Phu Văn Lâu nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, ngay phía trước Kỳ Đài và Ngọ Môn. Trước đây, địa điểm này là nơi các vua và triều đình dùng để dán công bố văn thư cùng kết quả thi Đình, thi Hương hay tổ chức các yến tiệc cung đình vào các ngày lễ lớn. Ngày nay, nơi đây là điểm tham quan du lịch mang giá trị cao về lịch sử và kiến trúc.
Phu Văn Lâu và Nghênh Lương Đình là 2 kiến lịch sử nổi tiếng của Cố đô nằm ngay bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng. Biểu tượng kiến trúc xuất hiện trên tờ tiền polymer mệnh giá 50.000đ của nước Việt Nam. Cùng tìm hiểu về địa danh này qua bài viết ở dưới đây.
Giới thiệu về Phu Văn Lâu
Phu Văn Lâu ở đâu?
Ngôi lầu này nằm ngay gần sông Hương, ở ngay phía trước của Kỳ Đài và Ngọ Môn, địa điểm này ở ngay trên trục chính của cụm di tích Hoàng thành Huế, nay thuộc địa phận phường Phú Hòa, thành phố Huế.
Nằm ở ngay trung tâm thành phố nên việc di chuyển đến đây hết sức đơn giản và thuận tiện, bạn có thể đi bộ, thuê xích lô, taxi,… hoặc tham gia các tour thuyền rồng tại dòng sông Hương thơ mộng.
Phu Văn Lâu là gì?
Trước đây vào thời vua Gia Long, một tiểu đình được xây dựng để làm nơi thông cáo các văn thư của vua và triều đình cùng các kết quả của kỳ thi Hội, thi Đình.
Về sau, vào năm 1819, một tòa nhà kiến trúc 2 tầng mái, không vách được xây dựng thay cho tiểu đình, kiến trúc này vừa có quy mô lớn hơn, mang theo nét độc đáo và thanh tú. Tòa nhà được đặt cái tên là “Phu Văn Lâu”, ở đây Phu chỉ việc trưng bày, Văn là văn thư, Lâu là lầu, nôm na ý nghĩa của cái tên đây là lầu trưng bày văn thư.
Năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng thì nơi đây được dùng làm nơi đấu voi, đấu hổ. Cũng vào thời điểm này, nhân mỗi dịp sinh nhật vua thường tổ chức các yến tiệc kéo dài nhiều ngày với nhiều hoạt động ca, múa cung đình.
Nằm 1843, vua Thiệu Trị cho dựng một nhà bia bên tay phải lầu để trưng bày bài thơ “Hương Giang hiểu phiếm” (Buổi sáng bơi thuyền trên dòng sông Hương).
Qua hơn 200 năm tồn tại, mặc dù Phu Văn Lâu đã trải qua nhiều lần trùng tu, có nhiều lần bị hư hỏng gần như không còn (như trận bão năm Thìn, 1904 đã quét gần như hoàn toàn kiến trúc) nhưng về phương diện kết cấu kiến trúc thì gần như không có nhiều sự thay đổi so với nguyên bản, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về lịch sử lẫn văn hóa.
Có thể bạn sẽ thích:
Kiến trúc Phu Văn Lâu
Ngọn lâu cao 11.67m gồm hai tầng, mặt quay về hướng Nam. Ngày xưa, dưới thời vua Minh Mạng để thể hiện sự tôn trọng dành cho địa điểm văn hóa này, triều đình đã cho xây dựng 2 tấm đá ở 2 bên khắc chữ: “Khuynh các hạ mã” – Đi qua nơi đây phải xuống ngựa, hạ mũ. Hai bên mặt trước có đặt 2 khẩu súng thần công nhỏ được làm bằng đồng có nòng hướng vào nhau.
Tầng dưới của Phu Văn Lâu hoàn toàn để trống, có 16 cột chống được sơn đỏ (4 cột chính xuyên lên tầng 2, 12 cột quần chống được sắp xếp đều ở xung quanh), có hệ thống lan can bao xung quanh chỉ để 3 mặt chống xây dựng bậc thang đi lên, ở góc bên phải có cầu thang cũng sơn đỏ dẫn lên tầng 2. Bề mặt nền tầng 1 lát đá cẩm thạch, sân xung quanh lát gạch gốm Bát Tràng nhưng nay đã được thay bằng gạch ca rô đúc từ xi măng.
Tầng 2 của Phu Văn Lâu có bốn mặt dựng đố bản hơi giống dạng đố lụa khung tranh), ở hai mặt trước và sau trổ cửa tròn tượng trưng cho trời, hai mặt trái phải trổ cửa vuông tượng trưng cho đất, “trời đất giao thoa, vạn vật kết hợp”. Lan can bao quanh tầng được làm từ gỗ, ở trên cửa sổ mặt tiền có treo bức hoành phi trang trí dây lá cách điệu “lưỡng long chầu nguyệt” được sơn son thếp vàng.
Mái của tòa lầu được lợp bằng ngói ống hoàng lưu ly (ngói ống tráng men vàng, loại mái cung đình được dùng phổ biến khi xây dựng Cố đô, thể hiện sự quyền quý và uy nghiêm của trốn Hoàng cung), trên đỉnh mái là các họa tiết lưỡng long, ở giữa là bông hoa sen nở rộ.
Trước mặt tòa lâu là một tiểu đình nhỏ nằm kề bên dòng sông Hương gọi là Nghinh Lương Đình, đây là nơi các bậc vua chúa thường đến tắm sông, hóng gió hay ngắm cảnh. Nghênh Lương Đình và Phu Văn Lâu kết hợp tạo thành biểu tượng in trên tờ tiền 50.000đ Polymer của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Phu Văn Lâu một di tích lịch sử tuy không lớn nhưng lại chứa đựng những giá trị cao về mặt lịch sử và văn hóa. Nếu đến tham quan Cố đô Huế vào thời gian tới, bạn đừng quên ghé thăm tòa lâu này cùng các địa điểm du lịch lân cận như “Cột cờ Phu Văn Lâu” Kỳ Đài, Ngọ Môn, Kinh thành Huế, cầu Gỗ Lim…