Viện bảo tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng là công trình chứa đựng nhiều giá trị văn hóa – lịch sử của dân tộc Chăm xưa. Bảo tàng hiện đang là nơi sở hữu nhiều bộ sưu tập nghệ thuật phong phú trong hàng thập kỷ qua.
Bảo tàng Champa Đà Nẵng có những cổ vật đã có từ hàng trăm năm nay bởi người dân tộc Chăm xưa. Hãy cùng bài viết tìm hiểu thêm về địa điểm này nhé.
Địa chỉ Bảo tàng Chăm Đà Nẵng ở đâu?
Bảo tàng tọa lạc giữa 2 ngã tư trung tâm thành phố ở số 2, đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, Đà Nẵng ( ngay bên cạnh cầu Rồng nổi tiếng ).
Di chuyển đến bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng như thế nào?
Bởi vì bảo tàng nằm trong trung tâm Đà Nẵng nên di chuyển tới đây cũng khá dễ dàng, du khách có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau.
- Xe buýt: chuyến xe buýt đi tới bảo tàng là R17A dừng tại 26 đường Trưng Nữ Vương cách bảo tàng 100m đi bộ. Ngoài ra, chuyến xe R4A, R15, TMF dừng tại số 9 -11 Nguyễn Văn Linh cũng cách bảo tàng 200m. Vì vậy du khách hãy căn điểm xuất phát mà chọn số xe nhé.
- Di chuyển bằng phương tiện cá nhân: Du khách đến bảo tàng và gửi ngay bên trong khuôn viên
- Đi xe taxi: Xe taxi Mai Linh – 0236.3.56.56.56, Taxi Tiên Sa Đà Nẵng – 0236.3.79.79.79, Taxi VinaSun Green – 0236.3.68.68.68
Giờ mở cửa: Từ 7h đến 17h mỗi ngày.
Lịch sử bảo tàng Champa Đà Nẵng
Bảo tàng hiện tại là nơi trưng bày hiện vật về dân tộc người Chăm có quy mô lớn nhất ở Việt Nam, trực thuộc Bảo tàng Đà Nẵng. Bảo tàng bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng bởi người Pháp với mục đích chuyên sưu tầm, lưu giữ và trưng bày những hiện vật vô cùng nghệ thuật của vương quốc Chăm được tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ ( từ thành phố Hà Tĩnh tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên).
Từ những năm cuối thế kỉ XIX, những tác phẩm điêu khắc Champa đã được tiến hành thu thập tại vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận khác. Lúc đó, địa điểm lưu giữ các hiện vật này được gọi là “công viên Tourane”.
Công cuộc đi sưu tầm, thu thập cổ vật hiện nay tại bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng bắt nguồn từ những người Pháp yêu thích ngành cổ học, là nhóm người làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp ( L’Ecole Française d’Extrême – Orient, viết tắt là EFEO). Đa số các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc vẫn để lại rất nhiều tại Đà Nẵng, một số nhỏ chuyển về Pháp, bảo tàng tại Hà Nội và Sài Gòn.
Từ những năm 1902, ý tưởng xây dựng bảo tàng Champa Đà Nẵng để lưu giữ, trưng bày tác phẩm Chăm bắt đầu được nhen nhóm. Khi đi, chủ nhiệm Khoa Khảo cổ của trường là Henri Parmentier với đề án EFEO. Trải qua rất nhiều khó khăn và sự nỗ lực, tháng 7 năm 1915 tòa nhà đầu tiên được khởi công xây dựng và được hoàn thành 1916, đến năm 1919 thì mở cửa đón khách tham quan.
Ban đầu, thiết kế của tòa nhà bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được hai kiến trúc sư người Pháp Delaval và Auclair. Sau đó, vào năm 1930 lần mở rộng bảo tàng và hoàn thành năm 1936. Lúc đó bảo tàng xây dựng hai phòng trưng bày ở hai bên, thẳng góc phía trước đối với nhà cũ với mục đích trưng bày và bảo tồn những hiện vật mới tìm được năm 1920, 1930. Đến năm 2002, bảo tàng xây dựng thêm một tòa nhà hai tầng có diện tích 2000m2 dành cho trưng bày và 500m2 cho khu vực kho phía sau.
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xếp vào danh sách những bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam vào năm 2011. Năm 2016, thành phố bắt đầu thực hiện trùng tu toàn bộ bảo tàng qua chỉnh lý, nâng cấp những căn phòng trưng bày. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng nhưng lối kiến trúc đặc trưng vẫn còn được giữ nguyên vẹn hơn 100 năm.
Tài liệu thuyết minh bảo tàng Chăm Đà Nẵng
- Dịch vụ thuyết minh tự động ( audio guide) :
- Bước 1: Kết nối hệ thống wifi tại Bảo tàng.
- Bước 2: Truy cập trang web: https://chamaudio.com
- Bước 3: Lựa chọn ngôn ngữ (Việt, Anh hoặc Pháp) mà du khách muốn nghe. Du khách cũng có thể quét mã vạch tại các hiện vật để được tìm hiểu kỹ hơn.
- Dịch vụ hướng dẫn viên bảo tàng Chăm Đà Nẵng
- Nhận đoàn từ 5 người trở lên và bằng ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp.
- Thời gian phục vụ: Từ 7h30 đến 11h và 14h đến 17h mỗi ngày
- Báo trước tối thiểu 3 ngày đối với những đoàn đông có hướng dẫn đi kèm hoặc yêu cầu dịch vụ hướng dẫn bằng tiếng Anh, Pháp
- Liên hệ: Phòng Giáo dục và Thuyết minh (Số Smartphone: (84-236) 3572935 / Email: [email protected] hoặc [email protected])
Kiến trúc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng có gì độc đáo ?
Trải qua một khoảng thời gian dài, bảo tàng hiện đã được xếp vào danh sách bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam, qua đó thể hiện và khẳng định được vai trò đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Ngoài ra, bảo tàng cổ viện Chàm Đà Nẵng thể hiện được sự hấp dẫn từ lối kiến trúc khiến nhiều du khách từ trong và ngoài nước tìm tới tham quan.
Bảo tàng được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic bởi hai kiến trúc sư người Pháp nên du khách có thể thấy được tòa nhà như tái hiện một khoảng trời của phương Tây vậy. Bảo tàng có tổng diện tích 6.673m2 với diện tích trưng bày là 2000m2. Khi đặt chân đến bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, du khách sẽ cảm nhận về bảo tàng Chăm đà nẵng một không gian cổ xưa từ màu sơn trên các bức tường đã có rêu phong trong các năm tháng, hương thơm của dàn hoa sứ lan tỏa từng ngóc ngách như thể hiện một điều gì tiếc nuối của vương quốc một thời thịnh vượng.
Nhìn tổng quan, điểm nổi bật của cổ viện Chàm Đà Nẵng là những mái hình vòng cung khiến nơi này rất nổi bật hay những căn phòng rộng có nhiều cửa sổ để thu hút ánh sáng mặt trời rọi từng tia nắng vào căn phòng,.. Tất cả đều thể hiện được vẻ đẹp kiến trúc của nước Pháp và được bảo tồn đến tận hiện tại.
Khám phá phòng trưng bày bảo tàng Champa Đà Nẵng
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng sau hơn 100 năm thu thập, hiện nơi này đang sở hữu hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó 288 hiện vật được trưng bày ở bên trong, 187 trưng bày ngoài sân vườn và cuối cùng là 1.200 hiện vật được giữ trong kho. Đặc biệt, nơi đây còn bảo bảo quản bảo vật quốc gia gồm: Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ Tát Tara/Avalokiteshvara và Đài thờ Đồng Dương.
Những hiện vật này tại bảo tàng Champa Đà Nẵng đều được phát hiện hoặc khai quật, phân chia theo nguồn gốc khu vực địa lý nên sẽ có các căn phòng đi theo từng địa điểm. Hiện tại, bảo tàng đang có 12 căn phòng tương ứng với các địa điểm sau: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tháp Mẫm, Bình Định, Kon Tum. Tiếp theo là 4 căn phòng được sử dụng trưng bày chuyên đề Văn khắc Chăm Pa, Gốm Sa Huỳnh – Champa, Lễ hội và Nghề truyền thống của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận, cuối cùng là Giới thiệu kết quả Khảo cổ học tại di tích Champa Phong Lệ.
Du khách muốn tìm hiểu thêm về kiến trúc đặc trưng trong lịch sử phát triển của Đà Nẵng có thể tham khảo: Bảo tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng, Thánh Địa Mỹ Sơn, bảo tàng Đồng Đình.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng sử dụng cách phân chia như vậy bởi với mỗi nguồn gốc địa lý, du khách sẽ dễ dàng thưởng thức về kiến trúc Chăm đặc trưng theo từng địa điểm do vương quốc Chăm cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa và lối sống của nước ta trước đây.
Sa thạch, đất nung và đồng là những chất liệu chính phần lớn các điêu khắc hiện có của bảo tàng. Từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 15, sa thạch được chạm khắc thành hoa văn vô cùng tinh xảo thể hiện được nét văn hóa độc đáo thời xưa.
Khi tham quan bảo tàng Champa Đà Nẵng, du khách cảm tưởng như nhìn thấy được một quá khứ thịnh vượng, mạnh mẽ của một vương quốc – dân tộc hào hùng xưa, qua đó say mê khả năng sáng tạo vượt bậc của họ. Những biểu tượng thần linh kỳ bí, câu chuyện bằng hình ảnh,.. đều được tạo nên vô cùng sống động.
>> Dulich3mien gợi ý:
Những quy định khi tham quan cổ viện Chàm Đà Nẵng
- Khi vào tham quan bảo tàng, trang phục phải gọn gàng, lịch sự.
- Không đem theo vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy, chất ô nhiễm và độc hại như axit, chất ăn mòn hay những vật có thể gây nguy hiểm khác.
- Không mang hành lý có kích thước lớn vào bảo tàng, nếu hành lý trên 3kg phải gửi tại quầy ( tiền và một số đồ giá trị được phép đem theo).
- Không sử dụng thuốc hay ăn uống trong bảo tàng Champa Đà Nẵng. Giữ gìn vệ sinh và bỏ rác đúng nơi quy định.
- Không bán các sản phẩm rong trong bảo tàng.
- Không mang theo băng rôn, vật nuôi vào trong bảo tàng.
- Không gây mất trật tự, ồn ào khi tham quan bảo tàng.
- Không sờ vào các hiện vật, không leo trèo, ngồi trên bục trưng bày hiện vật
- Không sử dụng máy ảnh, chụp ảnh tự sướng trong cổ viện Chàm Đà Nẵng.
- Không tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ trong khuôn viên nếu chưa được phép của ban Lãnh đạo.
- Không phá hoạt, trèo cây, bẻ cành,… trong khuôn viên.
- Du khách sẽ phải chịu trách nhiệm nếu gây ra tổn thất cho bảo tàng.
Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là địa điểm trưng bày và giữ gìn văn hóa đặc sắc của người Champa xưa. Chúc du khách có chuyến đi vui vẻ. Du khách có thể kết thúc chuyến đi bằng việc chiêm ngưỡng những kiến trúc cầu đặc trưng của thành phố như: Cầu Rồng Đà Nẵng, Cầu Quay Đà Nẵng hay Cầu Tình Yêu Đà Nẵng.