Là một trong số ít công trình thuộc nền văn hóa Champa còn sót lại trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Tháp Nhạn 800 năm tuổi hiện là điểm tham quan tiêu biểu của tỉnh mà bất cứ một thành viên nào của hội mê xê dịch cũng không nên bỏ lỡ. Ngọn tháp đã chinh phục du khách bằng lối kiến trúc tinh xảo, những truyền thuyết nhuốm màu dân gian cùng những sự kiện văn hóa, lễ hội lâu đời đa sắc màu.
Xứ hoa vàng trên cỏ xanh Phú Yên không chỉ níu chân du khách bởi những bãi biển đẹp mê hồn hay những vịnh biển hoang sơ mà còn bởi nền văn hóa Champa lâu đời độc đáo, trong đó Tháp Nhạn được xem là minh chứng rõ nét nhất cho nền văn hóa ấy. Sỡ dĩ tháp được gọi là “Nhạn” vì khu vực xung quanh tháp trước kia có rất nhiều chim nhạn đến làm tổ và sinh sống. Sở hữu giá trị kiến trúc cũng như giá trị văn hóa, lịch sử, Tháp Nhạn đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia (16/11/1988) và tiếp theo đó được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (24/12/2018).
Giới thiệu chung về Tháp Nhạn Phú Yên
Tháp Nhạn ở đâu?
Còn được biết đến là Tháp Chàm, Đền Kalan,… ngọn tháp này hiện nằm trên núi Nhạn, ngay bên bờ sông Đà Rằng, thuộc phường 1, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên . Đường đi từ trung tâm thành phố đến Tháp Nhạn rất dễ đi và được cập nhật chi tiết trên Google maps.
>>> Xem đường đi đến Tháp Nhạn Phú Yên tại đây
Cổng chào dẫn lên tháp nằm trên mặt đường Lê Trung Kiên, phường 1, thành phố Tuy Hòa. Sau khi qua cổng chào, bạn gửi xe ở bãi gửi xe chung (không mất phí) rồi lựa chọn đi bộ hoặc ngồi xe điện lên đỉnh núi Nhạn, cũng là nơi Tháp Nhạn tọa lạc. Xe điện di chuyển khá êm và nhanh. Bạn mất khoảng 5 phút để có thể lên đỉnh núi với chi phí 15,000 đ/người/ 2 chiều.
Nếu đi bộ đi tháp Nhạn, bạn phải vượt qua 1 cung đường thoai thoải dốc và những bậc thang lát đá, với tổng chiều dài khoảng 300m. Đường khá sạch sẽ và hai bên đường có rất nhiều cây xanh cũng như có nhiều bức tượng được phục chế. Lời khuyên của Dulich3mien đó là bạn đi bộ lên đỉnh tháp sau đó di chuyển bằng xe điện xuống.
Truyền thuyết về Tháp Nhạn Phú Yên
Tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI, bởi bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ tinh tế của những thợ thủ công Champa cổ. Dân gian còn lưu truyền khá nhiều truyền thuyết kỳ thú, mang đậm màu sắc tâm linh về ngọn tháp này. Trong đó phổ biến nhất là truyền thuyết về người khổng lồ giúp dân đánh thủy quái và truyền thuyết về Thánh Mẫu Thiên Y A Na hạ phàm giúp dân.
Truyền thuyết thứ nhất về tháp Nhạn Phú Yên kể rằng, đất Tuy Hòa xưa là một vùng đầm lầy và cư dân ở đây luôn phải chịu sự quấy phá của thủy quái. Cảm thương trước tình cảnh ấy, Ông Trời đã lệnh cho một người khổng lồ xuống trần, gánh đất đá lấp vùng trũng và giúp người dân đánh đuổi thủy quái. Trong một lần do gánh nhiều đá, đòn gánh của người khổng lồ bị gãy làm đôi và đá từ 2 bên rơi xuống: một bên tạo thành núi Chóp Chài, một bên rơi xuống núi Nhạn và làm thành Tháp Nhạn Phú Yên như ngày nay.
Theo truyền thuyết thứ hai, ta được biết rằng thủa xa xưa, có một ngày Thánh Mẫu Thiên Y A Na – vị nữ thần quan trọng trong tín ngưỡng của người Champa đã hạ phàm và chỉ dạy cho người dân ở khu vực Tuy Hòa ngày nay cách cày cấy, dệt vải,… Sau khi nữ thần cưỡi hạc về trời, người dân địa phương đã xây dựng một ngọn tháp lớn để thờ phụng, tỏ lòng biết ơn với nữ thần Thiên Y A Na và ngọn tháp đó chính là Tháp Nhạn ngày nay.
>> Xem thêm: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp Gành Đá Đĩa Phú Yên
Khám phá kiến trúc tháp Nhạn Phú Yên
Là một trong những biểu tượng du lịch của tỉnh Phú Yên, Tháp đón hàng nghìn lượt khách đến thăm mỗi năm. Bạn có thể ghé thăm địa điểm du lịch này bất cứ thời gian nào trong ngày với những trải nghiệm khác nhau: Nếu ghé thăm tháp Nhạn vào ban ngày, bạn có thể chiêm ngưỡng kiến trúc của tháp rõ nét hơn cũng như phóng tầm mắt ra bốn bề để ôm trọn dòng Đà Rằng hiền hòa và thành phố Tuy Hòa nhộn nhịp; Nếu ghé thăm tháp Nhạn về đêm, bạn có thể tham gia các chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa Champa cũng như chiêm ngưỡng một vẻ đẹp khác của tháp: Thâm trầm hơn và huyền ảo hơn.
>> Xem thêm: Ngắm bình minh nơi hải Đăng Đại Lạnh địa đầu tổ quốc
Trải qua hơn 800 năm tồn tại, kiến trúc cũng như kỹ thuật xây dựng của tháp Nhạn vẫn luôn là một trong những đề tài nghiên cứu hấp dẫn đối với rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Thời gian đã làm công trình này hư hỏng ít nhiều và một cuộc đại trùng tu diễn ra từ năm 1997 đến 1999 đã mang đến hình ảnh tháp như ngày nay.
Tháp Nhạn Phú Yên cao khoảng 24m, được xây hoàn toàn từ loại gạch đặc với kỹ thuật chồng khít các viên gạch lên nhau một cách hoàn hảo và chắc chắn. Tháp gồm có 3 phần: Đế tháp, thân tháp và phần mái tháp.
Trong đó, phần đế tháp được xây theo hình vuông, tượng trưng cho đất. Các hàng gạch phía trên được xây dựng lùi vào so với hàng phía dưới theo trật tự cho đến khi đế tháp ôm sát đến thân tháp.
>> Xem thêm: Vịnh Xuân Đài và những trải nghiệm du lịch biển thú vị
Phần thân tháp Nhạn Phú Yên có hình trụ vuông, với phần tường rêu phong thẳng đứng. Trên mặt tường là những tạo hình cửa giả và những họa tiết đa dạng được chạm trổ công phu. Cửa tháp được xây theo hướng đông và dẫn vào bên trong là không gian nhỏ để thờ cúng với bức tượng Thánh Mẫu Thiên Y A Na uy nghi đặt ở giữa. Không giống như đại đa số những ngôi tháp Champa khác thờ bộ ngẫu tượng Linga (sinh thực khí nam) – Yoni (sinh thực khí nữ), tháp Nhạn là một trong số ít tháp thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
>> Xem thêm: Đảo Nhất Tự Sơn – Hòn đảo hoang sơ tươi đẹp của Phú Yên
Phần mái tháp Nhạn Phú Yên có 4 lớp với các hình khối và đường nét kỳ lạ, trong đó, lớp trên là hình ảnh thu nhỏ của lớp dưới, trừ lớp thứ 4. Lớp 1, lớp 2, và lớp 3 đều có 4 tai trụ ở 4 góc, trông xa như những búp sen. Lớp trên cùng được gọt đẽo tinh xảo, có đáy hình vuông, phần trên cong đều nhọn dần theo 4 phía và cũng là phần duy nhất của tháp Nhạn được xây bằng đá. Khối đá này là biểu tượng của Linga – sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Shiva. Nhìn từ xa, phần mái này trông vừa giống một đóa hoa rừng vừa giống một ngọn lửa trong đêm đông, biểu tượng cho thần thánh và sự giác ngộ.
>> Xem thêm: Cầu gỗ Ông Cọp – Cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam
Tháp Nhạn Phú Yên có gì?
Đến khu vực Tháp, bạn không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng một kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử cao mà còn có thể tham gia vào những lễ hội, chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa Champa. Lưu ý rằng đây vừa là địa điểm tham quan, vừa là địa điểm tâm linh nên bạn cần ăn mặc lịch sự, gọn gàng. Đối với những tháp Chăm như thế này, những bộ trang phục Chăm truyền thống hay những bộ váy xòe hay những bộ trang phục màu trầm sẽ mang đến cho bạn những tấm ảnh sống ảo tuyệt đẹp.
Lễ hội Nguyên Tiêu tháp Nhạn
Lễ hội Nguyên Tiêu còn có tên gọi khác là đêm thơ Nguyên Tiêu Núi Nhạn, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1990. Sau lần tổ chức đầu tiên thành công ngoài mong đợi, đêm thơ được tổ chức đều đặn mỗi năm một lần vào ngày rằm tháng giêng âm lịch ở khoảng sân rộng phía trước tháp Nhạn Phú Yên. Ban đầu, hội thơ là sân chơi của những nhà thơ trên địa bàn tỉnh, sau đó nhận được sự hưởng ứng từ nhà thơ trên khắp mọi miền đất nước.
Hiện nay, lễ hội tại tháp Nhạn này diễn ra trong đêm cả ngày 15 và 16, có kết hợp với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật khác. Từ khi sẩm tối, con đường từ chân núi lên đến Tháp Nhạn được trang hoàng lộng lẫy, chào đón các thi sĩ và mặc khách về dự hội thơ. Không chỉ là đêm hội cho những thi phẩm ngọt ngào, da diết, sân khấu của hội thơ còn chứng kiến những màn biểu diễn cháy hết mình của âm nhạc, vũ đạo và ánh sáng.
>> Dulich3mien gợi ý: Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vịnh Vũng Rô Phú Yên
Lễ Vía Bà Tháp Nhạn Phú Yên
Lễ hội Vía Bà là một trong những lễ hội nhộn nhịp và đầy màu sắc nhất ở tỉnh Phú Yên. Lễ hội được tổ chức từ ngày 20 đến 23 tháng Ba âm lịch, trong đó ngày 21 là ngày chính lễ, nhằm tưởng nhớ công ơn của thánh mẫu Thiên Y A NA đã dạy dân nghề nông, nghề dệt (đã nói đến ở phần 2, mục I). Lễ hội tại tháp Nhạn Phú Yên này thu hút hàng ngàn du khách cũng như người dân đến tham dự. Trong không khí nô nức của lễ hội, những người đến tham gia lễ thường đi thành đoàn và dâng lên các loại lễ vật, chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp để xin được sự che chở cũng như phù hộ từ thánh mẫu.
Chương trình nghệ thuật tối thứ 7
Vào lúc 19:30 tối thứ Bảy hàng tuần, chương trình nghệ thuật “Phú Yên – Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” lại diễn ra một cách náo nhiệt tại sân tháp Nhạn Phú Yên. Tuy chỉ có quy mô nhỏ và miễn phí cho khách du lịch, những sự kiện được chuẩn bị rất chỉn chu và chuyên nghiệp. Sự kiện này gồm các tiết mục ca, múa, nhạc,…mang đặc trưng của tỉnh được thể hiện bởi những nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển. Những tiết mục hô hát bài chòi, hòa tấu đàn đá, kèn đá, hòa tấu cồng chiêng, múa xoan, trống đôi và những bài hát về Phú Yên diễn ra dưới ánh đèn vàng ấm cúng thực sự có thể chạm đến trái tim của bạn.
Di tích tháp Nhạn Phú Yên gần nghìn tuổi là minh chứng sống động nhất về một nền văn hóa lâu đời ở Việt Nam. Sự tồn tại của ngọn tháp đến thời điểm hiện tại đã phản ánh quá trình khai phá vùng đất Phú Yên trong thế kỷ XVI của các chúa Nguyễn, đồng thời thể hiện được sự giao thoa văn hóa, tình thần giữa 2 dân tộc Việt – Chăm ở đất Phú Yên trong quá khứ. Nếu có dịp ghé thăm xứ hoa vàng trên cỏ xanh Phú Yên, bên cạnh những vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, Bãi Xép, Ghềnh Đá Dĩa,… bạn đừng quên ghé thăm công trình kiến trúc này nhé!