Phủ Tây Hồ là một trong số ít địa điểm tâm linh nổi tiếng của Hà Nội còn lưu truyền tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhờ sở hữu kiến trúc nổi bật cùng vị trí đắc địa mà nơi đây trở thành điểm đến tham quan, khám phá của không chỉ du khách trong nước mà còn được du khách nước ngoài yêu thích ghé thăm mỗi khi đến du lịch Thủ đô.
Phủ Tây Hồ là một chốn linh thiêng, lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô, không chỉ là nơi người dân đến cầu may mắn, phúc lộc mà còn là địa điểm du lịch, khám phá nổi tiếng. Hãy cùng tìm hiểu về ngôi đền tâm linh nổi tiếng nằm giữa lòng Hà Nội này ở bài viết dưới đây.
Kiến trúc và lịch sử phủ Tây Hồ Hà Nội
Lịch sử
Điểm đến tín ngưỡng này còn được biết đến với tên gọi Mẫu Địa Phủ thuộc tín ngưỡng tứ phủ – được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; cùng với Thiên phủ, Nhạc phủ và Thủy phủ. Thờ Mẫu là một trong những tín ngưỡng bản địa của người Việt còn tồn tại và lưu giữ tới ngày nay. Phủ là nơi thờ công chúa Liễu Hạnh; trong tín ngưỡng dân gian Mẫu là người quản lý đất đai, khởi nguồn cho mọi sự sống của các sinh vật.
Phủ Tây Hồ được cho là xây dựng vào Thế kỉ XVII. Mặc dù đã trải qua 400 năm chiều dài lịch sử và không có sự tu sửa nào về mặt kiến trúc, nơi đây vẫn thu hút du khách với vẻ đẹp sang trọng, cổ kính. Phủ gồm hai phần chính: đền thờ bà Chúa Liễu và các vị thần theo tứ phủ bên tay trái, am thờ phật bên và gác chuông bên phải cổng vào.
Kiến trúc phủ Tây Hồ
Trước khi vào Phủ du khách sẽ bước qua cổng tam quan hai tầng (có vọng lâu ở trên) với những đường nét trạm trổ tỉ mỉ, mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Du khách có thể dừng lại chụp một bức ảnh để lưu giữ khoảnh khắc đến tham quan phủ và chia sẻ cho bạn bè.
Phủ Tây Hồ bao gồm Phủ chính, Đền Sơn Trang và lầu Cô, lầu Cậu.
- Phủ chính gồm 3 nếp tương ứng với 3 gian lễ. Đặc biệt, ở lớp thứ 3 (Hậu cung) là nơi thờ tam tòa Thánh Mẫu. Du khách có thể thấy theo thứ tự từ trái sang phải gồm mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh trùm khăn xanh, Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ trùm khăn đỏ và mẫu Thoải mặc áo trắng chùm khăn trắng. Tam mẫu là tượng trưng cho sự sống và bình yên của muôn loài.
- Điện Sơn Trang ở Phủ Tây Hồ là nơi thờ riêng của Mẫu Thượng Ngàn cùng 12 cô sơn trang theo hầu. Bên cạnh đó, ở đây còn có tượng Ngũ hổ, thể hiện khí phách, sức mạnh và quyền năng trừ tà. Cung kính, tôn sùng tượng Ngũ Hổ đã trở thành một nét tín ngưỡng có mối quan hệ sâu sắc với văn hóa thờ Mẫu của người Việt.
- Lầu cô, lầu cậu được đặt ở trong sân theo hai hướng tả hữu, là nơi thờ những người hầu cận của những vị quan trong phủ.
Phủ được cấp bằng di tích “Lịch sử – Văn hóa” từ ngày 13/2/1996. Ngoài ra, cây si cổ thụ ở sân phủ cũng đã được bộ Văn hóa công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.
Đi lễ Phủ Tây Hồ cần lưu ý gì?
Vào ngày mồng 1 và ngày rằm hàng tháng, người dân thường đến lễ phủ cầu may mắn, sức khỏe, bình an cho các thành viên trong gia đình. Trong tín ngưỡng của người Hà Thành thì ngôi phủ này là một trong những địa điểm linh thiêng; mang đến nhiều tài lộc.
Phủ Tây Hồ thờ ai?
Đây là nơi thờ chúa Liễu Hạnh – người được triều nhà Nguyễn phong là “mẫu nghi thiên hạ”, một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam. Bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian là: Phù đổng Thiên Vương; Tản Viên Sơn Thánh; Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh.
Truyền thuyết kể rằng, chúa Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng bị đày xuống trần gian vì làm vỡ ly ngọc quý. Sau khi tru du khắp nơi ở hạ giới, bà bị thu hút bởi vẻ đẹp của hồ Tây và quyết định dừng chân lại, giúp dân diệt trừ ma quái, tiêu diệt tham quan bảo vệ cuộc sống yên bình.
Đi lễ Phủ Tây Hồ chuẩn bị gì?
Để cầu may tại phủ du khách cần chuẩn bị lễ gồm:
- Lễ đồ mặn: Thịt heo, thịt gà, giò, chả,… nấu chín
- Lễ đồ sống: Muối, gạo, trứng, xôi chè,…
- Lễ ban thờ ở lầu Cô, lầu Cậu: hoa quả, hương, gương lược, mũ áo,…
Văn khấn Phủ Tây Hồ: Văn khấn được sử dụng rất nhiều khi đi lễ phủ, đặc biệt là vào lễ hội (ngày 3 tháng 3 và 13 tháng 8 Âm lịch).
Một số lưu ý dành cho du khách khi đến lễ phủ
- Thứ nhất, du khách nên mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, tránh mặc quần, váy ngắn trên đầu gối và áo cộc tay.
- Thứ hai, thứ tự lễ phủ Tây Hồ: Phủ chính, Điện Sơn Trang rồi tới lầu Cô, lầu Cậu.
- Thứ ba, du khách lưu ý không đặt lễ mặn, tiền, vàng mã lên bàn thờ phật, bồ tát; thay vào đó, chuẩn bị một chút tiền lẻ để vào hòm công đức.
- Thứ tư, khi hóa tiền, du khách nên hóa theo thứ tự từ ban chính đến các ban khác.
- Cuối cùng, du khách hạ lễ từ các ban ngoài trước, ban chính sau.
Lễ Hội Phủ Tây Hồ với nhiều nghi thức trang trọng sẽ được tổ chức vào ngày 3/3 và 13/8 âm lịch hàng năm. Đây cũng là thời gian mà người dân Hà Thành ghé tới đây rất đông để tham gia lễ hội và cầu mong một năm may mắn bình an, tài lộc no đủ. Những hoạt động nổi bật gồm: Rước kiệu Mẫu; thi hát Chầu Văn và biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Kinh nghiệm tham quan phủ Tây Hồ năm 2022
Phủ Tây Hồ ở đâu?
Địa chỉ: Số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội
Giờ mở cửa
Phủ mở cửa vào 8h – 20h hàng ngày.
Cách di chuyển
Quý khách có thể lựa chọn giữa phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng:
- Phương tiện cá nhân: ô tô, xe máy
Phủ Tây Hồ cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 14km về phía Tây (khoảng 30 phút di chuyển). Ngay bên ngoài cổng vào sẽ có bãi gửi xe với giá 5.000đ/xe máy/lượt. Tuyến đường di chuyển cụ thể du khách có thể tham khảo trên ứng dụng Google Maps. Đặc biệt con đường dẫn tới đây có một đoạn đi qua hồ Tây với khung cảnh lãng mạn sẽ khiến chuyến đi của du khách thêm phần thi vị.
- Phương tiện công cộng: xe bus, taxi
Một vài tuyến xe buýt đi phủ Tây Hồ là tuyến số 13, 33 và 51. Tuy nhiên, từ điểm xuống xe buýt – phủ khá xa khoảng 5km; theo Dulich3mien du khách nên gọi xe ôm hoặc Grab để tiết kiệm thời gian di chuyển; chi phí: 30.000 – 50.000đ/xe/chiều.
Ngoài ra, taxi cũng là một lựa chọn phù hợp với những du khách đi theo nhóm bởi chi phí phải chăng, hơn nữa du khách có thể tiết kiệm được thời gian tìm đường. Mẹo để tránh bị “hét giá” du khách nên lựa chọn các hãng taxi có uy tín hoặc taxi công nghệ Grab (hiển thị giá tương ứng với lộ trình trước khi đi).
“Có thể bạn chưa biết! Khu vực hồ Tây Hà Nội còn rất nhiều địa điểm thu hút khách du lịch khách ngoài phủ Tây Hồ như: Chùa Trấn Quốc, công viên nước Hồ Tây, thung lũng hoa Hồ Tây, chợ hoa Quảng Bá, chùa Kim Liên,…”
Ăn gì ở phủ Tây Hồ Hà Nội?
Bánh tôm, bún ốc
Bánh tôm, bún ốc là hai trong số những món ăn nổi tiếng nhất ở quanh khu vực hồ Tây. Đến Phủ Tây Hồ thử bánh tôm và bún ốc đã trở thành một câu nói quen thuộc của nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ. Dulich3mien sẽ mang đến một số gợi ý về các địa chỉ cực “hot” để lựa chọn.
Quán Thanh Mai
Là quán được đánh giá caotrong các quán ăn ở khu vực phủ trên foody, quán Thanh Mai tạo ấn tượng cho thực khách bởi công thức bí truyền được lưu lại trong hơn 40 năm hoạt động. Nước chấm bánh tôm ở đây là sự pha trộn hoàn hảo của vị chua, vị mặn và vị ngọt đậm đà.
Ngoài bánh tôm phủ Tây Hồ và bún ốc trứ danh, menu của quán còn có rất nhiều món ăn ngon khác cho du khách lựa chọn như nộm, nem,…
- Địa chỉ: số 61 ngõ 50 Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội
- Giá cả tham khảo: 20.000 – 100.000đ
Quán Thành Ngân
Quán có không gian rộng rãi, thoải mái cho thực khách để xe. Ngoài ra, trước cửa quán còn có một vườn lan đẹp mê li, làm hài lòng cả vị giác và thị giác cho khách hàng.
Vào những ngày thu đông lạnh ở Hà Nội, ngoài thưởng thức bánh tôm và các món ốc như bún ốc phủ Tây Hồ, thực khách có thể thử lẩu cá để làm ấm người cùng gia đình.
- Địa chỉ: Số 9 ngõ 50 Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội
- Giá cả tham khảo: 50.000 – 350.000đ
Để có lựa chọn đa dạng hơn về ẩm thực, du khách có thể di chuyển đến những địa điểm ăn uống khác ngoài phủ. Cùng chúng mình lượn một vòng Tây Hồ và “note” lại những quán ăn hấp dẫn như:
Mỳ gà tần An Dương
Từ phủ Tây Hồ, du khách cần phải di chuyển khoảng 10 phút để tới quán An Dương nhưng chắc chắn hương vị của quán sẽ làm bạn cảm thấy thời gian di chuyển cực kì xứng đáng. Thịt gà được ninh nhừ hòa trộn cùng tô mì ấm nóng chắc chắn là sự lựa chọn hoàn hảo cho mùa lạnh. Tuy nhiên, quý khách nên lưu ý nên tới quán vào những ngày trời nắng do không gian quán ở vỉa hè.
Menu của quán gồm mì gà và trứng vịt lộn với giá tương đối rẻ.
- Địa chỉ: Số 31 ngõ 115 An Dương, phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội
- Giá cả tham khảo: 5.000đ – 35.000đ
Kem Hồ Tây
Sau khi khám phá Phủ Tây Hồ và thưởng thức các đặc sản quanh khu vực phủ, du khách có thể tráng miệng với kem hồ Tây cực kì nổi tiếng. Du khách tới quán có thể vừa thưởng thức kem vừa ngắm khung cảnh thơ mộng ở hồ Trúc Bạch. Các loại kem ở đây cũng khá đa dạng với kem tươi, kem ốc quế, kem que và nhiều vị khác nhau như vani, cốm, chocolate,…
- Địa chỉ: Số 1, đường Thanh Niên, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội
- Giá cả tham khảo: 5.000 – 10.000đ
Hiện tại, Hà Nội đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 giãn cách xã hội nên các địa điểm tập trung đông người như chùa, đền, phủ đều đang phải đóng cửa. Người dân đến phủ Tây Hồ Hà Nội chỉ có thể đứng ngoài hàng rào vái vọng. Khi có bất kỳ thông tin nào mới, Dulich3mien sẽ thông báo đến du khách sớm nhất có thể, hãy theo dõi fanpage của chúng tôi! Rất mong khi tình hình dịch bệnh ổn định, chúng mình có thể được nghe những trải nghiệm của quý khách ở địa điểm thiêng liêng này.