Trường Dục Thanh Bình Thuận là một trong những kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt ở Phan Thiết, gắn liền với phong trào khởi nghĩa của nhiều sĩ phu yêu nước. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và dạy học, trước khi Người bắt đầu hành trình vào miền Nam và ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trong khuôn viên của trường còn có nhiều di tích được nhà nước công nhận, các hiện vật, vật dụng mà Bác từng sử dụng khi xưa.
Phan Thiết là điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, hàng năm nơi đây thu hút một lượng lớn khách du lịch nhờ thời tiết dễ chịu, những bãi biển đẹp và nhiều kiến trúc cổ kính. Đặc biệt Phan Thiết còn có một địa chỉ mang tên Trường Dục Thanh đã hơn trăm năm tuổi, gắn liền với phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20 và đánh dấu thời điểm quan trọng trong cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi Bác vào Sài Gòn rồi sau đó là ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về kiến trúc lịch sử này nhé.
Trường Dục Thanh ở đâu?
Nằm bên bờ sông Cà Ty xinh đẹp, trường có địa chỉ tại số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đối diện với địa điểm này là Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi trưng bày những tư liệu, hiện vật về Bác cùng các di sản văn hoá có giá trị đặc biệt quan trọng.
Nếu có cơ hội tới Phan Thiết du lịch, bạn có thể kết hợp ghé thăm cả hai địa điểm lịch sử này. Khu di tích trường Dục Thanh nằm trong phạm vi trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho việc di chuyển, bạn có thể thuê xe máy để du lịch và gửi xe ở cổng ngay cạnh trường.
Một vài địa chỉ cho thuê xe uy tín tại Phan Thiết:
Hoàng Hiếu
- Địa chỉ: Số 101 đường Hùng Vương, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết.
- Chi phí: 80.000 – 120.000 đồng / xe / ngày
- Liên hệ: 0933 715 692
Thuê xe Thanh Phong đi trường Dục Thanh
- Địa chỉ: Số 69 đường Cô Giang, phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết.
- Chi phí: 80.000 – 150.000 đồng / xe / ngày
- Liên hệ: 0916 028 368
Thanh Lâm
- Địa chỉ: Số 139 đường Nguyễn Tương, phường Phú Thuỷ, thành phố Phan Thiết.
- Chi phí: 100.000 – 150.000 đồng / xe / ngày
- Liên hệ: 0342 311 448
Lịch sử Trường Dục Thanh
Trường Dục Thanh được xây dựng vào năm nào?
Còn được biết đến với tên gọi là Dục Thanh Học Hiệu, trường được xây dựng vào năm 1907 theo ý tưởng đến từ phong trào Duy Tân. Vào năm 1905, các vị Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đã tới Phan Thiết, trò chuyện với nhiều sĩ phu yêu nước và khuyến khích việc mở trường dạy học. Trong đó có 6 vị đặc biệt tán thành chủ trương này, bao gồm Hồ Tá Bang, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Hiệt Chi, Ngô Văn Nhượng và Trần Lệ Chất.
Họ đã cùng nhau sáng lập ra ba tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tương ứng với cương lĩnh của phong trào Duy Tân – chính trị, kinh tế và văn hoá. Ngoài trường Dục Thanh, còn có Liên Thành Thư Xã để truyền bá sách báo yêu nước, và Liên Thành Thương Quán để gây quỹ cho hoạt động của trường. Lúc bấy giờ trường có quy mô khá nhỏ, lúc đông nhất cũng chỉ có 7 nhà giáo, trong đó có thầy Nguyễn Tất Thành.
Có khoảng 100 học sinh đến từ mọi vùng miền, đa số đến từ các gia đình khá giả hoặc được các thân sĩ, người yêu nước gửi trọ học, còn lại là các con em người lao động miền biển, không có điều kiện học hành. Trường Dục Thanh Phan Thiết có mục đích chính là giáo dục thanh thiếu niên, dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán và Pháp, sử dụng những bài thơ ca yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, và những sĩ phu khác trong giảng dạy. Các thầy giáo còn đồng thời lồng ghép việc lên án chế độ thực dân vào bài học, cùng với thêm bộ môn thể dục – một chương trình dạy học được coi là khá tiến bộ thời bấy giờ.
Vào ngày 12 tháng 12 năm 1986, công trình lịch sử trường Dục Thanh đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Hiện tại, ngoài việc tổ chức tham quan, trường còn có các hoạt động tuyên truyền giáo dục, văn hoá đa dạng. Có thể kể đến một số như là lễ tưởng niệm, lễ kết nạp Đoàn, Đảng, giao lưu văn nghệ, triển lãm hay các hội thi, … Mỗi năm có đông đảo khách tới du ngoạn, tìm hiểu và nghiên cứu, đa số là học sinh các cấp đi theo các buổi tham quan dã ngoại do nhà trường tổ chức.
Trường Dục Thanh và Bác Hồ
Vào tháng 8 năm 1910, Nguyễn Tất Thành vào đến Bình Thuận và gặp cụ Trương Gia Mô, một nhân sĩ yêu nước đồng thời là bạn thân của cha mình (cụ Nguyễn Sinh Sắc). Hai người thường bàn luận về đường lối cứu nước, và cụ Mô đã đề nghị cho Nguyễn Tất Thành vào dạy học tại trường Dục Thanh, được cụ Nguyễn Quý Anh chấp nhận. Tuy Bác Hồ chỉ dạy học ở đây trong một thời gian khá ngắn (9/1910 – 2/1911), nhưng Bác đã đưa vào sử dụng rất nhiều phương pháp giảng dạy mới, tiến bộ và có khoa học. Thầy Thành dạy thể dục là chính, đồng thời dạy thay và trợ giảng các môn Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn, rất thân thiện và được các học sinh yêu thích.
Vào những ngày nghỉ dạy tại trường Dục Thanh , Nguyễn Tất Thành thường tổ chức các buổi tham quan, tìm hiểu về cuộc sống của ngư dân và kể những câu chuyện về anh hùng lịch sử. Thầy còn mở mang kiến thức cho học sinh bằng cách giải thích hiện tượng thiên nhiên, giải nghĩa văn thơ, rèn luyện thể lực và khơi gợi lòng yêu nước. Thời gian chưa đến nửa năm này là bước đệm để Bác Hồ chuẩn bị cho hành trình đi tìm chân lý cách mạng, con đường cứu nước.
Khám phá Trường Dục Thanh Bình Thuận
Khu di tích này mở cửa chào đón bất cứ ai đến tham quan, học hỏi và tìm hiểu, nên bạn sẽ không cần phải mua vé. Bạn còn có thể thuê hướng dẫn viên ở Bảo tàng Hồ Chí Minh để nghe thuyết minh về Trường Dục Thanh.
- Giờ mở cửa: 7h – 17h
- Liên hệ: 025 23 818 728
>> Dulich3mien gợi ý:
Các di tích trong Khu di tích
Trường được khởi công trùng tu và khôi phục lại vào tháng 11 / 1978, trên cơ sở một phần kiến trúc gốc còn lại và lời kể, phác hoạ của những học trò của Bác. Khu di tích trường Dục Thanh được khánh thành vào năm 1980, với tổng diện tích là 4.090m2, được phủ một màu xanh mát của những hàng cây chăm sóc rất kỹ càng. Ở đây có 2 ngôi nhà lớn dùng làm phòng dạy học, một khu nhà nhỏ, nhà Ngư làm ký túc xá và nơi tiếp khách mang tên Ngọa Du Sào:
Khu dạy học Trường Dục Thanh
Một lớp học có tổng diện tích là 137,9m2, chiều dài 12.78m, chiều rộng 10.84m và chiều cao 4.4m. Kiến trúc này có tường được làm bằng những song gỗ xếp chéo hình thoi, mái lợp ngói âm dương và nền nhà lát gạch vuông cỡ 20x20cm. Trong phòng có 2 bảng đen, 21 bộ bàn ghế được chia làm 3 dãy cùng một bộ Hoạ đàng trường kỷ để các thầy giáo ngồi chấm bài.
Nhà thờ cụ Nguyễn Thông tại trường Dục Thanh
Đây là một ngôi nhà ba gian có tổng diện tích 103.4m2, dài 10.7m và rộng 6.2m, chiều cao 6.2m được chống bởi 12 cột tròn. Tương tự như khu dạy học, kiến trúc này được lợp mái âm dương, tường gạch quét vôi trắng, mái có trang trí với hình rồng chầu mặt trời. Gian chính giữa là phòng thờ trên ban có đặt các bài vị, phía trước là bức gỗ chắn được chạm khắc hoa văn rồng, phong vân, … Sau khi cụ Nguyễn Thông mất vào năm 1884, gia đình đã thờ cụ ở đây nên nhà thờ này được đặt tên như vậy.
Nhà Ngư trường Dục Thanh
Được xây dựng vào năm 1906, tòa nhà có tổng diện tích 125m2, vốn là nơi để các loại ngư cụ, chế biến cá và làm nước mắm của con cháu cụ Nguyễn Thông. Đến năm 1907, nhà Ngư trở thành nơi ở nội trú của thầy giáo và các học trò từ xa đến Dục Thanh để học tập, trong đó có người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Ngọa Du Sào
Với tổng diện tích 147.26m2, đây là một ngôi nhà nhỏ 3 gian được xây vào năm 1880, tường dày 60m và có gác nhỏ. Đây là nơi Bác Hồ khi còn dạy học ở trường Dục Thanh thường đến đọc sách, làm thơ và bàn luận về thời thế với các thầy giáo khác.
Các di tích khác
Trong sân vườn còn có giếng nước nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường múc nước sinh hoạt và tưới cây, trong đó có cây khế được cụ bà Nguyễn Thông trồng vào cuối thế kỷ XIX. Cây khế đến nay vẫn còn nguyên vẹn, xanh tươi và có thể ra hoa kết trái, được người dân địa phương quen gọi là “cây khế Bác Hồ”. Ngoài ra, bạn có thể bắt gặp trên đường tham quan trường Dục Thanh Bình Thuận các di tích hồ sen, hòn non bộ, sân đường gạch đỏ, bức bình phong gắn hình long mã làm bằng sành sứ có hoa văn trang trí, hay vườn cây ăn quả được các địa phương gửi về trồng lưu niệm, …
Hiện nay, tại khu di tích trường Dục Thanh còn lưu giữ và trưng bày một số hiện vật gốc được thầy giáo Nguyễn Tất Thành sử dụng trong thời gian dạy học tại đây. Bộ sưu tập bao gồm Bộ Hoạ đàng, Bộ phản gỗ, Trường kỷ, Án thư, 2 tủ đứng, 3 chén uống nước, tráp văn thư, thang gỗ và nghiên mài mực. Đó là những kỷ vật thiêng liêng, lưu giữ những ký ức về thời kỳ Bác Hồ sinh sống và làm việc tại trường.
Có thể bạn quan tâm:
Một số lưu ý khi đến thăm trường Dục Thanh
Không gian của trường vừa có nét cổ kính, truyền thống, lại vẫn sạch sẽ sáng sủa, tinh khôi, vô cùng phù hợp để ngắm cảnh và chụp ảnh check-in. Bạn chỉ cần đứng bên những mái cửa sổ nghiêng nghiêng, tạo dáng cạnh chiếc bàn học cũ hoặc đơn giản là trước những bức tường trắng, và để background làm nốt phần việc còn lại. Tuy nhiên, bạn vẫn cần nhớ trường Dục Thanh là khu di tích có giá trị lịch sử, nên hãy chú ý mặc quần áo gọn gàng, không quá hở hang và giữ trật tự. Ngoài ra thì còn việc bảo vệ môi trường cảnh quan, tránh mang đồ ăn thức uống vào và xả rác trong khuôn viên trường.
Khu di tích trường Dục Thanh Phan Thiết không đơn thuần chỉ là một ngôi trường bình thường, mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, tình yêu quê hương đất nước và khát vọng giải phóng dân tộc. Đến đây, bạn vừa có thể tham quan, ngắm cảnh và chụp những bức ảnh thật là đẹp, đồng thời tìm hiểu và học hỏi thêm về một thời kỳ lịch sử của dân tộc, và vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp cho chuyến thăm ngôi trường này của bạn thuận lợi hơn.