam bảo là nơi đặt 23 bức tượng Phật với nhiều kích thước và niên đại khác như. Đây cũng là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm để cầu bình an cho gia đình và người thân.
- Hang thờ Tổ khai sơ chùa Cổ Thạch: Được đặt trong một hang đá nhỏ, trước án thờ có một bức tượng đá thạch cao trắng đặt nghiêm trang. Điện thờ được xây dựng nhằm tưởng nhớ công ơn của nhà sư Bảo Tạng người đã đặt nền móng đầu tiên cho chùa Cổ Thạch hay còn gọi là chùa Hang Bình Thuận.
Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé thăm hang Tam bảo, hang Năm Mẹ (điện Ngũ Hành), điện Mẹ Cửu Thiên Huyền Nữ và cảm nhận sự khác biệt trong không gian cũng như thiết kế.
Hệ thống các pho tượng trên đỉnh núi
Không chỉ gây ấn tượng với du khách bởi hệ thống các am điện thờ nằm trong hang đá tự nhiên trải khắp ngọn đồi mà chùa Cổ Thạch còn khiến du khách ngạc nhiên bởi hệ thống tượng phật khổng lồ ngoài trời: Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Thích Ca Mâu Ni niết Bàn, tượng Hồng Hài Nhi (cầu tự) hay tượng Cóc bằng đá tự nhiên (cầu bình an). Mỗi bức tượng trên đỉnh núi chùa Cổ Thạch Bình Thuận đều được đặt tại một độ cao khác nhau nên từ đây du khách cũng có những trải nghiệm khung cảnh khác nhau. Giữa trùng điệp núi đá tự nhiên, tượng phật sừng sững vô cùng linh thiêng.
Có thể bạn sẽ quan tâm:
Vài nét về lịch sử chùa Cổ Thạch
Chùa được người dân địa phương gọi với cái tên quen thuộc Chùa Hang Bình Thuận do thiền sư Bảo Tạng đặt nền móng đầu tiên vào năm 1835 – 1836. Từ một am thờ nhỏ, đơn sơ đặt trong hang đá sau nhiều lần tu sửa, xây dựng chùa đã có được dáng vẻ trang nghiêm, đẹp đẽ như hiện tại. Từ chùa du khách có thể dễ dàng ngắm toàn cảnh biển Cổ Thạch Phan Thiết đầy thú vị và lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ cát rì rào.
Sau 5 năm trụ trì tại chùa Cổ Thạch, thiền sư Bảo Tạng đã giao việc trong coi chùa lại cho các đệ tử và tiếp tục độc hành vào phía nam, điểm dừng chân cuối cùng của ngài là mảnh đất Đồng Nai. Tưởng nhớ công đức to lớn của thiền sư nên ngày 25/05 âm lịch hàng năm chính là ngày Giỗ Tổ tại chùa Cổ Thạch với nhiều hoạt động, khóa lễ trang nghiêm. Chùa cũng là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của người dân địa phương, nhất là những dịp lễ lớn trong năm như: lễ vu lan, lễ Giỗ Tổ, lễ Phật Đản hay mùng 1, ngày rằm,…
Chùa Cổ Thạch Bình Thuận cùng với bãi đá 7 màu, bãi rêu hay biển Cổ Thạch luôn mang tới cho du khách cảm nhận bình yên sâu tận trong tâm hồn. Du khách đến với chùa không chỉ vãn cảnh mà còn có hội tìm hiểu thêm về đời sống tinh thần, văn hóa tâm linh giàu đẹp của người dân địa phương. Đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật những thông tin du lịch Bình Thuận hữu ích nhất.