Tháp Bánh Ít là một trong những kiến trúc hiếm hoi của người Champa còn bảo tồn và duy trì được trước sự tàn phá của thời gian. Đây là điểm đến du lịch mang ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, một địa chỉ du lịch được yêu thích của tỉnh Bình Định.
Không chỉ nổi tiếng với những bãi biển với vẻ đẹp hoang sơ chưa bị khai phá làm rung động lòng người, Quy Nhơn còn thu hút khách du lịch tứ phương với những món ăn đặc sắc mang đậm chất con người Bình Định hay những kiệt tác kiến trúc ghi dấu lại thời kỳ Champa huy hoàng một thời tại nơi đây – Một trong những kiến trúc tiêu biểu trong đó có Tháp Bánh Ít.
Tháp Bánh Ít ở đâu ?
Bánh Ít hay còn được gọi là Tháp Bạc, là công trình kiến trúc của người ChamPa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, hiện tại quần thể Tháp nằm trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước của tỉnh Bình Định.
- Giá vé tham quan: 15.000 VNĐ
- Giờ mở cửa: 7.00 – 19.00
Khám phá tháp Bánh Ít Quy Nhơn
Lịch sử tháp Bánh Ít
Vương Quốc ChamPa từng là một vương quốc cổ đại có địa bàn tương ứng với miền Trung Việt Nam ngày nay. Trong thời gian tồn tại, Champa đã xây dựng rất nhiều công trình đền cổ ở miền Trung, song với sự suy vong dần của vương triều này, các công trình dần bị tàn phá bởi thời gian và môi trường, hiện tại chỉ còn lại rất ít công trình còn lại tiêu biểu trong số đó như: Thánh địa Mỹ Sơn, Tháp chàm Poshanư, Tháp Poklong Garai,.. và Tháp Bánh Ít.
Không có nhiều dữ liệu lịch sử ghi lại quá trình xây dựng của Bánh Ít, chỉ biết Tháp được xây dựng trong thời gian khoảng cuối thế kỷ 11 – đầu thế kỷ 12 ( Giai đoạn suy tàn của vương triều ChamPa).
Cái tên “Bánh Ít” được người dân địa phương đặt cho quần thể Tháp vì nhìn từ xa, các tháp này có hình dạng rất giống với món Bánh Ít – một đặc sản của tỉnh Bình Định. Một cái tên khác là thác Bạc, trong tiếng J’rai là YANG MTIAN nghĩa là cụm tháp Champa.
Kiến trúc tháp Bánh Ít ở Quy Nhơn
Bánh Ít là quần thể Tháp gồm 4 tòa tháp lần lượt đi từ cổng vào tương ứng là: Tháp Cổng, Tháp nhỏ phía Nam, Tháp Chính và Tháp Yên Ngựa. Quần thể Tháp được xây dựng trên một ngọn đồi cao 85m so với mực nước biển, nếu tách đơn lẻ ra thì từng Tháp có kiến trúc không quá lớn nhưng xét tổng thể thì đây lại là một quần thể khá lớn và kỳ vỹ.
Các kiến trúc tại tháp Bánh Ít Quy Nhơn mang đậm phong cách của người ChamPa, tuy nhiên vẫn có vài sự giao thoa văn hóa vùng miền nên mỗi kiến trúc Champa ở mỗi địa phương đều có điểm khác riêng.
Bắt đầu bước chân đi vào khu đền qua một hàng bậc thang đá sẽ đến Tháp Cổng. Tháp Cổng khá đơn giản, không quá đặc sắc, được xây dựng theo bình đồ hình vuông, cửa thông nhau, 1 lối dẫn ra phía Đông, 1 lối dẫn vào hàng bậc thang đi vào khu Tháp chính.
Di chuyển sang phía Nam của quần thể tháp Bánh Ít là một tòa tháp nhỏ, nằm thấp hơn Tháp chính khoảng 10m. Tháp phía Nam có 4 cửa thông sang 4 hướng khác nhau, cửa có hình vòm nhòn dần lên trên, mái Tháp là các quả bầu lọ xếp chồng lên nhau, kiến trúc đã trải qua nhiều thời gian lịch sử, đã bị tàn phá nhiều, trên mái còn mọc nhiều cây xanh.
Tháp Chính của Tháp Bánh Ít có kích thước lớn nhất, nằm ở vị trí trung tâm quần thể, trên đỉnh ngọn đồi. Ngôi tháp có nhiều chi tiết tinh tế hơn các tháp khác, nhìn từ xa rất uy nghi và vững chắc. Tháp cao hơn 20m, một cửa chính nhô ra ngoài ở phía Đông, được trang trí họa tiết rất tinh tế hình mũi giáo, chính giữa có phù điêu mặt Kala, Các cửa khác ở 3 hướng còn lại đều là cửa giả, được trang trí tinh tế, nhô ra ít hơn so cửa chính, mái vòm có chạm trổ phù điêu Gajasimha. Mái Tháp Chính là các tháp nhỏ xếp chồng lên nhau, đều có cửa giả, trang trí nhiều họa tiết và phù điêu độc đáo.
Đừng quên ghé thăm một vài địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Bình Định để có chuyến du lịch đầy trọn vẹn:
Cạnh Tháp Chính trong quần thể tháp Bánh Ít ở Quy Nhơn là Tháp Lửa hay còn được gọi là Tháp Yên Ngựa vì phần mái của tháp được làm cong như một cái yên ngựa. Tháp được trang trí các họa tiết chim, thú, người đang ở tư thế chống đỡ như đang nâng bổng cả tào Tháp lên. Tháp được xây dựng với tác dụng như một nhà kho, nơi người ChamPa cổ để các đồ lễ tế.
Bên trong Tháp thờ có để một bức tượng thần SiVa, đây là bản phục chế lại của bản gốc trước kia đặt tại Tháp do bản gốc hiện tại đã được chuyển đến trưng bày tại Bảo tàng Guimet của Pháp.
Với khung cảnh đặc trưng, chứa đựng phong cách riêng của người Champa, tháp Bánh Ít là địa điểm check in được yêu thích của khách du lịch. Ngoài ra đây là còn một địa điểm khám phá văn hóa được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm tới, thỏa nỗi tò mò với kiến trúc cũng như văn của người Champa xưa, một vương quốc đã mãi chôn vùi cùng lịch sử.
Tháp Bánh Ít là kiến trúc Champa đẹp nhất tại tỉnh Bình Định. Nơi đây chứa đựng nhiều tinh hoa trong việc xây dựng của người Chăm xưa, hơn nữa còn chứa đựng nhiều nét văn hóa, lịch sử đã của một vương triều đến nay đã không còn nữa. Nếu có dịp ghé thăm Bình Định, bạn hãy cùng gia đình và người thân ghé thăm khám phá những điểm đặc sắc của ngọn tháp này một lần nhé.