Chùa Trầm là ngôi chùa tọa lạc trên núi Trầm thuộc địa phận thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách Hà Nội khoảng 25km. Di tích chùa đã có 400 năm tuổi đời, nằm trên địa thế tuyệt đẹp, xung quanh là những ngọn núi nhỏ như Tiên Lữ, Ninh Sơn và Đồng Lư.
Với vẻ đẹp cổ kính, khung cảnh thanh bình, chùa Trầm Chương Mỹ trở thành điểm đến lý tưởng ngay ngoại ô Hà Nội – nơi khiến tâm hồn con người ta thanh tịnh và an nhiên, để lại phía sau những ưu tư, muộn phiền của cuộc sống đầy bộn bề.
Hướng dẫn tham quan di tích Chùa Trầm
Chùa là một trong bốn ngôi chùa thiêng trong “tứ đại danh thắng của xứ Đoài” cùng với ba ngôi chùa khác: Chùa Trăm Gian, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Chùa có thế “tọa sơn quan thủy”, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ sen, bao quanh là những tán cây rừng xanh mát. Chùa Trầm mang đậm nét kiến trúc văn hóa tâm linh của đồng bằng Bắc Bộ với vẻ đẹp cổ kính, uy nghi. Sân gạch trước được che bóng mát dưới tán cây cổ thụ và bóng núi cao
Tháp cổ chùa Trầm Chương Mỹ
Sau khi qua ba thềm gạch cao 17 bậc là tòa Tam Bảo được xây theo hình chữ “Đinh”. Phía bên phải chùa là 4 tháp cổ trên vách núi đá, không có bậc lên bao gồm hai tháp cổ phía dưới và hai tháp phía trên. Tương truyền những tháp này là nơi để tro cốt của những vị có công xây dựng và sửa chùa nơi đây từ thời phong kiến.
Tiền đường chùa Trầm Phụng Châu Chương Mỹ Hà Nội
Tiền đường gồm 5 gian, bên trong thượng điện bài trí các tượng Phật uy nghiêm như phật Thích Ca Mâu ni, phật bà Thiên Nhãn, bên cạnh là các chư tăng Phật Pháp. Phía bên phải tiền đường là thập điện Diêm Vương, cạnh đó có ban thờ đức chúa ông và các tượng hộ pháp.
Chùa Trầm có nhiều đồ thờ có giá trị cao cùng với lối kiến trúc độc đáo, tiêu biểu như các mảng chạm khắc tinh xảo trên cửa và các bức khảm, các hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng, ngai thờ và án thờ.
Nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu chùa Trầm
Phía trước Tiền đường là nhà bia, tháp mộ và ngôi miếu nhỏ, phía sau là sân hậu, trai phòng, nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu mới được xây dựng những năm gần đây. Nhà Mẫu chùa Trầm Chương Mỹ được xây dựng khá đơn giản với bệ thờ bê tông, được lát gạch men, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và Ngũ Hổ.
Nhà thờ Tổ được làm từ các cây gỗ lớn, bên trên có sơn son thiếp vàng với các họa tiết rồng mây, ban thờ lớn được chạm khắc tỉ mỉ, lấp lánh ánh vàng.
Khám phá lễ hội chùa Trầm
Lễ hội tại chùa diễn ra vào 2/2 âm lịch hàng năm nhằm cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống sung túc. Các du khách thập phương hướng về chùa Trầm Chương Mỹ để vãn cảnh trong tiết trời vào xuân và đi lễ tại Chùa. Vào dịp này, dân làng tổ chức lễ rước ảnh Bác Hồ để ca ngợi công lao của Bác và gợi nhớ bốn lần Bác đã đến thăm nơi đây.
Ngoài phần lễ thì phần hội tại chùa Trầm cũng rất đa dạng, mang đậm văn hóa Việt với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian thú vị như: Chọi gà, cờ người, đấu vật, đi cầu tre,…
>> Một vài ngôi chùa nổi tiếng khác của Hà Nội:
Địa điểm du lịch gần di tích chùa Trầm
Chùa Vô Vi
Từ chùa Trầm Chương Mỹ, bạn đi ngược lên phía trên khoảng 500m sẽ đến chùa Vô Vị, tọa lạc trên đỉnh núi cùng tên. Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất trong ba ngôi cổ tự, được xây dựng vào năm 968. Tương truyền, ngôi chùa gắn liền với câu chuyện người thủ lĩnh 12 sứ quân tên Trần Văn Tăng sau chiến trận đã chọn nơi đây để xây chùa.
Chùa Vô Vi gần chùa Trầm rộng khoảng hơn 10m2, các kiến trúc xưa kia dường như vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Sau khi đi qua 20 bậc thang thang đá từ cổng Vô Vi Tự sẽ có nhà thờ Tổ bên tay phải, bên trái là thờ Mẫu, tượng Phật và Đức Trần Triều. Đi tiếp các bậc thang đá là ban Tam Bảo, lầu Nghinh Phong, đi tiếp vài bậc thang đá là tháp chuông được treo trên đỉnh núi được đúc từ năm 1814. Đứng trên đỉnh núi Vô Vi, Phật tử tới vãn cảnh chùa sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh khu di tích chùa Trầm hòa cùng khung cảnh thiên nhiên vô cùng lãng mạn và thơ mộng. Hòa mình vào không gian thanh tịnh và cảnh vật nên thơ sẽ xua đi những muộn phiền, ưu sầu hàng ngày, khiến tâm người ta như tĩnh hơn và an nhiên hơn bao giờ hết.
Chùa Hang động Long Tiên gần chùa Trầm
Động Long Tiên là trụ sở đầu tiên của Đài tiếng nói Việt Nam và nơi Bác Hồ sống và làm việc trong thời gian tàn cư khoảng 3 năm. Trong động có một căn cứ rất lớn với khoảng gần 1,000 phòng được xây toàn bộ bằng đá, có thể chống chịu được bom.
Ngay cạnh lối vào hang động Long Tiên gần chùa Trầm Hà Nội là tấm bia cổ có hoa văn hình lưỡng long chầu mặt nguyệt. Trước cửa động là tượng cụ rùa, trên lưng cụ là khánh đá khắc bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bá Tiến cách đây 318 năm bằng cả chữ Hán và chữ Nôm.
Qua cửa động Long Tiên gần chùa Trầm cao 3m, rộng hơn 7m là chùa Hang với nhiều công trình ấn tượng. Vừa bước vào bên trong động là tượng thờ 12 vị Đại Vương hay còn gọi là Thập Nhị Đại Vương, đối diện là tượng phật Di Lặc, đi vào trong là tượng thập bát la hán trải dài con đường trong động. Những pho tượng Phật có từ thời Hậu Lê – Trịnh 1568.
Trong hang Long Tiên gần chùa Trầm Chương Mỹ có tổng cộng 58 pho phật pháp trong đó thiên nhiên ban tặng một pho Phật Bà Quan Âm ở tam bảo chùa. Sau khi đi qua hầm nhỏ, thấp (du khách đi qua phải cúi, gập người) là nơi có bầu sữa tiên và Giếng Thần Mắt Ngọc trong vắt, mát lạnh. Sau đó sẽ có lối đi hình vòm dẫn đến nơi có tượng đức thánh Trần Triều.
Với phong cảnh hữu tình, những công trình kiến trúc thiêng liêng có giá trị lớn về mặt tâm linh và lịch sử, Chùa Trầm là điểm du lịch không-nên-bỏ-lỡ ở ngay ngoại ô Hà Nội. Đây là nơi con người tìm về cội nguồn, lần lại những dấu vết của quá khứ để hiểu hơn về lịch sử, văn hóa tâm linh của dân tộc, đồng thời là nơi “tĩnh tâm”, tạm lánh khỏi nhịp sống hối hả của thủ đô. Chúc các bạn sẽ có hành trình khám phá chùa Trầm với nhiều điều hấp dẫn và thú vị!