Bảo tàng Quang Trung là một trong những địa điểm du lịch mang tính lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bình Định, địa điểm gắn liền với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Nơi đây được xây dựng nhằm thờ tự các nhân vật có công với nước, đồng thời lưu giữ những hiện vật, tài liệu lịch sử, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và các học giả tới nghiên cứu.
Tỉnh Bình Định không chỉ nổi tiếng bởi những bờ biển đẹp thơ mộng cùng núi non hùng vĩ, mà đây còn là quê hương của ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. Bảo tàng Quang Trung được xây dựng nhằm tưởng niệm người anh hùng Nguyễn Huệ và góp phần lưu giữ những hiện vật quý giá còn lại có liên quan tới cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Dưới đây là những thông tin chi tiết hơn về địa điểm du lịch thú vị này.
Giới thiệu về bảo tàng vua Quang Trung
Bảo tàng Quang Trung ở đâu?
Bảo tàng được xây dựng trên chính nền ngôi nhà cũ của gia tộc họ Nguyễn ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Nay thuộc khối 1, thị trấn Phú Phong, địa điểm này được bao quanh bởi quốc lộ 19B, tỉnh lộ 636, ba con đường Đống Đa, Nguyễn Nhạc và Ngọc Hân Công Chúa. Thuộc địa phận tỉnh Bình Định, bảo tàng cách trung tâm Thành phố Quy Nhơn khoảng 45km về phía Tây Bắc.
Không chỉ nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, các con đường đi đến bảo tàng Quang Trung như đã kể phía trên cũng đều đã được đầu tư xây dựng hiện đại, bạn có thể tuỳ ý lựa chọn đi bằng xe máy, taxi hoặc đi theo tour. Đặc biệt, với lựa chọn cuối, bạn sẽ có luôn hướng dẫn viên đi cùng và thuyết minh về bảo tàng quang trung một cách chi tiết nhất.
Lịch sử hình thành bảo tàng vua Quang Trung
Sinh ra và lớn lên ở vùng Tây Sơn, tỉnh Bình Định, ba anh em Nguyễn Nhạc (1743), Nguyễn Huệ (1753), Nguyễn Lữ (1754) vốn làm nghề buôn bán, lấy đó làm cơ sở mời gọi hào kiệt khắp nơi. Phong trào Tây Sơn cứ thế lớn dần, liên tục lật đổ Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, rồi đánh đuổi quân Xiêm và quân Thanh khỏi bờ cõi đất nước, thành lập triều Tây Sơn vào năm 1778. Nguyễn Nhạc lên ngôi làm vua trong vòng 10 năm, sau đó nhường ngôi lại cho em trai Nguyễn Huệ – vua Quang Trung – còn mình thì lùi xuống làm Tây Sơn vương cai trị thành Quy Nhơn.
Đến năm 1792 – 1793, Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc lần lượt qua đời, dẫn đến sự sụp đổ của triều đại này vào năm 1802. Sau này, vua Gia Long ra lệnh cấm thờ cúng 3 anh em. Chính vì vậy, khi đình làng được xây dựng trên nền Từ đường Tây Sơn vào năm 1823, người dân đã phải lén lút tưởng nhớ ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dưới danh nghĩa thờ Thành hoàng. Đến năm 1946, đình làng Kiên Mỹ bị người Pháp đốt cháy, nhân dân trong làng đã lập miếu nhỏ dưới gốc cây me để thờ tới khi xây lại đình vào năm 1958.
Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Đảng và Nhà nước Việt Nam chính thức phê chuẩn quyết định cho phép xây dựng bảo tàng Quang Trung tại quê hương của người anh hùng áo vải, bắt đầu từ năm 1977. Dự án hoàn thành vào năm 1979, ngày trước đó Khu đền thờ Tây Sơn Tam kiệt đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia, và sau đó vào năm 2014 là Di tích quốc gia đặc biệt.
Tham quan bảo tàng Quang Trung
Bên trong bảo tàng Quang Trung có gì?
Ban đầu khi mới được thành lập, Bảo tàng chỉ có tổng diện tích 95.000m2, sau đó được mở rộng dần vào các năm 1999 và 2007, đến nay khuôn viên có kích cỡ lên tới hơn 177.700m2. Được bao phủ bởi các bãi cỏ và cây xanh mát, toàn bộ quần thể Bảo tàng có bố cục cân đối, với tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ nằm ở trung tâm, cùng nhiều khu vực khác nhau:
Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt
Còn được biết đến với tên gọi là Điện Tây Sơn, đây vốn là Đình làng Kiên Mỹ được xây dựng lại vào năm 1958, và hoàn thành vào năm 1960. Có diện tích khoảng 100m2 với điện thờ Tây Sơn tam kiệt tại bảo tàng Quang Trung gồm 3 gian, kiến trúc này được xây theo kiểu chữ đinh (丁), dùng đá chẻ làm móng, gạch đặc làm vách, còn mái lợp thì sử dụng ngói được đúc bằng xi măng. Gian chính giữa thờ Quang Trung — Nguyễn Huệ, hai bên trái phải lần lượt thờ Nguyễn Lữ và Nguyễn Nhạc, còn các điện khác thờ quan văn võ và tổ tiên nhà Tây Sơn.
Trong lần mở rộng bảo tàng Quang Trung năm 1999, Đền thờ Tây Sơn tam kiệt đã được xây dựng lại theo đúng kiến trúc này nhưng với diện tích gấp ba. Phần mái được uốn góc cong hình mũi thuyền, vẫn giữ được các nét cổ xưa bao gồm các trang trí hoa văn lá biến rồng, tùng cúc trúc mai, “lưỡng long chầu nguyệt” trên nóc điện, … Trước chính điện là hai hàng cột to được chạm trổ hình rồng mây uốn lượn cuốn quanh, vừa uy nghi, hào hùng vừa tinh xảo, bay bổng.
Đến năm 2004, chín tượng thờ lớn đã được chế tạo và đặt thờ tại điện, đặc biệt có tượng Nguyễn Huệ tại bảo tàng Quang Trung cao tới 2,55m bao gồm cả phần đế bằng đá hoa cương, được đặt trên các án thờ gỗ quý. 8 bức tượng còn lại có chiều cao tương tự là 2,5m, bao gồm hai người anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, cùng các vị văn vũ song thần như là Ngô Thì Nhậm, Bùi Thị Xuân, … Trước án thờ Quang Trung là cặp hạc đứng trên lưng rùa cao 1,6m, được làm bằng đồng, cùng một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng với hình long chầu nguyệt.
Khu trưng bày của bảo tàng Quang Trung Bình Định
Được khánh thành ngày 26 tháng 1 năm 2019, khu vực này có diện tích 2.800 m2, được thiết kế thành 1 phòng chung và 10 phòng trưng bày khép kín. Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 11.600 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế quan trọng liên quan tới Nhà Tây Sơn và cuộc khởi nghĩa. Đây là thành tựu từ sự nỗ lực của vô số người, từ ban quản lý tới những nhà nghiên cứu, để có thể tập hợp được kho tư liệu, hiện vật phong phú này. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội được ngắm nhìn ở khoảng cách gần các ấn tín, sắc phong, gia phả, súng thần công, vũ khí, tiền đồng…
Bước qua cửa khu trưng bày của bảo tàng vua Quang Trung, bạn sẽ ngay lập tức tiến vào Phòng Khánh tiết ở trung tâm nhất, nơi đặt cụm tượng Tây Sơn tam kiệt. Sau đó là mười phòng trưng bày khép kín với chủ đề được sắp xếp theo tiến trình phát triển của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1771 – 1802), từ khi bắt đầu cho đến lúc sụp đổ:
- Phòng 1: Bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII (45 hiện vật)
- Phòng 2: Quê hương và Gia tộc (26 tài liệu, hiện vật)
- Phòng 3: Tây Sơn tụ nghĩa (78 tư liệu, hiện vật)
- Phòng 4: Thoát khó vây đánh bởi Trịnh Nguyễn, sơ hiện tài năng chiến trận của Quang Trung – Nguyễn Huệ (45 hiện vật, tư liệu)
- Phòng 5 tại bảo tàng Quang Trung: Lật đổ chúa Nguyễn năm 1777 (19 tư liệu, hiện vật)
- Phòng 6: Thuỷ chiến Rạch Gầm – Xoài Mút (vật phẩm trong trận phản công thắng quân Xiêm)
- Phòng 7: Lật đổ Chúa Trịnh năm 1786
- Phòng 8: Đại phá quân Thanh bảo vệ độc lập (64 hiện vật, tư liệu)
- Phòng 9: Xây dựng đất nước triều đại Quang Trung (139 hiện vật)
- Phòng 10: Phòng lưu niệm “Nguyễn Huệ – Quang Trung sống mãi trong lòng dân tộc” (60 hiện vật, tư liệu)
Các di tích đặc biệt tại Bảo tàng Quang Trung Bình Định
Đến nay, trong khu vườn cũ của nhà Tây Sơn trong phạm vi bảo tàng, di tích Giếng nước và Cây me cổ thụ vẫn được bảo vệ và duy trì, tương truyền là có từ khi cha của ba anh em Tây Sơn còn sống. Nằm bên phải điện Tây Sơn, giếng nước cổ có đường kính 0,9m và thành cao 0,8 m, được ghép bằng đá ong và được đào sâu bởi dân làng để làm giếng chung. Đến năm 1998, giếng nước được trùng tu lại, bảo vệ bằng khung gỗ cách điệu mắt cáo, và che chắn bởi một nhà mái che hình lục giác, đổ bê tông dán ngói vảy.
Phía bên trái điện là cây me trên dưới 300 năm tuổi, được công nhận và gắn biển Cây Di sản Việt Nam bởi Hội Bảo vệ thiên nhiên – môi trường Việt Nam vào 28 tháng 11 năm 2011. Cây me tại bảo tàng Quang Trung cao to hơn 24m, gốc có chu vi 3,9m, cành lá rậm rạp với đường kính lên đến 30m, tỏa bóng mát cả một góc vườn, là biểu tượng cho sự trường tồn của Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Đến đây, được đứng dưới bóng cây me và uống dòng nước mát từ giếng cổ, du khách sẽ như được sống lại một thời kỳ hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, trong quần thể Bảo tàng vua Quang Trung còn có những khu vực đặc biệt khác, bao gồm di tích bến Trường Trầu — miếu Vĩnh Thọ. Bến Trường Trầu nay đã bị bồi lấp thành bãi cát, đang được tái kiến thiết, còn miếu Vĩnh Thọ vốn là nơi thờ tự nhưng đã bị thực dân Pháp phá huỷ. Đến năm 1967, trên nền miếu cũ thì một ngôi chùa mới bằng gạch đã được xây dựng, đặt tên là Tịnh xá Ngọc Bình. Trong khi đó, nhà rông văn hoá Tây Nguyên (diện tích 118m2) là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật về lực lượng đồng bào các dân tộc vùng núi đã tham gia Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn.
Xem thêm:
Các hoạt động nổi bật tại Bảo tàng Quang Trung
Biểu diễn nhạc – võ Tây Sơn
Trong khu bảo tàng còn có Nhà biểu diễn nhạc – võ Tây Sơn (diện tích 268m2), với các chương trình đa dạng mà trong đó, nhạc võ Tây Sơn là một nét đẹp độc đáo của tỉnh Bình Định. Được kết hợp từ hai di sản phi vật thể quan trọng là võ thuật và trống trận, nghệ thuật này xuất phát từ phong trào Khởi nghĩa nông dân cuối thế kỷ 18, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Tính đến nay, bảo tàng vua Quang Trung là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam có riêng một đội nghệ thuật chuyên nghiệp trong biên chế, chuyên biểu diễn nhạc võ Tây Sơn.
Một bộ trống để biểu diễn Nhạc võ Tây Sơn gồm có 12 cái tượng trưng cho các con giáp, được dàn ngang dựng thành 3 hàng theo thứ tự từ lớn đến bé. Người nghệ nhân sử dụng hai dùi trống dài đến 30cm, đồng thời liên tục di chuyển, dang tay có thể đánh cả hai đầu, bốn mặt trống cùng một lúc. Một bài trống có 3 hồi bao gồm xuất quân, xung trận công thành và ca khúc khải hoàn, âm thanh lúc nhanh lúc chậm, lúc dồn dập lúc phấn chấn, cổ vũ sĩ khí. Trong lúc trống đánh sẽ có nghệ nhân biểu diễn múa võ, thường là một nhưng cũng có lúc là cả nhóm người, sử dụng giáo, mác, hoặc kiếm.
Đến xem biểu diễn tại bảo tàng Quang Trung, bạn sẽ được cảm nhận sự hoà hợp nhịp nhàng giữa nhạc và võ, hòa mình vào không khí hào hùng. Khi võ thuật đã đạt đến một chiều sâu mới, mỗi động tác đều như múa, mang tính chất nghệ thuật cao, ranh giới giữa võ sĩ và nghệ sĩ cũng trở nên nhạt nhoà.
Trung tâm khám phá khoa học Quy Nhơn
Khám phá lễ hội tại Bảo tàng Quang Trung
Là nơi tưởng niệm anh hùng Nguyễn Huệ và những người có công trong Phong trào Tây Sơn, di tích này là nơi hàng năm tổ chức nhiều ngày lễ tri ân đặc biệt, như là ngày giỗ Quang Trung Hoàng đế (27/7 Âm lịch). Ngoài ra ngày hiệp kỵ Tây Sơn tam kiệt (15/11 Âm lịch) và ngày kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (5/1 Âm lịch) cũng là những dịp quan trọng.
Vào những ngày này, ban Nghi lễ cùng Bảo tàng Quang Trung lại tổ chức nghi lễ, cúng bái long trọng theo đúng nghi thức truyền thống, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đón khách thập phương. Từ sáng sớm, không gian nơi đây đã rộn rã, đông đúc với hàng ngàn người kéo nhau đến dự hội, tưởng nhớ và tri ân người anh hùng áo vải, cùng những binh lính, tướng sĩ đã góp công trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Chứng kiến công nghệ mới tại bảo tàng vua Quang Trung
Từ năm 2019, Ban quản lý khu di tích đã đưa nhiều công nghệ mới vào hoạt động với mong muốn giúp du khách thấy thuận tiện hơn, trong đó có phần mềm “Tham quan bảo tàng”. Với những tài liệu thuyết minh về bảo tàng Quang Trung vô cùng đầy đủ và chi tiết, bạn chỉ cần quét mã QR code là sẽ có ngay thông tin về hiện vật cần tìm hiểu mà không cần hướng dẫn viên.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ghé qua phòng chiếu phim mới được xây dựng tại đây, với hệ thống hiện đại cùng nhiều bộ phim tư liệu được dàn dựng công phu. Trong đó có nhiều phim 3D nói về vẻ đẹp lịch sử của người anh hùng Nguyễn Huệ như là “Tây Sơn tụ nghĩa”, “Đại phá quân Thanh”, … Một bộ phim không quá dài và phần này đã được bao gồm trong giá vé nên bạn đừng bỏ qua nhé, nghỉ chân một chút sau khi đã đi dạo quanh Bảo tàng Quang Trung to lớn cũng không tệ đúng không nào?
Tìm hiểu thêm về bảo tàng vua Quang Trung
Giá vé bảo tàng Quang Trung
- Giá vé: 30.000 đồng / người
- Xem biểu diễn nhạc võ:
- Đoàn khách dưới 20 người: 400.000 đồng / suất
- Đoàn khách trên 20 người: 20.000 đồng / người
- Giờ hoạt động:
- Sáng: 7:00 – 11:30
- Chiều: 13:30 – 17:00
Nếu có ý định tìm hiểu, tham quan ngoài thời gian kể trên, bạn cần liên hệ trước với Giám đốc bảo tàng để xin phép. Số điện thoại Bảo tàng Quang Trung: 0256.3880780
Tour tham quan bảo tàng Quang Trung
Khi lên kế hoạch đi du lịch trong ngày, phần lớn mọi người thường yêu thích kết hợp nhiều địa điểm cùng nhau để cho thuận tiện. Đây cũng là lý do khiến Tour Hầm Hô – Bảo tàng Quang Trung trở thành một trong những lựa chọn được yêu thích nhất tại Quy Nhơn. Nằm cách bảo tàng chỉ khoảng 5km, khu du lịch sinh thái này là một điểm tham quan trở về với thiên nhiên lý tưởng, với không gian tuyệt đẹp cùng nhiều hoạt động trải nghiệm khám phá thú vị.
Phần lớn các Tour Hầm Hô – Bảo tàng vua Quang Trung đều có lịch trình khá tương tự, xuất phát từ sáng và tới điểm tham quan quan đầu tiên là Bảo tàng và Đàn Tế trời, dâng hương và thăm thú tại đây. Đến trưa hoặc đầu giờ chiều, xe sẽ tiếp tục lăn bánh về phía Khu du lịch sinh thái Hầm Hô, sau đó là các địa điểm thú vị của Quy Nhơn, Bình Định như Tháp Bánh Ít, Chùa Thiên Hưng, … Bạn có thể lựa chọn giữa một số đơn vị cung cấp tour đáng tin cậy dưới đây:
VietSense Travel
- Địa chỉ: Số 88 Phố Xã Đàn, Phường Nam Đồng, Quận Đống Đa, Hà Nội
- Giá:
- Người lớn (>10 tuổi): 750.000 đồng / người
- Trẻ em (6 – 10 tuổi): 400.000 đồng / người
- Số điện thoại: 0918 953 728 – 1900 5455 19
- Website: vietsensetravel.com
Quy Nhơn Go Travel
- Địa chỉ: Số 11A Đường Chương Dương, Phường Nguyễn Văn Cừ, Thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định
- Giá: 725.000 – 775.000 đồng / người
- Số điện thoại: 0899 0899 40 – (0256) 6 55 59 59
- Website: quynhongo.vn
Gotour Travel
- Địa chỉ: Số 169 Đường Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
- Chi nhánh 1: Số 268 Đường Phan Bội Châu, Phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định
- Chi nhánh 2: Số 201 Đường Trương Quang Trọng, Phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Quảng Ngãi
- Chi nhánh 3: Số 25 Đường Nguyễn Công Trứ, Phường Yên Đỗ, Thành phố Pleiku, Tỉnh Gia Lai
- Giá: 680.000 – 800.000 đồng / người
- Số điện thoại: 0978 668 779 – 0888 1111 59
- Website: gotour.com.vn
Được đặt theo tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, bảo tàng Quang Trung là địa điểm du lịch có tính chất lịch sử và tâm linh quan trọng của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây lưu giữ và trưng bày hàng ngàn hiện vật và tư liệu quý giá gắn liền với cuộc đời của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, đồng thời là phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Đến với bảo tàng vua Quang Trung Bình Định, bạn sẽ có cơ hội được ngược dòng lịch sử, tìm hiểu rõ hơn và đắm mình vào một quá khứ đầy hào hùng của dân tộc và đất nước Việt Nam.
Xem thêm: