Nếu là một mọt phim điện ảnh Việt Nam, chắc hẳn các bạn không thể nào quên được những thước phim về Huế lung linh và xa hoa trong phim Gái già lắm chiêu V – Những cuộc đời vương giả ra rạp năm 2021. Để góp phần tạo nên sự “vương giả” cho bộ phim, chúng ta không thể không nhắc đến sự xuất hiện của cung An Định – bối cảnh của vườn bạch trà rộng lớn. Vậy cung điện hơn 100 năm tuổi này lộng lẫy, tráng lệ đến mức nào và khách du lịch sẽ có những trải nghiệm gì khi đến đây? Hãy để Dulich3mien bật mí qua bài viết dưới đây.
Cung An Định Huế hay “cung điện mùa hè của triều Nguyễn” là một công trình kiến trúc mang giá trị cao về hội họa, điêu khắc, nghệ thuật khảm nổi sành sứ. Cùng với lăng Khải Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiền Nhơn,…cung An Định được đánh giá là một đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Tân – Cổ điển (Néo Classique) và đánh dấu cho thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bắt đầu chịu sự ảnh hưởng của phương Tây.
Cung An Định hiện tọa lạc ở đâu?
Di tích cung An Định được xây dựng năm 1917, hiện nằm tại số 179 đường Phan Đình Phùng, phường Phú Nhuận, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay bên dòng sông An Cựu hiền hòa, thơ mộng, cách Hoàng thành Huế 3km, chợ Đông Ba 2.5km và cầu Tràng Tiền 1.9km. Với nét kiến trúc độc đáo tựa như tòa lâu đài châu Âu, mỗi chi tiết, mỗi góc của cung An Định đều có thể mang đến những bức ảnh “sống ảo” đẹp tuyệt. Các bộ trang phục váy xòe, các bộ cổ phục,… thường là những lựa chọn lý tưởng nhất.
Lưu ý:
Giá vé tham quan: 50,000 VND/người lớn và miễn phí với trẻ em dưới 12 tuổi. Giá vé có thể thay đổi tùy theo thời điểm.
Giờ mở cửa:
- Mùa hè: 6:30 – 17:30
- Mùa đông: 7:00 – 17:00
Nếu di chuyển đến đây bằng phương tiện cá nhân, bạn có thể gửi xe ngay trong khuôn viên của cung.
Nét kiến trúc đầy tính nghệ thuật của cung An Định
Cung An Định là sự kết hợp hòa hòa giữa phong cách kiến trúc Á – Âu vô cùng độc đáo và khác biệt so với hàng trăm công trình khác thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Nhìn từ đường Phan Đình Phùng vào, công trình như một tòa lâu đài châu Âu cổ kính nổi bật với hoa văn trang trí đậm chất cung đình Huế. Đến đây, bạn có thể cảm nhận không gian tinh tế, độc đáo và trở thành xu hướng kiến trúc nổi bật của Việt Nam thời bấy giờ. Nếu đã từng xem phim Gái già lắm chiêu V, bạn có thể thấy được cung An Định hiện lên lộng lẫy và xa hoa như thế nào.
Cung An Định được xây dựng trên khoảng đất bằng phẳng với tổng diện tích lên đến 23.463m2. Ban đầu, trong khuôn viên rộng lớn này có khoảng 10 công trình tuy nhiên, dưới tác động của thời gian và ảnh hưởng của chiến tranh chỉ còn 3 công trình nguyên vẹn: cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.
Cổng chính
Cổng chính của cung An Định được xây dựng theo lối tam quan, gồm 2 tầng và được trang trí đắp nổi một cách rất công phu nhiều chi tiết sành sứ, thủy tinh màu. Các họa tiết được sử dụng cũng rất quen thuộc với văn hóa phương Đông như hổ, rồng, phượng,… kết hợp hài hòa với phong cách Roman lãng mạn của những cặp trụ giả. Đỉnh mái tầng trên có gắn hình một viên trân châu lớn – thể hiện cho uy quyền của hoàng tộc.
Đình Trung Lập Cung An Định
Đình Trung Lập nằm ngay phía sau cổng chính có kết cấu hình bát giác. Mái của đình gồm có 2 lớp, thiết kế theo dạng cổ lầu. Có tổng cộng 12 con rồng được đắp nổi sống động ở mỗi góc mái với ngụ ý bay đi “bốn phương tám hướng”. Ở giữa đình là tượng vua Khải Định được đúng bằng đồng với tỷ lệ 1:1 sinh động và chân thực.
Lầu Khải Tường Cung An Định
Lầu Khải Tường 3 tầng nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính và mang giá trị mỹ thuật lớn nhất của cung An Định. Mặt trước của lầu là sự kết hợp và đan xen tinh tế giữa các họa tiết cung đình phương Đông truyền thống như rồng, phượng, hổ, bát bửu,… và các họa tiết phong cách Roman cận đại như bắc đẩu bội tinh, thiên thần,… Lầu có màu vàng chủ đạo, xen kẽ thêm các họa tiết màu trắng, càng thêm nổi và bắt mắt.
Tầng 1 có 7 phòng, đều được trang trí lộng lẫy. Ở giữa đại sảnh là tượng của hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này). Trong khi đó, trên các bức tường là 6 bức tranh – được xem là những kiệt tác hàng đầu của nghệ thuật tranh tường Việt Nam đầu thế kỷ XX. Các bức tranh tại Cung An Định được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trực tiếp lên mặt tường xi măng, khung tranh đắp gờ cao cầu kỳ, tạo cảm giác như tranh treo tường. 5 trong 6 bức tranh này tái hiện phong cảnh thực của lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh – những lăng mộ đẹp nhất tại Huế.
Các phòng còn lại là phòng khách, phòng ăn, phòng trưng bày, phòng thông tin,… được bố trí nội thất hiện đại, tinh xảo. Trong đó, nổi bật nhất là những chiếc ghế sơn son thiếp vàng, các bình pha lê kiểu châu Âu, đèn chùm thiết kế phương tây cổ điển,… mang tới cảm giác không gian sang trọng, tinh tế đậm chất “vương giả”.
Cuối đại sảnh Cung An Định là cầu thang dẫn lên tầng 2. Các chi tiết trụ đỡ, tay vịn cầu thang, chiếu nghỉ,… đều mang hơi thở của phong cách kiến trúc Tây phương hiện đại – điều rất hiếm thời bấy giờ. Tầng 2 và tầng 3 trước kia là nơi nghỉ ngơi của vua, hoàng hậu và hoàng thái hậu, nay được sử dụng để làm phòng trưng bày hiện vật. Ở đây hiện còn lưu giữ bộ bàn ghế mà vua Bảo Đại dùng để chơi mạt chược, chiếc giường vua từng sử dụng,…
Lịch sử lâu đời của cung An Định
Cung An Định gắn liền với những nhân vật quan trọng của triều Nguyễn như vua Khải Định, vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng Hậu, Hoàng Thái hậu Từ Cung, Hoàng Thái tử Bửu Long,… Cuối của thế kỷ 19, vua Đồng Khánh đã cho xây dựng phủ Phụng Hóa cho con trai trưởng của mình – Hoàng tử Bửu Đảo. Sau khi vua Khải Định lên ngôi đã dùng tiền riêng của mình để tu sửa phủ Phụng Hóa theo phong cách thiết kế cách tân. Người ta thường nói vua Khải Định là người đã làm mới kiến trúc cung đình Huế. Quả không sai từ một phủ đệ được xây chủ yếu bằng gỗ và theo kiến trúc thuần Việt, phủ Phụng Hóa sau khi được tu sửa đã trở thành một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ bậc nhất Việt Nam thời điểm đó. Khi này, phủ Phụng Hóa cũng được đổi tên thành cung An Định và được vua Khải Định trao lại cung cho hoàng tử Vĩnh Thụy – tức vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam).
Sau sự kiện vua Bảo Đại thoái vị tháng 8 năm 1945, ông cùng vợ là Nam Phương Hoàng hậu, mẹ là Đức Từ Cung và các con đã dọn khỏi Hoàng thành Huế đến sinh sống tại cung An Định. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch thu cung An Định, phải mất 20 năm sau (1975) cung mới được trao trả lại cho Đức Từ Cung và bà đã hiến tặng công trình cho chính quyền địa phương. Năm 2001, cung được trùng tu và trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm trưng bày,… Ngày nay, mỗi kỳ Festival Huế diễn ra thì cung An Định lại trở thành địa điểm thu hút du khách tham quan với hàng loạt các hoạt động hấp dẫn.
Cung An Định với sự giao thoa giữa mỹ thuật và kiến trúc Đông – Tây, kim – cổ hài hòa tạo nên một vẻ đẹp khác biệt, tráng lệ, luôn là điểm thăm quan mà bất cứ du khách nào cũng không thể bỏ qua mỗi khi đến Huế. Đồng thời cũng là công trình lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo của thời kỳ giao thoa giữa phong kiến và hiện đại. Nếu thấy thông tin thú vị hãy nhấn theo dõi dulich3mien.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác về Huế.