Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là 1 trong 6 bảo tàng cấp Quốc gia của đất nước nằm tại Hà Nội. Bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật và tư liệu quý về quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có 4 hiện vật quý gồm: 2 máy bay MiG 21, Xe tăng T-54B và Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Do đó, bảo tàng là địa điểm lý tưởng để thăm quan và tìm hiểu về chiến tích hào hùng của quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo thống kê Bảo tàng Lịch sử Quân sự hiện lưu giữ khoảng 150.000 hiện vật có giá trị văn hóa cao, gắn liền với cuộc chiến tranh xâm lược từ thời vua Hùng cho đến giai đoạn chiến tranh chống Mỹ.
Giới thiệu về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Địa chỉ của Bảo tàng này nằm ở đâu?
Bảo tàng nằm tại số 28A, đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Được thành lập ngày 17/07/1956 với tổng diện tích 3.200m2 (bao gồm cả trong nhà và ngoài trời) sức chứa khoảng 100 du khách/lượt.
Do đó, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến đây bằng các phương tiện sau:
- Phương tiện cá nhân: Du khách có thể gửi xe máy trong khuôn viên bảo tàng, ô tô du khách có thể gửi tại điểm thăm quan Hoàng Thành Thăng Long và đi bộ sang Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khoảng 350m ~ 4p đi bộ.
- Xe buýt: Du khách có thể di chuyển đến đây bằng xe 09A, 09ACT 18 hoặc 41, 45; điểm xuống đối diện Cột Cờ hà Nội cách bảo tàng khoảng 50m; giá vé khoảng: 7.000đ/người/lượt.
Giá vé tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự
Giờ mở cửa: 8h00 – 11h30 và 13h00 – 16h30 các từ thứ ba đến thứ năm và thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
Giá vé tham quan:
- Người lớn: 20.000đ/người/lượt
- Trẻ em & người cao tuổi: 10.000đ/người/lượt (<6 tuổi miễn phí).
- Khách quốc tế: 40.000đ/người/lượt.
Quá trình hình thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Bảo tàng chính thức thành lập vào ngày 17/07/1956 sau khi Bộ quốc phòng xin phép Bác cho xây dựng từ cuối năm 1954 sau khi tiếp quản Hà Nội. Sau khi xem xét 4 phương án (Số 1 Hoàng Diệu, số 33 Phạm Ngũ Lão, Trường Chu Văn An và số 28A đường Điện Biên Phủ), chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn dãy nhà 2 tầng tại số 28A Điện Biên Phủ làm nơi thành lập Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Khu nhà rộng khoảng 2.765m2 gồm 28 gian có vị trí đắc địa, gần trung tâm thành phố và thuận tiện di chuyển. Bảo tàng chính thức mở cửa đón khách thăm quan vào ngày 22/12/1959, đích thân thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dự lễ khai mạc và ghi số vàng lưu niệm: “Bảo tàng Quân đội nhắc lại lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam ta, Bảo tàng Quân đội là một trường học và nguồn phấn khởi đối với người xem, đối với nhân dân ta, quân đội ta”.
Nhiệm vụ chính của Bảo tàng Lịch sử Quân sự là nghiên cứu và sưu tầm các hiện vật – tài liệu – di tích lịch sử về quân đội nhân dân Việt Nam, thu nhận và sắp xếp chúng thành một hệ thống để tổ chức bảo quản và thực hiện trưng bày. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương để bảo quản tốt di tích lịch sử quân sự. Trong hơn 63 năm hoạt động bảo tàng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, trong đó phải kể đến như:
- Huân chương Quân công Hạng Hai
- Huân chương Chiến Công hạng Ba (02 huân chương)
- Huân chương Anh Dũng hạng Hai và Huân chương lao động hạng Hai do Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào khen tặng
Tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam
Với tổng diện tích trưng bày khoảng 3.000m2 cả Bảo tàng được chia thành 04 khu vực trưng bày chính, tương ứng với 05 chuyên đề chính: Vũ khí thô sơ tự tạo Việt Nam trong chiến tranh Giải phóng (1945 – 1975), Đường trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) (1959 – 975), Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến, Hiện vật trưng bày ngoài trời.
Toà nhà thứ nhất tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội
Tầng 1: Phòng khánh tiết
Lịch sử quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương – An Dương Vương đến trước năm 1930. Chủ yếu là hệ thống tư liệu hình ảnh về các trận đánh lịch sử của dân tộc như: Trận đánh trên sông Như Nguyệt, trận Đống Đa hay trận đánh trên sông Bạch Đằng, đại thắng quân Nam Hán,… Đồng thời khu vực cũng trưng bày nhiều tư liệu, bài thơ, bài văn quý về tình yêu đất nước, dân tộc. Tại khu vực này cũng trưng bày nhiều hình ảnh về quá trình đánh chiếm Việt Nam của quân Pháp và nhiều di tích lịch sử lớn khác.
Tầng 2: Lịch sử quân sự Việt Nam
- Từ năm 1930 đến hết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954)
Với hơn 100 hiện vật được trưng bày giới thiệu về cuộc đấu tranh quần chúng chống quân xâm lượng tiêu biểu như: Đội Tự Vệ Công nông, phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, đội du kích Bắc Sơn – Nam Kỳ – Ba Tơ,… Quá trình ra đời và phát triển của Đảng cộng sản Việt Nam. Những hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gồm: Áo khoác, súng ngắn, kiếm,… vũ khí chiến đấu có thể thô sơ nhưng tinh thần chiến đấu của người Việt luôn bất khuất, kiên cường.
Sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ: Được thiết kế bằng công nghệ hiện đại với tỷ lệ 1:1.800 đặt nghiêng 25o và hệ thống âm thanh hình ảnh minh họa sống động. Du khách có thể theo dõi và dễ dàng nắm bắt diễn biến của trận đấu ác liệt kéo dài 55 ngày đêm làm nên chiến thắng lịch sử, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Toà nhà thứ 2 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tầng 1
Cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954 – 1968: Những hình ảnh về địa đạo Củ Chi, những dụng cụ Mỹ Diệm dùng để tra tấn chiến sĩ cách mạng yêu nước hay những hình ảnh tố cáo tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ đều được trưng bày ở đây. Những hiện vật nổi bật du khách có thể thấy tại đây gồm: Súng tiểu liên Ghít, khăn rằn của đồng chí Phạm Xuân Phiên, xe ô tô sử dụng vận chuyển vũ khí trong chiến dịch Mậu Thân 1968, vũ khí của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, cờ của mặt trận giải phóng dân tộc miền nam, cơ Đơn vị khá nhất của trung đoàn 921,…
Đường mòn Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Con đường huyền thoại nối liền 2 miền Bắc – Nam và đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tại đây có tổng cộng 108 hiện vật tái hiện lại sinh động cuộc sống của chiến sĩ nơi rừng sâu, quá trình vận chuyển lương thực/vũ khí, lốp ô tô, xe thồ,…
Tầng 2
Lịch sử Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ 1969 – 1975: Sau hiệp định Paris Mỹ tiếp tục có nhiều hành động chiến tranh hóa Việt Nam đều được lưu giữ tài liệu tại khu vực này. Đặc biệt, ở khu vực này tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có nhiều hiện vật được sử dụng trong chiến thắng Phước Long năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 hay Huế – Đà Nẵng tháng 3/1975, các tỉnh miền Trung tháng 4/1975,… góp phần đập tan kế hoạch chiến tranh Việt Nam cục bộ của Mỹ. Trong đó có những hiện vật thân thuộc như đi đông, điện thoại,…
Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến: Với tổng cộng 380 hiện vật và tư liệu trưng bày chính là sự ủng hộ tinh thần to lớn của các quốc gia khác với Việt Nam trong suốt 30 năm kháng chiến. Ở đây cũng có nhiều hiện vật thể hiện mối quan hệ hữu nghị bền chặt của Việt Nam – Lào – Campuchia trong cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ. Phương tiện, vũ trang mà các nước ủng hộ cho Việt Nam trong 2 cuộc chiến, trong đó chủ yếu là các nước Đông Âu, Trung Quốc và Liên Xô
Tòa nhà thứ 3 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tầng 1 tòa nhà thứ 3
Lịch sử quân sự Việt Nam từ 1975 – nay: Quá trình tiếp tục phát triển và kiện toàn của bộ máy quân sự Việt Nam cả về số lượng và chất lượng đều được trưng bày tại Bảo tàng. Vừa là niềm tự hào của người chiến sĩ nhân dân vừa là tấm lòng quân dân như một trong đời sống hàng ngày, sản xuất hay phát triển kinh tế.
Tầng 2 tòa nhà thứ 3 Bảo tàng Lịch sử Quân sự
→ Chuyên đề Bà Mẹ anh hùng Việt Nam: Với 200 kỷ vật gắn liền với cuộc sống của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những đóng góp to lớn với sự nghiệp kháng chiến chống Pháp , chống Mỹ của Bà mẹ Việt Nam anh Hùng. Trong đó có những hiện vật gần gũi như: Nồi cơm của mẹ Nguyễn Thị Thứ, Rương đựng quần áo của mẹ Nguyễn Thị Thục, những tờ giấy báo tử của người mẹ Quảng Nam,…
→ Sa bàn chiến dịch Hồ Chí Minh: Trận chiến lịch sử kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ của dân tộc được dựng lại bằng mô hình 3D theo tỉ lệ 1:1800. Kèm theo đó là hệ thống hình ảnh, âm thanh thuyết minh sinh động mà đầy hào khí.
Khu trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong đó, khu trưng bày ngoài trời có 3 hiện vật quý có kích thước khổng lồ, gắn liền với chiến thắng của quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp chống Mỹ là: xe tăng T-54B và máy bay MiG-21. Đặc biệt, trong sân có tượng đài khổng lồ được dựng từ xác của máy bay B52 để tưởng niệm chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, khẩu pháo từng hạ gục hàng chục “pháo đài bay” của quân xâm lược.
Ngoài ra, du khách còn có thể tận mắt chiêm ngưỡng nhiều hiện vật lịch sử khác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự:
- Xe tăng số 555 sử dụng trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968 hay chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971.
- Khẩu pháo 130mm bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất
- Khẩu pháo được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
>> Khám phá các bảo tàng nổi tiếng khác của Thủ đô:
- Bảo tàng gốm Bát Tràng
- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
- Bảo tàng Phòng không Không quân
- Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
- Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
- Bảo tàng Phụ nữ
Nội quy tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
- Tuyệt đối chấp hành mọi hướng dẫn của nhân viên Bảo tàng.
- Trang phục lịch sự, không nói tục chửi bậy, không hút thuốc.
- Gửi hành lý, túi xách đúng nơi quy định.
- Không mang vũ khí, vật liệu nổ, chất dễ cháy… vào Bảo tàng.
- Không ăn uống trong khu vực trưng bày.
- Không tì tay lên kính, không chạm tay hay trèo lên hiện vật.
- Có ý thức gìn giữ vệ sinh chung, bảo vệ hiện vật và các công trình công cộng.
- Khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự phải chịu trách nhiệm nếu gây ra bất cứ tổn thất nào cho Bảo tàng.
- Khách quay phim, chụp ảnh phải hỏi ý kiến nhân viên Bảo tàng để biết được phạm vi cho phép. Không dùng đèn flash để chụp ảnh hiện vật Bảo tàng.
- Các cơ quan, đơn vị, trường học… đến tham quan theo đoàn vui lòng liên hệ đăng ký trước.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mỗi năm đón hàng triệu lượt khách thăm quan, trong đó có cả du khách quốc tế. Bảo tàng được là kho tàng tư liệu sống động về quá trình phát triển, thưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam và quá trình bảo vệ bờ cõi nước Nam đầy hào hùng của thế hệ cha anh đi trước. Không chỉ là điểm thăm quan mà đây còn là cơ hội để mỗi người tìm hiểu về sử Việt cũng như phát huy tinh thần “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp.