Cố đô Hoa Lư là một di tích lịch sử của tỉnh Ninh Bình, gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại trong thời kỳ phong kiến của Việt Nam. Đến đây, bạn không chỉ được ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, mà còn có thể ghé thăm những công trình kiến trúc cổ xưa độc đáo. Nếu bạn đến đúng dịp lễ hội thì đây cũng là thời gian để tham gia các nghi lễ linh thiêng cùng các trò chơi dân gian thú vị,…
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 100km về phía Nam, các dấu tích còn lại của Cố Đô Hoa Lư nay thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Quần thể kiến trúc đặc sắc này đã được UNESCO công nhận là 1 trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới danh thắng Tràng An. Nơi đây cũng được nhà nước Việt Nam xếp hạng là quần thể kiến trúc, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng, cần được bảo tồn.
Lịch sử Cố Đô Hoa Lư
Hơn 1000 năm trước, Hoa Lư từng là trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của nước Đại Cồ Việt, bắt đầu từ khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế năm 968. Tuy chỉ được chọn làm kinh đô trong thời gian ngắn ngủi ( khoảng 42 năm), nhưng tại đây đã diễn ra vô số các sự kiện làm xoay chuyển vận mệnh của cả dân tộc. Từ năm 968 – 1010, Cố Đô Hoa Lư đã trải qua tới tận 3 triều đại là nhà Đinh (12 năm), nhà Tiền Lê (29 năm) và nhà Lý, chứng kiến một sự kiện quan trọng bậc nhất lịch sử khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.
Nếu nhìn về mặt địa lý được sông núi bao bọc kín kẽ của nơi đây, không khó để hiểu vì sao khi Vua Đinh Tiên Hoàng lại lựa chọn Hoa Lư làm kinh đô. Sở hữu con sông Hoàng Long uốn khúc cùng những cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn trải dài tới tận chân trời chính là những hào sâu tự nhiên, mang lại lợi ích quân sự quan trọng trong việc bảo vệ kinh đô. Di tích lịch sử cố đô Hoa Lư xưa rộng khoảng hơn 400ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, xung quanh là loạt tường đá vòng cung, chân có gạch bó đắp cao từ 8 – 10m.
Tuy nhiên, thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự phòng thủ mặt sau nên thường được gọi riêng là thành Tràng An – trung tâm chính của khu danh thắng hiện nay. Hai vòng thành của cố đô Hoa Lư còn lại nằm cạnh nhau nên gọi chung là Hoa Lư, với thành nội vốn là nơi tập kết kho lương và thành ngoại là cung điện chính rộng khoảng 140ha. Khu vực này có trung tâm là đền thờ vua Đinh và vua Lê, cũng là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng xưa kia đã cắm cờ dựng nước. Đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô vào năm 1010, Hoa Lư chỉ còn là một căn cứ quân sự của nhiều triều đại phong kiến sau này.
#4 trải nghiệm hấp dẫn khi du lịch Cố Đô Hoa Lư
Là khu di tích lớn nhưng giá vé tham quan Cố Đô không cao, chỉ 20.000 đồng cho người lớn, và 10.000 đồng / vé cho trẻ em. Các điểm tham quan không thể bỏ qua khi tới nơi đây:
#1 – Thăm Đền thờ Đức Vua Đinh Tiên Hoàng
Được xây dựng vào thế kỷ 17, đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng với tuổi đời hơn 400 năm là một di tích lịch sử vô cùng quan trọng trong quần thể di tích Cố Đô Hoa Lư. Sau khi dời đô, vua Lý Công Uẩn ban đầu cho xây dựng đền thờ cả hai vua Đinh – Lê, nhưng công trình này đã không còn do tác động của mưa gió, thăng trầm thời gian.
Đền được xây dựng bởi các nghệ sĩ dân gian, sử dụng nghệ thuật chạm khắc gỗ, bên trong là nhiều kiến trúc uy nghi với 3 tòa nhà Bái đường, Thiêu hương và Hậu cung. Từ ngoài vào trong bạn sẽ đi qua Hồ Bán Nguyệt, Ngọ Môn Quan, Nghi môn nội – ngoại, …
Tại sân rồng trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại quần thể kiến trúc cố đô Hoa Lư là chiếc Long Sàng được làm bằng đá, chạm khắc hình rồng với thân mập, đuôi thẳng, dáng vẻ hùng dũng thể hiện uy quyền. Trên đó còn có các hình động vật tôm, cá, chuột cầu cho mưa thuận gió hoà, xung quanh là tượng ngựa, cùng vô số lá cờ sặc sỡ tượng trưng cho các đạo quân, v.v. Hai bên là đôi nghê được tạc trên đá xanh nguyên khối với đường nét rất sống động, long sàng này đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Tòa Bái đường đền thờ vua Đinh tại cố đô Hoa Lư với 5 gian lớn, ngoài cùng là bàn thờ cộng đồng với nhang án được chạm trổ độc đáo, cùng cửa trình khi xưa dùng để xưng tên, xưng tuổi trước khi vào cáo yết vua. Bên trên là bức đại tự sơn son thếp vàng ca ngợi công đức của vua, hai bên là hệ thống cột bằng gỗ lim nguyên khối, đôi câu đối tôn vinh kinh đô Hoa Lư đẹp không khác gì Tràng An của nhà Hán, … Tiếp đó là nhà Thiêu Hương thờ các quan văn – võ, các vị khai quốc công thần dưới thời nhà Đinh, trong cùng là Hậu cung đặt tượng vua Ðinh Tiên Hoàng cùng các con trai ông.
Ngai thờ Đức vua Đinh trong khu di tích cố đô Hoa Lư được sơn son thiếp vàng, đặt trên bệ tạc tượng rồng như long sàng nằm ở chính giữa toà nhà. Tượng thờ bằng đồng đúc trong tư thế thiết triều – đầu đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, đứng trên bệ thờ đá xanh nguyên khối.
Gian bên trái thờ hoàng tử trưởng Đinh Liễn – Nam Việt Vương – quay mặt về hướng Nam, còn bên phải thờ hoàng từ Đinh Hạ Lang và Đinh Toàn. Phía sau tượng vua là bệ thờ hai công chúa Phất Kim và Minh Châu, ngoài ra còn có nhiều cổ vật quý hiếm như kinh Phật khắc chữ Phạn, gạch xây khắc chữ cổ, các văn bia ký…
#2 – Thăm đền thờ vua Lê Đại Hành tại cố đô Hoa Lư
Nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 400 mét là đền thờ vua Lê Ðại Hành, có vị trí thấp hơn đền vua Đinh , xây dựng theo cấu trúc “nội công ngoại quốc”. Trên đường dân sinh cũng được đặt chiếc sập long sàng, nhưng không được chạm khắc hình rồng như vua chúa vì người dân cho rằng vua Lê Đại Hành chỉ là tướng tại triều nhà Đinh.
Dù có quy mô nhỏ hơn nhiều so với đền vua Đinh tại Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình nhưng kiến trúc đèn vẫn đủ ba toà Bái đường, Thiêu hương và Chính cung, với nhiều dấu tích chạm trổ cổ xưa, tinh xảo. Toà đầu là nơi trình xưng trước khi vào gặp vua, toà thứ 2 là nơi thờ các vị quan nhà Lê, đặc biệt là Phạm Cự Lạng – người có công giúp vua Lê Hoàn lên ngôi.
Chính cung là khu vực thờ phụng – vua Lê Ðại Hành ở giữa, bên trái là Hoàng hậu Dương Vân Nga, cùng 3 vị hoàng tử với tượng Lê Long Đĩnh ở bên phải. Tượng vua Lê Đại Hành được tạc theo tư thế thiết triều, đầu đội mũ bình thiên, khoác long bào, ngồi trên ngai vàng được chạm trổ hình rồng, mây uốn lượn.
Tượng thờ thái hậu Dương Vân Nga tại cố đô Hoa Lư thì không đứng hướng thẳng mà được đặt ngang, quay mặt về đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Theo lý giải, bà tuy đã tái giá và trở thành cánh tay phải của vua Lê, nhưng trong lòng vẫn còn niềm tôn kính với vua Đinh.
Đây được cho là tượng nữ đẹp bậc nhất Việt Nam với nhiều điểm độc đáo, vừa có phong cách kỹ thuật thời Nguyễn lại có những nét kiến trúc của cuối thế kỷ 17 – 18. Nhìn chính diện từ phía vua sang, Thái hậu có gương mặt uy nghiêm thể hiện quãng thời gian bà phải buông rèm nhiếp chính thay con. Từ hướng ngoài vào thì thấy Thái hậu đang mỉm cười trong cảnh thái bình của đất nước, cuộc chiến kháng Tống bình Chiêm đã thắng lợi. Từ phía trong ra ngoài, Thái hậu có nét đượm buồn vì phải chịu đựng sự phê phán nặng nề của nhân dân, triều thần khi tái giá với vua Lê Đại Hành.
Pho tượng của Lê Long Đĩnh tại cố đô Hoa Lư có dáng toàn thân cân đối, hai cánh tay úp trên đùi, thế ngồi hơi rướn lên, nghiêm chỉnh mà thoải mái, tự tin. Tóc của Lê Long Đĩnh không làm thành mảng tam giác chảy xuống như thường thấy vào thời Nguyễn, mà cắt ngắn đến tận gáy.
Đặc biệt, bối tử ở sau lưng tượng không bị sơn phủ lớp trang trí thêm nên trong đồ án ô vuông còn rất rõ hình con rồng, được chạm khắc đơn giản. Ðền vua Lê hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những nét chạm trổ công phu, đầy kỹ xảo, cùng một số gốm sứ cổ.
#3 – Khám phá vết tích nền móng cung điện cố đô Hoa Lư cũ
Vào năm 2007, các nhà khảo cổ đã khai quật được tại khu vực đền vua Lê một phần nền cung điện có niên đại hơn 1050 năm, chìm sâu dưới 1 – 2m đất. Trong những đợt tiếp theo, nhiều nền móng kiến trúc của người xưa cùng các cổ vật, vật liệu xây dựng đã được tìm thấy, bảo quản và trưng bày phục vụ tham quan. Có thể kể đến như loại gạch để lát nền cung điện trang trí hình hoa sen, hay những viên dùng để xây dựng tường thành còn rõ nguyên dòng chữ khắc “Đại Việt quốc quân thành chuyên”.
Kết quả đợt khai quật đã tái hiện lại phần nào diện mạo của Cố Đô Hoa Lư khi xưa, uy nghi với những thành quách kiên cố, các kiến trúc lớn có trang trí cầu kỳ hay những cột kinh phật bằng đá to lớn. Trong số hàng trăm hiện vật cổ tìm thấy tại đây còn có những ống ngói có phủ riềm, thuyền tán thuốc, tượng đôi uyên ương nền đất nung dùng để trang trí nóc cung điện, kiệu của vua và của thái hậu Dương Vân Nga, …
#4 – Thăm nơi đặt mộ của đức vua Đinh tại cố đô Hoa Lư
Ngay gần đền vua Đinh là ngọn núi đá Mã Yên, tức “yên ngựa”, do có 2 đỉnh nhô cao và ở giữa cong võng xuống như cái yên. Theo các ghi chép lịch sử, mộ vua Đinh Tiên Hoàng được đặt ở điểm giữa đó, xây dựng vào năm 1841 và trùng tu sau đó 44 năm (1885). Dưới chân núi là lăng của vua Lê Đại Hành do đây vốn là một vị tướng của nhà Đinh, phải nằm phía dưới bảo vệ cho nhà vua.
Tương truyền, vào thế kỷ thứ X sau khi nhà vua băng hà, 7 vị tướng trung thành đã cho đúc 100 quan tài bằng đồng và chôn khắp vùng núi tại cố đô Hoa Lư. Lúc đó đất nước đang gặp cảnh chiến loạn nên họ làm vậy là để bảo toàn vương thể, tránh việc bị giặc ngoại xâm hay kẻ thù tìm ra và phá hoại. Hiện nay qua nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu hiện vật và tài liệu lịch sử, các nhà khảo cổ đã xác định được ngôi mộ thật của vua Đinh nằm trên núi Mã Yên.
Xem thêm:
Khám phá Lễ hội Cố Đô Hoa Lư
Cứ vào ngày 8/3 – 10/3 Âm Lịch hàng năm, lễ hội truyền thống Hoa Lư lại diễn ra, còn được nhiều người biết đến với những tên gọi như hội Trường Yên hay hội Cờ Lau. Đây là từng được coi là quốc lễ trong nhiều triều đại phong kiến, với mục đích nhằm tôn vinh các vị vua và anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và chống giặc ngoại xâm. Lễ hội cố đô Hoa Lư diễn ra tại quảng trường nơi trung tâm di tích và lan ra khắp vùng, bao gồm 2 phần chính là lễ và hội, với nhiều cuộc thi dân gian thú vị và các trò chơi đậm nét truyền thống.
Vào sáng ngày khai hội thường diễn ra “Lễ rước nước”, có sự tham gia của cả quan khách, các vị đại biểu đến từ nhiều cơ quan, đoàn thể của địa phương. Đoàn rước rất lớn, kéo dài với võng lọng, lễ vật, cờ kiệu và âm nhạc, người tham gia phần lớn mặc trang phục sặc sỡ, tư thế vô cùng nghiêm trang và thành kính. Ngoài Lễ rước nước tại khu di tích cố đô Hoa Lư thì phần lễ còn có Lễ Mở cửa đền, Lễ Mộc dục, Lễ dâng hương, … Tiếp ngay sau đó là phần hội, có vô số các hoạt động thú vị mà bạn có thể tham gia như là đại lễ cầu siêu, lễ hoa đăng hay các trò chơi dân gian thú vị.
Ai đến đây cũng đều thích thú với những khu vực đánh cờ người, kéo co, chọi gà, đua thuyền, thi thổi cơm, bơi hay đấu vật, hát chầu văn, thư pháp, … Những cuộc thi nho nhỏ góp phần đem lại không khí rộn ràng, hứng khởi, lôi kéo sự tham gia của quần chúng nhân dân đến với du lịch cố đô Hoa Lư. Bạn cũng không nên bỏ qua Tập trận Cờ lau tái hiện lại thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh, hay tiết mục Kéo chữ Thái Bình với đội quân nghi thức đông đảo. Sau khi thỏa sức dạo chơi, bạn nhớ hãy nghỉ lại và thưởng thức những món đặc sản Ninh Bình thơm ngon như cơm cháy, thịt dê, ốc núi, v.v.
Cố Đô Hoa Lư là một trong bốn vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An, mang trong mình giá trị đặc biệt quan trọng về cả lịch sử lẫn kiến trúc. Đến đây, bạn có thể tận hưởng không gian thiên nhiên hùng vĩ, tham quan những công trình và hiện vật cổ xưa, đồng thời tìm hiểu về một thời hào hùng của Việt Nam. Còn chờ gì nữa mà bạn không lên ngay một kế hoạch tới đây, thăm một Hoa Lư trầm mặc mà uy nghiêm, sống lại một thời phong kiến vàng son.