TRANG CHỦ / Du lịch Hồ Chí Minh / Nhà thờ Đức Bà | Vương cung Thánh đường Việt Nam tại Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà | Vương cung Thánh đường Việt Nam tại Sài Gòn

Tác giả: Nguyễn Quý
2.131 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
nhà thờ chính tòa đức bà sài gòn
Ảnh: Xây dựng Kiến An

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nằm ngay ở vị trí trung tâm của thành phố, nổi bật với lối kiến trúc Pháp cổ đã hơn một thế kỷ. Đây là địa điểm tâm linh quan trọng của người dân theo đạo Công giáo ở khu vực và cũng là điểm đến du lịch, khám phá được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình tham quan Sài thành.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm du lịch hàng đầu ở phía nam nước ta, trở thành điểm dừng chân yêu thích của bao khách thập phương. Một trong những công trình được ví như biểu tượng bất hủ của thành phố năng động không ngừng đổi thay này chính là nhà thờ Đức Bà 

Lịch sử xây dựng nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Đây là một Thánh đường có nhiều sự kiện nổi bật gắn bó một cách mật thiết với chiều dài lịch sử và con người thành phố mang tên Bác. Tên gọi nhà thờ Đức Bà gợi nhớ đến Vương cung Thánh đường Đức mẹ Vô nhiễm nguyên tội ở Pháp – một trong những biểu tượng của kinh đô ánh sáng. Trừ một vài chi tiết khác biệt nhỏ ở hàng cửa mặt tiền và mái vòm thì hai ngôi nhà thờ này có nhiều điểm tương đồng trong kiến trúc, đều tuân thủ kiến trúc một gian chính điện và hai gian liền kề có tháp cao hai bên. 

Nhà thờ Đức bà Sài Gòn ra đời vào tháng 8 năm 1876, từ bản đồ án của kiến trúc sư Borald được thiết kế theo kiểu Roman mềm mại, cải biên pha trộn cùng phong cách Gothic mạnh mẽ. Bourard cũng là người trực tiếp giám sát thi công và là tổng công trình sư của dự án này. Ngoài ra không thể không nhắc đến Đức cha Colombert, Ngài là người chủ sự xây dựng ngôi Thánh đường. 

nhà thờ đức bà sài gòn xưa
Nhà thờ khi xưa – Ảnh: thoixua.vn

Ngày 7/10/1877 viên đá đầu tiên được đặt xuống bắt đầu một hành trình xây cất kéo dài đến 3 năm, tiêu tốn hết 2.5 triệu bảng Pháp lúc bấy giờ, tất cả vật liệu cùng nội thất đều được đưa từ Pháp qua. Trải qua 138 năm nằm sừng sững giữa trung tâm thành phố, nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn bắt đầu có những dấu hiệu xuống cấp. Mặc dù nhìn tổng thể bên ngoài, công trình vẫn rất kiên cố, vững chãi nhưng nhiều hạng mục đã có dấu hiệu hỏng hóc nghiêm trọng đặc biệt là phần mái ngói đã xuất hiện các vết nứt, hở khiến nước mưa có thể thấm vào bên trong đe dọa đến phần nội thất. Bên cạnh đó các thanh xà trên tháp chuông của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cũng đã bắt đầu nứt gãy. Do đó, sau một thời gian khảo sát và kiểm định công trình, đầu năm 2018, tổng Giáo phận Sài Gòn và chính quyền thành phố đã quyết định đại trùng tu nhà thờ này. Quá trình dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên mới đây Tổng giáo phận đã xin gia hạn việc thi công đến năm 2023.  

Kiến trúc nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Khuôn viên phía trước nhà thờ 

Nhà thờ nằm trong khu vực công xã Paris, có thiết kế phía trước là công viên với bốn phía là bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá. Loại gạch dùng để xây dựng công trình này là gạch thượng hạng được mang từ Marseille, Pháp. Những viên gạch này được để trần không tô trát nhưng qua nhiều năm vẫn không ngả màu, không bám bụi rêu tạo nên một màu nâu hồng đặc trưng trường tồn qua thời gian cho nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. 

Kỹ thuật xây dựng nhà thờ được xếp vào hàng tuyệt đỉnh khi các mạch vữa giữa các viên gạch chỉ rất nhỏ, khoảng 2 -3 mm cùng với cách sắp xếp gạch đặc biệt khiến bao năm qua dù trải qua bao sương gió, lại nằm ngay giữa ngã tư của các con đường đông đúc nhưng các đường nét công trình vẫn chẳng xê dịch là bao. 

Ngói lợp trên tòa nhà cũng có cùng tính chất dù đã ngả màu nâu đen qua thời gian. Nếu nhìn từ trên cao xuống, phần mái ngói của nhà thờ sẽ tạo thành một hình thánh giá đỏ chói.   

nhà thờ đức bà thành phố hồ chí minh
Nhà thờ nhìn từ trên cao – Ảnh: Tổng Giáo phận Sài Gòn

Toàn bộ chiều dài nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn là 93m, chiều ngang nơi rộng nhất là 35m, chiều cao bên trong của vòm mái Thánh đường là 21m, sức chứa của nhà thờ có thể đạt đến 1200 người. Phần móng của nhà thờ được thiết kế để chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên.  

Nổi bật ở mặt tiền nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là bức tượng Đức mẹ hòa bình. Tượng cao 4.6 m nặng 8 tấn tạc được làm bằng đá cẩm thạch trắng, không đánh bóng để có thể nhìn từ xa mà không chói ánh mặt trời. Kể cả vùng mặt Đức mẹ vẫn còn những nét điêu khắc thô. Toàn bộ bức tượng toát lên vẻ trầm tư và an bình với màu trắng thanh cao đã trở thành điểm nhấn với mọi người khi vào tới trung tâm thành phố, đem lại sự bình an và suy niệm vào niềm tin về một ngày hòa bình ngự trị trên toàn thế giới. 

tượng đức mẹ nhà thờ đức bà sài gòn
Tượng Đức mẹ tại nhà thờ – Ảnh: @nhatlongvu21512

Kiến trúc bên trong nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Nếu như bên ngoài của vương cung thánh đường toát lên vẻ vững trãi và uy nghi thì bên trong nhà thờ cũng có nhiều chi tiết đẹp đẽ không kém. Trên bệ phía trên, bên trong cửa ra vào bên trái còn có tên của kiến trúc sư Bourard và năm hoàn thành nhà thờ. Nhìn chung, tất cả các thiết kế bên trong nhà thờ Đức Bà đều tập vào cấu trúc đối xứng với những chi tiết cân đối hoặc hướng tâm tạo ấn tượng  hình khối và đường nét cho người thưởng ngoạn. 

Nổi bật là hai hàng cột chính hình chữ nhật nâng đỡ toàn bộ kiến trúc bên trong Thánh đường, tổng cộng có 12 chiếc cột chia đều mỗi bên 6 chiếc tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Trên thân các cột đều có biểu tượng thánh giá nhỏ màu đỏ và bệ đặt nến ở phía dưới, đây là dấu hiệu cho biết nhà thờ đã được tôn vinh lên hàng Vương cung Thánh đường. 

bên trong nhà thờ đức bà sài gòn
Bên trong nhà thờ – Ảnh: Báo Thanh niên

Các hàng cột chia nhà thờ Đức Bà Sài Gòn làm 3 gian, gian chính có mái vòm cao nhất, được thiết kế để tạo sự tập trung và khuếch đại âm thanh cho cả nhà thờ, hai gian hai bên có nhiệm vụ điều tiết nhiệt độ đưa gió từ sông Sài Gòn vào bên trong, tạo sự đối lưu giữa các luồng khí, dồn luồng khí nóng vào gian giữa và thoát khí qua các lỗ thông gió trên cao. 

Kết thúc gian chính từ ngoài dẫn vào là bàn thờ Cung Thánh được làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có điêu khắc hình 6 vị thiên thần đỡ mặt bàn thờ và hình ảnh các mầu nhiệm Thiên Chúa. Phía sau bàn thờ có chi tiết ghi rõ tên kiến trúc sư Bourard và dòng chữ Comparat Sculpt, Lyon 1879 cho biết bàn thánh được điêu khắc tại thành phố Lyon của Pháp năm 1879. Toàn thể Cung Thánh của nhà thờ Đức Bà được bao phủ bởi các vòm chính với các đường cong mềm mại và gặp nhau ở đỉnh vòm, hội tụ luồng ánh sáng tự nhiên làm nổi bật tượng thánh mẫu và bộ ba cửa kính màu bên trên mái vòm. 

kiến trúc nhà thờ đức bà sài gòn
Bàn thờ Cung thánh – Ảnh: Vnexpress

Khu vực bàn thánh được chiếu sáng bằng dàn đèn có ánh sáng dịu dàng kết hợp hài hòa với ánh sáng tự nhiên được lọc qua mái vòm và các ô cửa hai bên gian phụ, làm nổi bật các chi tiết kiến trúc và quần thể tượng thánh tạo sự yên bình và vẻ trang nghiêm trầm mặc cho nội thất nhà thờ. Dàn đèn này có cùng tuổi đời với ngôi thánh đường, chúng gồm một hệ thống đèn bao quanh khu vực cung thánh đặc biệt nhất là hai dàn đèn ở hai gian phụ có kích thước lớn hơn hẳn và có dây treo kéo dài hơn 10 từ đỉnh giáo đường xuống. 

Hiển nhiên, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn mang lối kiến trúc thời thuộc Pháp và chịu ảnh hưởng toàn bộ của phong cách nhà thờ tại các nước phương Tây. Nhưng thật bất ngờ khi những người thực hiện đã chú ý đưa vào một số chi tiết mang đậm tinh thần và hình ảnh Đông phương. Trên mặt trong của cửa sổ bên phải còn có dòng chữ viết bằng tiếng hoa, thực ra đó là hai câu đối “Nhà thờ thiên chúa đầy ân đức – Thánh mẫu vô nhiễm nguyên tổ”. 

Có lẽ thấu hiểu được ý tưởng này của các nhà xây dựng tiên phong mà vào năm 2011, nhân dịp kỷ niệm lần công nghị thứ 3 tổ chức tại đây, Đức tổng Giám mục Sài Gòn đã cho làm một bức tượng Đức Mẹ trong bộ áo dài quốc phục Việt Nam, đặt tại gian trái của thánh đường. Đây là một trong những việc làm có ý nghĩa khi nhấn mạnh đến sự dấn thân, đồng hành và gắn bó với cộng đồng Việt Nam của Công Giáo. Đó chính là dấu ấn của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nơi không chỉ là một thánh đường, mà còn là cánh cửa mở ra khả năng hội nhập của nhân loại trong thời đại mới.

Tháp chuông nhà thờ Đức Bà  

Năm 1895, nhà thờ có thêm hai chóp hình nón màu trắng trên hai tháp chuông đã xây trước đó. Đây là chi tiết đã được phác họa trên bản vẽ kiến trúc ngay từ ban đầu nhưng mãi 15 năm sau mới được thực hiện, trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3.5m ngang 2m nặng 600kg, chiều cao tính từ mặt đất lên đỉnh thánh giá đạt 60.5m. Chi tiết bổ sung sau này không những vẫn giữ được vẻ uy nghiêm của nhà thờ mà còn giúp tăng thêm sự thanh thoát và giúp nơi đây nổi bật hơn. 

Hai bên thân nhà thờ Đức Bà Sài Gòn kéo dài đến 6 gian, mỗi gian có 2 cửa sổ đôi, quan sát từ bên ngoài có thể thấy rõ có một tầng trệt được nới cao, một tầng giữa và một tầng mái trên cùng với rất nhiều lỗ thông gió xen lẫn nhau giữa màu hồng của gạch và màu trắng của các họa tiết trang trí. 

Một khi đã bước vào bên trong thánh đường, ai cũng muốn một lần được chiêm ngưỡng bộ chuông nổi tiếng của nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, những quả chuông vĩ đại được chế tạo tại Pháp, và mang qua sài gòn vào năm 1879. Tháp chuông bên phải nhìn từ mặt trước có 4 quả chuông với âm thanh tương ứng với các nốt Son, Đô, Rê, Mi. Trong đó quả chuông Son là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới, nặng 8785 kg, đường kính miệng chuông 2,25 m và cao đến 3,5m. Quả chuông nốt Đô nặng 4315kg , quả nốt Rê nặng 2194kg và quả chuông nốt Mi năng 1646 kg. Tháp chuông bên trái nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có hai quả chuông có âm thanh tương ứng với các nốt La nặng 5.932 kg và nốt Si nặng 4184kg. Ngoài ra còn có bộ đối trọng nặng 1840kg được gắn liền trên mỗi trái chuông nâng tổng trọng lượng của bộ chuông lên 28895kg.

tháp chuông nhà thờ đức bà sài gòn
Bên trong tháp chuông nhà thờ – Ảnh: gocxua.net

Đi kèm với bộ chuông là hệ thống dây xích chuyển động cùng các bảng điện dùng để điều khiển. Bao quanh khắp miệng chuông tại nhà thờ Đức Bà là các họa tiết hoa văn đúc nổi hình hoa và lá rất sống động, các hoa văn được đúc rất sắc nét thể hiện được cả vẻ đẹp tài hoa và công nghệ đúc chuông cao cấp thời bấy giờ. Tên của vị kiến trúc sư Bourard cũng được thể hiện ở đây, có vẻ như đôi bàn tay tài hoa của ông luôn hiện diện trên hầu hết các kĩ thuật liên quan đến việc xây dựng công trình bao gồm cả kiến trúc và điêu khắc. 

Đồng hồ cổ tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Ngoài tháp chuông thì mặt đồng hồ phía dưới cây thánh giá ở gian giữa mặt tiền cũng là một điểm đặc biệt thu hút ánh mắt của mọi người. Mặt đồng hồ nhìn sơ qua giống như một ô cửa sổ xinh xinh, nhưng thực chất đây lại là chiếc đồng hồ cổ nhất Sài Gòn. Đằng sau chiếc đồng hồ nhỏ xinh ấy là cả một hệ thống khá đồ sộ với bộ máy cao khoảng 2,5m, dài 3m, rộng hơn 1m có trọng lượng lên đến hơn 1 tấn. 

đồng hồ tháp chuông nhà thờ đức bà sài gòn
Đồng hồ tại nhà thờ – Ảnh: Vnexpress

Dù thô sơ cũ kỹ nhưng các chi tiết của đồng hồ cổ nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vẫn hoạt động tương đối chính xác. Ở phía sau bộ máy là chiếc đồng hồ với kích cỡ không khác gì một chiếc đồng hồ báo thức thông thường. Chỉ cần quan sát chiếc đồng hồ cỏn con này là biết được đồng hồ chính chạy nhanh hơn hay chậm hơn giờ đúng mấy phút. 

Để chiếc đồng hồ này chạy trơn tru, người ta phải lên dây cho nó mỗi tuần 1 lần. Chiếc cần để lên giây đồng hồ trông khá tương tự với  tay quay của xe máy. Ngoài ra, nó còn có hệ thống báo giờ bằng búa đánh vào chuông nhưng hiện nay đã hỏng và không còn hoạt động được nữa. 

Hướng dẫn tham quan nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Giờ lễ tại nhà thờ Đức Bà

  • Thứ 2 – thứ 7: 5h30 và 17h30
  • Chủ nhật: 5h30, 6h45, 8h, 9h30, 16h, 17h15, 18h45
  • Thời gian mở cửa cho khách tham quan: Từ 5h đến 20h hằng ngày.

Đặc biệt, khác xa so với những ngày bình thường khác, nhà thờ trở nên đông đúc và nhộn nhịp nhất là vào ngày lễ Giáng sinh – ngày lễ quan trọng nhất của người theo đạo Công giáo. Cứ ngày này nơi đây lại thu hút hàng ngàn người gồm cả người dân khu vực và du khách tới du lịch Sài Gòn tới ghé thăm.

thánh lễ tại đồng hồ tháp chuông nhà thờ đức bà sài gòn
Một thánh lễ tại nhà thờ – Ảnh: tgpsaigon.net

Vào ngày này, Quảng trường phía trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được trang trí rực rỡ với dây đèn nhấp nháy, cây thông khổng lồ cùng các bài nhạc Giáng Sinh vui vẻ đem lại một khung cảnh ấm cúng hạnh phúc cực kì. Đêm Noel, người dân Sài thành bất kể theo đạo hay không đều tập trung tại đây, khiến cho không khí lễ hội rộn ràng hơn bao giờ hết. 

Các điểm du lịch gần nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Dinh Độc Lập

Chỉ cách Nhà thờ khoảng 400 m là bạn có thể tới thăm một trong những công trình lịch sử mang dấu ấn hào hùng của dân tộc nhất. Dinh Độc Lập gắn liền với ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, dù đã trải qua hàng chục năm tòa nhà vẫn sừng sững tồn tại giữa lòng thành phố như một minh chứng cho ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân ta. 

  • Địa chỉ: số 135 phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh 

Phố đi bộ Nguyễn Huệ 

Đi bộ khoảng 10 phút từ Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là bạn có thể ra tới không gian giải trí cuối tuần lớn nhất của thành phố – phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí của giới trẻ Sài Thành cùng các món ăn đường phố hấp dẫn. Thỉnh thoảng sẽ có các ca sĩ nổi tiếng tới đây biểu diễn khiến không gian đông vui náo nhiệt vô cùng. 

  • Địa chỉ: đường Nguyễn Huệ, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh  

Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh 

Nằm ngay gần nhà thờ Chánh toà Đức Bà Sài Gòn, nơi này còn được ví như bản sao nhỏ hơn của Nhà hát lớn Hà Nội. Kiến trúc tòa nhà khiến khách tham quan có cảm giác như đang chiêm ngưỡng một nhà hát tại Pháp. Nhờ vị trí thuận lợi cùng quy mô hoành tráng xa hoa mà nhà hát thành phố được chọn làm địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn của thành phố. 

  • Địa chỉ: số 7 đường Công Trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh 

Ngoài ra còn một số địa điểm du lịch khác cũng gần đó như: Thảo Cầm Viên, công viên Tao Đàn, bảo tàng thành phố,…

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không những là một kiệt tác kiến trúc của Sài Gòn mà còn là một nhân chứng chứng kiến những thăng trầm của thành phố trong hơn một thập kỉ qua. Ngày nay, địa điểm này đã trở thành một trọng những biểu tượng của thành phố mang tên bác mà bất cứ du khách nào tới tham quan cũng muốn một lần tới chiêm ngưỡng.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien