TRANG CHỦ / Du lịch Ninh Bình / Vì sao Cúc Phương là một trong những vườn Quốc gia đẹp nhất Việt Nam?

Vì sao Cúc Phương là một trong những vườn Quốc gia đẹp nhất Việt Nam?

Tác giả: Nguyễn Quý
1.484 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
vườn quốc gia cúc phương
Ảnh: Bestprice

Vườn Quốc gia Cúc Phương là một khu bảo tồn thiên nhiên lớn nằm ở giao giới giữa khu vực Bắc và Trung Bộ, một địa điểm thu hút hàng ngàn khách du lịch mỗi năm. Các tour khám phá khu rừng này cũng  nhiều người săn đón, với đa dạng các hình thức du lịch và bao gồm hệ thống địa điểm khác nhau. Đến đây, bạn không chỉ được khám phá thiên nhiên hoang dã, các di tích lịch sử mà còn có cả những đặc sản thơm ngon.

Được chính thức thành lập vào năm 1962, vườn Quốc gia Cúc Phương là khu bảo vệ rừng đầu tiên của Việt Nam, với tổng diện tích hiện tại là trên 22,000ha. Nơi đây có rừng mưa nhiệt đới đặc trưng, xanh quanh năm và là nơi sinh sống của hệ động thực vật đa dạng và phong phú, bao gồm nhiều loài quý hiếm trong số đó có voọc đen mông trắng – biểu tượng của rừng Cúc Phương. Đặc biệt, trong 3 năm liên tiếp 2019 – 2021, khu bảo tồn Cúc Phương đã vinh dự được bầu chọn và vinh danh là Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á bởi tổ chức World Travel Awards.

Vườn Quốc gia Cúc Phương ở đâu?

Nằm trong lòng dãy núi Tam Điệp, vườn Quốc gia này thuộc địa phận của 3 tỉnh Hoà Bình (5.000ha), Ninh Bình (11.350ha) và Thanh Hoá (5.850ha). Nằm cách Hà Nội chỉ khoảng 120km về phía Tây Nam, bạn có thể di chuyển đến bằng nhiều loại phương tiện khác nhau như là:

Xe khách từ Hà Nội đi Cúc Phương

Hiện tại có hai nhà xe khai thác tuyến chạy thẳng Cúc Phương – Hà Nội, với điểm đón ở bến xe Giáp Bát (đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Thời gian di chuyển là khoảng 3 tiếng.

Nhà xe Đức Hạnh

  • Giờ chạy: 10h
  • Giá vé: 80.000 đồng / vé
  • Liên hệ: 097 750 54 21 – 0912 607 066

Nhà xe Phú Duyên chạy từ Hà Nội đi vườn quốc gia Cúc Phương

  • Giờ chạy: 15h
  • Giá vé: 80.000 đồng / vé
  • Liên hệ: 0988 118 215 – 0919 065 325

Từ Hà Nội đi rừng Cúc Phương bằng phương tiện cá nhân

rừng quốc gia cúc phương
Di chuyển đi Cát Phương bằng xe máy – Ảnh: Cattour

Nếu muốn hoàn toàn tự chủ về di chuyển, bạn nên đi bằng xe máy hoặc ô tô từ Thủ đô theo hướng đường cao tốc Ninh Bình, rẽ vào QL1A rồi đi ngược lại. Từ điểm đầu của Thành phố Ninh Bình thì bạn đi dọc theo đường qua Tràng An, cố đô Hoa Lư, các khu du lịch Bái Đính và Đồng Chương là sẽ tới VQG Cúc Phương.

Hướng dẫn tham quan vườn Quốc gia Cúc Phương

Giá vé vào vườn Quốc gia Cúc Phương

Vườn mở cửa từ 6h đến 22h, để tham quan bạn cần phải mua vé tại cổng:

  • Người lớn: 60.000 đồng / vé
  • Học sinh & sinh viên: 20.000 đồng / vé (hãy nhớ mang thẻ HSSV)
  • Trẻ em: 10.000 đồng / vé
  • Dưới 5 tuổi được miễn phí

Thời điểm thích hợp tham quan rừng Cúc Phương trong năm

Tháng 11 – Tháng 1 năm sau

Đây là thời điểm mà khu vực miền Bắc trở ra khá lạnh, điều kiện thời tiết trong rừng cũng khá phức tạp, đường đi lại trắc trở nên không thích hợp để đến đây du lịch.

Tháng 2 – Tháng 4

Vào giai đoạn này thời tiết chuyển dần sang hè, có nắng nhẹ và cây cối khá xanh tươi mát mẻ, thích hợp cho việc tham quan và trải nghiệm. Đến vườn Quốc gia lúc này, bạn sẽ có cơ hội gặp một số loài chim như: gà lôi, gỉ cùi, khướu đá hoa, cắt bụng trắng, …

Giữa tháng 4 – đầu tháng 5

Ở vườn Quốc gia Cúc Phương mùa hạ chính là thời điểm đẹp nhất nơi đây, được gọi là mùa bướm Cúc Phương. Bạn nhất định sẽ bị bất ngờ bởi khung cảnh đẹp ngỡ ngàng được tạo nên bởi hàng nghìn con bướm sặc sỡ đang bay lượn, chỉ cần đưa nhẹ tay ra cũng có thể chạm vào được.

rừng cúc phương ninh bình
Mùa bướm tại Cúc Phương – Ảnh: Báo Vnexpress

Nếu đi xe máy hoặc ô tô vào sâu trong vườn Quốc gia Cúc Phương mùa bướm thì bạn nhớ chạy chậm một chút để đón những cánh bướm. Và bạn cũng đừng quên sạc thật đầy pin để check in ngay những bức ảnh đẹp chụp lại khoảnh khắc này nhé!

Tháng 5 – tháng 9

Thời tiết mùa thu thường có nắng đẹp, lại không phải đợt du lịch cao điểm nên không lo bị đông, được kha khá người lựa chọn để đến cắm trại và khám phá. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có mưa bão, bạn hãy nhớ kiểm tra thời tiết trước khi đi để tránh việc trekking rơi vào những ngày rừng ẩm ướt, trơn trượt.

Vườn Quốc gia Cúc Phương có gì nổi bật?

Trung tâm đón tiếp du khách

Nằm ngay sau cổng vào của vườn Quốc gia, đây là nơi bạn sẽ thực hiện những thủ tục cần thiết trước khi vào tham quan, đồng thời là chỗ cung cấp các dịch vụ nghỉ ngơi và ăn uống. 

Được xây dựng với sự hỗ trợ của tổ chức AusAid và FFI, trung tâm đón tiếp du khách tại rừng Cúc Phương mang vai trò cung cấp các thông tin về tài nguyên thiên nhiên, môi trường của rừng Quốc gia. Qua những hình ảnh và kiến thức được thể hiện, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo tồn cho du khách và người dân đang sinh sống trong khu vực.

Trung tâm cứu hộ linh trưởng

Được xây dựng từ năm 1994, đây là nơi cứu hộ, nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo tồn khoảng 150 cá thể của 15 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm. Trong đó, có 6 loài đặc hữu mà không nơi cứu hộ nào khác bảo tồn, bao gồm Voọc mông trắng, Voọc đen tuyền, Voọc Cát Bà, Voọc Hà Tĩnh, Voọc Chà vá chân xám và Voọc Lào.

Bên cạnh nhiệm vụ cứu hộ, Trung tâm này tại vườn Quốc gia Cúc Phương còn tiến hành chương trình tái thả động vật về tự nhiên, nghiên cứu về các tập tính sinh hoạt, thức ăn và môi trường sống của loài linh trưởng. Tới đây, bạn sẽ có cơ hội tận mắt ngắm nhìn loài động vật này, đồng thời tìm hiểu về đời sống của chúng một cách gần gũi nhất có thể.

Vườn thực vật

Được ghi vào Danh mục Vườn thực vật Quốc tế, đây là khu vực được xây dựng để bảo tồn các loài thực vật quý hiếm không chỉ trong khu vực vườn Quốc gia Cúc Phương, Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Với diện tích 167 ha, nơi đây đã trồng và sưu tầm thành công 811 loài cây quý hiếm phục vụ công tác lưu giữ nguồn gen, làm cơ sở cung cấp giống cho các chương trình trồng cây rừng tại Việt Nam.

Hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng của rừng mưa nhiệt đới cũng đã trở thành nơi sinh sống của nhiều loại động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng như voọc, tê tê, các loài rùa, …

Động Người Xưa

động người xưa vườn quốc gia cúc phương
Động Người Xưa – Ảnh: Wikipedia

Trong phạm vi vườn Quốc gia Cúc Phương có nhiều di chỉ, các hang động từ thời tiền sử với nhiều hiện vật, dấu tích hoạt động của người nguyên thuỷ. Trong số đó, động Người Xưa là di chỉ còn lưu giữ nhiều dấu tích về cư trú và mộ táng, khiến nơi này trở thành một trong những đối tượng cần đặc biệt nghiên cứu và bảo vệ ở đây. Cách cổng vào rừng Cúc Phương Ninh Bình khoảng 4km, hang động này nằm trên độ cao khoảng 50m, với 3 ngăn rộng khá khô ráo và mát mẻ, cùng một cửa hang hút gió trên đỉnh núi. Bên trong còn có một ngăn hẹp, tối và ẩm thấp, là nơi sinh sống của 19 loài dơi – nhiều nhất trên thế giới.

Qua quá trình khai quật vào năm 1966, viện Khảo cổ học Việt Nam, phối hợp với vườn Quốc gia Cúc Phương và các chuyên gia người Đức đã tìm thấy tại đây một tầng văn hóa rất phong phú và đa dạng. Ngoài những công cụ lao động như rìu hay dao cắt làm bằng đá, các đồ đất nung có hoa văn trang trí, ở đây còn phát hiện được than tro dày gần 2m, ốc núi, ốc suối, xương răng các loài như vượn, khỉ, lợn rừng, hươu, gấu, … Đoàn khảo cổ còn khai quật được 3 ngôi mộ cổ với các bộ xương người hóa thạch còn khá nguyên vẹn, xác định có niên đại hơn 7.500 năm.

Cây đăng cổ thụ trong rừng Cúc Phương

Sau khi tham quan xong động Người Xưa, bạn rẽ trái và đi tiếp khoảng 3km là sẽ đến vị trí của cây đăng cổ thụ nổi tiếng nơi vườn Quốc gia Cúc Phương. Sở hữu chiều cao hơn 45m và đường kính 5m, cây còn có bộ rễ chằng chịt lộ hẳn trên mặt đất với chiều dài lên tới 20m. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật quý hiếm như gõ kiến đầu đỏ, culi, sóc bụng đỏ, gà lôi trắng, …

Đỉnh Mây Bạc

Với độ cao 648m, từ trên đỉnh Mây Bạc bạn có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh hoang sơ, bao la của rừng Cúc Phương, thấy được cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính hay cả thắng cảnh Tràng An phía xa. Tuy nhiên, tuyến đường lên đỉnh núi này khá nhiều dốc đá, có độ dài đường cả đi cả về tổng cộng 7km với thời gian di chuyển khoảng 4 – 5 tiếng đồng hồ.

đỉnh mây bạc vườn quốc gia cúc phương
Đỉnh Mây Bạc – Ảnh: Msquare

Chính vì vậy, hành trình chinh phục đỉnh Mây Bạc vườn Quốc gia Cúc Phương chỉ dành cho những người có sức khoẻ tốt, nếu bạn có bệnh về tim mạch hay những bệnh gây ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng thì không nên tham gia.

Cây chò ngàn năm

Là một trong những cây đại thụ ở Việt Nam, cây chò nghìn năm tuổi ở rừng Cúc Phương Ninh Bình là biểu tượng cho sự đa dạng hệ thực vật nơi đây. Cây có chiều cao hơn 50m, bao gồm 3 thân chính có đường kính 5m, thân cây hơn 20 người ôm cũng không xuể.

Hiện cây đã xuất hiện các dấu hiệu bị lão hoá, khô mục, nên ban quản lý vườn đã dựng rào để bảo vệ, vừa để ngăn du khách đến gần vừa tránh trường hợp cành cây gãy rơi xuống gây nguy hiểm.

Cây Sấu cổ thụ vườn Quốc gia Cúc Phương

cây sấu vườn quốc gia cúc phương
Cây sưa cổ thụ – Ảnh: Báo Vnexpress

Với chiều cao khoảng 45m gần bằng cây đăng cổ thụ, cây sấu lại có hệ thống rễ cây bạnh vè cao đến 10m và phát triển dài hơn 20m. Xung quanh khu vực cây là nhiều loại cây dây leo thân gỗ đẹp mắt, loài Đa góp cổ, thực vật phụ sinh như tầm gửi, tổ diều hay phong lan, cùng nhiều loài chim đẹp như gõ kiến đầu đỏ.

Button xem thêm

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Bản Mường

Là một ngôi bản nằm sâu trong rừng Cúc Phương, đây là nơi người dân tộc Mường sinh sống và phát triển cùng rừng Quốc gia đã qua cả nghìn năm

Nép mình bên tả ngạn sông Bưởi phía sâu trong vườn Quốc gia Cúc Phương, bản Khanh thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn là nơi sinh sống suốt cả nghìn năm nay của cộng đồng người Mường tỉnh Hòa Bình. Từ trung tâm du khách, bạn sẽ phải đi qua một quãng đường hơn 16km xuyên rừng già, qua thung lũng rồi vượt đèo trắc trở, kéo dài 6 – 8 tiếng và phải có sự hướng dẫn của nhân viên vườn Quốc gia.

bản mường tại rừng cúc phương ninh bình
Bản dân tộc Mường – Ảnh: yeahtravel

Đến tới bản Mường, bạn sẽ được tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng như thưởng thức đặc sản dân tộc, tham quan sinh hoạt, trồng trọt và quá trình dệt thổ cẩm, nhảy múa quanh đống lửa trại, ngủ lại nhà sàn,…

Ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở Ninh Bình:

Các tour du lịch rừng Cúc Phương 

Tour thưởng ngoạn thiên nhiên Cúc Phương

  • Thời gian: 1 ngày

Các điểm tham quan:

  • Trung tâm du khách & Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng.
  • Động Người xưa.
  • Cây Chò ngàn năm.

Tour du lịch rừng Cúc Phương 2 ngày 1 đêm

(Tìm hiểu thiên nhiên và giá trị khảo cổ)

  • Thời gian: 2 ngày 1 đêm

Các điểm tham quan:

  • Trung tâm du khách & Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng.
  • Vườn thực vật.
  • Động Người xưa.
  • Bộ xương hóa thạch.
  • Cây Đăng cổ thụ
ở vườn quốc gia cúc phương mùa hạ
Mùa bướm về tại rừng Cúc Phương – Ảnh: Vnexpress

Tour Cắm trại trong vườn Quốc gia Cúc Phương

  • Thời gian: 2 ngày 1 đêm

Các điểm tham quan:

  • Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng.
  • Đi bộ, cắm trại, ngủ đêm trong rừng.
  • Xem chim.
  • Xem động vật hoang dã ban đêm.

Ngoài ra còn các tour tham quan thú vị khác, bạn có thể truy cập Web của rừng quốc gia: cucphuongtourism.com.vn

Khám phá ẩm thực tại vườn Quốc gia Cúc Phương

Thịt dê

Đến với miền sơn cước Ninh Bình, nhất định bạn không nên bỏ qua món dê núi hấp dẫn, nổi tiếng với thịt chắc, dai, ít mỡ và mùi thơm đặc trưng. Nhiều người cho rằng thịt ngon là do dê phải chạy nhảy nhiều trên núi đá, lại ăn những rau rừng bổ dưỡng, nên cơ bắp săn chắc, ít mỡ hơn dê được chăn thả. Thịt được chế biến thành nhiều món tùy bạn lựa chọn, từ dê tái, dê hấp với hương vị dân dã, đến những món cầu kỳ hơn như dê rang muối, dê nướng hấp dẫn. Ăn một miếng thịt dê núi rồi nhấp một ngụm rượu Kim Sơn, gắp ít rau rừng ăn kèm, thì không còn gì tuyệt bằng.

Gà ri Cúc Phương

ăn gì ở vườn quốc gia cúc phương
Gà ri Cúc Phương – Ảnh: venada resort

Gà rừng Cúc Phương là sản phẩm đặc trưng của huyện Nho Quan, có chất thịt thơm ngon và săn chắc, được bồi dưỡng bởi điều kiện tự nhiên của vùng đất màu mỡ. Gà nguyên con được nướng bằng than hoa hoặc củi rừng cho đến khi vàng giòn và có mùi thơm hấp dẫn, bạn có thể dễ dàng bắt gặp ở các quán ăn ven đường trong rừng.

Ốc núi Cúc Phương

Những con ốc này thường có phần ruột đặc và dày, sau khi chế biến toả hương vị đặc trưng đến từ các loại rong rêu, lá, rễ cây rừng mà chúng đã ăn. Loài ốc núi tại vườn Quốc gia Cúc Phương chỉ xuất hiện duy nhất vào tầm tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, đặc biệt nhiều khi trời mưa, nhưng chỉ cần gió heo may tháng 8 tới thì sẽ biến mất như chưa từng tồn tại. Chính vì vậy, nếu bạn muốn thưởng thức món đặc sản thơm ngon này thì hãy tính ngày trước để không bỏ lỡ mất nhé!


Vườn Quốc gia Cúc Phương không chỉ là khu bảo tồn có tầm quan trọng đặc biệt, mà còn là điểm du lịch vô cùng hấp dẫn ở Việt Nam. Đến đây, bạn sẽ được bước vào một hành trình thú vị, khám phá hệ động thực vật phong phú với nhiều loài quý hiếm và những di tích của nền văn hóa cổ đại. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn lên được một kế hoạch chi tiết nhất cho chuyến đi đến rừng Cúc Phương Ninh Bình của mình.

Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc tỉnh nào của nước ta?

Rừng Cúc Phương nằm trong địa phận của 3 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình

Diện tích rừng Cúc Phương là bao nhiêu?

Theo số liệu thống ke, diện tích của rừng khoảng 22408ha

Vườn quốc gia cúc phương thuộc loại rừng nào?

Đây là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng mang đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien