TRANG CHỦ / Du lịch Huế / Lăng Minh Mạng – Có gì trong lăng mộ vị vua thứ 2 triều Nguyễn?

Lăng Minh Mạng – Có gì trong lăng mộ vị vua thứ 2 triều Nguyễn?

Tác giả: Nguyễn Quý
2.066 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
Lăng Minh Mạng
Nguồn:@nnp_vn

Lăng Minh Mạng – Một trong những công trình lăng tẩm nổi bật, gây ấn tượng với du khách bởi lối kiến trúc Nho Giáo đặc trưng và vị trí đắc địa. Toàn bộ công trình nằm trên núi Cẩm Kê – nơi sông Hữu Trạch và Tả Trạch hợp lại thành dòng sông Hương. Lăng còn có một tên gọi khác là Hiếu Lăng, nơi đây vẫn luôn là một trong những địa điểm du lịch thu hút khách du lịch bậc nhất xứ Huế.

Vua Minh Mạng là vị vua thứ hai của triều Nguyễn, ông được xem là vị vua có nhiều thành tích nhất trong tổng cộng 13 vị vua của nhà Nguyễn. Trước khi mất ông đã bắt đầu cho xây dựng lăng mộ cho mình, đặt tên là Hiếu Lăng (về sau người đời thường gọi là lăng Minh Mạng), đây là một công trình uy nghiêm được đánh giá cao về kiến trúc. Đồng thời là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và giá trị tư tưởng ẩn sau mỗi kiến trúc.

Giới thiệu về  Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng ở đâu?

Còn được biết đến với tên chữ là: Hiếu Lăng, Lăng mộ của vua Minh Mạng  nằm trên núi Cẩm Kê thuộc địa phận xã Hương Thọ, thành phố Huế. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 12km – tương đương với 15 phút di chuyển. Di chuyển tới khu di tích lăng tẩm của vua Minh Mạng du khách có thể lựa chọn một trong những cách thức sau:

Xe máy: Thời gian di chuyển tới lăng Minh Mạng khoảng  20p/chiều, chi phí thuê xe: 120.000 – 150.000đ/xe/ngày, tuyến đường: Trung tâm thành phố → QL49 → dọc theo sông Hương → Cầu Tuần → Tiếp tục đi thẳng đến Lăng. Một số đơn vị cho thuê xe máy tại Huế:

  • Cho thuê xe máy Hạnh Thảo: số 29C Kiệt, 103 đường Nhật Lệ, Thuận Thành, Tp Huế, số điện thoại: 0985 005 113.
  • Huế Motorbike Rental: 29C đường Chu Văn An, Tp Huế, số điện thoại: 0935 37 37 35.
  • Cho thuê xe máy Cường Huế: số 6/3 Kiệt, số 128 đường Nguyễn Chí Thanh, Phú Hiệp, Tp Huế, Số điện thoại: 0969 205 219.

Taxi: Thời gian di chuyển tới lăng Minh Mạng khoảng 20 phút, chi phí khoảng: 140.000đ/xe 4 chỗ/chiều, tuyến đường di chuyển tương tự, một số hãng taxi tại Huế:

  • Taxi VinaSun: 0234 3 788 788
  • Taxi Thành Công Huế: 0234 3 575 757 
  • Sun Taxi Thừa Thiên Huế: 0234 3989 898

Thuyền rồng: Du khách có thể lựa chọn tour thuyền rồng đi các lăng và di tích lịch sử nổi tiếng tại Huế gồm: Chùa Thiên Mụ, Đại Nội, Lăng mộ vua Minh Mạng, Lăng Tự Đức, Lăng Khải Định.

Thuyền rồng đi lăng Minh Mạng
Nguồn: chothuexemientrung

Chi phí tour: 800.000/người thuyền đơn (15 khách) hoặc 1.500.000đ thuyền đôi (35 khách). Đơn vị tổ chức:

  • Văn phòng du lịch Khám Phá Huế: số 33/1/271 đường Chi Lăng, Tp Huế
  • Số điện thoại: 091 576 0055 (Mr Hiền)

Lịch sử Lăng Minh Mạng

Vua Minh Mạng là người con thứ tư của vua Gia Long, ông lên ngôi vua từ tháng 2 năm 1820 và lấy niên hiệu là Minh Mệnh. Ông được xem là vị vua có nhiều đóng góp cho quá trình cải cách đất nước, đưa Đại Nam sánh ngang với những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ. 

Vua Minh Mạng
Vua Minh Mạng – Nguồn: archives.org.vn

Sau khi lên làm vua được 7 năm ông bắt đầu cho người tìm địa điểm xây sơn lăng cho mình nhưng phải tới 14 năm sau ông mới tìm được vị trí ưng ý trên núi Cẩm Kê, ấp An Bằng, huyện Hương Trà và đổi tên thành núi Hiếu Sơn.

Lăng Minh Mạng do quan Trương Đăng Quế và Bùi Công Huế thiết kế – phác thảo, Giám Thành Vệ là người dâng lên và vua Minh Mệnh chính là người duyệt thiết kế. Tới tháng 4/1840 công cuộc kiến thiết và xây dựng lăng chính thức bắt đầu từ việc đắp La Thành và đào hồ. 

Tuy nhiên, tháng 8 năm 1840 sau khi kiểm tra công trình ông cảm thấy không vừa ý nên quyết định giáng chức quan trông coi và tạm dừng việc xây dựng. Phải tới tháng 9/1840 công trình mới được khởi công xây dựng trở lại.

Ngày 20/01/1841 vua Minh Mạng qua đời, vua Thiệu Trị lên ngôi vào tháng 2/1841 và tiếp tục hoàn thiện công trình lăng Minh Mạng đúng theo bản thiết kế – phác họa mà vua cha để lại. Tới năm 1843 công trình được hoàn tất và thi hài vua Minh Mạng được đưa vào an táng trong lăng. Chính bởi quá trình đặc biệt đó mà nơi đây còn được người dân thời bấy giờ gọi với cái tên Hiếu Lăng.

Lăng Minh Mạng nhìn từ trên cao
Nguồn: @centralvietnamtrip

Công trình ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi kiến trúc uy nghiêm, rực rỡ và hài hòa với thiên nhiên – thể hiện được giá trị và tư tưởng của vua Minh Mệnh một cách sâu sắc.

Giá vé Lăng Minh Mạng

Giá vé tham quan:

  • Người lớn: 100.000đ/người lớn
  • Người cao tuổi: 50.000đ/người
  • Trẻ em: 20.000đ/người

Giờ mở cửa: 7h00 – 17h30 hàng ngày (thứ 2 – chủ nhật)

Kiến trúc Lăng Minh Mạng

Hiếu Lăng được thiết kế theo kiểu kiến trúc đối xứng, cân bằng, xuyên suốt toàn bộ công trình là đường Thần Đạo xuất phát từ cửa chính đi qua: Sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân, hồ Trừng Minh, Minh lâu, hồ Tân Nguyệt, cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo Kiều và kết thúc tại Bửu Thành – mộ vua Minh Mạng. 

Lăng Minh Mạng nhìn từ trên cao
Nguồn: vnexpress.net

Lăng Minh Mạng có diện tích 18ha nằm trong vùng cấm địa rộng 475 ha được bao bọc bành La Thành dài 1.750m. Đặc biệt, bố cục kiến trúc đăng đối của lăng mang lại vẻ uy nghiêm nhưng vẫn đảm bảo sự nhất quán, âm dương hài hòa và bố trí cây xanh và hai hồ nước nhỏ mang tới không gian xanh mát.

Đại Hồng Môn & Bái Đình Lăng Minh Mạng

Đại Hồng Môn là cửa chính dẫn vào lăng mộ đồng thời cũng là điểm khởi đầu của đường Thần Đạo. Cổng được xây dựng theo lối kiến trúc tam quan đặc trưng thời bấy giờ với hai cửa phụ hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Cổng cao 9m, rộng 12m và được che bằng 24 lá mái, phía rìa được trang trí bằng hoa văn long vân và hình ảnh cá chép hóa rồng,… đây cũng là kiến trúc tiêu biểu của cổng tam quan triều Nguyễn. 

Đại Hồng Môn Lăng Minh Mạng
Đại Hồng Môn – Nguồn: @pttw_87

Đặc biệt, cửa lớn Đại Hồng Môn lăng Minh Mạng chỉ được mở một lần duy nhất khi đón thi hài vua Minh Mạng vào lăng sau đó được đóng kín vĩnh viễn, mọi công việc hay đi lại đều thông qua hai cửa phụ.

Sau khi bước qua cổng chính sẽ là sân Bái Đình rộng 45m x 45m, Toàn bộ mặt sân được lát bằng gạch Bát Tràng. Hai bên là tượng quan văn, quan võ, voi, ngựa bằng đá đứng chầu. Cuối sân là Bi Đình nằm trên núi Phụng Thần, bên trong là bia đá “Thánh Đức Thần Công” được làm bằng đá Thanh. Nội dung bia đá là những lời mà vua Thiệu Trị miêu tả lại tiểu sử, công đức của vua cha như một cách ghi nhận và tưởng nhớ công ơn của vua Minh Mạng.

Sân Bái Đính Lăng Minh Mạng
Sân Bái Đính – Nguồn: @nvominhchau

Lăng Minh Mạng: Sân triều lễ và Hiển Đức môn

Tiếp đến là sân Triều Lễ với bốn bậc lớn nhằm tạo sự cao thấp khác nhau và làm giảm cảm giác không gian trống trải, rộng lớn, mênh mông. Nó cũng là thiết kế gắn liền với những công việc của một vị vua cần phải làm khi trị vì đất nước, đó là nghe tấu sớ tại sân triều lễ vào buổi sáng. 

Sân triều lễ và Hiển Đức môn
Sân triều lễ và Hiển Đức môn – Nguồn: @luuchisanh

Bước qua sân Triều Lễ  tại lăng mộ vua Minh Mạng là Hiển Đức Môn (cổng vào khu tầm điện) được bao quanh bởi một lớp tường thành có hình vuông – tượng trưng cho đất theo khái niệm “đất vuông trời tròn” trong văn hóa Nho Giáo xưa. Dưới dòng chảy của thời gian Hiển Đức Môn khoác lên mình vẻ ngoài cổ kính, uy nghiêm giữa không gian linh thiêng, xanh mát và có chút tĩnh mịch.

Điện Sùng Ân lăng Minh Mạng

Điện Sùng Ân được coi là công trình trung tâm của lăng Minh Mệnh 4 phía đều được bao bọc bởi những công trình nhỏ như vệ tinh bao bọc lấy xung quanh. Phía trước điện có Tả Phối Điện và Hữu Phối Điện, phía sau là hai công trình Tả Tùng Phòng và Hữu Tùng Phòng. 

Điện Sùng Ân lăng Minh Mạng
Điện Sùng Ân – Nguồn: laque.vn

Phía trước điện Sùng Ân lăng vua Minh Mạng có đặt những chậu cảnh nhỏ và có hai lối đi để dẫn vào trong điện (bậc thang đá). Mái điện được trang trí bằng hoa văn rồng đặc trưng. Phía trong điện thờ thiết kế với tông màu đỏ chủ đạo và hoa văn màu vàng đặc trưng, rèm hoa văn rồng buông rủ trước áng thờ là bài vị của vua Minh Mạng và hoàng hậu Tá Thiên Nhân. Đứng trước điện thờ lăng Minh Mạng du khách có thể cảm nhận được không khí trang nghiêm và uy nghi.

Bên trong điện Sùng Ân
Nguồn: @jinxtjx

Kết thúc khu tẩm điện chính là cổng Hoàng Trạch Môn, nơi mở ra một khung cảnh thi vị và hài hòa của cây cói, non nước mây trời tại lăng Minh Mạng. Trải qua 17 bậc thềm được làm bằng đá Thanh là ba chiếc cầu bắc qua hồ Trừng Minh, trái – Tả Phù, giữa – Trung Đạo và phải – Hữu Bật tựa như dải lụa xanh đưa du khách đến với Minh Lâu. Bước chân trên mỗi cây cầu du khách có thể dễ dàng cảm nhận được không khí mát mẻ bởi hơi nước bốc lên từ hồ Trừng Minh và hệ thống cây xanh ở đây.

Lăng Minh Mạng: Khu vực Minh Lâu

Đi qua hồ Trừng Minh chính là Minh Lâu nằm trên đồi Tam Đài Sơn, phía sau là vườn hoa hình chữ Thọ. Đây vốn là nơi vua sẽ dành thời gian suy tư hoặc ngắm trăng vào những đêm trăng rằm. Công trình được xây hai tầng hình vuông với tám mái – biểu trưng cho triết học phương Đông xưa, đồng thời cũng thể hiện cách hiểu và lý giải về nhân sinh quan và vũ trụ của người xưa. Minh Lâu lăng mộ vua Minh Mạng hiện ra như một dấu son đỏ rực rỡ giữa không gian xanh mát của cây cối và đất trời. Phía sau Minh Lâu có hai cột trụ uy nghi là Thành Sơn và Bình Sơn – ý nói vua Minh Mạng đã “Bình thành công đức” trước khi về nơi vĩnh hằng.

Minh Lâu Lăng Minh Mạng
Minh Lâu – Nguồn: @nganbella1996

Từ Minh Lâu bước xuống bậc đá du khách có thể đưa mắt ngắm nhìn toàn cảnh cầu Thông Minh Chính Trực và hồ Bửu Nguyệt lăng Minh Mạng . Cầu được xây dựng với 33 bậc tầng cấp mang đến vẻ đẹp gần gũi và hiền hòa với thiên nhiên. Kiến trúc thành cầu cũng mang đậm lối thiết kế đặc trưng thời đó với những ô gạch hoa văn xếp lên nhau, nhuốm màu rêu phong lại càng thêm phần cổ kính.

Lăng mộ vua Minh Mạng: Hồ Tân Nguyệt

Hồ Tân Nguyệt được tạo hình như trăng non biểu trưng của “âm” bao bọc và che chở lấy “dương” là Bửu Thành biểu tượng mặt trời. Kiến trúc này cũng thể hiện cách nhìn của người xưa về nhân sinh quan rằng “Vạn vật đều được tạo dựng lên từ hai yếu tố âm và dương, âm dương cân bằng thì vạn sự hưng thịnh tươi tốt”. 

Hồ Tân Nguyệt
Nguồn: @nvominhchau

Xung quanh hồ Tân Nguyệt lăng Minh Mạng có con đường đi dạo quanh hồ, thỉnh thoảng có những địa điểm dùng để dừng chân ngắm cảnh như: Tạ Hư Hoài, sở Quan Lan,… Bửu Thành bao bọc lấy mộ vua Minh Mạng và được xây hình tròn – tượng trưng cho mặt trời. Phía sau Bửu Thành chính là rừng thông quanh năm xanh mát đem đến cho du khách cảm giác u tịch mỗi lần ghé thăm lăng.

“Có thể bạn sẽ thích! Các kiến trúc lăng tẩm, cung đình nổi tiếng khác của xứ Huế: Lăng Tự Đức, lăng Gia Long, lăng Khải Định, cung An Định, hoàng thành Huế,…”

Lăng Minh Mạng là sự kết hợp hài hòa của âm – dương, trời – đất, non nước – mây trời có thể thấy được sự khéo léo, tài tình của những kiến trúc sư thời ấy. Không chỉ nổi tiếng bởi những công trình kiến trúc mang đậm giá trị nghệ thuật mà nơi đây còn lưu giữ 600 ô chữ chạm khắc những bài thơ chọn lọc của Việt Nam thế kỷ 19 – kho tàng văn học quý giá. Cùng với đó là hệ thống những cây hoa Sứ lâu năm rêu phong mọc quanh lại càng làm tăng thêm vẻ cổ kính cho khung cảnh nơi đây. Đó cũng chính là lý do thu hút nhiều du khách đến với lăng mộ vua  Minh Mạng để trải nghiệm và ngắm nhìn.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien