TRANG CHỦ / Du lịch Nha Trang / Tháp Bà Ponagar | Tuyệt tác kiến trúc Chăm cổ của Nha Trang

Tháp Bà Ponagar | Tuyệt tác kiến trúc Chăm cổ của Nha Trang

Tác giả: Nguyễn Quý
1.634 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
tháp bà ponagar
Ảnh: Khoa Trần

Tháp Bà Ponagar (Tháp Chàm Nha Trang) là điểm du lịch nổi tiếng Nha Trang, đây là công trình mang giá trị lịch sử sâu sắc, thể hiện dấu tích độc đáo của người Chăm trong suốt quá trình sinh sống tại khu vực Tây Nguyên, miền Trung của Việt Nam.

Tháp Bà Ponagar Nha Trang điểm du lịch văn hóa, kiến trúc và điêu khắc đặc sắc của người dân tộc Chăm tại đồi Cù Lao. Đây là biểu tượng văn hóa tiêu biểu của thành phố biển Nha Trang.

Giới thiệu tháp bà Nha Trang

Tháp Bà Ponagar ở đâu?

Còn được biết với tên Tháp Thiên Y Thánh Mẫu, ngọn tháp này nằm trên số 61 đường Hai Tháng Tư, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ công trình nằm trên ngọn đồi cao khoảng 10 – 12m so với mực nước biển; sở hữu vị trí đắc địa “tựa sơn hướng hải” ngay cạnh của sông Cái. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 2km.

Lịch sử Tháp Bà Ponagar Nha Trang

Dựa vào những dấu tích để lại các nhà khảo cổ học cho biết công trình được xây dựng từ khoảng thế kỷ VIII – XIII, ứng với thời kỳ đạo Hindu đang cường thịnh, giai đoạn Hoàn Vương Quốc của Chăm Pa. Sử sách có ghi lại rằng người Chăm cho xây dựng đền tháp trên Cù Lao tại xứ Kauthara để thờ Nữ Thần Ponagar (do đó nơi đây mới có tên gọi là tháp Bà Ponagar).

tháp po nagar
Tháp Bà nhìn từ xa – Ảnh: Artem Getman (Social)

Thần Ponagar còn có tên gọi khác là thần Umar, vợ của thần Shiva (Parvati) – Nữ thần sáng chế tối cao, tất cả những vị thần khác trong đạo Hindu đều là hiện thân của bà. Bà cũng là người phối ngẫu của thần Shiva người có khả năng phá hủy và tái sinh trong Hindu giáo. Bà cũng là hiện thân của hạnh phúc gia đình và tuổi thọ, là mẹ của các vị thần Ganesha, Skanda. Trong miêu tả thì bà thường xuất hiện với hình ảnh 4 hay 8 cánh tay, cưỡi trên mình sư tử.

Giá vé tháp Bà Ponagar Nha Trang

  • Giá vé: 21.000đ/người/lượt
  • Giờ mở cửa: 8g00 – 18g00

Thời điểm du lịch tháp Bà đẹp nhất là vào khoảng thời gian từ ngày 21 đến ngày 23/3 Âm lịch, đây là thời gian diễn ra lễ hội tháp bà với nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Tháp Bà Nha Trang có gì?

Kiến trúc tháp Bà Ponagar

Tổng thể kiến trúc của khu di tích gồm 3 tầng, từ dưới lên trên là: Khu tầng thấp, Khu tiền đình (Mandapa) và khu đền thờ chính ở phía trên.

Khu tầng thấp

Có vị trí nằm ngang mặt đất, trước là nơi xây dựng Tháp cổng nhưng đến nay thì không còn nữa. Từ đây, có các bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. 

cổng tháp ponagar
Cổng tháp – Ảnh: Mayumi Shiraishi

Khu tiền đình

Khu tiền đình tháp Bà Ponagar bao gồm 22 cột lớn được xây bằng gạch nung theo hình bát giác. Mỗi cột lớn đều có một cột nhỏ tương ứng và mỗi cột đều có “lỗ mộng” để kết nối giữa phần cột và mái làm bằng vật liệu có trọng lượng nhẹ. Theo đó, đây là khu vực chuẩn bị lễ vật trước khi hành lễ tại phía tháp trên.

khu tiền đình tháp bà ponagar
22 cây cột lớn tại khu tiền đình – Ảnh: Thanh Nhã Nguyễn

Tiếp đến là bậc thang dốc dẫn đến khu đền chính; khi đi lên người ta phải rạp người xuống, tay bám vào các bậc phía trên để không ngã ra sau. Khi từ tiền đình tháp Ponagar đi ra thì phải đi ngược thể hiện sự tôn kính với các vị thần. Ở thời điểm hiện tại các lối đi đã sạt lở nghiêm trọng nên lại càng khó đi hơn, do vậy mà có một con đường mòn men theo sườn đồi đến đền thờ chính, dễ đi hơn với bậc đá chẻ. 

Khu đền thờ chính

Khu đền nằm ở tầng cao nhất bao gồm 4 tòa tháp lớn, ngoài ra ở phía sau đền còn 2 tòa tháp thấp nhưng hiện nay chỉ còn lại phần móng. 4 tòa tháp chính trong khu đền tháp Bà Ponagar Nha Trang gồm:

  • Tháp Đông Bắc: Cao 23m được xây dựng từ những năm 813 – 817 và được xây dựng lại vào khoảng thế kỷ XI. Thân tháp được trang trí bằng năm hàng trụ chạy dọc tường, bốn góc mái được trang trí bằng tháp nhỏ và 3 tầng mái thu gọn ở trên theo kiến trúc núi Meru – nơi ở của các vị thần trong văn hóa Hindu. Cùng với đó là các linh vật trang trí: dê, ngõng, voi,… Vòm cửa tháp Đông Bắc tháp Bà Ponagar Nha Trang được trang trí nhiều hình thần Shiva với hai cánh tay đang múa bên nhạc công với nhiều động tác uyển chuyển – những bức phù điêu đẹp nhất còn giữ lại được nguyên vẹn của văn hóa Champa. Bên trong tháp là điện thờ nữ thần Ponagar có hình vuông; do ảnh hưởng của tín ngưỡng Việt Nam nên tượng nữ thần được khoác thêm xiêm ý, hai bên là ban thờ Cậu thờ Cô.
bên trong tháp bà ponagar
Tượng thần Shiva – Ảnh: Huy Nguyen
  • Tháp Nam: Là tòa tháp lớn thứ hai trong tháp Bà Ponagar, đền thờ cao 18m và sở hữu mái che được trang trí khác lạ so với tổng thể; trong khi đế và thân tháp vẫn giữ nguyên nét kiến trúc Champa. Phần mái được thu gọn lại 1 tầng chóp và kéo dài lên đỉnh có một trụ linga; tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII.
  • Tháp Đông Nam: Là ngọn tháp có quy mô nhỏ nhất chỉ cao khoảng 7,1m; mái xây theo hình thuyền – kiến trúc Đông Nam Á hải đảo đặc trưng và được xây vào khoảng thế kỷ XI – XII. Tháp Đông Nam Ponagar Nha Trang là nơi thờ thần Skandha – thần chiến tranh và sức mạnh.
tháp chàm ponagar
Khu tháp chính – Ảnh: Mihai Aurelian-Catalin
  • Tháp Tây Bắc: Tháp cao 9m, phía trên ô cửa giả hướng nam có chim thần Garuda; phía Bắc là thần Kala – thần thời gian, phía tây là nữ thần Shiva cưỡi voi. Mái tháp mô phỏng lại chiếc thuyền, đầu hồi có nhiều chi tiết trang trí mềm mại. Tháp thờ thần Ganesha thần may mắn, hạnh phúc và trí tuệ.

>> Để chuyến du lịch Nha Trang của bạn thêm trọn vẹn:

Bia ký

Phía sau khu đền thờ chính của tháp Bà Ponagar có 4 bia ký, đây là tư liệu quan trọng trong tìm hiểu lịch sử đền và văn hóa của vương quốc Champa gồm:

  • Bia ký đầu tiên do Giản Thanh – vị quan triều Nguyễn ghi chép và biên soạn năm 1856 bằng chữ Hán Nôm viết về truyền thuyết Thiên Y Na Thánh Mẫu.
  • Bia ký thứ 2 do 8 vị quan tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận lập năm 1871.
  • Bia ký tiếp theo dịch lại truyền thuyết Thiên Y A Na sang chữ quốc ngữ.
  • Bia ký cuối cùng giới thiệu về khu di tích được dựng vào năm 2010.

Lễ hội tháp Bà Ponagar

lễ hội tháp bà ponagar
Lễ hội tháp Bà – Ảnh: Báo Thanh niên

Lễ hội là một trong những dịp lễ quan trọng trong văn hóa của người Chăm và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Lễ hội thường diễn ra vào khoảng 20 – 23/03 âm lịch hàng năm trên đồi Cù Lao gồm các nghi thức quan trọng như:

  • Lễ thay y
  • Lễ thả hoa đăng
  • Lễ cầu Quốc thái Dân an
  • Lễ cúng Ngọ, cúng thí thực
  • Tế lễ cổ truyền
  • Lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương
  • Lễ dâng hương tạ Mẫu

Địa điểm du lịch gần tháp Bà Ponagar

Một số địa điểm du lịch gần khu di tích bạn có thể ghé thăm như:

  • Đài thiên văn (1,6km): Một trong những công trình kiến trúc phục vụ Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam được hoàn thành với năm 2017, với màu trắng đặc trưng đây là một địa điểm chụp hình hấp dẫn với nhiều du khách.
  • Công viên Yersin (1,8km): Công viên sở hữu tầm nhìn hướng biển với tượng đài bác sĩ Yersin được đặt tên vào ngày 22/09/2009.
  • Suối khoáng nóng tháp Bà Ponagar, tắm bùn tháp bà (2,6km): Nơi du khách có những giây phút thư giãn bên người thân và gia đình, tận hưởng làn nước khoáng trong lành và thư giãn với bồn bùn khoáng.
  • Đại học Nha Trang (cách tháp Bà Nha Trang 1,3km): Khuôn viên xanh mát và thiết kế cổ kính của Đại học Nha Trang giúp du khách có nhiều bức ảnh hút mắt. Từ đây du khách cũng có thể quan sát cảnh biển trời và thành phố xinh đẹp.
trường đại học nha trang
Ảnh: Trường Đại học Nha Trang
  • Hòn Chồng (cách tháp Chàm Nha Trang 1,3km): Hòn Chồng một trong những biểu tượng của phố biển Nha Trang, nơi đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa sắc trắng của đá, màu xanh cây cối và bầu trời xanh ngọc bích. Cùng với đó là sự tích vết lõm bàn tay vô cùng ly kỳ.
  • Bãi Rêu Nha Trang (cách tháp Po Nagar khoảng 2,1km): Toàn bộ không gian được bao trùm bởi màu xanh của rêu, những cơn sóng bọt tung trắng xóa khắp ghềnh đá, tất cả hòa với nhau tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Ăn gì gần tháp Bà Ponagar Nha Trang?

Nếu cảm thấy đói bụng du khách cũng có thể thưởng thức những món ngon mang đậm hương vị của phố biển Nha Trang như:

  • Hải sản Cao Lộc: Số 98C đường Cù Lao Trung, phường Vĩnh Thọ, Tp Nha Trang; giá: 50.000 – 350.000đ/món; giờ mở cửa: 08h00 – 02h00
  • Quán Bánh Căn: Số 151 đường Hoàng Văn Thụ, Phương Sài, Tp Nha Trang; giá: 30.000 – 50.000đ/suất; giờ mở cửa: 6h00 – 10h00
  • Bánh xèo tháp Bà Nha Trang – Cô Tư: Số 6A, đường Tháp Bà, Vĩnh Thọ, Nha Trang; giá: 20.000 – 50.000đ/suất; giờ mở cửa: 7h00 – 22h30
  • Bánh tráng Nha Trang: số 5692 Tháp Bà, Vĩnh Phước, Tp Nha Trang; giá: 50.000 – 80.000đ/suất; giờ mở cửa: 9h00 – 21h00.

Tháp Bà Ponagar không chỉ hấp dẫn du khách bởi nét kiến trúc độc đáo mà còn mang đến cảm giác thư giãn bởi không gian trong lành, xanh mát. Do đó mà nơi đây trở thành điểm đến không thể thiếu với du khách du lịch tại thành phố Nha Trang. Nếu có bất cứ kinh nghiệm thú vị nào du khách hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: facebook.com/dulich3mien.vnn/.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien