TRANG CHỦ / Du lịch Huế / Lăng Gia Long Huế, chốn sơn thủy hữu tình | Vạn niên cát địa

Lăng Gia Long Huế, chốn sơn thủy hữu tình | Vạn niên cát địa

Tác giả: Nguyễn Quý
1.798 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
Lăng Gia Long
Nguồn: @hiros410

Lăng Gia Long nằm tách biệt hẳn so với kiến trúc tổng thể của cố đô Huế, đây là một lăng không có gì quá đặc biệt kể cả trong kiến trúc lẫn quy mô.Tuy nhiên, đây lại là lăng mộ duy nhất nơi vua và hoàng hậu cùng được song táng cùng nhau, qua đó thể hiện được sự trân trọng và mong muốn một tình yêu bền vững của vua Nguyễn Ánh với người vợ hiền Thuận thiên Cao hoàng hậu.

Lăng Gia Long hay Thiên Thọ Lăng là nơi an nghỉ của vua Gia Long, người sáng lập triều Nguyễn. Không chỉ mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa hay kiến trúc mà nơi đây còn mang nét đẹp Huế rất riêng với khung cảnh trang trọng, hoang sơ và không kém phần lãng mạn. Bởi vậy, Thiên Thọ Lăng luôn là địa điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài Việt Nam. 

Giới thiệu về Lăng Gia Long

Lịch sử Lăng vua Gia Long

Vua Gia Long còn có tên gọi khác là Nguyễn Phúc Ánh, ông là vị vua sáng lập nên triều Nguyễn sau khi đánh bại Nhà Tây Sơn. Ông trị vì Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1820 và được tôn miếu hiệu là Nguyễn Thế Tổ.

Vua Gia Long
Vua Gia Long – Nguồn: thanh nien.vn

Ông cũng chính là người góp công thu hai miền Nam Bắc về một mối và đặt tên nước thành Việt Nam. Mặc dù thời gian trị vì chưa đến 20 năm nhưng Gia Long Đế đã tạo nên nhiều thay đổi mang tính lịch sử cho dân tộc và nhiều công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Cố Đô như: kinh thành Huế, Lăng Gia Long,…

Toàn bộ quá trình xây dựng Lăng diễn ra trong 6 năm (1814 – 1820), lăng vua Gia Long sở hữu vị trí đặc địa – sơn thủy hữu tình. Trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất và cũng là nơi đặt tiền án của lăng.

 Toàn bộ Thiên Thọ Lăng rộng 11.234,4m2 xen lẫn là đồi thông xanh mang đến không khí trong lành, xanh mát và yên tĩnh. Trong suốt hơn 200 năm tồn tại công trình đã trải qua 4 lần tu sửa lần lượt vào các năm: 1996, 2003, 2005, 2009. Suốt quá trình tu sửa, mỗi kiến trúc trong lăng đều được phục chế nguyên bản nhằm không làm mất đi giá trị lịch sử, đồng thời giữ nguyên được vẻ đẹp vốn có.

Lăng Gia Long ở đâu?

Toàn bộ khuôn viên của Lăng được đặt ở quần sơn Đại Thiên Thọ rộng lớn gồm 42 ngọn núi lớn nhỏ và ngọn núi lớn nhất cũng là nơi đặt tiền án địa chỉ tại xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là vùng núi xa thành phố, nằm giữa sông Tả Trạch và sông Hữu Trạch, được bao trùm bởi không gian thiên nhiên xanh mát.

Lăng Gia Long nhìn từ trên cao
Lăng nhìn từ trên cao – Nguồn: vnexpress.net

Có rất nhiều giả thuyết xoay quanh việc quyết định lựa chọn vị trí xây lăng Gia Long ở xa kinh thành của vua Nguyễn Ánh, trong đó phổ biến hơn cả là hai giải thuyết: Vua Gia Long vì muốn trốn sự trả thù nên mới lựa chọn nơi an nghỉ xa xôi, hẻo lánh; nhà vua muốn hưởng thụ một cuộc sống tươi đẹp vĩnh hằng bên cạnh trời đất, cây cỏ và cả người vợ thân yêu của mình.

Để di chuyển tới lăng Gia Long, du khách có thể chọn đường thủy hoặc đường bộ. 

  • Đường thủy: Du khách có thể trải nghiệm đi thuyền rồng trên sông Hương, quãng đường khoảng 18km. Từ bến thuyền du khách có thể đi bộ đến lăng. Để thuê thuyền du khách có thể di chuyển đến bến thuyền bên bờ sông Hương ngay trong thành phố Huế.
  •  Phương tiện cá nhân đi qua đường Điện Biên Phủ, Quốc lộ 49 rồi tới cầu Phao qua sông Tả Trạch hoặc cầu sông Hữu Trạch để vào lăng vua Gia Long. Du khách lưu ý nên dùng xe máy vì các cầu đều được xây dựng bởi người dân và không chịu được áp lực lớn. Lộ trình chi tiết được cập nhật đầy đủ trên ứng dụng Google Maps.

Khám phá Lăng Gia Long

Kiến trúc lăng vua Gia Long

Để đến Gia Long Lăng du khách sẽ phải băng qua một cánh rừng thông rộng lớn, xanh mát; nó cũng chính là đường biên tự nhiên bao quanh toàn bộ khu lăng mộ. Mỗi gốc thông như người lính canh gác cần mẫn từ năm này qua năm khác. Ngay trước cổng lăng mộ là đầm sen rộng và cặp rồng ở bậc đá hướng thẳng về trụ biểu.

Lăng vua Gia Long
Nguồn: @nomnomhuehue

Mỗi công trình đều có bậc tam cấp dẫn lên và có thành được tạo hình rồng đá uốn lượn uy nghiêm, mềm mại với hình ảnh tay cầm chùy – miệng ngậm ngọc. Toàn bộ kiến trúc Lăng Gia Long được chia thành 03 phân khu chính:

Tẩm Điện – Điện Minh Thành

Lối dẫn lên tẩm điện là bậc thang có 4 con rồng đá được chạm khắc hoa văn tinh xảo, chân thực uy nghiêm. Tường và mái điện nổi bật với tông màu vàng và hoa văn rồng bay phượng múa trang trí chóp mái.  Điện là nơi thờ hoàng đế Gia Long và hoàng hậu, được xây dựng trên Bạch Sơn, nằm bên phải khu di tích lăng Gia Long. 

Lăng mộ vua Gia Long
Lối dẫn lên tẩm điện – Nguồn: thanhnien.vn

Để đi tới Tẩm Điện, bạn cần phải đi qua Nghi Môn và Tả hữu Tòng Tự. Điện Minh Thành nằm trong một khoảng sân lớn với lối kiến trúc uy nghi, đơn giản mái ngói màu ghi và cờ ngũ sắc, đây là nơi rất nhiều du khách lựa chọn chụp ảnh cùng tà áo dài truyền thống tại Lăng mộ vua Gia Long hơn cả.

Cổng điện màu nâu trầm, bên trong là án thờ và nơi trưng bày nhiều món đồ của vua Gia Long như: mũ, yên ngựa, đai,… Trái ngược với cái tên Minh Thành (sự hoàn thiện rực rỡ) toàn bộ không gian của tẩm điện lại vô cùng đơn giản, chẳng sơn son thếp vàng cũng chẳng có hoa văn trang trí cầu kỳ.

Điện Minh Thành Lăng Gia Long
Điện Minh Thành – Nguồn: laque.vn

Bi đình Lăng Gia Long

Nằm bên trái lăng mộ của vua Gia Long là Bi Đình nơi đặt bia đá Thánh Đức Thần Công ghi công trạng của vua. Sau hơn 200 lịch sử du khách vẫn có thể thấy rõ từng nét chữ trên bia đá, nội dung bài viết trên bia là vua Minh Mạng dựng lên ca ngợi công đức của cha mình. 

Bi đình Lăng Gia Long
Bi Đình – Nguồn: nhandan.vn

Mái của Bi Đình lăng vua Gia Long được lợp bằng ngói lưu ly – một trong những loại ngói quen thuộc trong các công trình kiến trúc của triều Nguyễn như: kinh thành Huế, Tử Cấm Thành, Cung Điện,… Trái với Điện Minh Thành, Bi Đình sở hữu kiến trúc rực rỡ, sơn son thếp vàng nổi bật, rực rỡ giữa rừng thông xanh.

Lăng Gia Long: Khu Lăng môn

Trước khi đến Lăng Môn du khách sẽ đi qua sân chầu với hàng tượng đá uy nghiêm tượng trưng cho quan văn, quan võ, voi và ngựa chiến. Toàn bộ được bao phủ một màu xám thể hiện tác động của thời gian một cách sâu sắc. Qua khỏi sân chầu là 7 cấp sân tế, lúc này Bửu Thành tại lăng Gia Long  hiện ra đầy uy nghi, tĩnh mịch và sắc vàng nhạt lãng mạn. 

Sân Chầu Lăng Gia Long
Sân Chầu – Nguồn: nhandan.vn

Lối vào Lăng Môn là bậc tam cấp ba lối đi và được trang trí bằng 4 con rồng uy nghi. Lăng Môn nằm trên một quả đồi lớn phía trước là Đại Thiên Thọ, phía sau có 7 ngọn núi , hai bên là 14 ngọn núi tượng trưng cho Thanh Long – Bạch Hổ.

Phía trong là nơi an nghỉ của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu, mộ được làm bằng đá và sử dụng hình thức song táng theo quan niệm “Càn khôn hiệp đức” – tôn vinh vẻ đẹp của hạnh phúc, sự thủy chung trong hôn nhân.

Lăng mộ vua Gia Long
Lăng mộ vua Gia Long – Nguồn: nhandan.vn

Kinh nghiệm tham quan lăng vua Gia Long

  • Giá vé tham khảo: 40.000đ/ lượt
  • Giờ mở cửa: 7h00 – 17h30

Dulich3mien gợi ý thời điểm thích hợp để đến lăng Gia Long là vào buổi chiều tà, vô cùng phù hợp để du khách chìm đắm trong cảnh thiên nhiên sông nước. Không chỉ thế, màu sắc rực rỡ của ánh hoàng hôn sẽ tô điểm cho những bức ảnh mà bạn chụp được ở đây. 


Sau khi tham quan lăng Gia Long, du khách có thể di chuyển đến một vài khu di tích khác như hồ Thủy Tiên, lăng mộ Hoàng đế Minh Mạng, lăng Tự Đức, cung an Định, Đại Nội Huế,… để tiếp tục khám phá nét đẹp Thành phố Cố Đô. Hãy liên tục theo dõi Du Lịch 3 Miền để “bỏ túi” thêm nhiều thông tin hữu ích về những địa điểm hấp dẫn tại Cố Đô Huế.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien