Dinh Cô có lẽ là một địa điểm không mấy xa lạ đối với những ai đã từng đặt chân tới vùng đất Vũng Tàu. Nằm ngay bên bờ biển Long Hải xinh đẹp, với lối kiến trúc độc đáo cùng cảnh quan thơ mộng, nơi đây thu hút rất nhiều khách tham quan mỗi năm. Đặc biệt vào dịp lễ hội Dinh Cô, lượng người từ các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đổ về đây cực kì nhiều, tạo nên không khí đông vui tấp nập.
Với diện tích lên đến hơn 1000m2, công trình này sở hữu lối kiến trúc cổ, pha chút hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc Việt nói chung và ngư dân huyện Long Điền nói riêng. Tháng 1 năm 1995, Dinh Cô Long Hải đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.
Dinh Cô Vũng Tàu có gì hấp dẫn?
Phong cách kiến trúc tâm linh đầy độc đáo
Quần thể di tích hiện nay gồm các hạng mục đền thờ Cô và khu mộ cô (nằm cách đền thờ khoảng 1km về phía Đông). Ngôi điện thờ gồm 3 khối nhà liền kề nhau theo chiều ngang của triền đồi. Bên phải Chánh điện Dinh Cô là nơi thờ Tiền hiền, Hậu hiền, bên cạnh là phòng trưng bày y phục, áo mão của Cô, nơi tiếp khách và văn phòng làm việc của Ban Quản lý.
Dinh Cô Long Hải mang đặc trưng kiến trúc Phật Giáo Á Đông có cổng Tam Quan nằm dưới chân mũi Kỳ Vân. Hai bên cổng đặt tượng rồng và hổ, trên mái trang trí theo phong cách “lưỡng long chầu nguyệt” và “song phụng chầu”.
Qua cổng Tam Quan và bước lên 37 bậc cấp tại Dinh Cô, du khách sẽ đến được khu Chính điện, nơi đặt 7 bàn thờ, trong đó bàn thờ Cô nằm ở vị trí trung tâm, nổi bật với bức tượng cao hơn nửa mét. Tượng Cô mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến, đầu đội mão đính ngọc. Ngay phía sau là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương, Chúa Cậu (Nhị vị Công Tử, tức Cậu Tài – Cậu Quý), Tứ Pháp Nương Nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Ông Địa và Thần Tài.
Không những vậy, trong khuôn viên của Dinh Cô Vũng Tàu, người dân còn lập cả bàn thờ Cửu Thiên Huyền nữ, Chúa Tiên Nương Nương, Chúa Ngọc Nương Nương, Chư vị, Bà Mẹ Sanh, Tiền Hiền, và Hậu Hiền… Trong Dinh, bên cạnh nơi thờ tự còn có một khu vực trưng bày lễ vật của khách hành hương. Các lễ vật thường là đèn hoa, nén, mô hình thuyền gỗ và phần lớn là áo mão và mũ đính hoa. Do vậy, khung cảnh bên trong luôn rực rỡ và đủ đầy.
>> Địa điểm du lịch khác của Long Hải, Vũng Tàu:
Tìm hiểu về truyền thuyết Dinh Cô Long Hải
Tương truyền, địa điểm tâm linh này lần đầu tiên được xây dựng vào giai đoạn cuối thế kỉ 18 để thờ một cô gái có tên Lê Thị Hồng, cha là Lê Văn Khương, mẹ là Thạch Thị Hà, quê tại Tam Quan (Bình Định). Cô theo cha đi thuyền vào thành Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) để làm ăn buôn bán. Trên đường đi, lúc ngang qua vùng biển Vũng Tàu này thì gặp phải giông bão, cô rơi xuống biển, xác trôi dạt vào biển Hòn Ngang (cách vị trí dinh bây giờ không xa).
Lúc bấy giờ, cô mới 17 tuổi, người dân thấy vậy rất thương xót nên đã đem xác cô an táng đầy đủ trên đồi Cô Sơn. Từ đó, cô luôn hiển linh giúp đỡ người dân, có điềm lành thì báo mộng, có điềm dữ thì diệt trừ. Thế nên, người dân trong vùng lập đền thờ và tôn xưng cô là “Long Hải Thần nữ Bảo an Chánh trực Nương nương Chi thần”.
Ban đầu, Dinh Cô Vũng Tàu chỉ là một ngôi miếu nhỏ với mái tranh vách đất nằm ngay trên bờ biển. Vì thế, sóng và gió từ biển thổi vào khiến ngôi miếu bị đổ sập và phải di dời lên núi. Năm 1930, người dân trong vùng quyên góp tiền để xây dựng lại dinh cho rộng lớn hơn, vững chãi hơn. Đến năm 1987, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi tòa chánh điện, người dân địa phương lại phải đóng góp xây dựng lại một lần nữa. Vào năm 2006 – 2007, công trình lại một lần nữa được trùng tu lại và duy trì như ngày nay chúng ta được chiêm ngưỡng.
Tham gia lễ hội Dinh Cô Long Hải
Lễ hội tại Dinh được coi là lễ hội có quy mô và ảnh hưởng sâu rộng nhất trong năm của người dân khu vực, diễn ra vào ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch. Lễ hội không chỉ thu hút người dân trong tỉnh mà còn có cả các địa bàn lân cận như Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết, Bến Tre, Gò Công, Trà Vinh, Cà Mau, Rạch Giá,… Mọi người đến đây không chỉ để tham quan du lịch mà còn để thỉnh cầu, cúng bái và tạ ơn Cô. Các nghi thức chính của lễ hội là lễ thỉnh Long vị Ông Nam Hải, Bà Lớn và Thần Thành Hoàng về Dinh Cô diễn ra vào sáng ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch. Ngay sau đó là lễ cúng Tiền hiền. Buổi chiều cùng ngày, Lễ Tụng niệm cầu Quốc thái Dân an được cử hành long trọng.
Sang đến buổi sáng ngày 11, không khí lễ hội càng trở nên đông vui náo nhiệt với các trò chơi truyền thống. Lượng khách đổ về dinh lúc này ngày càng đông, đặc biệt là lúc đầu giờ chiều, hàng trăm chiếc ghe được trang trí lộng lẫy của ngư dân cả trong lẫn ngoài vùng đều tề tựu đông đủ trước dinh Cô Long Hải để chuẩn bị cho nghi thức “chầu Cô”. Ai nấy đều tin rằng, chiếc ghe càng đẹp thì càng thể hiện được lòng thành của mình, có như vậy Cô mới phù hộ, độ trì cho những chuyến đi biển của họ. Sau lễ “chầu Cô” là đến lễ cúng Tiên thường.
Đây được coi là công đoạn chuẩn bị cho lễ cúng chính thức diễn ra vào sáng sớm hôm sau tại Dinh Cô. Với nghi thức này, người dân sẽ dâng lên Cô những mâm lễ vật gồm bánh kẹo, trái cây, heo quay, tiền vàng, trầu cau, nhang đèn, vừa dân vừa khấn vái xin cô tiếp tục hiển linh giúp đỡ để cuộc sống của họ được bình yên, suôn sẻ.
Nghi thức quan trọng nhất của lễ hội Dinh Cô Vũng Tàu diễn ra vào sáng sớm ngày 12 tháng 2 âm lịch có tên gọi là lễ Nghinh Bà Thủy thần nhập điện. Cũng được diễn ra trong buổi lễ là nghi thức Nghinh Ông (cá voi) từ biển về Dinh. Nghi lễ được thực hiện trên biển bằng những đoàn ghe một cách vô cùng long trọng, thể hiện ước vọng của người dân về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trồng gì được nấy.
Sau nghi lễ này lần lượt sẽ là nghi lễ Cúng Cô, lễ Xây chầu Đại bội và kết thúc là lễ Tống thánh diện ra vào lúc 0 giờ sáng ngày 13. Bên cạnh phần lễ, lễ hội Dinh Cô còn có phần hội như bao lễ hội ở Việt Nam. Phần hội sẽ bao gồm các trò chơi dân gian, đơn cử như múa lân sư rồng, thi bắt cá, bắt lươn, đập niêu, đi cà kheo.
Lễ hội tại Dinh Cô mang nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, vừa thể hiện lòng biết ơn đối với bậc thánh thần và thiên nhiên vừa là nghi lễ cầu ngư bộc lộ ước vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc thông qua các hình thức vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa của con người.
Khám phá bãi biển Dinh Cô Vũng Tàu
Ai đến thăm điểm đến này cũng không thể bỏ lỡ bãi biển Long Hải thơ mộng nằm ở ngay gần đó. Biển gây ấn tượng đặc biệt với du khách nhờ bãi cát rộng, sóng êm cùng không gian yên tĩnh giữa một bên là biển xanh rộng lớn với một bên là rừng rậm bao la.
Bãi cát tại biển Dinh Cô rất mịn với màu vàng óng ả rất thích hợp để du khách nằm dài thư giãn lắng nghe tiếng sóng dạt dào của biển cả hòa cùng âm thanh của gió thổi vào những hàng dương xanh ven bờ. Do chưa được khai thác du lịch nhiều nên khung cảnh bãi tắm Dinh Cô Long Hải vẫn còn rất hoang sơ. Xế chiều, đi dạo một mình quanh bờ biển, chứng kiến cảnh mặt trời như quả cầu lửa đỏ rực từ từ chìm xuống lòng đại dương mênh mông, bạn sẽ hiểu được thế nào là sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên, vũ trụ.
>> Du lịch 3 miền gợi ý:
Thưởng thức hải sản thơm ngon tại Dinh Cô
Đến với biển Long Hải, bạn không những được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình với làn nước biển trong xanh mát lạnh mà còn được thưởng thức những món hải sản tươi roi rói của những người dân làng chài Long Hải bày bán ngay trên bãi biển.
Hải sản Dinh Cô Long Hải chủ yếu là vừa được thu hoạch từ tàu cá ra khơi trở về nên còn giữ được độ tươi và hàm lượng dinh dưỡng. Nếu muốn bạn có thể mua và thuê người chế biến và thưởng thức một vài món ngay trên bờ biển này. Hai món thường được lựa chọn là nướng và hấp sả ớt vì công đoạn đơn giản mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon của hải sản.
Nhà hàng gần Dinh Cô
Mạnh Hùng Quán
- Địa chỉ: Số 18/39 ô 5 Khu phố Hải Sơn, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
- Giờ mở cửa: 6h – 22h
- Số điện thoại: 0907610400
- Giá tham khảo: 65.000 – 150.000 VNĐ/món
Quán ăn gia đình Tây Sơn gần Dinh Cô
- Địa chỉ: Phước Hưng, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Giờ mở cửa: 8h – 22h
- Số điện thoại: 0988629302
Nhà hàng hải sản Tuấn Kiệt
- Địa chỉ: Số 972 đường Võ Thị Sáu, khu phố Hải Sơn, tỉnh lộ 44A, khu phố Hải Trung cũ, huyện Long Điền Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Giờ mở cửa: 10h – 21h
- Số điện thoại: 02543843030
- Giá tham khảo: 100.000 – 250.000 VNĐ/món
Kinh nghiệm du lịch Dinh Cô Long Hải
Địa chỉ Dinh Cô ở đâu?
Địa điểm tâm linh này nằm trên đường Hai Bà Trưng, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, chỉ cách thành phố Vũng Tàu chừng 15 km về phía Đông Nam. Việc di chuyển tới Dinh Cô cực kì đơn giản, bạn có thể sử dụng xe máy, ô tô, hay taxi.
Từ trung tâm thành phố, bạn đi theo quốc lộ 51 về hướng thị xã Bà Rịa rồi rẽ trái về tỉnh lộ 44A là tới.
- Dinh mở cửa cho tất cả các đối tượng khách tham quan và không thu vé vào cửa.
Địa điểm lưu trú ở gần Dinh Cô Vũng Tàu
Palace Resort Long Hải
- Địa chỉ: Số 210 đường Hai Bà Trưng, khu phố Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Số điện thoại: 0938156069
- Website: palaceresort.vn
Charm Resort gần Dinh Cô
- Địa chỉ: Đường Thắng Tam, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Số điện thoại: 0828878889
- Website: charmlonghai.vn
Golden Stars Hotel Long Hải
- Địa chỉ: Tỉnh lộ 44, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Số điện thoại: 02543843979
Anoasis Resort Long Hai gần Dinh Cô
- Địa chỉ: Tỉnh lộ 44A, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Số điện thoại: 02543662222
- Website: anoasisresort.com
Một số địa điểm du lịch gần Dinh Cô Long Hải
- Tịnh xá Ngọc Hải (3,1 km)
- Suối Tiên (2,9km)
- Thiền viện trúc Lâm Chân Nguyên (6km)
Dinh Cô với vị trí tuyệt vời, gắn liền với đời sống của người dân địa phương sẽ là một địa điểm đáng ghé thăm trên chuyến hành trình rong ruổi Vũng Tàu của bạn. Nếu lựa chọn tham quan nơi này, bạn không chỉ được khám phá không gian bên trong quần thể di tích mà còn được ngắm nhìn cảnh biển Long Hải và trải nghiệm các hoạt động thú vị khác nữa. Vậy bạn còn chần chờ gì nữa mà không thêm ngay nơi này vào lịch trình di chuyển của mình nào?