TRANG CHỦ / Du lịch Hà Nội / Khám phá Thành Cổ Sơn Tây – Tòa thành đá ong độc nhất việt nam

Khám phá Thành Cổ Sơn Tây – Tòa thành đá ong độc nhất việt nam

Tác giả: Giang Phạm
2.112 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
thành cổ sơn tây
Nguồn: dulichminhanh.com

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào thời vua Minh Mạng với mục đích làm thành trì kiên cố bảo vệ vùng phía Tây của đất Thăng Long. Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nơi đây đã bị tàn phá một phần và không giữ nguyên được những lối kiến trúc như lúc mới xây dựng nhưng thành cổ vẫn trở thành địa điểm lịch sử có giá trị cao, điểm đến du lịch nổi tiếng của xứ Đoài Sơn Tây.

“Thành Sơn cổ kính lừng danh

Vọng cung, Võ miếu tường thành hiên ngang”

Chẳng biết từ bao giờ mà Thành Cổ Sơn Tây đã xuất hiện trong nhiều bài ca dao, câu thơ rồi dần dần in sâu vào trong tâm trí của nhiều người. Bên cạnh những địa điểm mang đậm giá trị lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, cầu Long Biên, ô Quan Chưởng, gò Đống Đa… thì thành cổ cũng là một trong những địa điểm tham quan mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến với Hà Thành.

Giới thiệu Thành cổ Sơn Tây

Thành cổ nằm trên địa giới hành chính của hai làng là Mai Trai và Thuận Nghệ của thị xã Sơn Tây; cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45km về hướng Tây Bắc. Để di chuyển đến đây bạn có thể lái xe dọc theo tuyến ĐCT08 hoặc tuyến ĐCT08 và QL32 hoặc ĐCT08 và QL21A; thời gian di chuyển khoảng 1h10p/chiều.

Thành Sơn Tây là công trình kiến trúc được vua Minh Mạng khởi công xây dựng vào năm 1822 tức năm Minh Mạng thứ ba trên khu đất rộng 16ha, nằm chính giữa thị xã. 

du lịch thành cổ sơn tây
Thành cổ xưa – Nguồn: wikipedia

Từ đó đến nay công trình này đã cùng Hà Nội trải qua biết bao giai đoạn lịch sử quan trọng như giai đoạn những năm 70 – 80 của thế kỷ 19, thành cổ Sơn Tây là trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của triều Nguyễn; tháng 5/1946, bác Hồ đã có cuộc gặp và nói chuyện với đồng bào tại đây. Đến ngày 15 tháng 10 năm 1994 địa danh này chính thức được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc theo quyết định số 2757QĐ/BT của Bộ Văn hóa và Thông tin. 

Kiến trúc thành cổ Sơn Tây có gì đặc biệt?

Thành Cổ được xây dựng theo lối kiến trúc Vauban – tên một kiến trúc sư người Pháp. Toàn bộ phần tường thành được xây bằng chất liệu đá ong chạy theo đường gãy khúc độc đáo – đây cũng là một trong số ít những công trình làm bằng đá ong thời Minh Mạng còn lưu giữ được đến hiện tại. Mặc dù tường thành xây theo đường gãy khúc nhưng tổng thể công trình vẫn là một khối vuông vắn. Thành có 4 cửa được đặt tại 4 hướng lần lượt như sau: Hướng Bắc Đông Bắc – cửa Hậu; hướng Nam – cửa Tiền; hướng Tây – cửa Hữu; hướng Đông – cửa Tả.

thành cổ sơn tây và làng cổ đường lâm
Thành cổ nhìn từ trên cao – Nguồn: youtube

Tường thành cổ Sơn Tây xây cao khoảng 5m, rộng 4m; mỗi cổng đều có gác canh (vọng lâu) riêng biệt. Hai bên vọng lâu được xây dựng bậc thang lên xuống, trước cổng thành đặt hai khẩu súng thần công để bảo vệ thành. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn mình cửa Hậu còn giữ lại được hai khẩu súng thần công. Phía bên ngoài thành đều có kênh hào sâu 3m, rộng 20m bảo vệ thành; tổng chiều dài khoảng 2km được nối liền với sông Tích tại điểm phía Tây Nam.

Cửa Hậu thành cổ Sơn Tây

Cửa Hậu nằm ở phía Bắc Đông Bắc của thành cổ hướng ra phía sông Hồng, nằm trên đường Lê Lợi. Năm 1883, cổng thành từng bị quân Pháp tấn công và bị hư hại nặng. Từ đó đến năm 1995 cổng thành được bao phủ bởi một cây đa cổ thụ lớn, mang đến vẻ đẹp mộc mạc. Tuy nhiên, giờ đây cổng thành đã được xây mới, mặc dù vẫn giữ nguyên được thiết kế kiến trúc vốn có nhưng đã mất đi vẻ đẹp lịch sử.

Cửa Tiền thành cổ Sơn Tây

Cổng Tiền là chiếc cổng duy nhất giữ nguyên được vẻ đẹp lịch sử từ những năm 1884 đến nay. Ở thời điểm hiện tại hơn 60% quang cảnh cổng thành đã bị bao phủ bởi rễ cây mang đến không gian đậm chất lịch sử, phủ đầy dấu ấn của thời gian và xanh mát.

thành cổ sơn tây có gì
Cửa Tiền thành cổ – Nguồn: vov.vn

Cửa Hạ thành cổ Sơn Tây

Cửa Tả nằm ở phía Đông hơi lệch xuống phía Nam một chút. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước người dân đã chuyển chợ Nghệ vào họp trong thành cổ Sơn Tây nên đã xây một chiếc cầu tạm bắc ngang qua hào. Tuy nhiên, cổng thành hiện tại đã bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại một chút dấu tích về đường Tượng Đạo; có lẽ nhằm phục vụ cho việc dễ dàng đi lại, giao lưu buôn bán.

Cửa Hữu thành cổ Sơn Tây

Trong trận chiến giao tranh Sơn Tây năm 1883 quân Pháp đã sử dụng đại bác đánh sập cổng thành. Sau khi chiếm được thành quân Pháp đã cho xây dựng lại cổng Hữu và mở thêm cổng Tiền mới gần với đường lớn để tiện đi lại hơn. Từ đó đến nay phía cổng Hữu vẫn được giữ nguyên như cũ. Khi tới đây, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên bởi  toàn bộ cổng thành đều bị dây leo bao kín, cả một vùng xanh mát chỉ còn lộ mỗi phía cổng ra vào, có một chút gì đó bí hiểm và ma mị.

thành cổ sơn tây 5
Cửa Hữu Thành cổ – Nguồn: vietnam-tourism.com

Công trình tiêu biểu bên trong thành cổ Sơn Tây

Những công trình chính trong thành chủ yếu được xây dựng theo hướng Nam – Bắc dọc theo hai cửa Tiền và cửa Hậu gồm: Cột cờ, cổng tam quan, giếng nước, điện kính thiên, vọng cung, võ miếu.

Từ phía cổng Tiền đi vào chính là kỳ đài (cột cờ) cao 18m, cấu trúc hình lục giác 8 cạnh với nhiều ô cửa sổ nhỏ theo nhiều hướng giúp tăng cường đón nhận ánh sáng mặt trời. Kỳ đài vừa là cột cờ, vừa là gác quan sát của lính An Nam thời vua Minh Mạng. Bên trong có cầu thang 50 bậc làm bằng đá xây theo hình xoắn ốc. Năm 1940 kỳ đài được lắp thêm hệ thống thu phát âm thanh đặc biệt nhằm mục đích phát tín hiệu mỗi khi có sự cố xảy ra. Hai bên cột cờ thành cổ Sơn Tây là hồ nước lớn màu xanh ngắt mang đến không khí trong lành, yên ả.

thành cổ sơn tây 6
Kỳ đài Thành cổ – Nguồn: vnexpress

Tiếp theo đó là cổng tam quan được xây theo lối kiến trúc việt cổ điển với một cổng chính và hai cổng phụ hai bên hữu tả. Cổng tam quan được sơn màu trắng, trên tường phủ đầy rêu phong, mái vòm được tô điểm bởi họa tiết đuôi rồng uốn lượn mềm mại, uyển chuyển. Phía trước cổng tam quan có ba bậc thềm, sau cổng tam quan là con đường lát gạch dẫn thẳng tới điện Kính Thiên.

Điện Kính Thiên thành cổ Sơn Tây trước đây được xây dựng để làm chỗ nghỉ ngơi và đi lại của vua mỗi dịp lễ bái, lễ tết thể hiện phong thái uy nghi của bậc đế vương. Điện được xây dựng theo lối kiến trúc nhà 5 gian trái, 8 mái chồng diêm và khoảng chính giữa là nơi làm việc của các quan đại thần và vua. Phía trước điện có đặt một lư hương bằng đá lớn. Trước khi lên tới điện bạn phải bước qua ba lần bậc thềm, điện Kính Thiên hiện ra với mái ngói đỏ nâu nhuộm màu thời gian. Mái được trang trí bằng chi tiết đầu và đuôi rồng uốn lượn.

thành cổ sơn tây 7
Điện Kinh Thiên – Nguồn: vietlandmarks.com

Thời bấy giờ thành cổ được xem là một trong những công trình kiến trúc có khả năng phòng thủ vững chắc và từng được coi là “tuyến phòng thủ vĩ đại nhất trong lịch sử” nước nhà. Chính bởi vậy, công trình luôn là đề tài nghiên cứu hấp dẫn với nhiều kiến trúc sư, nhà sử học và địa điểm tham quan hấp dẫn với nhiều khách du lịch.

Du ngoạn Thành Cổ Loa – Khám phá điển tích về Công chúa Mị Châu

Ẩm thực gần thành cổ Sơn Tây

Sau khi tham quan, trải nghiệm tại thành cổ, để có một ngày du lịch trọn vẹn dù khách đừng quên thưởng thức các món ăn đặc sản nổi tiếng của Sơn Tây như:

Bánh tẻ Phú Nhi: Món bánh tẻ thơm ngon là sự kết hợp tuyệt vời của mộc nhĩ, hành khô, thịt và gạo. Vỏ bánh sử dụng lá rong hoặc lá chuối nên giữ nguyên được độ ẩm, hương vị và có thêm mùi thơm đặc trưng. Thứ đặc sản này sẽ ăn ngon nhất khi còn nóng, có thể chấm với nước mắm hoặc tương ớt đều rất ngon. 

  • Giá bán: 5.000 – 10.000đ/chiếc
  • Địa chỉ: Làng nghề Phú Nhi – phường Phú Thịnh, Tx Sơn Tây (2,4km)

Sữa chua Ba Vì: Sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc tới món sữa chua Ba Vì. Sữa chua dê, sữa chua bò được sản xuất ngay tại nông trại nên giữ nguyên được vị béo, ngon và chua nhẹ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể mua kẹo sữa, sữa tươi,… về làm quà cho người thân bạn bè sau chuyến tham quan thành cổ Sơn Tây đầy ý nghĩa.

  • Giá bán: 80.000 – 160.000đ/thùng
  • Địa chỉ: Bạn có thể tìm thấy nơi bán sữa chua dọc theo tuyến ĐCT08 và một phần QL32.

Chè lam: Một món ăn vặt nổi tiếng của người dân xứ Đoài. Khi ăn bạn có thể cảm nhận được mùi thơm nhẹ của gừng, vị béo giòn của lạc, lớp bột dẻo dẹo ngọt nhẹ; càng thích hợp hơn khi thưởng thức thê một ngụm nước chè. Món chè lam chuẩn vị phải không quá cứng, cũng không được quá mềm.

  • Giá bán: 40.000 – 60.000đ/bịch
  • Địa chỉ: Làng Cổ Đường Lâm, Tx Sơn Tây (4,6km)

Tới Thành Cổ Sơn Tây bạn sẽ ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp cổ kính, sự hài hòa giữa thiên nhiên và cảnh quan. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để bạn tìm hiểu thêm về nét kiến trúc Việt Nam những năm 70 – 80 thế kỷ 19. Đồng thời đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ăn hấp dẫn của mảnh đất xứ Đoài.

Xem thêm:

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien