Chùa Hang Hà Tiên là một địa điểm tâm linh đã có lịch sử lâu đời của Kiên Giang, thuộc quần thể thắng cảnh Hòn Chông. Tới với nơi đây, bạn chắc chắn sẽ bị lôi cuốn với lối kiến trúc nằm trong lòng hang độc đáo cùng với phong cảnh non nước mê hoặc làm người ta phải say đắm.
Chùa Hang Hà Tiên là một trong những điểm đến du lịch đặc sắc của tỉnh Kiên Giang, nơi đây nổi tiếng không chỉ bởi là kiến trúc tâm linh với lịch sử lâu đời mà còn có cảnh biển, cảnh núi “sơn thủy hữu tình”. Nằm trong quần thể thắng cảnh hòn Chông – Hà Tiên xưa, Chùa Hang là một trong những địa điểm được du khách thập phương hướng tới mỗi lần ghé thăm tỉnh Kiên Giang.
Chùa Hang Hà Tiên ở đâu?
Tọa lạc tại chân núi An Hải Sơn, chùa còn được gọi với tên khác là chùa Hải Sơn, thuộc địa phận xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Nằm cách trung tâm Hà Tiên 30km, cách Rạch Giá 70km nên du khách có thể lựa chọn 2 tuyến đường để đi tới chùa từ thành phố Hồ Chí Minh, đường khá dễ đi nên việc di chuyển rất thuận tiện.
Ngọn Hải Sơn là một núi đá vôi, chịu tác động xâm thực qua hàng ngàn năm đã tạo nên một hang động thông ra biển, nơi đầu kia có hòn Phụ Tử nổi tiếng. Chùa Hang Hà Tiên nằm ngay sát cạnh bờ biển, trong khu du lịch Hòn Phụ Tử thuộc quần thể thắng cảnh hòn Chông nổi tiếng, có tiếng sóng vỗ vào bờ quanh năm.
Khám phá chùa Hang Hà Tiên
Lịch sử xây dựng chùa Hang Kiên Giang
Chùa Hải Sơn được ngư dân đi biển và các nhà sư Thái Lan sáng lập khi tiếng hành khai hoang ở khu vực này.
Năm 1771, quân Xiêm sang xâm lược Việt Nam và rút về nước năm 1774, khiến các nhà sư tại chùa phải trở về theo, từ đó chùa bị bỏ hoang một thời gian dài. Vài năm sau, người dân địa phương đã thỉnh về chùa một vị sư người Khmer làm trụ trì, người đã cho xây dựng thêm một Am nhỏ gần chùa và đặt tên là chùa Thái Lùa.
Đến năm 1800, 2 nhà sư Võ Thường Lễ và Võ Thường Nghĩa đã cho trùng tu lại chùa, đặt tên là chùa Hang Hà Tiên, kể từ đó các trụ trì chùa đều là người Việt Nam. Hiện nay, chùa nằm dưới sự quản lý của Hội Đồng Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa là Đại đức Thích Minh Nhẫn.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển chùa đã trải qua nhiều cuộc trùng tu, mở rộng quy mô, đặc biệt nhất là cuộc đại trùng tu vào năm 1962 theo dáng vẻ như ngày nay. Năm 1989, chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là điểm di tích lịch sử và tham quan thắng cảnh.
Kiến trúc chùa Hang Hà Tiên
Từ ngoài vào trong, du khách sẽ bước qua một cổng Tam Quan với một cửa to ở giữa và 2 cửa nhỏ 2 bên, mỗi cửa đều có 2 lớp mái gạch uốn cong 2 đầu theo phương pháp “tàu đao lá mái”. Mỗi mái đều có nhiều họa tiết mây, rồng, sóng, và ở trên đỉnh mái của cổng chính là họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt” truyền thống.
Bên ngoài chùa còn có vườn tượng với nhiều bức tượng được bố trí ở tư thế thiên dọc theo một con đường bước vào chùa, đặc biệt là bức tượng Phật Di Lặc nặng 22 tấn. Tượng nằm ngay ở con đường chính đi vào trong chùa được làm bằng đá non nước, 2 bên là 2 con kỳ lân bằng đá.
Phần Chính điện của chùa Hang Hà Tiên nằm trong lòng hang đá vôi, kết quả của sự xâm thực qua hàng ngàn năm. Hang dài 50m, ăn thông ra biển, chiều dài hang bất đồng, có chỗ rất rộng, có chỗ chỉ là con đường hẹp được lát đá chỉ đủ rộng cho 3-4 người đi.
Trong hang ngoài những yếu tố do con người tác động vào trong quá trình xây dựng chùa như bệ thờ, bậc thang, đá lát sàn còn lại cột trụ,… thì còn có các họa tiết với nhiều hình dạng khác nhau do đá vôi và tự nhiên hình thành. Do xây trong hang đá nên bên trong chùa Hang Hà Tiên khá ít ánh sáng, tạo nên quang cảnh mờ ảo, linh thiêng như chốn thần tiên.
Trong Chánh điện có nhiều tượng Phật được thờ, nổi tiếng nhất là 2 bức tượng Phật Thích Ca được làm rỗng bên trong, khi gõ vào tượng sẽ tạo nên âm thanh ngân rất huyền bí. Đi ra khỏi Chánh điện chùa Hang Hà Tiên, sâu vào bên trong là một con đường dẫn ra cửa động phía sau nơi hướng ra ngoài biển.
Càng đến gần cửa động, du khách sẽ nghe càng rõ tiếng sóng vỗ vào các bãi đá, cảm nhận được những cơn gió nhẹ mát thổi từ biển vào hang và mang đậm mùi biển. Ngoài ra trong động còn có đường dẫn đến Hang Kim Cương nơi có con đường lên trời, Hang Phật ngủ nơi có tượng Phật nằm. Hàng năm tại chùa Hang có lễ hội kéo dài 1 tuần từ ngày mùng 8 đến ngày 15 tháng 4 âm lịch, thu hút người dân khu vực và khách thập phương đổ về thăm viếng, cúng bái.
Chùa Hang Hà Tiên là một điểm đến tâm linh và du lịch nổi tiếng của quần thể thắng cảnh hòn Chông. Vậy nên, nếu có dịp tới Kiên Giang, đặc biệt là tới Hà Tiên, thì bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm lối kiến trúc độc lạ trong hang của ngôi chùa này nhé.