Ghềnh Ráng Tiên Sa với khung cảnh kỳ vĩ của biển xanh hoà núi non, từ lâu đã nổi tiếng là một danh thắng tuyệt đẹp của Bình Định, từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng hoàng gia. Đến đây, bạn có thể thả mình vào không gian hoang sơ của bãi tắm Hoàng Hậu hay Tiên Sa, thưởng thức các món hải sản tươi ngon, hoặc ghé thăm mộ Hàn Mặc Tử và tìm hiểu về nhà thơ tài hoa này.
Nếu có dịp đến thăm thành phố Quy Nhơn, bạn không thể không ghé qua khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa, một điểm đến thu hút với nhiều khu vực trải nghiệm đầy hấp dẫn. Nơi đây vô cùng quyến rũ với khung cảnh nguyên sơ và hùng vĩ của những dãy núi trải dài trên mặt biển sóng vỗ, đẹp như một bức tranh sơn thuỷ được tạo tác bởi bàn tay mẹ thiên nhiên. Hãy cùng tìm hiểu thêm về tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ này nhé.
Giới thiệu về khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa
Tọa lạc tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, khu du lịch nằm cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 3km về phía Đông Nam, nên đường đi là vô cùng dễ dàng. Từ các vùng khác, bạn có thể di chuyển đến Bình Định bằng nhiều lựa chọn như tàu hoả, xe khách, hay máy bay và bắt taxi tới Quy Nhơn, sau đó đi tiếp về khu du lịch. Hoặc nếu muốn tự chủ hơn thì thuê xe máy cũng là một lựa chọn không tồi, bạn sẽ chỉ mất khoảng 20 – 25 phút di chuyển, đi theo hướng đường quốc lộ 1D.
- Giá vé Ghềnh Ráng Tiên Sa: 10.000 đồng / người
- Gửi xe: 2.000 – 5.000 đồng / xe máy
Nguồn gốc của tên gọi Ghềnh Ráng – Tiên Sa
Thực ra, tên gọi của khu du lịch này gồm có hai phần, với Ghềnh Ráng bắt nguồn từ sự hiểm trở của dòng nước xiết nơi đây, bị ảnh hưởng bởi những khối đá hỗn loạn không theo quy luật nào. Thuỷ thủ gọi đây là Ghềnh, và mỗi khi đi qua vùng nước phải liên tục hạ buồm chặn gió, giữ tốc độ thuyền tránh va chạm — hành động mà người trong nghề thường gọi là Ráng.
Trái ngược với sự liên tưởng đến từ thực tế tính chất địa lý đó, cái tên Tiên Sa lại gắn với một câu chuyện tình đầy tiếc nuối, có hơi hướng truyền thuyết và mang nét kỳ bí. Truyện kể, xưa kia ở một vùng có cặp trai tài gái sắc, họ đem lòng yêu nhau và đã cùng thề non hẹn biển, chỉ đợi chàng sau đi chuyến biển về để đem sính lễ cầu hôn. Không ngờ, một viên quan lại sau khi gặp nàng đã bị sắc đẹp của người thiếu nữ mê hoặc, bèn theo dõi và tìm đủ mọi cách gây sức ép lên gia đình buộc nàng tuân theo. Để giữ được đạo hiếu mà vẫn trọn lòng thuỷ chung với người yêu, nàng vừa khóc vừa vái lạy cha mẹ rồi quyết tâm chạy trốn khỏi làng đến vùng biển Quy Nhơn. Biết tin, tên quan bèn ra lệnh cho quân lính đuổi theo, tới Ghềnh Ráng thì trời bỗng nổi giông bão rất lớn, sấm chớp bổ ra một khe đá lớn và cô gái đột ngột biến mất.
Trong khi đó, chàng trai vừa đi biển về được báo tin dữ và biết người yêu đã mất tích, liền vội vàng tìm nàng ở khắp nơi, mãi đến một đêm tối muộn, chàng bắt gặp bóng hình một thiếu nữ ẩn hiện nơi đây. Từ đó không ai nghe tin gì từ chàng nữa, nhưng nhiều người cho rằng cô gái đã thành tiên, và cứ mỗi khi trời giông bão nàng là lại về thăm người xưa, tạo nên cái tên Ghềnh Ráng – Tiên Sa như ngày nay
Ghềnh Ráng Tiên Sa có gì thú vị?
Khu du lịch là một quần thể bao gồm nhiều địa điểm thăm thú, được nối với nhau bằng một con dốc thoai thoải với hai bên là những hàng cây rậm rạp xanh mát, bao phủ trong không gian của tiếng chim hót và tiếng sóng vỗ rì rào. Để tiện cho việc tham quan trong ngày, bạn nên di chuyển theo thứ tự sau: Đầu tiên là nhà lưu niệm và mộ Hàn Mặc Tử tại đồi Thi Nhân, tiếp đó qua bãi tắm Hoàng Hậu và bãi Tiên Sa, cuối cùng là thăm nhà thờ Ghềnh Ráng và các vườn thơ Hàn.
Thăm mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng Tiên Sa
Đến với Quy Nhơn, nhiều người đều nghĩ ngay đến một thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh tên Hàn Mặc Tử, người đã ra đi khi vẫn còn rất trẻ, chỉ mới 28 tuổi, sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh phong quái ác.
Qua đời năm 1940, Hàn Mặc Tử vốn được mai táng ngay tại khuôn viên bệnh viện Quy Hoà, thành phố Quy Nhơn, và mãi 19 năm sau (1959) hài cốt ông mới được anh chị em di dời về Ghềnh Ráng Tiên Sa như ngày nay. Là một mất mát to lớn trong lòng người yêu thơ và cả nền nghệ thuật của Việt Nam, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm đặc sắc, nhất là những áng thơ tình đã khởi đầu dòng thơ lãng mạn hiện đại.
Để viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, từ con dốc chính bạn sẽ bước qua một chiếc cầu nhỏ nối hai bờ suối Tiên và rẽ trái để lên đồi Thi Nhân, leo con đường dốc Mộng Cầm với hơn trăm bậc đá bao phủ bởi cỏ gai rậm rạp. Nơi yên nghỉ của nhà thơ là một khoảng đất rộng và bằng phẳng, được che bóng mát bởi từng hàng cây cối xanh tươi. Mộ Hàn Mặc Tử được dựng theo lối kiến trúc hình khối chữ nhật đơn giản, bề mặt được ốp đá mài bằng phẳng, bên trên là cây thập giá và tượng đức mẹ Maria dang rộng 2 tay như che chở. Dưới chân khu vực là lớp đá ong được xếp chồng lên nhau, từ đây bạn có thể nhìn ra toàn cảnh bờ biển thành phố Quy Nhơn, cảm nhận khung cảnh non nước hữu tình và hít thở không khí thoáng đãng.
Đến khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa thăm mộ thi nhân, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về sự nghiệp của ông khi ghé thăm căn phòng lưu niệm với nhiều hiện vật quý như bút tích, manh chiếu cói, tài liệu, tập thơ, sách báo, … Đây phần lớn là công sức tìm kiếm khắp đó đây của nghệ nhân Dzũ Kha, người với tấm lòng yêu quý và kính trọng của mình, đã tình nguyện chăm sóc mộ nhà thơ suốt hơn 30 năm qua. Ông đã gắn mình với nghệ thuật vẽ bút lửa trên gỗ và những áng thơ Hàn Mặc Tử, tạo nên những vật kỷ niệm vô cùng ấn tượng mà bạn có thể mua về trưng bày hoặc tặng cho người thân.
Bãi Tiên Sa – Ghềnh Ráng Quy Nhơn
Nằm trên trục đường từ đồi Thi Nhân tới Quy Hoà của Ghềnh Ráng Tiên Sa Bình Định, bãi Tiên Sa kéo dài hơn 5km với những dãy núi đá trập trùng vươn ra biển, được bao phủ bởi những lớp sóng tung bọt trắng xóa. Bãi cát ở đây không rộng nhưng vô cùng mịn, dường như hoà làm một cùng với làn nước xanh màu ngọc bích mát dịu, nối thẳng lên đỉnh những vách đá dựng đứng bởi một chiếc cầu thang bằng gỗ. Từ nơi này, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh biển khơi bao la nơi phía đông thành phố Quy Nhơn, xa hơn là đầm Thị Nại cùng bán đảo Phương Mai.
Trung tâm khám phá khoa học Quy Nhơn
Đi men theo con đường đất uốn lượn theo triền núi của bãi Tiên Sa, bạn sẽ đến được với một địa điểm khác, nơi đặt tác phẩm điêu khắc độc đáo của tạo hóa — hòn Chồng Ghềnh Ráng Tiên Sa. Như cái tên gợi ý, đây là 2 hòn đá nằm chồng lên nhau một cách khá chênh vênh, nhìn vô cùng mong manh, tưởng chừng có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Thế nhưng qua biết bao năm tháng, trải bao mưa to gió lớn, hòn Chồng vẫn sừng sững tạo nên kỳ quan lạ lùng như thách thức đất trời.
Bởi địa hình độc đáo với nhiều vách đá xen kẽ, đây cũng là địa điểm vui chơi thú vị, đặc biệt là nơi câu cá lý tưởng cho những ai yêu thích thú vui tao nhã này. Sau khi câu cá xong, bạn có thể đem về hoặc mang sang ngay nhà hàng Hoàng Hậu phía sau, thuê họ xử lý và chế biến thành những món ăn theo ý thích của mình. Ngoài ra, có các bạn trẻ còn coi đây là nơi luyện tập sức khoẻ và sự dẻo dai của đôi chân, thường tổ chức các nhóm chạy bộ, tập thể thao và leo vách đá.
Bãi tắm Hoàng Hậu nơi Ghềnh Ráng Tiên Sa
Còn được biết đến với tên gọi Bãi Đá Trứng Quy Nhơn, Bãi tắm Hoàng Hậu hiện lên với vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ, hoà hợp giữa núi và biển. Các hòn đá ở nơi đây không thô ráp, cứng rắn như ở những chỗ khác mà lại trơn nhẵn, tròn tròn như những quả trứng khổng lồ xếp chồng lên nhau. Chẳng có gì lý thú hơn việc được chạy nhảy, vui chơi bằng chân trần trên những phiến đá nhấp nhô, rồi cùng nhau chụp những bức ảnh “check-in” ấn tượng để đăng lên mạng xã hội.
Theo truyền thuyết, bãi tắm Hoàng Hậu tại Ghềnh Ráng Tiên Sa được coi như nơi vui chơi, tụ hội của những nàng tiên, lại cũng gắn liền với một câu chuyện tình yêu bất hạnh khác. Có đôi trai gái vốn yêu nhau lại bị ngăn cấm bởi gia đình hai bên, chàng trai bèn ra biển kiếm đủ sính lễ mong cầu hôn được nàng. Cô gái chờ mãi không thấy người yêu về nên đã đi tìm đến tận Ghềnh Ráng, gặp mưa và được vách đá che chở, còn chàng trai thì bị sóng đánh dạt vào bờ biển Hoàng Hậu Họ gặp lại, nắm tay nhau và cùng biến mất, chỉ thoắt ẩn thoắt hiện vào mỗi ngày mưa.
Còn theo sử sách kể lại, khi vua Bảo Đại đi du hành đến Ghểnh Ráng Tiên Sa, đã bị xúc động bởi cảnh sắc nên thơ hữu tình nên đã dừng chân nghỉ lại, lúc đó Hoàng hậu Nam Phương vô cùng yêu thích liền xin vua ban cho mình. Từ đó, người dân đã gọi đây là bãi tắm Hoàng Hậu – cái tên vô cùng phù hợp, khi vùng biển này nằm lọt thỏm giữa những vách đá lớn dựng đứng, như đang được bảo vệ bởi những người lính dũng mãnh.
Từ nơi này, bạn cũng có thể lên thăm ngọn hải đăng, và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toàn bộ khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa từ trên cao. Hoặc đi men theo bờ biển để thăm thú những góc núi đá với vẻ đẹp hoang sơ lạ kỳ, chưa bị bàn tay của con người đụng chạm, thay đổi. Đặc biệt, ngay phía sau bãi tắm Hoàng Hậu Quy Nhơn là nhà hàng cùng tên, nơi bạn có thể thưởng thức những món hải sản Quy Nhơn tươi ngon nhất cùng vô số những đặc sản của Bình Định. Đến đây mà không một lần thưởng thức những món như mắm nhum, bún tôm, cua Huỳnh Đế, bánh hỏi Diêu Trì, … thì quả là một thiếu sót vô cùng lớn.
Nhà thờ Ghềnh Ráng Quy Nhơn
Sau khi đã dạo chơi Ghềnh Ráng Tiên Sa, trước khi đi về thì địa điểm cuối cùng mà bạn cần ghé qua đó là nhà thờ Đá. Còn được biết đến là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, giáo phận Quy Nhơn, kiến trúc này được khởi công xây dựng vào năm 1963 bởi linh mục Phạm Châu Diên. Nhà thờ Ghềnh Ráng được chính thức khánh thành vào năm 1964, và được trùng tu, xây dựng lại vào năm 2007 sau hơn 40 năm từng trải gió mưa nên xuống cấp.
Đường đi vào nhà thờ Ghềnh Ráng Quy Nhơn khá nhỏ và quanh co, nhưng bù lại không gian lại vô cùng thoáng đãng và tươi mát với cây cối rậm rạp những dây leo, dương xỉ, che phủ xung quanh. Qua chiếc cổng được làm bằng gỗ rất đơn sơ, bên trong tràn ngập các vật phẩm, kiến trúc, tượng Chúa, Thánh, phù điêu … đều được đẽo gọt bằng đá. Nhà thờ Ghềnh Ráng được sơn màu sắc nhẹ nhàng, sáng sủa, tuy không gian hẹp nhưng được thiết kế gọn gàng, nhìn từ trên cao như bông hoa sen đang nở rộ. Đến đây, bạn sẽ được thả lỏng trong bầu không khí thành kính tâm linh của nơi thánh đường, được chiếu sáng bởi những ô cửa kính hai bên tường, mang lại cảm giác hài hòa.
Địa điểm du lịch Bình Định bạn không nên bỏ qua:
Ăn gì khi đến thăm Ghềnh Ráng Tiên Sa?
Tuy ở đây không có nhiều nhà hàng quán ăn, nhưng bạn vẫn có thể thưởng thức được những món đặc sản của Quy Nhơn, Bình Định như là bánh xèo tôm nhảy, với vỏ bánh mỏng giòn, nhân tôm tươi rói và nước chấm có mùi vị độc đáo. Bạn cũng không nên bỏ qua cơ hội nhấm nháp đĩa bánh hỏi trắng thơm phức ăn với thịt heo luộc, chấm cùng nước mắm chua ngọt. Nếu chưa chắc bụng thì hãy gọi thêm một tô cháo lòng, đĩa nem chả chua giòn, ngọt thanh mà lại có chút cay nồng độc đáo.
Đến với khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa Quy Nhơn, bạn sẽ được thưởng thức những món hải sản tươi ngon nhất, đặc biệt, có thể là món được làm từ cá do bạn tự câu. Ăn xong bạn cũng nên màn một số đặc sản về làm quà như bánh gai, bánh tráng nước dừa, … Nếu bạn phải đi đường dài, chọn các loại thực phẩm khô như tôm, rong biển thì sẽ dễ bảo quản hơn.
Với vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của mình, Ghềnh Ráng Quy Nhơn là di tích danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước công nhận từ ngày 15 tháng 11 năm 1991. Đến với nơi đây, bạn sẽ được đắm mình trong màu xanh trong mát của biển, sắc trắng bát ngát của trời, ánh vàng rực rỡ của nắng nhẹ, hoà với tiếng sóng vỗ vọng vào từ biển cả. Nếu có dịp đến với tỉnh Bình Định, bạn nhất định không nên bỏ qua cơ hội ghé thăm khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa này nhé!