Đền Cửa Ông (còn được biết đến với cái tên Đông Hải Linh hay đền Đức Ông) là một trong những ngôi đền hiếm hoi thờ tự toàn bộ gia quyến của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Sau hơn 100 năm xây dựng và trải qua nhiều lần trùng tu, cải tạo, đến thời điểm hiện tại nơi đây được đánh giá là một trong những ngôi đền có quy mô và kiến trúc đẹp nhất của Việt Nam.
Đền Cửa Ông không chỉ là một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng của Cẩm Phả Quảng Ninh, mà đây còn là một trong những ngôi đền được giới chuyên môn đánh giá là có kiến trúc đẹp nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Giới thiệu về đền Cửa Ông
Lịch sử đền Cửa Ông
Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ cao gần 100m, đền nhìn ra phía vịnh bái Tử Long, thuộc địa phận phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền nằm ở vị trí đắc địa trong khu vực, là nơi giao lưu giữa núi non cùng rừng già, xa xa là biển cả đang ầm ì sóng vỗ vào bờ.
Theo nhiều sử sách ghi lại, đền Cửa Ông trước đây là một am nhỏ bằng tre, nứa được xây dựng hơn một trăm năm trước dưới thời nhà Nguyễn. Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo và quy hoạch lại (điển hình vào các mốc thời gian năm 1907, 1916, 1946, 2014,..) ngôi đền mới có quy mô được như hiện tại
Năm 2017, Đền đã được Nhà nước xếp hạng vào Di tích Quốc gia đặc biệt, nhằm ghi lại ý nghĩa quan trọng trong văn hóa và lịch sử của địa điểm này.
Đền Cửa Ông thờ ai?
Vị thần chính được thờ trong đền là Đức Ông Đệ Tam Cửa Suốt Trần Quốc Tảng – người con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Nhượng Vương. Ngoài có công trong cuộc chiến chống Nguyên – Mông của dân tộc, Trần Quốc Tảng còn có công trấn thủ vùng biển Quảng Ninh, đảm bảo yên bình cho nơi đây trước âm mưu xâm lược của giặc ngoại xâm. Để tưởng nhớ công ơn Ông, người dân gọi ông là Đức Ông Cửa Suốt và lập đền thờ khi ông mất.
Ngoài ra đền Cửa Ông còn thờ gia quyến và các tướng sĩ nhà Trần có công đánh đuổi ngoại xâm như: Trần Hưng Đạo, Nguyên Từ Quốc Mẫu (vợ Trần Hưng Đạo), Trần Anh Tông, Trần Khánh Dư,… và các vị thần khác trong dân gian như Nam Tào – Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng,..
Khám phá đền Cửa Ông
Kiến trúc đền Cửa Ông
Về tổng thể, quần thể di tích bao gồm nhiều khu vực khác nhau, trong đó ngoài khu vực chính thờ Trần Quốc Tảng và những nhân vật kiệt xuất nhà Trần thì còn nhiều công trình nhỏ thờ tự nhiều danh nhân lịch sử, tín ngưỡng dân gian khác:
- Khu vực Đền Hạ: Đền thờ Mẫu và Đền thờ Trung Thiên Long Mẫu. Trong đó Đền Mẫu là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu,.. và các ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Bơ. Tại đền còn lưu giữ đạo sắc phong cho xã Cẩm Phả phụng thờ Trung Thiên Long Mẫu ghi vào năm Khải Định thứ 2.
- Khu vực Đền Trung Đền Cửa Ông: Gồm đền thờ Khâm sai Đông đạo Tiết chế Hoàng Cần, người có công dẹp giặc ngoại xâm khu vực biển Bắc. Đền còn thờ Sơn Thần & Thủy Thần với ước nguyện cầu mong sự phù trợ của 2 vị.
- Khu Đền Thượng: Gồm Đền Thượng, Đền Quan Chánh, chùa & lăng mộ Trần Quốc Tảng, Đền Quan Châu. Đền Thượng là nơi thờ tự chính của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và gia thất, tướng lĩnh của Hưng đạo Đại vương.
- Đền Cặp Tiên: Đây là nơi thờ cô bé cửa Suốt (con gái Trần Quốc Tảng) tại đền Cừa Ông, Quan Chánh và các vị Nhân thần. Về sau nơi đây còn đưa thêm tượng Phật, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu,.. vào thờ.
Nhìn tổng quan thì đền Cửa Ông mang phong cách kiến trúc truyền thống của đền chùa Việt Nam với những họa tiết đặc trưng như: long, ly, quy, phụng, hổ, mái cong, lưỡng long chầu nguyện, ngói mũi hài,.. Đồng thời, kiến trúc còn được kết hợp với sự sáng tạo và nét đặc trưng của người dân Quảng Ninh, tạo thành một công trình tổng thể, hài hòa.
Kiến trúc bên trong đền hầu hết được xây dựng bằng các loại gỗ quý như đinh, trắc, lim, gụ,.. xây dựng theo phong cách kèo, cầu, dường, trụ,.. kết hợp thêm các họa tiết, câu đối, phù điêu tạo nên tính trang nghiêm, nghệ thuật của Đền.
Ở phía trước Đền là quang cảnh tuyệt đẹp của biển vịnh Bái Tử Long, cùng với núi non, cây cối xung quanh Đền tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa. Sự phối hợp tuyệt vời giữa đất trời, núi rừng – biển cả khiến du khách đến với ngôi Đền ngoài mục đích tham quan, cầu nguyện còn là do bởi bị hấp dẫn bởi cảnh đẹp của nơi đây.
- Dulich3mien gợi ý: Khám phá kiến trúc chùa Ba Vàng Quảng Ninh.
Lễ hội đền Cửa Ông
Đến du lịch, khám phá Đền thì thật đáng tiếc nếu bạn bỏ lỡ những lễ hội tại đây, đặc biệt vào dịp đầu năm diễn ra từ ngày 2/1 Âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm (Chính lễ vào ngày mùng 3/2 Âm lịch). Có nhiều hoạt động thú vị được tổ chức như rước kiệu bài vị Trần Quốc Tảng, các nghi thức dâng hương, dâng hoa hay tái hiện thần tích về Hưng Nhượng Vương,… Đây cũng là thời gian tổ chức nhiều trò chơi dân gian cổ truyền xưa như Cờ người, cờ bỏi, đua thuyền, đẩy gậy, chọi gà,..
Kinh nghiệm đi lễ đền Cửa Ông
Đến đền Cầu gì?
Đến với Đền người dân thường cầu tài, cầu lộc, cầu bình anh, may mắn, hoặc cầu cho trời yên, biển lặng. Nhiều phụ huynh còn tới đây để cầu nguyện cho con em của mình đạt được nhiều thành tích cao trong thi cử.
Đến Đền sắm lễ gì?
Tại đền có cả khu đền và chùa nên khi dâng hương, lễ nếu bạn muốn đi đầy đủ thì cần sắm cả lễ chay, lễ mặn và lễ sống. Lễ chay gồm hương, hoa, bánh kẹo, hoa, quả, tiền vàng mã,.. Lễ mặn sẽ bào gồm xôi, giò, chả, gà, thịt lợn,…
Lưu ý khi đi lễ:
- Do tại Đền không chỉ thờ một vị thần duy nhất nên du khách có thể chuẩn bị trước ở nhà nhiều văn khấn đền Cửa Ông cho từng vị riêng
- Du khách lưu ý do đây là nơi thờ tự trang nghiêm nên khi tới tham quan, thắp lễ bạn cần hạn chế mặc những trang phục phản cảm, hở hang, gây ảnh hưởng đến mỹ quan của khu vực tâm linh.
- Đi đứng nhẹ nhàng, hạn chế ồn ào ảnh hưởng tới không khí trang nghiêm của đền.
- Chú ý khi nói chuyện cần để ý câu từ, tránh những ngôn từ thiếu văn hóa.
- Khi cầu nguyện hãy thành kính, nhẹ nhàng, không mưu cầu những điều xấu xa, trái pháp luật.
- Hạn chế chạm vào đồ vật, kiến trúc tại đền để tránh gây hư hại cho di tích.
“Trong chuyến du lịch Quảng Ninh, ngoài đền Cửa Ông, còn rất nhiều địa điểm nổi tiếng khác mà bạn không nên bỏ qua như: Núi Yên Tử, khu du lịch Quảng Ninh Gate, biển Trà Cổ, hồ yên Trung, chùa Cái Bầu, đảo Ngọc Vừng, đảo Quan Lạn,…”
Đền Cửa Ông không chỉ là một địa điểm tâm linh linh thiêng của người dân Quảng Ninh mà còn sở hữu một phong cách kiến trúc đẹp thu hút khách du lịch. Mong rằng bài viết đã góp phần nào cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích cho chuyến ghé thăm địa điểm du lịch này. Chúc bạn và gia đình sẽ có một thời gian du lịch thú vị và đầy ý nghĩa.