Lăng Mạc Cửu là một trong những danh thắng đẹp nhất của Hà Tiên, nơi đây không chỉ là nơi thờ kính một trong những người có công khai phá ra mảnh đất này, mà còn là một điểm du lịch tham quan với lối kiến trúc đặc sắc mà du khách không nên bỏ lỡ.
Ông Mặc Cửu và dòng họ là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình khám phá và khai khẩn đất Hà Tiên. Sau khi mất, để tưởng nhớ công ơn của ông, gia đình và người dân nơi đây đã cho xây dựng khu vực đền thờ. Về sau người địa phương vẫn tiếp tục góp sức duy trì và bảo tồn khu di tích lăng Mạc Cửu, giúp nơi đây trở thành một địa điểm tham quan, khám phá hấp dẫn của vùng đất Hà Tiên.
Giới thiệu về Lăng Mạc Cửu
- Vị trí: đường Mạc Cửu, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Khu di tích còn được biết đến với những tên gọi khác như Đền thờ họ Mạc, Trung Nghĩa từ, hay tên gọi thân thương của người dân địa phương là Miếu Ông Lịnh.
Do lăng nằm trong khu vực đất liền của tỉnh Kiên Giang nên du khách hoàn toàn có thể di chuyển bằng các phương tiện đường bộ như xe khách, xe máy để đi tới khu di tích từ các điểm du lịch khác của tỉnh Kiên Giang. Nếu bạn ở quá xa thì có thể lựa chọn các tuyến bay đến sân bay Rạch Giá, rồi tiếp tục thuê taxi hoặc xe ôm công nghệ để di chuyển đến đền thờ họ Mạc.
Hiện tại Lăng mở cửa miễn phí cho du khách trong và ngoài nước tới tham quan, kính viếng. Giờ mở cửa từ 8h30 – 17h30 hàng ngày.
Khám phá Lăng Mạc Cửu
Lịch sử hình thành đền thờ họ Mạc
Mạc Cửu là một thương nhân người Quảng Đông, do không chịu các tập tục thay đổi của người Thanh áp lên người Hán nên ông đã rời bỏ quê hương đi buôn bán ở các nước Đông Nam Á. Năm 1680, ông đến vùng đất Hà Tiên, khai khẩn và xây dựng vùng đất này. Đến tháng 8 năm 1708, trong công cuộc khai khẩn đất hoang mở rộng lãnh thổ của các chúa Nguyễn, ông đã dâng tặng vùng đất này cho các chúa và được phong là Tổng trấn Hà Tiên. Ông cùng nhiều đời con cháu đã đóng góp rất nhiều công sức để xây dựng Hà Tiên thành một vùng đất giao thương nổi tiếng của nước Việt xưa.
Khu di tích lăng Mạc Cửu được đời sau xây dựng dưới lệnh của các vua nhà Nguyễn nhằm tưởng nhớ công ơn của Tổng trấn Mạc Cửu. Xuyên suốt quá trình lịch sử, Lăng được nhiều lần trùng tu và xây dựng lại dưới sự đóng góp của người dân, các bậc chí sĩ và các đời con cháu dòng họ Mạc để có kiến trúc như ngày nay. Khu di tích đền thờ và lăng họ Mạc không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn là công trình kiến trúc có tính nghệ thuật cao, kết hợp hoàn hảo từ cách bố trí đến các chi tiết nhỏ. Những điều đó đã khiến nơi đây trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng của Hà Tiên mà du khách không nên bỏ qua.
Kiến trúc Lăng Mạc Cửu
Được xây dựng với mặt tiền quay về hướng Đông, mặt sau dựa núi, khu di tích này tổng thể có 2 phần gồm khu vực đền thờ học Mạc và khu vực Lăng mộ.
Từ ngoài bước vào trong, bạn sẽ thấy trước cổng khu di tích là ao lớn phủ kín bởi hoa sen, tương truyền được nhà họ Mạc đào để cung cấp nước ngọt cho người dân trong vùng trong mùa khô cạn.
Tại cổng khu di tích đền thờ họ Mạc có 2 vế đối ở 2 bên cột được vua nhà Nguyễn ban tặng: “Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng / Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” nghĩa là “Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ / Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu”.
Bước vào cổng là một khoảng sân rộng, 2 bên có trồng cây xanh tươi mát, đem lại không khí yên tĩnh, trong lành, trầm mặc cho khu di tích. Qua sân sẽ dẫn đến một Tiểu đình rộng được chống bằng các cột trụ bằng gỗ, mái lợp ngói bên trên có các họa tiết lưỡng long chầu nguyệt đặc trưng của kiến trúc đình chùa Việt Nam.
Qua tiền đình khu di tích lăng Mạc Cửu là một khoảng sân rộng, tạo bố cục cân đối cho khu di tích, qua khỏi khoảng sân rộng này và một cổng nhỏ sẽ dẫn vào khu vực Chánh điện. Ở bên phải của khu đền thờ là nhà tiền hiền và ở bên trái là nhà hậu hiền, lần lượt thờ các nhân vật đã đến từ trước và đến sau ông Mạc Cửu.
Khu Chánh điện ở ngay cửa vào có bốn chữ lớn: “Khai trấn trụ quốc” và bức hoành “Nghị Võ Công”, ghi nhận lại sự đóng góp của dòng họ Mạc trong công cuộc khai phá, mở mang lãnh thổ. Hai bên vách tường là 10 bài thơ nổi tiếng của Mạc Thiên Tứ – “Hà Tiên Thập Vịnh”. Trong khu Chánh điện là bàn thờ của Mạc Cửu và gia đình cùng những danh tướng dưới thời họ Mạc.
Từ khu Chánh điện đền thờ họ Mạc đi ra, ở phía tay trái có bảng chỉ dẫn và cổng dẫn đến khu vực thứ 2 của khu di tích – khu lăng mộ của nhà họ Mạc.
Theo một con đường bậc thang đi lên núi Bình San, xuyên qua rừng cây xanh ngát ở 2 bên đường là khu lăng mộ với hơn 60 ngôi mộ lớn nhỏ khác nhau. Chúng được chia làm 4 khu riêng biệt: Khu lăng mộ các tiểu vương dòng họ Mạc, khu lăng mộ của các phu nhân, khu lăng mộ của các quan và khu lăng mộ của các thành viên khác trong dòng họ Mạc.
Trong lăng Mạc Cửu, ở khu vực mộ các tiểu vương dòng họ Mạc thì lăng mộ của ông Mạc Cửu nằm ở vị trí cao nhất. Lăng được xây dựng theo phong cách Trung Hoa, có dạng hình bán nguyệt, khoét sâu vào núi, xây theo thế tọa ngưu (dáng trâu nằm), hai bên có 2 vị tướng làm bằng đá đứng canh giữ. Cả khu mộ được lát bằng đá do Mạc Thiên Tích mang từ Malaysia về để xây mộ cho cha.
Phía dưới Lăng là mộ của bà Nguyễn Thị Hiếu Túc (vợ ông Mạc Cửu) và các con trai Mạc Tử Hoàng, Mạc Thiên Tử với lối kiến trúc tương tự mộ cha nhưng khiêm tốn hơn. Từ mộ Mạc Cửu có các lối mòn khác dẫn đến các khu lăng mộ của gia đình và các danh tướng dòng họ Mạc.
“Ngoài đền thờ họ Mạc, tỉnh Kiên Giang còn nhiều điểm đến nổi tiếng thu hút khách du lịch khác như: Chùa Hang, hòn Phụ Tử, ba hòn Đầm, đảo Hải Tặc,…”
Trải qua gần 300 năm lịch sử nhưng Lăng Mạc Cửu vẫn giữ gần như nguyên vẹn những giá trị nghệ thuật trong kiến trúc, trở thành một địa danh tâm linh nổi tiếng của vùng đất Hà Tiên. Nếu có dịp tới Kiên Giang trong thời gian sắp tới, bạn hãy dành chút thời gian ghé qua và chiêm ngưỡng khu di tích nổi tiếng này nhé