TRANG CHỦ / Du lịch Hà Nội / Làng Chuông | Khám phá nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa làng quê Việt

Làng Chuông | Khám phá nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa làng quê Việt

Tác giả: Nguyễn Quý
1.810 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
làng chuông
Ảnh: wanderlusttips

Làng Chuông là một ngôi làng cổ ở Hà Nội, từ lâu đã được nhiều người biết đến với nghề làm nón có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Phần lớn các gia đình ở đây đều tham gia sản xuất, tạo nên sản phẩm được coi như một biểu tượng văn hoá của Việt Nam – chiếc nón lá. Ngoài nón, ngôi làng này còn thu hút khách du lịch với khu chợ địa phương nhộn nhịp, đình và những ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống cổ xưa, cùng lễ hội vô cùng đặc sắc.

Cách trung tâm thủ đô chưa đến 30km về phía Nam, làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Nơi đây có lịch sử hơn 500 năm làm nón, được coi là tổ nghề của nón lá dù đã từng có một thời mai một. Sản phẩm nón của làng nổi tiếng là bền, chắc và đẹp, phong phú về kiểu dáng, được xuất khẩu ra nhiều nước. Nếu có hứng thú với du lịch làng nghề truyền thống, những thông tin dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn có một chuyến đi đầy trọn vẹn.

Điểm độc đáo của làng Chuông Thanh Oai

Nghề làm nón ở làng Chuông đã tồn tại từ rất lâu, người dân kể lại đây là sản phẩm “từng cúng tiến cho hoàng hậu, công chúa”. Theo nhiều cụ cao niên, làng ban đầu có tên là Trang Thời Trung, từ thời nhà Mạc khoảng thế kỷ XVII đã nổi danh với nhiều loại nón cổ rất đẹp. 

Nón lá làng Chuông nổi tiếng khắp vùng bởi các đặc điểm nổi bật là chắc, khoẻ và bền, lại vẫn đủ thanh thoát vô cùng đẹp mắt. Đến đây thăm, bạn có thể tận mắt nhìn cùng với tự mình làm thử nón – người dân coi đây là nét văn hoá nên không ai giấu nghề. Nón lá ở làng Chuông Hà Nội tuy trông vô cùng đơn giản, nhưng muốn làm nên một sản phẩm đẹp và chuẩn, người thợ phải thực hiện một cách kỹ càng, tỉ mỉ từng bước. 

Từ lúc chuẩn bị, từng chiếc lá hay sợi cước sẽ được cẩn thận chọn lựa, được sơ chế qua những kỹ thuật vô cùng cầu kỳ, trải qua những công đoạn công phu.

làng chuông thanh oai
Quy trình đan nón – Ảnh: tcdulichtphcm.vn

Trong khi chỉ và khung nón làm bằng nan tre đã có sẵn tại địa phương, nguyên liệu chủ yếu làm nón tại làng Chuông Thanh Oai là loại lá cọ phải được lấy từ các tỉnh xứ Quảng như Quảng Bình, Quảng Trị,… Lá cọ tươi chứa nhiều nhựa nên rất nặng, người dân phải đem về phơi ít nhất 3 nắng, quay lá để tạo độ mềm và dẻo hơn rồi đem ủi phẳng. Sau khi mang đi phơi lần cuối, lúc này lá cọ tươi sẽ chuyển từ màu xanh tươi sang màu vàng óng vô cùng đẹp mắt để làm nón làng Chuông. Sau đó là đến khung nón 16 vành được làm bằng tre ngâm vô cùng dẻo dai – con số 16 theo quan niệm xưa, thể hiện độ tuổi trăng tròn đẹp nhất của người con gái.

Kích thước các vành nón tại làng Chuông nhỏ dần về tới đỉnh, đều đã được định sẵn theo một công thức riêng từ lâu đời của làng. Cứ một lớp lá lụi thì lại tới một lớp mo cau, các đoạn nối móc được người thợ khéo léo giấu kín nên khi ở ngoài nhìn vào chỉ thấy những đường chỉ mịn màng. Sau đó, chiếc nón được hơ trên hơi diêm, vừa giúp nón làng Chuông chống được mốc lại làm cho màu sắc trở nên trắng muốt, không quên quét thêm lớp dầu để tăng độ bóng và bền, chống mối mọt.

làng nón chuông
Công đoạn làm nón – Ảnh: wanderlusttips

Để làm cho chiếc nón thêm đẹp đẽ, ngoài việc tỉ mỉ khâu thêm dải lụa mềm mại làm quai nón, các cô gái làng Chuông Thanh Oai còn trang trí lên nón những hình hoa lá giấy sặc sỡ. Với nhiều công đoạn cầu kỳ đều được làm thủ công như vậy, trong một ngày thì người thợ lành nghề có thể tạo nên được 2 chiếc nón lá hoàn chỉnh. Hiện ngoài việc xuất khẩu và gửi các đơn đặt hàng từ trước, sản phẩm này vẫn chỉ có đầu ra chính là những buổi họp chợ của làng.

Nét đẹp văn hóa còn lưu giữ ở làng Chuông

Khám phá chợ Chuông Thanh Oai

Diễn ra ngay tại đình chùa của làng, chợ Chuông là một trong những khu vực đặc biệt của làng nón Chuông, không chỉ là nơi để người dân giao lưu, gặp gỡ mà còn để quảng bá sản phẩm truyền thống này. Theo thông lệ từ xa xưa, phiên chợ này bắt đầu từ khi trời còn tờ mờ sáng và đến hơn 8h đã vãn, họp khoảng 6 lần trong một tháng, đúng vào các ngày mùng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch, tổng cộng có 72 phiên chợ một năm. Những hàng bán nón tại chợ làng Chuông vô cùng nổi bật với màu trắng thanh thoát, mà chủ bán thường là các cô, các chị, hay cả những cụ bà răng đen đang nhóp nhép nhau trầu.

chợ chuông
Chợ làng – Ảnh: Reatimes

Bước vào chợ bạn sẽ ngay lập tức thấy những khu bán nguyên liệu chế tác, với lá non để làm lớp lót, khung nón, mo cau, nan tre,… Kế đó là tới khu bán những chiếc nón lá thành phẩm tại chợ làng Chuông Thanh Oai vô cùng đẹp mắt, dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/cái, những chiếc có các hoạ tiết cầu kỳ có thể có mức giá lên đến 150.000 đồng/cái. Người mua kẻ bán tuy nhộn nhịp nhưng lại không quá ồn ào, mọi người mặc cả hay ra giá cũng rất nhỏ nhẹ, nhanh chóng chứ chẳng hề kỳ kèo. Bạn còn có thể trò chuyện với những người bán hàng thân thiện, lắng nghe câu chuyện của họ và biết thêm về nghề làm nón.

Đình làng Chuông Hà Nội

Theo toà Đại bái có ghi lại, ngôi đình làng này được xây vào năm Giáp Ngọ 1894, dưới thời vua Thành Thái thứ 6, lại thêm hai tòa Tả mạc và Hữu mạc vào năm 1911. Đến năm 1950, đình bị hư hỏng sau một cuộc ném bom của quân Pháp, sau đó 3 năm thì được nhân dân địa phương tu sửa lại và gìn giữ cho tới bây giờ. Đình làng Chuông toạ lạc ở vị trí đắc địa khá gần đường quốc lộ, có kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” đặc trưng triều Nguyễn, bao gồm toà Đại Bái, Trung cung và Hậu cung. Nơi đây hiện thờ 6 vị thành hoàng làng, 4 nhân thần và 2 thiên thần, nổi bật là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Nguyễn Xí – danh tướng của Lê Lợi.

cổng làng chuông
Đình làng – Ảnh: cungphuot.info

Qua cổng Nghi môn kiểu Tứ trụ tại đình làng Chuông Thanh Oai, bạn sẽ bước vào đến khoảng sân đình rất rộng mở thẳng tới tòa Đại bái, có 5 gian với ngưỡng cửa khá cao. Hệ thống cột chống ở toà Đại bái đình làng Chuông được làm từ gỗ lim xanh lục lõi to khoẻ, xen kẽ là các rường cốn chạm khắc tinh xảo các tứ linh và tứ quý (long ly quy phượng – tùng cúc trúc mai). Trên bức cốn ở ngoài hiên còn có 3 con hổ ở thế bình tấn, thấm đượm màu sắc nghệ thuật văn hoá dân gian đầy phóng khoáng. Trung cung và Hậu cung đình làng Chuông có kiến trúc khá tương tự nhau, gồm 3 gian nhà ngang được xây kiểu chồng diêm hai tầng mái.

Ngôi đình làng Chuông hiện còn lưu giữ và trưng bày rất nhiều cuốn thư, hoành phi và câu đối cổ xưa, trong Hậu cung có bài trí ban thờ cùng long ngai, bài vị Thành hoàng, … Một số vật dụng, đồ thờ và di vật quý được làm từ nhiều nguyên liệu đa dạng như đồng, gốm sứ, gỗ hay vải cũng được bảo tồn khá nguyên vẹn, có thể kể đến thần phả, hương án hay đỉnh đồng. Hiện nay ở đây giữ được 25 đạo sắc phong mỹ tự từ các triều đại phong kiến Việt Nam, được chính nhà vua ban tặng và hiện nay đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là tài liệu lưu trữ quý hiếm.

Các ngôi làng cổ nổi tiếng khác ở Hà Nội:

Tham quan Chùa làng Chuông Thanh Oai

Cùng với Đình Chuông và chợ Chuông, chùa Chuông đã tạo nên một cụm di tích văn hoá được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia vào 16/3/1985. Nơi này còn có tên chữ là “Thắng Quang Tự”, được xây ngay phía sau Đình làng Chuông bên dòng sông Đáy xinh đẹp. Đây là ngôi chùa khá đặc biệt về quy mô với các dấu ấn kiến trúc từ thời Lê Trung Hưng kết hợp với triều Nguyễn, cùng hệ thống thờ cúng độc đáo gồm Phật, Thánh và Mẫu. Chùa làng Chuông có hơn 100 bức tượng Phật, được bài trí phía sau các tượng thần của tướng Đỗ Huệ, công chúa Phương Dung và Mẫu Liễu Hạnh.

Ngôi chùa gồm nhiều tầng, nhiều lớp đan xen một cách khoa học trong khuôn viên rộng hơn 1000m2. Đây là sự kết hợp nhịp nhàng giữa văn hóa đạo Phật, đạo Giáo và văn hóa tâm linh bản địa truyền thống của đất nước. Các hạng mục kiến trúc của chùa làng Chuông có thể kể đến như: Tam Quan, Tòa Tam Bảo, các nhà thờ Đức Thánh Mẫu, Đức Đỗ Huệ và Mẫu Liễu Hạnh, cùng nhà khách, các công trình phụ trợ như sân và, vườn. Ở chùa hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật lịch sử quý giá như Khánh đồng đúc năm 1905, hạc đồng 1921, chuông đồng có niên đại 1905, …

Lễ hội làng Chuông

Cứ mỗi mùng 10 tháng Giêng âm lịch, đình làng lại trở nên vô cùng nhộn nhịp tổ chức hội chợ, từng được coi là ngày hội lớn nhất của tỉnh Hà Đông cũ. Mọi người đến đây không chỉ để trao đổi hàng hoá, mà chủ yếu là tới xem, cổ vũ hay tham gia hai trò chơi dân gian truyền thống nổi tiếng của làng Chuông Thanh Oai là: Đánh cờ người và thổi cơm thi. Những ván cờ là sự đấu trí trên bàn cờ tướng mà các quân cờ đều là người thật, được tổ chức trước cửa đình, ngay trên khu vực thường tổ chức họp chợ.

hội làng chuông
Lễ hộ làng Chuông 10/3 – Ảnh: Sưu tầm

Cờ người tại lễ hội làng Chuông có tổng cộng 32 người tham gia, cả nam và nữ quy về 2 đội với số lượng đều nhau, mặc quần áo thể hiện đúng vai và đứng nghiêm, riêng tướng ông và tướng bà thì lộng lẫy hơn, được ngồi trên ghế có lọng che. Theo tục truyền, hai người này phải được chọn lựa rất kỹ càng, vừa có ngoại hình đẹp mắt lại phải có nhân cách tốt đẹp, trong năm không có việc tang. Sau buổi đánh cờ người, các tướng ông và tướng bà sẽ mời quân cờ về nhà mở tiệc, ai được chọn đều rất hãnh diện và coi đó là một vinh dự lớn.

Trong khi đó, thi thổi cơm làng Chuông Thanh Oai là một trò chơi thể hiện tài nấu nướng. Trước đây, các cô gái tham gia thi đấu sẽ phải đứng trong một vòng tròn vôi, lấy lửa từ nhùi rơm hay tước mía, không được nói cười. Ngoài nấu cơm tại hội thi thổi cơm làng Chuông thì họ còn phải chăm một đứa bé 6 – 7 tháng mà không phải con mình, giữ cho con trẻ không khóc, đồng thời giữ cho một con cóc không nhảy ra ngoài. Tuy nhiên, hiện tại trò chơi dân gian này đã được giản lược bỏ qua các công đoạn đó, họ chỉ cần thổi ra được nồi cơm chín nhanh, dẻo thơm là được.

lễ hội làng chuông
Phần thi thổi cơm tại lễ hội – Ảnh: HanoiTv

Ở phần thử thách thổi cơm thi cho nam, các chàng trai làng Chuông khi xưa thì được tổ chức tại một cái đầm cạnh chợ, trên một chiếc thuyền nan chứa sẵn gạo, nước, củi, bùi nhùi giữ lửa. Khi được các bô lão ra hiệu, họ phải vừa đưa thuyền qua sông, vừa phải tìm cách tạo lửa, nhóm bếp, vo gạo và nấu cơm – ai về đích sớm và nấu cho kịp nồi cơm ngon sẽ là người chiến thắng.


Từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón, làng Chuông Thanh Oai là một trong những địa điểm du lịch dân dã và thú vị nhất ở vùng ngoại ô Hà Nội. Nếu bạn là người yêu thích trở về với tự nhiên, tìm hiểu những nét văn hoá truyền thống thú vị, thì nhất định phải đưa cái tên này vào kế hoạch du lịch Việt Nam của mình. Đến đây, bạn không chỉ được xem hay tự tay tham dự vào công đoạn làm nón, mà còn có thể mua được những sản phẩm nổi tiếng của làng Chuông đem về lưu niệm, hoặc làm quà tặng cho bạn bè, người thân.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien