TRANG CHỦ / Du lịch Huế / 1 ngày ngắm nhìn cảnh đẹp vùng quê miền Trung nơi đầm Chuồn xứ Huế

1 ngày ngắm nhìn cảnh đẹp vùng quê miền Trung nơi đầm Chuồn xứ Huế

Tác giả: Nguyễn Quý
1.769 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
đầm chuồn
Ảnh: @wowweekend

Đầm Chuồn trong những năm gần đây đã trở thành một cái tên quen thuộc trong danh sách những địa điểm du lịch hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nơi đây thu hút du khách trong và ngoài nước với vẻ đẹp thơ mộng và yên bình, cùng nền ẩm thực địa phương độc đáo, hấp dẫn. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội được tham quan, ngắm cảnh, ghé qua đình làng và tham gia các hoạt động lễ hội, trải nghiệm thử làm ngư dân với giăng lưới, câu cá,…

Cố đô Huế từ lâu đã nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc với sông núi thơ mộng, hiền hòa cùng với những công trình kiến trúc lăng tẩm, cung điện đặc sắc. Trong số những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất nơi đây, đầm Chuồn được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vẻ đẹp đặc biệt thơ mộng và mộc mạc, hoang sơ. Hãy cùng tìm hiểu về điểm đến được nhiều người yêu thiên nhiên, thích khám phá lựa chọn này nhé.

Giới thiệu đầm Chuồn Huế

Đầm Chuồn còn có tên gọi khác là đầm Cầu Hai – là một đầm nước lợ rộng hơn 100ha thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang nổi tiếng của miền Trung Việt Nam. Nơi đây sở hữu vẻ đẹp mộc mạc, thanh bình của sóng nước bao la, những con thuyền dập dềnh trên sóng, cùng vô số những chòi nổi, cọc lưới, nhà chồ,…

Đầm Chuồn đẹp như một bức tranh thuỷ mặc đầy màu sắc, đã trở thành một đề tài thú vị, nguồn cảm hứng đặc biệt cho các nhà thơ, những nhiếp ảnh gia có tiếng. Hàng năm, khu vực này thu hút lượng lớn du khách đến ngắm cảnh, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, tham gia các hoạt động giải trí, lễ hội.

đầm chuồn huế
Ảnh: @evivavietnam

Địa chỉ Đầm Chuồn ở đâu?

Cách trung tâm cố đô Huế khoảng 10km, con đầm này nằm ở làng An Truyền, phía Đông Bắc xã Phú An của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đường đi đến đầm Chuồn khá đơn giản và dễ đi, trên đường bạn còn có thể ngắm cảnh và ghé thăm các địa điểm du lịch gần đó. Nếu ở các tỉnh khác, bạn có thể đi bằng máy bay, tàu hoả, xe khách hoặc phương tiện cá nhân để đến Huế, rồi xuất phát đi đầm Cầu Hai theo hướng đường Hoàng Hoa Thám – Lê Lợi.

Nếu di chuyển tới đầm Chuồn phá Tam Giang từ trung tâm thành phố Huế, bạn rẽ vào đường Nguyễn Sinh Cung với những khu nhà vườn Vĩ Dạ xanh mướt, men theo dòng sông Hương êm đềm chảy qua Đập Đá, rồi đi theo đường quốc lộ 49B. Đi thẳng một đoạn là đến được ngã ba Diên Trường, sau chỗ này khoảng 700m thì rẽ phải vào đường Triệu Việt Vương, rồi cứ đi thẳng men theo dòng nước là bạn sẽ đến được đầm Chuồn ở Huế.

Để thuận tiện cho việc du ngoạn, bạn có thể thuê được xe máy với giá khoảng 100.000 – 200.000 đồng / ngày tuỳ thuộc vào loại xe, ở một số địa chỉ đáng tin cậy như sau:

Hue Motorbike Rental

  • Địa chỉ: Số 29C đường Chu Văn An, phường Phú Hội, thành phố Huế
  • Liên hệ: 093 537 37 35

Hibike Hue

  • Địa chỉ: Số 20 ngõ 11, đường Lý Thường Kiệt, tổ 10, thành phố Huế
  • Liên hệ: 0945 418 111
  • Website: hidibike.com

Bạn có thể đến du lịch đầm Chuồn Huế vào bất kì thời gian nào trong năm, dù là mùa xuân hay mùa đông, mỗi mùa nơi đây lại mang một vẻ đẹp riêng làm nao lòng người. Không những vậy, ngay cả trong cùng một ngày thì đầm Chuồn cũng bộc lộ những nét đặc sắc khác nhau, khiến chuyến dạo chơi của bạn tràn ngập những trải nghiệm thu hút.

đầm chuồn huế nhìn từ trên cao
Ảnh: Vnexpress

Khoảng thời gian tốt nhất để đến đây có lẽ là từ khoảng tháng 4 đến tháng 7, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức những món hải sản thơm ngon bởi đây cũng chính là mùa thu hoạch.

Khám phá vẻ đẹp thơ mộng của đầm Chuồn 

Ngắm nhìn bình minh và hoàng hôn 

Thức dậy ở đầm Chuồn, bạn có thể ngắm được buổi bình minh tuyệt đẹp với hình ảnh mặt trời dần dần ló dạng từ đằng xa, cảnh tượng đó mang đến cảm giác vô cùng sảng khoái. Khung cảnh thơ mộng, mát mẻ của thiên nhiên trong lành sẽ khiến bạn cảm thấy được một sự bình yên, thư thái khác hẳn với nhịp sống hối hả nơi thành thị. 

Bình minh tại đầm Chuồn Huế là thế nhưng buổi hoàng hôn ở đây mới thực sự là cảnh sắc không thể bỏ qua – ánh mặt trời cuối ngày chiếu xuống mặt nước nhuộm đỏ cả bầu trời, tô điểm cho làn nước lấp lánh dập dờn.

Trong khung cảnh ấn tượng như vậy, bạn mà không chụp cho mình một vài tấm ảnh check-in thì quả là lãng phí. Những cây cầu tre tại đầm Chuồn phá Tam Giang nối giữa các nhà chồ là địa điểm “sống ảo” đặc biệt được nhiều bạn trẻ yêu thích. Chỉ cần mặc đồ thoải mái, đứng nghiêng mình nhìn xa xăm, chụp dọc để lấy được cả cảnh mặt nước lẫn bầu trời, là bạn đã có được một bức ảnh ấn tượng.

hoàng hôn tại đầm chuồn
Hoàng hôn tại đầm – Ảnh: @evivaviaggi

Đặc biệt, nếu căn được góc mà có cả mặt trời, ánh nắng chiếu xuống nước tại đầm Chuồn sẽ tạo nên màu sắc cực kỳ nổi bật cho bức ảnh của bạn, làm sáng nhân vật chính trong đó. Bên cạnh đó, nếu xin được lên thuyền của các ngư dân, bạn sẽ “chớp” được những khoảnh khắc sông nước cực thú vị đó.

Địa điểm ngắm cảnh hoàng hôn đẹp ở Huế:

Vẻ đẹp đình làng An Truyền tại đầm Chuồn

Được xây dựng từ những ngày đầu thành lập làng, đình An Truyền nằm trên một thửa đất bằng phẳng ở trung tâm làng, hướng về phía Đông đối diện với ao sen và đầm Chuồn. Các dòng họ đã có công khai khẩn và thành lập làng đều được thờ ở đây, trong đó, họ Hồ đã xuất hiện nhiều danh nhân lịch sử, có đóng góp lớn không chỉ với làng mà cả đất nước. Ví dụ như cụ Hồ Đắc Trung làm đến quan thượng thư dưới thời vua Tự Đức, giáo sư Hồ Đắc Di từng là hiệu trưởng trường Đại học Y dược Hà Nội, có công lớn trong sự phát triển của nền y học của Việt Nam,… Vào ngày 15 tháng 10 năm 1994, đình làng An Truyền tại đầm Chuồn Huế đã được chính thức xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia.

Với tổng diện tích rộng hơn 450m2, đình làng An Truyền đầm Chuồn có kiến trúc độc đáo đặc trưng của đình làng thời Nguyễn, dạng chữ Tam với ba phần tách biệt, bao gồm 7 gian đều nhau. Ngoài cùng là Tiền đường chiếm 5 gian, ở giữa là Tiền tế, trong cùng là Nội điện hay còn được gọi là Hậu cung – nơi thờ tự chính, thờ 7 vị thuỷ tổ của các dòng họ đời đầu ở An Truyền. 

Trải qua nhiều lần tu sửa, hiện đình làng An Truyền đầm Chuồn Huế vẫn còn 80 cột gỗ lim lớn, các rường, cột chống đã được đơn giản hoá, bên trong còn giữ được các đồ vật trang trí bằng sứ, gỗ, lọng đèn, bát hương, tượng Phật, sập gỗ, câu đối chạm nổi … 

Cứ vào dịp 16 tháng 7 âm lịch hàng năm, làng An Truyền lại tổ chức lễ hội Thu Tế tại đình làng để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các vị tổ tiên, đồng thời cầu mong cho cuộc sống an lành, hạnh phúc. 

Trải nghiệm cuộc sống ngư dân tại đầm Chuồn

Đến với nơi đây, để có những trải nghiệm sống động và chân thực nhất, bạn có thể thuê cho mình một chiếc thuyền với giá khoảng 100.000 đồng/giờ. Bạn sẽ được cung cấp đầy đủ dụng cụ câu cá, xoong nồi, chảo bếp, gia vị và phao bơi, với cơ hội thưởng thức những món ngon giữa đầm Chuồn phá Tam Giang rộng lớn. Tuy nhiên, nhớ là nếu muốn thuê bất cứ thứ gì ở đây, từ thuyền đến chòi hay nhà thuyền, bạn nên liên hệ và đặt trước từ khi vừa đến, chứ đừng để đến tận sát giờ mới đi hỏi.

Người lái thuyền sẽ đưa bạn lênh đênh theo làn nước trong vắt, dập dờn của đầm Chuồn, cho bạn cơ hội tự tay thả giỏ bắt tôm cua, quăng dây câu cá,… Sau đó, bạn sẽ được nấu nướng ngay trên thuyền nhỏ và thưởng thức các món ăn hấp dẫn như tôm sú nướng, bánh xèo hay bạch tuộc xào sả ớt, v.v. 

đầm chuồn ở huế
Ảnh: @hoanglinhha

Bạn cùng đừng bỏ qua việc thử làm ngư dân một ngày, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương với việc đánh bắt cá, nấu các món hải sản,… Ở đầm Chuồn có cho thuê nhà thuyền hay các chòi nổi, giá từ 300.000 – 450.000 đồng / đêm, đi kèm với việc miễn phí cho dịch vụ cho thuê thuyền trải nghiệm ngư phủ. Thành quả mà bạn bắt sẽ được chế biến tại chỗ, cùng thưởng thức và trò chuyện với những người ngư dân về kinh nghiệm, cuộc sống của họ. Buổi tối nghỉ lại chòi, bạn có thể ngồi ngắm cảnh hoàng hôn lãng mạn, tổ chức một buổi tiệc nhỏ, để sáng hôm sau tỉnh dậy trong không gian bình minh trong lành nơi đầm phá.

Địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Huế:

Thưởng thức ẩm thực đầm Chuồn Huế

Các món ăn hấp dẫn tại đầm Chuồn 

Là một đặc sản nổi bật của vùng phá Tam Giang, bánh xèo Mê Giang còn được nhiều người biết đến với tên gọi là bánh khoái cá kình. Vỏ bánh được làm từ bột mì trộn với bột gạo của làng An Truyền, nhân bánh gồm giá đỗ luộc, một ít húng quế và cá kình được đánh bắt ngay trong đầm. Bánh khoái đầm Chuồn được đổ tương tự như các loại bánh xèo khác, điểm đặc biệt nằm ở nguyên liệu và cách nêm nếm gia vị. Chấm với nước mắm ruốc pha thêm chút ớt cay, hương vị đậm đà của món ăn này chắc chắn sẽ khiến bạn ăn mà không biết chán.

ẩm thực đầm chuồn
Làm bánh khoái cá Kình – Ảnh: @bagiahamchoi

Ngoài cá kình, hiện nay món ăn này còn có nhiều biến thể khác được bán, sử dụng tôm sú, mực hoặc bạch tuộc làm nhân. Đặc biệt hơn cả, nhiều quán bánh xèo tại đầm Chuồn sẽ chế biến từ nguyên liệu do bạn tự mang đến, từ hải sản mua ở những chợ nổi gần đó, tới thành quả từ chuyến đánh bắt của bạn. Giá mua nguyên liệu cũng vô cùng rẻ, 1 – 2 lạng cá, tôm, mực hay bạch tuộc chỉ khoảng 20.000 đồng, mất thêm 20.000 đồng cho công đổ bột là bạn sẽ có được ngay một chiếc bánh khoái cá kình hấp dẫn.

Ở đầm Chuồn có vô số các loại cá thơm ngon, chắc thịt và quý hiếm không có ở nơi khác, cho bạn tuỳ ý chọn lựa như cá dầy, cá chình, cá đối, cá dìa, cá vược, cá ong…  Nơi đây còn có vô số những món ăn đặc sản khác, ví dụ như bún nghệ xào ngao, bánh canh, bánh nậm, mắm cá, hay món bánh tét dẻo nổi tiếng ở chợ An Truyền.

Một số nhà hàng nổi tiếng tại đầm Chuồn 

Nhà hàng Lagoon

  • Giá cả: 20.000 – 120.000 đồng / món

Sở hữu chiếc cổng chào màu vàng nổi bật, đây là một trong những nhà hàng có quy mô lớn nhất trong khu vực đầm Chuồn, trung tâm là hòn đảo nhỏ rộng khoảng 100m2 và xung quanh là các chòi vệ tinh. Không chỉ có những món ăn ngon đặc sản vùng miền như bánh xèo hay tôm, mực, nơi đây còn đầu tư tạo nên một không gian đẹp, độc đáo và mới lạ. Bạn có thể tha hồ chụp những bức ảnh check in ấn tượng trên những cây cầu rực rỡ sắc màu, tổ chức những bữa tiệc sôi động cùng bạn bè hay gia đình giữa mênh mông sông nước.

Đầm Chuồn Hội Quán

đầm chuồn hội quán
Ảnh: @jay.ng0292

Sở hữu số lượng chòi vô cùng lớn, nhà hàng này có đủ khả năng phục vụ và tổ chức các sự kiện có quy mô lớn như hội họp, đám cưới hay kỷ niệm. Vừa bước chân vào Hội Quán, bạn sẽ thấy một phiên bản thu nhỏ được làm bằng tre của tòa tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ) – điểm được nhiều bạn trẻ yêu thích dừng lại để chụp hình. Ngoài những món đặc sản của vùng, nơi đây còn đặc biệt được nhiều người sành ăn tôn vinh là “nơi có lẩu cá kèo ngon nhất ở Việt Nam”.

Đầm Chuồn An Phú

Khác với hai gợi ý trên, nhà hàng này nằm khá gần đất liền, được dẫn ra bởi một cây cầu tre nhỏ mô phỏng theo cầu Trường Tiền. Đầm Chuồn An Phú còn có không gian rộng và cung cách phục vụ chuyên nghiệp, khiến nơi đây được nhiều cơ quan, tổ chức tin tưởng đặt tiệc cuối năm hay làm lễ kỷ niệm. Ngoài các đặc sản của vùng, nơi đây còn có các món ăn nổi tiếng của Nha Trang, Khánh Hòa, các loại thủy hải sản miền Tây thơm ngon, đặc sắc.


Trong những năm gần đây, đầm Chuồn Huế nổi lên là một khu du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều người ghé tới khám phá, nghỉ dưỡng, và chụp ảnh. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh non nước hoang sơ, trải nghiệm cuộc sống bình dị của ngư dân và thưởng thức những món hải sản, đặc sản mới lạ. Vậy thì còn chờ gì nữa, bạn hãy nhanh chóng lên kế hoạch và xách ba lô đến đầm Chuồn Huế ngay nhé.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien