Di tích Lầu Ông Hoàng là một di tích đã đi vào thơ ca, nằm không xa khu tháp Chăm Poshanư nổi tiếng của Phan Thiết. Công trình này được xây bởi một công tước người Pháp, sau qua tay vua Bảo Đại và từng là nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đến hò hẹn. Tuy đã bị phá huỷ phần lớn nhưng nơi này vẫn thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh phần kiến trúc cổ xưa còn lại cùng khung cảnh thơ mộng xung quanh.
Không chỉ nổi tiếng về du lịch biển, Phan Thiết còn sở hữu nhiều công trình lịch sử và các kiến trúc độc đáo như nhà thờ Chính tòa, trường Dục Thanh,… Trong số đó, Lầu Ông Hoàng là cái tên gắn liền với những giai thoại liên quan đến nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh – Hàn Mặc Tử. Từng là một toà nhà xa hoa và lộng lẫy, giờ đây nơi này mang một vẻ hoang sơ, ưu tư và bình lặng đặc biệt.
Lầu Ông Hoàng ở đâu?
Cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 7km, Lầu nằm trên đồi Bà Nài, đường Hàn Mặc Tử, phường Phú Hài, tỉnh Bình Thuận. Lầu cách tháp Chăm Poshanư chỉ 100m về hướng Nam, bạn cần chú ý chỉ dẫn để tránh nhầm lẫn với một cụm lô cốt gạch cũ cũng trong phạm vi này. Bởi lầu Ông Hoàng đã bị phá huỷ nhiều, lại không có quy hoạch du lịch rõ ràng, nên rất nhiều người cứ gặp kiến trúc hoang vắng, bị phá huỷ là lại cho rằng đó là khu di tích này.
Đường lên Lầu Ông Hoàng
Để đến di tích trước hết bạn cần phải tới thành phố Phan Thiết, du khách có thể đi bằng nhiều cách như phương tiện cá nhân, tàu hỏa hoặc xe khách. Từ trung tâm thành phố đoạn gần Mũi Né, bạn cứ đi dọc theo cung đường Võ Nguyên Giáp – Nguyễn Thông cho đến khi gặp đường Hàn Mặc Tử thì rẽ trái. Đến đồi Bà Nài, bạn sẽ phải leo hơn trăm bậc thang lên vách núi cằn cỗi với những phiến đá lởm chởm để tới tham quan Lầu Ông Hoàng.
Bạn có thể thuê xe máy tại một số địa chỉ đáng tin ở thành phố Phan Thiết như sau:
Thanh Phong
- Địa chỉ: Số 69 đường Cô Giang, phường Thanh Hải.
- Chi phí xe: 80.000 – 150.000 đồng / ngày
- Liên hệ: 0916 028 368
Thuê xe Hoàng Hiếu đi lầu Ông Hoàng
- Địa chỉ: Số 101 đường Hùng Vương, phường Phú Thủy.
- Chi phí xe: 80.000 – 120.000 đồng / xe / ngày
- Liên hệ: 0933 715 692
Thanh Lâm
- Địa chỉ: Số 139 đường Nguyễn Tương, phường Phú Thuỷ.
- Chi phí xe: 100.000 – 150.000 đồng / xe / ngày
- Liên hệ: 0342 311 448
Lịch sử của di tích Lầu Ông Hoàng
Quá trình hình thành
Năm 1911, khi công tước người Pháp De Montpensier sang Việt Nam du lịch và săn bắn, đã lỡ say mê phong cảnh non nước hữu tình của Phan Thiết. Sau những chuyến thăm, ông thành công thuyết phục và mua lại đồi Bà Nài từ tay Đại sứ Garnier – người cai quản Bình Thuận lúc bấy giờ. Ngày 21/2/1911, một ngôi biệt thự (tiền thân của lầu Ông hoàng) đã được khởi công xây dựng trên diện tích 536m2, với tổng kinh phí là 82.000 đồng bạc Đông Dương. Sau khoảng 1 năm, quá trình thi công đã hoàn thành, “khánh thành” đại công trình mà khi đó được đánh giá là hiện đại, cao cấp nhất khu vực.
Quan lại Pháp lúc bấy giờ sống xa hoa như ông vua bà chúa với nhiều kẻ hầu người hạ, mà toà nhà lại hào nhoáng như một cung điện nên dân địa phương liền đặt cho cái tên là “Lầu Ông Hoàng”. Đến tháng 7/1017, De Montpensier chuyển giao lại ngôi biệt thự này cho một chủ khách sạn người Pháp có tên là Prasetts, rồi được vua Bảo Đại mua lại. Trong thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam năm 1945, quân thực dân đã cho xây dựng một hệ thống đồn bốt với nhiều lô cốt ở gần đây, biến khu vực này thành trung tâm quân sự, với nhiều trận đánh ác liệt diễn ra, lầu Ông Hoàng đã bị phá hủy nghiêm trọng.
Ngày 14/6/1947, cũng chính nơi đây đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt của tiểu đội do đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy, thuộc đơn vị quân Hoàng Hoa Thám. Họ cải trang thành địch, trong đó có 3 lính lê dương đóng vai lính Pháp đi tuần, sau đó phục kích đồn Lầu Ông Hoàng, trận đánh kéo dài trong 10 phút. Tiểu đội tiêu diệt 20 tên địch, thu giữ 1 đại liên Vikke, 1 trung liên Bren, 2 súng tiểu liên, nhiều hộp đạn, lựu đạn, súng trường, quân trang, v.v. Đây là trận tập kích đầu tiên vào chiến trường Bình Thuận, mở đầu cho lối đánh truyền thống của bộ đội Duyên hải Nam Trung bộ.
Lầu Ông Hoàng Hàn Mặc Tử: Một giai thoại đầy chất thơ
Nhắc đến khu di tích, không thể không nhắc tới người thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh Hàn Mặc Tử, cùng một câu chuyện tình đẹp nhưng có cái kết thúc buồn. Đây từng là nơi nhà thơ hò hẹn và ngắm trăng với Mộng Cầm – người tình, nàng thơ, một trong những nguồn cảm hứng để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời ông. Chính vì vậy, không có gì lạ khi lầu Ông Hoàng nhiều lần xuất hiện trong tác phẩm của Hàn Mặc Tử, nổi tiếng là bài thơ có tên “Phan Thiết Phan Thiết”. Ông như gửi hết nỗi niềm khắc khoải của mình vào những vần thơ thống thiết, miêu tả Lầu là “nơi đã khóc, đã yêu thương da diết”.
Theo Mộng Cầm kể lại, Hàn Mặc Tử ghé Phan Thiết thăm nàng vào một ngày mùa hè, hai người đã dành thời gian ngắm trăng và hàn huyên tâm sự ở lầu Ông Hoàng. Khi đó, chàng thi sĩ đã thổ lộ mối tình nhưng lại bị bà từ chối khéo với lý do tôn giáo khác nhau, nhưng sự thật là do bà không mong sống với người chồng bệnh tật. Không ngờ đó cũng là lần cuối hai người gặp nhau, Hàn Mặc Tử quay về Huế và vào Quy Nhơn, rồi điều trị bệnh tại Viện phong Tuy Hoà tới khi qua đời. Lấy ý tưởng từ đó, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng đã đưa Lầu Ông Hoàng và câu chuyện tình của Hàn Mặc Tử vào trong âm nhạc, tạo nên ca khúc với những câu hát được nhiều người biết đến.
Lầu Ông Hoàng có gì thu hút du khách đến vậy?
Kiến trúc độc đáo của di tích Lầu Ông Hoàng
Nằm trên đỉnh đồi Bà Nài giữa khu đất rộng 536m2, Lầu cao 105m so với mặt nước biển và có tổng cộng 13 phòng vô cùng sang trọng và rộng rãi. Khi xây, biệt thự này đã được lắp đặt thêm rất nhiều tiện nghi cao cấp, hiện đại vào thời bấy giờ như máy phát điện dưới tầng hầm hay bể chứa nước cho cả năm. Tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến tranh, Lầu Ông Hoàng đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn, không được chăm nom, các phòng bên trong đều xuống cấp,… Chính quyền địa phương cũng đã có ý tưởng xây dựng lại khu di tích này thành một điểm du lịch, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn như không có bản vẽ ban đầu, công nghệ chưa đáp ứng và thiếu kinh phí.
Xem thêm:
Cảnh quan thơ mộng của Lầu Ông Hoàng
Lầu tuy giờ không còn giữ được vẻ lộng lẫy xa hoa như xưa, mà thay vào đó là vẻ đẹp hoang sơ rất riêng, đã trải qua bao mưa nắng cùng bom đạn. Nhiều người yêu thích đến đây, leo lên đỉnh đồi Bà Nài để ngắm nhìn non nước Phan Thiết hữu tình và cảm nhận làn gió thoảng mang theo mùi muối mặn. Từ trên di tích lầu Ông Hoàng, bạn có thể nhìn thấy bờ biển cát trắng với vô số tàu đánh cá nhấp nhô trên làn nước, những nhóm chợ nhỏ đầy ắp người mua bán hải sản nhộn nhịp,… Với khung cảnh tự nhiên, mộc mạc nhuốm màu thời gian, đây sẽ là phông nền hoàn hảo cho bức hình của bạn.
Lầu Ông Hoàng còn được biết đến là một trong những điểm ngắm bình minh và hoàng hôn rất đẹp, với khung cảnh mặt trời nhô ra khỏi mặt nước hoặc chầm chậm hạ xuống. Cả không gian lúc ấy đặc biệt yên bình, tràn ngập sắc ửng hồng vào sáng sớm hoặc đỏ au lúc chiều tà, tuy khác nhau nhưng dù lúc nào cũng vô cùng lãng mạn và nên thơ. Đặc biệt, nếu có cơ hội, bạn cũng có thể ghé thăm di tích Lầu Ông Hoàng vào đêm rằm để ngắm nhìn được một khung cảnh đầy ảo diệu được Hàn Mặc Tử yêu thích. Ánh trăng tròn vằng vặc khiến vạn vật trở nên huyền ảo, tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp đến mê hồn.
“Du khách có thể kết hợp thăm quan Lầu Ông Hoàng và Tháp Po Sah Inu – nhóm đền công chúa Chăm (180m), biển Phú Hài (1km) và Bãi đá ông Địa (4,7km).”
Lầu Ông Hoàng là một di tích lịch sử thú vị và độc đáo, gắn liền với tên tuổi của thi sĩ Hàn Mặc Tử và mối tình đầy tiếc nuối của ông với Mộng Cầm. Nếu như bạn có cơ hội đến Phan Thiết du lịch, thì nhất định không nên bỏ lỡ công trình này, thuận tiện tham quan và ngắm cảnh tại cụm tháp Poshanư cách đó không xa. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho một chuyến đi chi tiết, thoải mái và thú vị nhất khi tới thành phố biển này.