Chùa Cao Linh là một địa điểm tâm linh nổi tiếng của thành phố Hải Phòng, với bề dày lịch sử hơn 300 năm cùng kiến trúc độc đáo, đồ sộ. Từ ngoài cổng bước vào sân, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những công trình mang phong cách truyền thống phương Đông, xen lẫn nét hiện đại phương Tây. Vào những ngày rằm, ngày lễ Tết trong năm, chùa còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động tâm linh đặc sắc.
Nhắc đến thành phố cảng Hải Phòng, nhiều người thường chỉ nghĩ đến du lịch biển với những món ăn đặc sản độc đáo, thơm ngon và hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu có dịp, bạn không nên bỏ qua những địa điểm tâm linh nơi đây, đặc biệt là chùa Cao Linh nổi tiếng linh thiêng. Sở hữu kiến trúc đồ sộ cùng bề dày lịch sử, ngôi chùa này thu hút hàng nghìn lượt khách tới chiêm bái mỗi năm.
Chùa Cao Linh ở đâu?
Cách trung tâm Hải Phòng khoảng 12km, chùa tọa lạc tại thôn Bắc Hà thuộc xã Bắc Sơn, huyện An Dương. Có diện tích 49.000m2, ngôi chùa này nằm ở vị trí khá thoáng, gần với hai quốc lộ 5 và 10, thuận tiện cho việc đi lại. Từ thành phố, bạn có thể đi xe buýt số 07 hoặc bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy để đến chùa Cao Linh.
Theo hướng Đình Đông – Lạch Tray, bạn rẽ trái vào quốc lộ 5 (đường Nguyễn Văn Linh), đi thẳng khoảng 10km là đến cầu Quán Toan. Tại khu vực vòng xoay, bạn rẽ vào quốc lộ 10 và đi khoảng 1km, đến khu Bắc Sơn thì rẽ trái – chùa chỉ cách đó 200m.
Kiến trúc đồ sộ của chùa Cao Linh
Chùa sở hữu lối kiến trúc tráng lệ, mặt hướng ra dãy núi Thiên Vân hùng vĩ, lưng tựa vào dòng sông Hà Liên thơ mộng. Bên trong là nhiều công trình đẹp và ấn tượng, có sự pha trộn giữa nét cổ kính của phương Đông và phong cách hiện đại của phương Tây.
Cổng Ngũ Quan chùa Cao Linh
Chưa bước vào chùa, bạn sẽ được chào đón bởi Cổng Ngũ Quan uy nghiêm với chiều cao hơn 14m, được dát vàng lấp lánh xa hoa. 5 cổng này tượng trưng cho 5 đức tính căn bản của Phật tử để hướng đến điều thiện, bao gồm: Tín dự, Cần mẫn, Chánh niệm, Thiền định và Trí tuệ. Mái cổng chùa Cao Linh được thiết kế theo kiểu truyền thống với hai đầu cong sang hai bên như hình dáng con thuyền, chạm trổ các hoạ tiết rồng phượng tinh xảo.
Trên đỉnh cổng được đặt bánh xe Pháp luân tượng trưng cho sự luân hồi, hoa sen thể hiện sự thanh tịnh và vô ưu, và hình tượng Phật A Di Đà uy nghi đang tọa thiền trên mây ngàn. Dưới chân cổng là 6 linh vật bằng đá với mục đích trấn giữ, bảo vệ sự tôn nghiêm, linh thiêng của ngôi chùa Cao Linh. Đứng từ đây nhìn vào, bạn có thể thấy tượng Quan Thế Âm Bồ tát cùng tấm bình phong khổng lồ màu trắng. Công trình này như một tác phẩm nghệ thuật được đẽo gọt và chạm khắc tỉ mỉ, trên đó có khắc những dòng chữ cổ với tông màu vàng nổi bật.
Sân chùa Cao Linh Hải Phòng
Qua cổng vào chùa, bạn chắc chắn sẽ bị ấn tượng bởi khuôn viên rộng lớn của chùa, tràn ngập các chậu hoa nở rộ rực rỡ, được bài trí một cách hài hòa và đẹp mắt. Bên cạnh tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cùng tấm bình phong lớn là hai bức Bình phong nhỏ hơn, đề bài thơ về trí tuệ của Huê Lang và bài kệ cứu độ chúng sinh của Thần Tú.
Ngoài ra, hai bên sân chùa Cao Linh còn dựng hai hàng tượng Phật A Di Đà bằng bê tông và cốt thép, mỗi bên có 7 pho tượng tượng trưng cho 7 nhân tố giác ngộ của Phật giáo (Phật Thất Bồ tát).
Tòa Đại Hùng Bảo Điện
Bước qua khoảng sân rộng lớn, bạn sẽ tới Đại Hùng Bảo Điện – công trình trung tâm của chùa Cao Linh ở Hải Phòng, có dáng vẻ cổ kính nhất với những dấu vết thời gian rêu phong, cũ kỹ. Với lối kiến trúc độc đáo, hiện đại mà vẫn mang nét văn hóa phương Đông, nơi đây mang vẻ đẹp bề thế, uy nghi khác hẳn với những ngôi chùa khác ở Hải Phòng.
Tòa chánh điện chùa Cao Linh có dáng giống như chữ Đinh (丁), gồm 3 gian tiền đường và 1 hậu cung, trên đỉnh là mái cong 3 cấp, được lợp ngói có màu đỏ tươi và trang trí hình đầu rồng và hoa sen cách điệu. Chính điện được trang trí bằng các câu đối và những ô cửa truyền thống của Phật giáo Việt Nam, bên trong thờ các bức tượng Phật như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Sư Lợi Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Không gian nơi này lúc nào cũng tràn ngập nhang khói, hương trầm của Phật tử đến cúng bái, tạo nên không gian vô cùng trang nghiêm và tĩnh lặng.
Vườn tháp chùa Cao Linh
Trong khi tòa Đại Hùng Bảo Điện thu hút du khách thập phương bởi yếu tố tâm linh thì Vườn Tháp lại là địa điểm check-in được yêu thích nhất tại chùa . Các bảo tháp được làm bằng đá với độ cao khác nhau, có phần đế hình trụ và phần mái được đẽo gọt hình rồng vươn lên trời xanh. Mỗi mặt của tháp tại chùa Cao Linh đều có một bức tượng Phật vàng được khắc nổi tinh xảo, dưới chân tạc hình bông sen đang nở và trên đỉnh là búp sen đang e ấp.
Các bảo tháp tại chùa Cao Linh Hải Phòng nằm dọc hai bên chính điện, xung quanh là những chậu cây nhiều màu sắc, chính giữa là đài phun nước lớn cùng tượng Phật Thích Ca đang thuyết pháp. Những ngôi tháp này không chỉ để trang trí cho khung cảnh nơi này, mà đồng thời còn lưu giữ, bảo vệ hài cốt của nhiều đời trụ trì chùa.
>> Các địa điểm du lịch nổi tiếng khác của đất Cảng:
Thông tin bạn có thể quan tâm về chùa Cao Linh
Lịch sử chùa Cao Ninh
Cho đến nay vẫn không ai biết chính xác chùa đã có từ khi nào, nhưng theo một số ghi chép thì công trình đã có tuổi đời ít nhất trên 300 năm. Nhiều nhà sử học đưa ra kết luận rằng công trình này do dòng họ Lê Văn quê Hà Tiên xây dựng, tại đây còn có tấm bia đá ghi lại lần trùng tu đầu tiên vào thời Hậu Lê. Sau những năm chiến tranh ác liệt, chùa Cao Linh đã chịu nhiều tổn thương nặng nề, bị thiêu hủy mất 20 gian và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Phải đến năm 2001, Hội Phật giáo Hải Phòng, trụ trì và các Phật tử đã thống nhất xin cấp phép từ chính quyền địa phương, và được cho phép trùng tu cùng sửa chữa lại ngôi chùa. Chùa Cao Linh được xây lại chuyển từ hướng Tây về hướng Nam cho thuận tiện, có vẻ ngoài khang trang và xa hoa, bên trong là những kiến trúc nổi bật như Cổng Ngũ Quan, Đại Hùng Bảo Điện, Vườn Tháp, La Hán Đường, Niệm Phật Đường, … Ngày nay, chùa đã trở thành trung tâm sinh hoạt Phật sự của tăng ni, phật tử và người dân Hải Phòng, được coi là một trong những địa điểm tâm linh đáng đến nhất của đất Cảng..
Các hoạt động tâm linh tại chùa Cao Linh
Mỗi dịp rằm hay mùng 1 Âm lịch hàng tháng, chùa lại đón du khách thập phương đến chiêm bái, cầu bình an, tài lộc và may mắn. Đặc biệt, không khí càng nhộn nhịp và đông vui hơn vào các ngày lễ lớn trong năm như Tết Nguyên đán hay Lễ Vu Lan… Vào mỗi dịp đầu năm mới, chùa Cao Linh Hải Phòng thường tổ chức lễ dâng hương và hội khai bút đầu năm, thu hút nhiều người đến xin chữ, cầu công danh hay đường học hành.
Bên cạnh đó, chùa còn tổ chức nhiều chương trình thường niên ý nghĩa như phóng sinh, cầu siêu, hoằng pháp hay các khóa giảng đạo đức, các khóa tu mùa hè. Những hoạt động này nhằm giúp con người trưởng thành hơn, thanh lọc tâm hồn để tìm thấy niềm tin vào cuộc sống, sự vui vẻ và lạc quan, sống có ích hơn cho xã hội.
Lưu ý khi tham quan chùa Cao Linh
Đến với chốn tâm linh, bạn nên chú ý một số điều sau khi dạo chơi, lễ bái và chụp ảnh tại chùa, để có một chuyến đi trọn vẹn nhất:
- Ăn mặc quần áo kín đáo, gọn gàng và lịch sự.
- Đi nhẹ nói khẽ trong phạm vi chùa, không văng tục chửi bậy hay gây ồn ào.
- Giữ gìn cảnh quan chung, không xả rác bừa bãi và hạn chế thắp hương, đốt vàng mã.
- Đi vào chùa Cao Linh bằng cổng bên, Phật giáo kiêng tránh đi cổng chính giữa (bởi cửa này thường dành riêng cho Thần, Phật và Vua)
- Lúc chụp ảnh không ngồi, dựa lên các kiến trúc, công trình trong chùa; tránh tạo dáng mất thiện cảm.
- Nếu mang lễ chùa thì nên tìm hiểu trước, không nên mang sai đồ trên mâm hay đồ bị cấm trong chùa.
Chùa Cao Linh là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi bật của Hải Phòng, khác biệt bởi kiến trúc đồ sộ pha trộn giữa phong cách truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, thành phố hoa phượng đỏ còn những món đặc sản thơm ngon cùng nhiều địa điểm tham quan đẹp, các khu vui chơi kỳ thú đầy hấp dẫn đang chờ bạn khám phá. Mong rằng những thông tin phía trên sẽ giúp bạn lên được một kế hoạch hoàn hảo nhất cho chuyến đi sắp tới của mình.