TRANG CHỦ / Du lịch Vũng Tàu / Khám phá vườn Quốc gia Côn Đảo | Thiên đường xanh của Vũng Tàu

Khám phá vườn Quốc gia Côn Đảo | Thiên đường xanh của Vũng Tàu

Tác giả: Nguyễn Quý
1.524 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
vườn quốc gia côn đảo
Ảnh: Kiều Hồ

Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện đang là khu bảo tồn rùa biển lớn nhất cả nước, một địa điểm được mẹ thiên nhiên ưu ái cho sở hữu cả địa hình biển và rừng. Đây còn là một khu du lịch sinh thái thu hút nhiều du khách gần xa tới tham quan khám phá hàng năm với nhiều trải nghiệm đầy thú vị.

Vườn Quốc gia này được thành lập với mục đích bảo tồn và khôi phục tính đa dạng sinh học của huyện đảo với vô số các loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc biệt là hệ thống san hô và rùa biển, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng tìm hiểu những hoạt động thú vị tại khu Vườn nổi tiếng ở thiên đường nhân gian Côn Đảo trong bài viết dưới đây. 

Một vài thông tin về VQG Côn Đảo

Vườn quốc gia Côn Đảo ở đâu?

Đây là khu vực bảo tồn thuộc quần đảo Côn Đảo, cách trung tâm thành phố Vũng Tàu 185km và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250km. 

Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chính thức được thành lập theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Khu rừng cấm Côn Đảo được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thành lập tại Quyết định số 85/CT ngày 01/3/1984.

rừng quốc gia côn đảo
Ảnh: Mai Phung

Diện tích vườn quốc gia Côn Đảo

Vườn Quốc nằm trong hệ thống rừng đặc dụng với tổng diện tích 19.883,15ha trong đó bao gồm 5.883,15ha phần diện tích bảo tồn rừng và 14.000ha bảo tồn biển. Bên cạnh đó, vùng đệm trên biển chiếm 20.500ha. 

VQG Côn Đảo được chia thành ba phân khu độc lập bao gồm: Khu vực phục hồi hệ sinh thái, khu rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm, và khu chức năng hành chính – dịch vụ. Mỗi khu đảm nhiệm nhiệm vụ riêng biệt nhưng có quan hệ mật thiết với nhau. 

Giá vé vườn quốc gia Côn Đảo

  • Giá vé cổng vào: 60.000đ/người lớn, 20.000đ/sinh viên, 10.000đ/học sinh hoặc trẻ em.
  • Giờ mở cửa: 7h – 19h

Vườn quốc gia Côn Đảo có gì đặc biệt?

Khám phá thảm động, thực vật phong phú

Hệ sinh thái tại vườn quốc gia rất phong phú và đa dạng bao gồm cả tài nguyên rừng và tài nguyên biển.

Tài nguyên rừng tại VQG Côn Đảo

Thảm thực vật rừng ở vườn quốc gia tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới, hải đảo, được chia thành: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới, rừng tre gai, và thảm thực vật rừng ở khu vực đất ngập nước. Chính sự đa dạng ở Vườn quốc gia Côn Đảo đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài động  vật rừng, và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên hoang dã và các loài động vật rừng. 

vườn quốc gia côn đảo diện tích
Hệ sinh thái rừng tại đây vô cùng đa dạng, phong phú – Ảnh: Kiều Hồ

Về thành phần thực vật rừng, theo nghiên cứu của viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ vào năm 2002, có 1,077 loài thực vật gồm 420 loài cây gỗ, 273 loài cây bụi, 137 loài dây leo, 174 loài cây cỏ, 53 loài khuyết thực vật và 20 loài phong lan các loại. 

Về thành phần động vật rừng, VQG Côn Đảo có 155 loài  bao gồm 25 loài thú, 85 loài chim, 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. Tuy số lượng các loài hoang dã không nhiều nhưng vườn quốc gia là nơi cư trú của nhiều loài đặc hữu như khỉ đuôi dài Côn Đảo, Sóc đen Côn Sơn, Sóc mun, Thằn lằn giun, Rắn khiếm Côn Đảo, Bồ câu nicoba, chim Điên bụng,…

Tài nguyên biển ở vườn quốc gia Côn Đảo

Biển Côn Đảo gồm 3 hệ sinh thái chính: hệ sinh thái rừng ngập mặn với diện tích 18ha, hệ sinh thái cỏ biển (200ha) và hệ sinh thái các rạn san hô (khoảng 1,000ha). Thành phần các loài san hô nơi đây rất đa dạng với 342 loài, 61 giống và 17 họ, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển và điều hòa, cân bằng lượng oxy trong nước biển. Về hệ sinh thái cỏ biển, loài chiếm tới 84,61% tổng các loài ở Việt Nam, đặc biệt là nơi cư trú của loài thú biển ăn thực vật lớn nhất không có ở nơi khác – Dugong dugon.  Hệ sinh thái rừng ngập mặn tiêu biểu với 23 loài, trong đó có các loài chiếm ưu thế là Được Đôi, Vẹt dù, và Đước xanh. 

vườn quốc gia côn đảo ở đâu
Hệ sinh thái biển của vườn quốc gia cũng đa dạng không kém – Ảnh: Ticotravel

Vùng biển tại vườn Quốc gia Côn Đảo có các loài sinh vật phong phú bậc nhất Việt Nam với 1,493 loài. Đặc biệt, có 44 loài thuộc nguồn gen cực quý hiếm ở biển Việt Nam nằm trong Sách đỏ gồm có 2 loài rong, 2 loài thực vật ngập mặn, 12 loài thân mềm, 7 loài cá, 5 loài chim, 3 loài san hô, 1 loài giáp xác, và 1 loài thú. Bên cạnh đó, vùng biển Côn Đảo còn có các loài bò sát và thú biển, trong đó có 3 loài thú phổ biến là Delphin mõm dài, cá voi xanh, và bò biển. Bò sát biển gồm rắn biển và các loại rùa biển. 

Trải nghiệm không thể bỏ lỡ tại vườn Quốc gia Côn Đảo

Do hệ sinh thái tại VQG cực kì phong phú và đa dạng, vì vậy du khách có thể trải nghiệm vô số các hoạt động khám phá thiên nhiên, động thực vật nơi đây. Một số hoạt động thú vị không thể bỏ lỡ tại VQG Côn Đảo có thể được kể đến như: Lặn ngắm san hô, xem rùa đẻ trứng, leo núi ngắm cảnh và check-in nhằm lưu giữ những khoảnh khắc khó quên giữa thiên nhiên bao la, hùng vĩ. 

Lặn ngắm san hô

Đây là một trong những hoạt động hấp dẫn nhất tại vườn quốc gia Côn Đảo nhờ làn nước trong xanh với độ sâu trung bình chỉ khoảng từ 5 – 10m thuận tiện. Điểm thu hút nhất không thể không kể đến chính là các rạn san hô lung linh, rực rỡ sắc màu với nhiều chủng loại khác nhau từ các loài san hô mềm tới trụ san hô khổng lồ màu trắng đục có bề mặt sần sùi lung linh dưới ánh sáng chiếu xuyên qua làn nước trong vắt như pha lê.

vườn quốc gia côn đảo thuộc tỉnh nào
Tới đây, bạn nhất định nên thử trải nghiệm lặn ngắm san hô – Ảnh: Môi trường du lịch

Bên cạnh đó, tại VQG Côn Đảo du khách còn có cơ hội khám phá đa dạng các loài sinh vật biển như cá nhồng, cá chình, cá vẹt, cá nược và rùa biển. 

  • Dịch vụ cho thuê kính lặn và ống thở: 70.000 VNĐ/ lượt
  • Chi phí thuê cano: 2 – 3 triệu VND/ cano/ 10 người. 

Xem rùa đẻ trứng tại vườn Quốc gia Côn Đảo

Vườn quốc gia được biết đến là khu bảo tồn số lượng rùa biển lớn nhất Việt Nam, cụ thể ở nơi đây hiện có trạm bảo tồn rùa biển với hơn 30 năm tuổi, ghi nhận 9400 rùa mẹ tới và hơn 1,9 triệu trứng rùa nở. Bãi Cát Lớn trên Hòn Bảy Cạnh thuộc khu vực Vườn quốc gia là một trong 14 bãi có số lượng rùa đến đẻ trứng nhiều nhất. Mùa làm tổ của rùa biển ở Côn Đảo kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, trong đó tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9.

ngắm rùa đẻ trứng vườn quốc gia côn đảo
Và tham gia tour xem rùa đẻ trứng – Ảnh: Sưu tầm

Tuy nhiên, do đặc tính sinh sản của rùa Côn Đảo là vào ban đêm, nên nếu bạn muốn trải nghiệm hoạt động này ở vườn Quốc gia Côn Đảo thì du khách sẽ phải thức cả đêm trên bãi biển để có cơ hội tận mắt chứng kiến rùa đào tổ vô cùng thú vị. Cảnh rùa con đang chui ra khỏi vỏ trứng chen chúc nhau leo lên miệng tổ, chập chững bò xuống biển chắc chắn sẽ gây ấn tượng sâu sắc đối với du khách. 

Trên đảo có tổ chức dịch vụ hướng dẫn xem rùa đẻ trứng với giá 600.000 VNĐ/ người và dịch vụ nhân công hướng dẫn thả rùa con về biển (50.000đ/người). 

Chú ý khi xem rùa đẻ trứng tại vườn Quốc gia Côn Đảo

  • Khi xem rùa mẹ đẻ trứng nên giữ im lặng và không chiếu đèn vào tổ rùa đẻ trứng, điều này sẽ khiến rùa bị kích động và quay trở lại biển. 
  • Đem theo thuốc xịt chống muỗi và côn trùng.
  • Du khách nên chuẩn bị trước đồ ăn, thức uống trước khi đến hòn Bảy Cạnh cho chuyến “săn rùa biển đẻ” vì nơi đây chỉ có khu vực sinh sống và làm việc của trạm kiểm lâm. Tuy nhiên, bạn có thể nhờ khu bếp của trạm để thuận tiện cho việc nấu nướng. 

Trekking và ngắm cảnh tại rừng quốc gia Côn Đảo

Trung tâm vườn – hồ An Hải – núi Thánh Giá là tuyến du lịch được du khách đam mê các loại hình thể thao, leo núi và khám phá thiên nhiên. Trên quãng đường dài khoảng 4km từ VQG tới hồ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn của hồ nước ngọt lớn nhất của huyện đảo với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, đắm chìm trong bầu không khí trong lành, thư thái. 

trekking vườn quốc gia côn đảo
Du khách trải nghiệm trekking tại vườn Quốc gia – Ảnh: Lien Lien

Để đến vườn Quốc gia Côn Đảo du khách di chuyển với quãng đường khoảng 5km, ngọn núi Thánh Giá cao 577m sừng sững sẽ hiện lên trước mắt bạn. Ngọn núi còn được biết đến là “nóc nhà” của Côn Đảo, là ngọn núi cao nhất trong các ngọn núi ở đảo thiên đường này. Du khách sẽ có cơ hội bắt gặp vô số các loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu trên đảo khi đi xuyên qua rừng.

Đặc biệt hơn cả, khi chạm tới đỉnh Thánh Giá, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh hòn đảo từ trên cao, hòa mình vào không khí vô cùng mát mẻ và được bao quanh bởi mây mù mờ ảo. Đừng quên check-in để lưu lại những bức hình sống động nhất về hòn đảo quyến rũ và những trải nghiệm cực kì thú vị với bạn bè nhé! 

>> Các địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Côn Đảo:

Khám phá các địa điểm trong vườn quốc gia Côn Đảo

Tại VQG có rất nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn khiến du khách trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau từ thích thú, choáng ngợp và cả ngạc nhiên. Trong đó, Hồ An Hải, Cầu Ma Thiên Lãnh và Hang Đức Mẹ là ba điểm đến tiêu biểu, hứa hẹn đem lại những trải nghiệm đặc sắc cho du khách. 

Hồ An Hải

Hồ có tổng diện tích tới gần 40,000ha, là một trong hai hồ nước ngọt lớn nhất tại quần đảo Côn Đảo. Hồ bao gồm hai khu: An Hải A và An Hải B, ấn tượng với cảnh đẹp thiên nhiên nên thơ của cô gái vùng sơn cước với những đồi cát trắng trải dài được phủ đầy hoa bằng lăng và hoa ngũ sắc, kết hợp với làn nước trong xanh in bóng cây cối bao quanh. Nếu du khách đến hồ An Hải vườn Quốc gia Côn Đảo vào đầu tháng 4 thì có thể được ngắm nhìn những bông sen hồng nhạt nhẹ nhàng khoe khắc giữa mặt hồ, tô thắm thêm vẻ đẹp duyên dáng mà kín đáo của hồ. 

Cầu Ma Thiên Lãnh

vqg côn đảo
Cầu Ma Thiên Lãnh – Ảnh: Phongnhaexplorer

cầu nằm trên một đỉnh núi phía Tây của thị trấn Côn Đảo, do người Pháp bắt từ nhân xây dựng để vượt sang phía bên kia núi nhằm khai thác cây gỗ và đá để xây trại giam, công sở, … chống tù nhân vượt ngục. Cây cầu được xây bằng bao xương máu của hàng trăm tù nhân do địa hình hiểm trở, tình trạng ăn uống thiếu thốn, và khổ sai, vì vậy đã được đặt tên Cầu Ma Thiên Lãnh bởi người tù. Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh tại vườn Quốc gia Côn Đảo đã được bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là khu di tích đặc biệt quan trọng vào năm 1979 và là di tích Đặc biệt Quốc gia vào năm 2012. 

Hang Đức Mẹ

Được xây dựng vào thế kỉ XIX bởi người Pháp nhằm làm nơi cầu nguyên. Nơi đây vốn dĩ là một hang đá nhỏ có tượng Đức Mẹ Maria, được bao quanh bởi hoa và nến lộng lẫy. Trước kia, hang là nơi các ngư dân thường xuyên vào viếng và cầu nguyện trước khi ra khơi.

hang đức mẹ vườn quốc gia côn đảo
Hang Đức Mẹ – Ảnh: Báo Vnexpress

Ngày nay, hang Đức Mẹ ở vườn Quốc gia Côn Đảo là điểm tham quan và hành hương. Đường đi lên hang khó khăn, gập ghềnh, phù hợp cho những người yêu thích mạo hiểm, leo núi và khám phá. Bên cạnh đó, nơi đây còn tồn tại những tàn tích từ thời chiến tranh thực dân Pháp, vì vậy, du khách có thể tìm hiểu thêm về lịch sử, đời sống văn hóa của lính Pháp trong thời kỳ kháng chiến khốc liệt của dân tộc. 

Hướng dẫn di chuyển tới vườn Quốc gia Côn Đảo

Hiện tại, có hai phương tiện để di chuyển đến Côn Đảo: Tàu biển và máy bay. Với tàu biển, du khách sẽ dừng tại bến tàu Côn Đảo, và tại cảng hàng không Côn Đảo nếu đi bằng máy bay. Từ hai điểm trên, bạn có thể gọi taxi hoặc bắt xe máy để tới VQG Côn Đảo. 

Dưới đây là một số địa chỉ cho thuê xe máy và thông tin các hãng taxi được đề xuất:

Xe máy: 

  • Cho thuê xe máy Phương Ân: 0945 609 470 
  • Nhà xe Tân Châu: 0899 009 799 
  • Cho thuê xe tay ga Vision Quỳnh Mai: 036 2728 410 

Các hãng taxi:

  • Taxi Mai Linh Côn Đảo: 02543 850 850 
  • Taxi Côn Sơn: 02543 908 908 
  • Thu Tâm Côn Đảo: 0254 3630036

Di chuyển trên rừng Quốc gia Côn Đảo 

tham quan vườn quốc gia côn đảo
Ảnh: Phương Nguyễn Việt

Du khách có thể thuê xe điện, taxi, hoặc xe 16 chỗ (với dạng du lịch với nhóm đông hoặc gia đình). Ngoài ra, thuê xe máy với giá từ 100.000 – 120.000VNĐ/ ngày cũng là một lựa chọn hợp lý để khám phá, vi vu trên đảo. 

Chú ý: nên đổ đầy bình xăng trước khi ra xa trung tâm vì trên đảo chỉ có 2 cây xăng

Kinh nghiệm đi vườn Quốc gia Côn Đảo

Thời điểm du lịch thích hợp

Nếu du khách muốn đến tham quan, check-in và khám phá thiên nhiên, du khách nên đến đây vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Bên cạnh đó, nếu mong muốn trải nghiệm xem rùa đẻ, hãy đến Vườn trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 11. 

Một số quy định bảo vệ VQG du khách cần chú ý:

  • Không gây ô nhiễm môi trường, và làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của vườn
  • Không tác động tới các loài động, thực vật hoang dã
  • Không mang hóa chất độc hại, chất gây nổ vào Vườn. Không đốt lửa trong rừng.  

Có thể bạn quan tâm: Đến vườn Quốc gia Côn Đảo, bạn đừng quên mua các loại đặc sản từ Tổ yến về làm quà tặng cho bạn bè và người thân. 

Một số địa điểm lưu trú gần VQG Côn Đảo như:

Bungalow Hotel Con Dao 

  • Địa điểm: Khu 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, Côn Đảo, cách VQG khoảng 1km 
  • Điện thoại: 0704 624 426 

Mai Homestay Côn Đảo 

  • Địa điểm: Đường Huỳnh Thúc Kháng, Côn Đảo 
  • Điện thoại: 096 862 0290 

Khang Binh’s Hotel Côn Đảo 

  • Địa điểm: Đường Huỳnh Thúc Kháng, Côn Đảo 
  • Điện thoại: 097 478 8096 

Với hệ sinh thái phong phú và đa dạng và những trải nghiệm thú vị, vườn Quốc gia Côn Đảo là điểm đến không thể bỏ lỡ của những du khách yêu thích thiên nhiên và đam mê khám phá những điều mới mẻ. Hi vọng những thông tin trên hữu ích cho chuyến tham quan trọn vẹn và có những kỉ niệm đáng nhớ tại khu vườn kì diệu này.

>> Xem thêm:

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien