TRANG CHỦ / Du lịch Vũng Tàu / Tham quan nhà tù Côn Đảo, “Địa ngục trần gian” một thời máu lửa

Tham quan nhà tù Côn Đảo, “Địa ngục trần gian” một thời máu lửa

Tác giả: Nguyễn Quý
1.618 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
nhà tù côn đảo
Một chòi canh tại nhà tù - Ảnh: Phan Đạt

Nhà tù Côn Đảo là khu trại giam đặc biệt được Pháp xây dựng với mục đích giam giữ những tội phạm nguy hiểm cho chế độ thực dân như từ nhân chính trị, tử tù,.. Nơi đây đã từng giam giữ các nhà cách mạng yêu nước như  Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các lãnh đạo quan trọng của Đảng: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng. 

Năm 1979, Khu di tích nhà tù ở Côn Đảo được công nhận là di tích lịch sử quốc gia  cùng với 17 di tích thành phần. Đây chính là một địa điểm du lịch nhớ nguồn mà du khách không thể bỏ qua khi tới Côn Đảo, đến với nhà tù, bạn sẽ được quay lại thời gian vào thời điểm chiến đấu chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Dù cho có bao chông gai, bao áp bức của xiềng xích tù đày, các cha anh vẫn dũng cảm đứng lên chiến đấu, để đánh đổi nền hòa bình như ngày nay.

Tìm hiểu đôi nét về nhà tù ở Côn Đảo

Nhà tù Côn Đảo ở đâu?

Khu di tích này nằm ở đường Nguyễn Chí Thanh, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hệ thống nhà tù bao gồm 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng giam khu vực biệt giam và các địa điểm lân cận.

những hình phạt ở nhà tù côn đảo
Một phòng giam tại nhà tù – Ảnh: TUAN ANH NGUYEN
  • Giá vé tham quan nhà tù Côn Đảo: 40.000 VNĐ/ người/ lượt.
  • Giờ mở cửa nhà tù: Sáng từ 7h00 – 11h00, chiều từ 13h30 – 17h30.

Lưu ý: Miễn phí giá vé với trẻ em dưới 14 tuổi, người khuyết tật đặc biệt, cựu tù và thân nhân cựu tù. 

Sơ lược về lịch sử nhà tù Côn Đảo

Nhà tù được cho xây dựng vào 01/02/1862 bởi Thống đốc Nam Kỳ Bonard, lý do chọn Côn Đảo thành nơi xây dựng nhà tù vì nơi đây nằm cách ly hẳn với đất liền, tù nhân khó trốn thoát. Từ đây một “địa ngục trần gian” đã được xây dựng để giam giữ, đàn áp phong trào yêu nước chống Pháp của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công rực rỡ, chính quyền đã cho chiếm cứ và giải phóng tù nhân khỏi nơi đây. Nhưng chỉ ít lâu sau khi Pháp tái xâm lược Nam Bộ, hệ thống nhà tù Côn Đảo lại một lần nữa rơi vào tay thực dân, thực hiện giam giữ, đàn áp các chiến sĩ Việt Minh không may rơi vào tay giặc.

Sau hiệp định Genève năm1954 được ký kết, Pháp dần rút quân khỏi Việt Nam, tưởng chừng nơi đây sẽ thoát khỏi những cảnh tượng man rợ nhưng đến năm 1955, Mỹ – Ngụy tiếp quản Côn Đảo và đã ngay lập tức tiến hành mở rộng trại giam, biến nơi đây trở thành địa ngục trần gian, với các khu nghĩa địa chôn cất hàng chục nghìn nấm mộ tù nhân.

lịch sử nhà tù côn đảo
Nhà tù khi xưa – Ảnh: Sưu tầm

Dưới sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân cả nước, cùng với thời gian miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tù nhân Côn Đảo đã nổi dậy phá tan ngục tù, bẻ gãy xiềng xích, giải phóng nhà tù. 

Từ 1975 đến nay, đất nước hoàn toàn giải phóng, nhà tù  được giải thể và trở thành điểm đến tham quan du lịch của du khách thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

Năm 1979, Khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo được Bộ Văn Hóa và Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia với 17 di tích thành phần.

Khám phá hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo

Tham quan Dinh Chúa Đảo

Dinh còn được gọi bằng cái tên khác như dinh Ông Lớn, dinh Tỉnh trưởng, đây là nơi sinh sống và làm việc của 53 đời chúa Đảo vào thời gian nhà tù còn hoạt động. Tổng diện tích dinh là 18.600m2 bao gồm: Khu vực nhà chính – phụ, hệ thống sân vườn, cổng và hàng rào bao quanh.

dinh chúa đảo
Dinh Chúa Đảo – Ảnh: Pham Nguyen Tran Lam

Đối nghịch với cuộc sống đầy ải của các tù nhân tại nhà tù Côn Đảo là sự xa hoa của các chúa Đảo, điều này thể hiện rõ tại công trình Dinh nơi các “ông lớn” này sinh sống và đưa ra các mệnh lệnh man rợ, tàn độc nhằm đàn áp tinh thần yêu nước của các tù binh

Khám phá hệ thống các trại giam tại nhà tù Côn Đảo

Trại giam Phú Thọ

Vào thời Pháp thuộc, trại giam này có tên là trại 1, banh 3, lao 3 cái tên hiện tại được đặt vào thời Mỹ – Ngụy để đồng bộ tên các trại giam đều bắt đầu bằng “Phú”. Trại giam vào thời Pháp dùng để giam giữ các tù nhân mới bị đưa ra Côn Đảo để ngăn chặn việc truyền tin từ đất liền vào tù, ngoài ra còn để giam giữ các tù nhân phá hoại, âm mưu phá hoại, tù vượt ngục nhiều lần.

Trại giam Phú Thọ nhà tù Côn Đảo có một khu trạm xá xây dựng nhằm mục đích đánh lừa dư luận, các cơ quan quốc tế.  Đến thời Mỹ- Ngụy, tù được mở rộng, xây thêm các phòng biệt giam để bổ sung cho khu chuồng cọp, cái tên “Biệt lập chuồng Gà” cũng từ đó mà có.

Trại giam Phú Hải Côn Đảo

trại phú hải côn đảo
Cổng vào trại Phú Hải – Ảnh: Kim Long Thai Ho

Đây là trại giam cổ nhất của khu di tích nhà tù Côn Đảo, là nơi mang đậm dấu tích của quá trình đấu tranh của nhân dân yêu nước qua các thời kỳ. Trước đây trại có các cái tên khác như Banh 1, Lao 1 hay trại Cộng Hòa, tên hiện tại được đặt vào năm 1974. Trại có diện tích 12.015 m2 bao gồm: 10 khám lớn, 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt dùng để giam tù có án tử hình từ 1946 – 1954, 1 hầm xay lúa ( sau được Mỹ – Ngụy cải tạo thành trạm xá để đánh lừa dư luận), 1 khu đập đá. 

Đây cũng là khu cải tạo của nhà tù với những công việc nặng nhọc như đập đá, xay lúa, cũng chính nơi đây cụ Phan Chu Trinh cho ra đời bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” nổi tiếng. Trại giam Phú Hải đã từng là nơi giam giữ các lãnh đạo cấp cao của Đảng như đồng chí Tôn Đức Thắng, Võ Sý, Võ Thúc Hải,…

Trại giam Phú Tường trong nhà tù Côn Đảo

Đây là một trong những trại giam đen tối, chứa đựng sự tàn ác và dã man nhất của chính quyền thực dân và Mỹ – Ngụy với hệ thống “Chuồng Cọp”. Trại giam Phú Tường được Pháp cho xây dựng năm 1940 với cái tên ban đầu là Bange 3. Trại được xây dựng thành một khu vực bao quanh, nhằm che dấu cho khu vực Chuồng Cọp bí mật ở giữa, được thiết kế nhằm tra tấn, khuất phục những tù nhân cách mạng trước khi thủ tiêu họ. 

trại phú tường
Cổng vào trại Phú Tường – Ảnh: Dung Le

Khu chuồng Cọp nhà tù Côn Đảo có tổng diện tích 5.475m2, diện tích phòng giam 1.408 m2, mỗi phòng giam có kích thước 1,45m x 2,5m. Chuồng Cọp bao gồm các trại giam  nhỏ, bên trên có hệ thống song sắt kiên cố có lối đi để cai ngục kiểm soát tình hình trong chuồng và  tra tấn tù nhân bằng cách chọc gậy đầu bọc sắt xuống, ném vôi bột, không cho tắm, vệ sinh luôn trong trại giam qua một thùng gỗ để thời gian dài mới cho đi đổ,… Diện tích mỗi căn phòng chưa đến 5m2, vào thời gian cao điểm, mỗi phòng nhốt đến 5 – 12 người, tất cả cùng ăn và vệ sinh tại chỗ, chế độ ăn uống tồi tệ, người tù phải ăn côn trùng, sâu bọ để sống.

nhà tù côn đảo chuồng cọp
Khu biệt lập chuồng cọp – Ảnh: Nhut Truong

Ngoài ra, chuồng Cọp nhà tù Côn Đảo còn có khu vực “phòng tắm nắng”, nơi tù nhân bị tra tấn và để phơi da thịt trần nhiều giờ ngoài nắng gắt ban ngày, đêm thì lạnh lẽo đến thấu xương. Một khu bệnh xá được xây dựng để che mắt các đoàn nhân quyền, nhưng mục đích chủ yếu là nơi hành hình tù nhân bằng thuốc độc hoặc mổ sống, moi nội tạng.

Sự dã man và man rợ của khu chuồng Cọp tại di tích nhà tù Côn Đảo có lẽ sẽ mãi bị chôn vùi với thời gian nếu như không có 5 sinh viên được thả ra từ nơi đây có thể nhớ được đường đi và phác họa thành bản đồ, công khai cho các nhà nhân quyền cuộc tế. Mãi đến năm 1970, hệ thống trại giam Chuồng Cọp mới được đưa ra ngoài ánh sáng, phơi bày tội ác man rợ của  thực dân và đế quốc trước tòa án quốc tế.

Trại Phú Sơn

Trại được xây dựng vào năm 1916, tổng diện tích 13.228 m2 gồm 13 khám lớn, 14 xà lim, miếu thờ, phòng bếp, phòng hớt tóc, phòng giám thị, khuôn viên cây xanh, bao quanh là hệ thống tường đá cao 4m và các bốt gác.

Trại Phú An nhà tù Côn Đảo

Tổng diện tích 42.140 m2, trại Phú An gồm 2 khu A và B, mỗi khu có 10 phòng được bố trí song song, có một khu biệt lập gồm 4 xà lim.

Trại Phú Bình

Cũng giống với Trại giam Phú Tường, trại Phú Bình là một trong những trại giam man rợ và nhiều tội ác nhất trong khu di tích nhà tù Côn Đảo. Nơi đây được mệnh danh là “Chuồng Cọp kiểu Mỹ” với hình thức tra tấn tù nhân một cách điên rồ, đặc biệt là về mặt tinh thần. Khác với “chuồng Cọp” của Pháp, nơi đây không có xà lim và lối đi ở bên trên mà lợp bằng mái tôn, xi măng cực thấp. 

trại phú bình nhà tù côn đảo
Cổng vào trại Phú Bình – Ảnh: Phong nha explorer.

Các khu phòng giam được xây dựng y trang nhau, chiều rộng mỗi phòng không quá 1m, trong phòng là một không gian trống, không giường, không nhà vệ sinh. Phòng giam tại trại Phú Bình nhà tù Côn Đảo với diện tích chưa đến 5m2, có thời điểm nhốt đến 5 – 10 người, trong phòng chỉ có duy nhất 1 thùng gỗ để tù nhân đại, tiểu tiện, mỗi thùng gỗ vài tuần mới được thay một lần.

Phòng giam tại trại Phú Bình vừa chật, vừa hôi thối, ban ngày, trời nắng cháy da cháy thịt hắt xuống khiến không khí trong phòng vừa nóng, vừa khó thở khiến tinh thần của người tù bị ảnh hưởng đến tột độ, trong thời gian nhà tù này hoạt động đã chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp chiến sĩ bị tra tấn tinh thần đến mức trở nên điên dại, lú lẫn. Mặc dù đau thương là thế, nhưng trại Phú Bình lại là địa điểm đầu tiên được tự do khi Sài Gòn được giải phóng, chấm dứt hơn 100 năm tù đày tại Côn Đảo.

Trại Phú Hưng nhà tù Côn Đảo

Còn có cái tên khác là trại 8, đây là một trong 4 trại giam được Mỹ – Ngụy xây mới sau khi tiếp quản nhà tù. Với tổng diện tích 26.200m2 , 10 phòng giam ( kế hoạch ban đầu là 20 phòng giam và 8 xà lim nhưng công việc xây dựng bị bỏ dở khi Mỹ ký hiệp định Paris)

Khu biệt lập chuồng bò nhà tù Côn Đảo

nhà tù côn đảo chuồng bò
Khu biệt lập chuồng bò – Ảnh: taucaotoc.vn

Đây là một trong những khu vực tra tấn dã man của Pháp, với diện tích 4410m2 bao gồm các khu biệt giam, khu vực chuồng trại nuôi heo, bò và khu vực hầm chứa phân. Nơi đây là nơi thi hành các biện pháp tra tấn dã man bằng cách cho tù nhân ngâm trong hầm chứa phân rồi đánh đập, dẫn đến tù nhân bị nhiễm trùng, bị giòi bọ ăn đến tận xương, thật kinh dị và ghê tởm.

>> Địa điểm du lịch nổi tiếng của Côn Đảo:

Các điểm đến khác trong di tích nhà tù Côn Đảo

Cầu Tàu 914

cầu ma thiên lãnh nhà tù côn đảo
Cầu tàu 914 – Ảnh: condao.com.vn

Nằm ngay trước Dinh chúa Đảo, cầu tàu 914 được xây dựng từ năm 1873, đây là nơi đã diễn ra hàng ngàn cuộc tra tấn dã man người chiến sĩ yêu nước trước khi đưa họ vào nhà tù. Con số 914 được đặt dựa trên con số những người lao dịch, tại nạn đã ngã xuống trong quá trình khổ sai xây dựng chiếc cầu này.

>> Một vài địa điểm du lịch nổi tiếng của Vũng Tàu:

Nghĩa trang Hàng Dương nhà tù Côn Đảo

nghĩa trang hàng dương nhà tù côn đảo
Nghĩa trang Hàng Dương – Ảnh: Hùng Nguyễn

Đi cùng hệ thống nhà tù luôn có các khu nghĩa trang, nơi những người con yêu nước mãi mãi nằm xuống và Hàng Dương là một trong số những nghĩa trang nổi tiếng nhất. Với diện tích 20ha, được tôn tạo lại năm 1992 thành 4 khu:

  • Khu A: gồm 688  ngôi mộ với 7 mộ tập thể, đa phần còn lại là mộ khuyết danh của tù nhân trước 1945, đây là nơi chôn cất của anh hùng liệt sĩ Lê Hồng Phong, nhà cách mạng yêu nước Nguyễn An Ninh
  • Khu B nghĩa trang Hàng Dương nhà tù Côn Đảo: Gồm 695 mộ, 17 mộ tập thể, đa phần là mộ của tù nhân từ 1945 – 1960, trong đó có mộ phần của nữ anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc 
  • Khu C: Đa phần là mộ được chôn cất từ 1960 – 1975, gồm 372 mô, 1 mộ tập thể, nơi đây là nơi nằm yên nghỉ của anh hùng Lê Văn Việt
  • Khu D: Bao gồm những ngôi mộ được chuyển từ 2 nghĩa trang Hàng Keo và Hòn Cau về.

Nhà Công Quán

Tại khu vực nhà tù toàn đau thương và mất mát thì chỉ có duy nhất nhà Công Quán là đem lại cảm giác đẹp cho du khách tới thăm quan. Chính nơi đây nhà soạn nhạc vĩ đại Camille Saint Saens đã cho hoàn tất 3 chương cuối của vở nhạc kịch bất hủ Brunehilda.


Khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo là một địa điểm đau thương mà u uất, tại nơi đây biết bao người con vĩ đại của đất nước đã mãi mãi nằm xuống. Đau buồn là thế, tang thương là vậy nhưng đây cũng là nơi đã chứng kiến sự bất khuất của dân tộc, tinh thần kiên cường trước mọi sự tra tấn dã man, ghê rợn. Để rồi đây mỗi khi tới vùng đất này, đọng lại trong mỗi người con đất Việt luôn là sự tự hào, lòng biết ơn với những thế hệ đi trước.

Nhà tù Côn Đảo thuộc tỉnh nào?

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Nhà tù Côn Đảo được xây dựng năm nào?

Năm 1862

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien