TRANG CHỦ / Du lịch Quảng Ninh / Khám phá núi Yên Tử, ngọn núi Phật ”Tổ” trên đất Quảng Ninh

Khám phá núi Yên Tử, ngọn núi Phật ”Tổ” trên đất Quảng Ninh

Tác giả: Nguyễn Quý
2.191 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
Núi Yên Tử
Nguồn: vov.vn

Khu du lịch núi Yên Tử tỉnh Quảng Ninh được coi là một trong những cội nguồn của Phật giáo với hệ thống chùa chiền, cảnh quan có lịch sử đến cả 1000 năm. Đến đây, du khách có thể lựa chọn chinh phục đỉnh núi bằng đường bộ với đoạn đường dài 6km hay trải nghiệm hệ thống cáp treo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cùng Du lịch 3 miền khám phá những điều thú vị ở bài viết dưới đây.

Vùng đất Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng bởi danh lam thắng cảnh: vịnh Hạ Long, đảo Tuần Châu,… mà còn ghi dấu trong lòng du khách bởi những địa danh vô cùng linh thiêng mang đậm dấu ấn phật giáo. Trong đó, núi Yên Tử là địa danh nổi tiếng cảnh sắc tuyệt vời cùng những ngôi chùa linh thiêng gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Giới thiệu về khu du lịch núi Yên Tử

Núi Yên Tử ở đâu?

Đây là một dải núi cao nằm trên địa phận tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, thuộc thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, Tp. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây sở hữu hệ sinh thái vô cùng phong phú và đa dạng, đặc biệt nơi đây còn có nhiều gốc mai cổ với tuổi đời từ vài chục đến vài trăm năm tuổi vô cùng độc đáo. Đồng thời, nơi đây cũng được công nhận là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên của cả nước. Địa danh gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

đỉnh yên tử
Nguồn: Baovemoitruong.org.vn

Núi Yên Tử cách Hà Nội bao nhiêu km

Điểm đến này cách Hà Nội 135km về hướng Đông, bạn có thể lựa chọn các hình thức di chuyển sau:

Xe máy

Tuyến đường dài: 140km

Thời gian di chuyển: 3h00 – 3h3p/chiều 

Cung đường di chuyển như sau: Trung tâm Tp Hà Nội → cầu Chương Dương → đường Nguyễn Văn Cừ → QL18 → Tp Bắc Ninh → rẽ trái tại chùa Trình → di chuyển thêm 10km để đến Yên Tử.

Di chuyển bằng ô tô đến đỉnh núi Yên Tử

Tuyến đường ngắn nhất đến đây khoảng 112km

Thời gian di chuyển: 2h45p

Tuyến đường di chuyển: Trung tâm Tp Hà Nội → cầu Chương Dương → Nguyễn Văn Cừ → Nguyễn Văn Linh → Cao tốc ĐCT Nội Bài – Hạ Long → Điểm ra Đức Chính → DDT326 → Thượng yên Công, Tp Uông Bí → di chuyển đến chùa.

Xe khách

Thời gian di chuyển khoảng 4h/chiều; giá vé khoảng 250.000 – 450.000đ/ghế/chiều. Một số xe khách bạn có thể tham khảo để di chuyển đến núi Yên Tử Quảng Ninh như:

Nhà xe Phúc Xuyên:

  • Lộ trình: Bến xe Mỹ Đình đi phường Hà Tu, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh
  • Thời gian chạy: 5h45 – 16h45 hàng ngày, tần suất 30p/chuyến
  • Số điện thoại: 0912 069 739.

Xe Kumo Việt Thanh:

  • Lộ trình: Bến xe Mỹ Đình đi thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh
  • Thời gian chạy từ 5h30 – 17h30 hàng ngày, tần suất 30p/chuyến
  • Số điện thoại: 0968 36 00 33.

Thời gian tốt nhất để du lịch núi Yên Tử

Đây là điểm đến du lịch mà bất kỳ thời điểm nào trong năm nơi đây cũng toát lên dáng vẻ đẹp độc đáo khiến du khách không khỏi trầm trồ. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và thuận tiện di chuyển thì du khách nên tới đây vào khoảng tháng 1 – đầu tháng 8 hàng năm bởi vào mùa đông không khí trên núi sẽ lạnh hơn, con đường đá cũng ngập trong sương mù và khí lạnh đi lại không thuận tiện. Ngoài ra, khoảng thời gian tháng 9 – tháng 10 hàng năm là mùa mưa bão nên thời tiết cũng khá xấu du khách cũng nên hạn chế du lịch đỉnh Yên Tử vào thời gian này.

Theo cảm nhận của nhiều du khách thì thời điểm lý tưởng nhất để du lịch ngọn núi này là vào mùa xuân khoảng tháng 1 – 3 âm lịch. Bởi thời gian này trùng với lễ hội Yên Tử với nhiều hoạt động hấp dẫn; hơn nữa đây cũng là thời điểm mà thời tiết mát mẻ, dễ chịu nhất trong năm. 

Lễ hội Yên Tử
Lễ hội Yên Tử – Nguồn: Thoidai.vn

Đặc biệt nếu du khách muốn hưởng trọn không khí lễ hội thì có thể đến đây vào thời điểm sau ngày khai hội vào mùng 1 tháng 10 âm lịch. Nhưng vào thời điểm này thì thường sẽ khá đông đúc.

Button xem thêm 12

Những thông tin cần biết về 3 ngày vía Quan Âm năm 2023

Đỉnh Yên Tử cao bao nhiêu mét?

Ngọn núi có chiều cao 1.068m so với mực nước biển nằm trong quần thể dãy núi Nam Mẫu thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây được mệnh danh là “vùng đất tổ Phật Giáo Việt Nam”; đặc biệt đỉnh núi quanh năm mây mờ bao phủ nên được gọi là đỉnh Bạch Vân Sơn.

Đỉnh Yên Tử
Đỉnh Yên Tử – Nguồn: Wikitravel

Năm 1293 sau khi đẩy lùi được giặc ngoại xâm Mông Cổ và trấn hưng Đại Việt thành công vua Trần Nhân Tông truyền ngôi lại cho con trai là vua Trần Anh Tông. Đến tháng 10 âm lịch năm 1299 ông chính thức chuyển tới núi Yên Tử để tu tập lấy pháp danh là Hương Vân Đại Đầu Đà; tại đây ông cho mở tịnh xá, thuyết giảng độ tăng và thu nhận nhiều đệ tử. Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi làm nơi tu hành, truyền kinh và giảng đạo. Ngoài ra, khi đến đây tu hành vua Trần Nhân Tông đã lấy tên Trúc Lâm tức rừng trúc – một sản phẩm độc đáo của Yên Tử tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp tao nhã để đặt tên cho dòng thiền do ông sáng lập.

Khám phá khu du lịch núi Yên Tử

Du khách có thể lựa chọn hai cách di chuyển lên đỉnh núi là đi bộ hoặc sử dụng cáp treo. Tùy vào thời gian, sức khỏe, lộ trình tham quan mà du khách có thể lựa chọn hình thức phù hợp.

Trải nghiệm leo núi chinh phục Yên Tử

Đoạn đường gồm 136 bậc đá trên quãng đường dài khoảng hơn 500m và quãng đường đi bộ dài 6km chính là trải nghiệm kết hợp leo núi, ngắm cảnh và tận hưởng không khí trong lành của núi rừng. Đặc biệt với hành trình leo núi Yên Tử dài 6km du khách có thể lần lượt trải nghiệm những địa điểm tham quan đẹp như: suối Giải Oan → đường Tùng Cổ → Tháp Tổ → chùa Hoa Yên → chùa Một Mái → chùa Bảo Sái → chùa Đồng → đỉnh Yên Tử.

Leo núi Yên Tử
Leo núi Yên Tử – Nguồn: Facebook

Tuy hành trình leo núi là trải nghiệm rất đặc biệt và thú vị nhưng với ngọn núi cao, đoạn đường xa thì trải nghiệm này đòi hỏi du khách phải là người có thể lực tốt, kiên trì và bền bỉ. Tuy nhiên để có một chuyến đi an toàn và thuận lợi thì những kinh nghiệm leo núi Yên Tử sau đây sẽ là hành trang tốt nhất cho bạn:

  • Chuẩn bị sức khỏe thật tốt
  • Mang theo chút đồ ăn nhẹ và nước uống
  • Dụng cụ y tế sơ cứu khi cần thiết
  • Chút kẹo ngọt để dùng khi có dấu hiệu hạ đường huyết
  • Trang phục gọn gàng, mũ che nắng, giày thể thao dễ di chuyển; bạn cũng nên chuẩn bị một chiếc áo khoác gió mỏng bởi lên cao nhiệt độ sẽ xuống thấp hơn nên có thể hơi lạnh một chút.

Trên quãng đường lên núi Yên Tử bạn có thể nghỉ mệt tại một số điểm dừng chân cho lại sức rồi tiếp tục di chuyển. Để thuận lợi và giữ sức cho cả hành trình bạn có thể cân nhắc di chuyển lên đỉnh núi trước rồi sau đó dành thời gian vãn cảnh chùa. Trong trường hợp sức khỏe bạn không đảm bảo để hoàn thành hết đoạn đường đi thì bạn có thể lựa chọn song song cả hình thức đi bộ và sử dụng di chuyển bằng cáp treo ngay dưới đây.

Lưu ý: vứt rác đúng nơi quy định nhằm bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Trải nghiệm ngắm cảnh trên cáp treo Yên Tử Quảng Ninh 

Với những du khách không có thể lực tốt nhưng vẫn muốn có dịp khám phá cảnh chùa và núi non nơi đây thì cũng không cần quá lo lắng bởi ở đây đã được trang bị 4 hệ thống cáp treo theo tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế vận hành trên hai tuyến: Hoàng Long ở độ cao dưới 700m và tuyến Bạch Long ở độ cao trên 700m. Đây là phương thức di chuyển tối ưu, an toàn, giúp du khách giữ sức cho cả chuyến đi. 

Ngắm cảnh từ cáp treo Yên Tử
Ngắm cảnh từ cáp treo Yên Tử – Nguồn: Legacyyentu.com

Không những thế với hình thức di chuyển này giúp du khách thưởng ngoạn trọn vẹn hình ảnh núi Yên Tử hùng vĩ từ các độ cao khác nhau.

Sau khi gửi xe bạn có thể đi bộ khoảng 1km từ Hạ Kiệu tới cáp treo hoặc đi xe bus giá 15.000đ/chiều – 20.000đ/khứ hồi. Bạn di chuyển lên đỉnh núi với 2 tuyến cáp treo sau:

  • Tuyến cáp treo Hoàng Long: Chùa Giải Oan – Chùa Hoa Yên
  • Tuyến cáp treo Bạch Long : Chùa Một Mái – Chùa An Kỳ Sinh

Đến điểm này du khách bắt đầu chặng leo bộ cuối cùng trong khoảng nửa giờ để lên đến chùa Đồng ở đỉnh cao nhất.

  • Giá vé cáp treo Yên Tử 

Giá vé trên mỗi tuyến riêng lẻ: 200.000đ/người/chiều và 280.000/người/khứ hồi

Giá vé chiều xuống cả 2 tuyến: 280.000đ/người

Giá vé khứ hồi 2 tuyến: 350.000đ/người

Giá vé đi chiều lên 1 tuyến và xuống 2 tuyến: 350.000đ/người

Các đối tượng: Tăng ni, người già trên 70 tuổi, thương binh hoặc trẻ em cao dưới 1,2m được miễn vé cáp treo

Thời gian phục vụ: 06h00 sáng đến khi hết khách nếu là mùa lễ hội và 07h00 – 18h00 vào các thời điểm khác trong năm.

Khu di tích núi Yên Tử tỉnh Quảng Ninh có gì?

Ngọn núi mang trong mình nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử gắn liền với con đường hành đạo và tu tập của vua Trần Nhân Tông và trường phái Thiền Viện Trúc Lâm Việt Nam. Ghé thăm ngọn núi du khách có thể dùng chân tại một số địa điểm sau:

Suối Giải Oan và chùa Giải Oan

Suối và chùa Giải Oan núi Yên Tử
Suối và chùa Giải Oan núi Yên Tử – Nguồn: Vov.vn

Chùa Giải Oan được xây dựng từ thời nhà Trần với kiến trúc cổ đặc trưng, mái ngói đỏ và trang trí bằng chi tiết rồng bay ở tứ phía. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc “tựa sơn hướng thủy” – lưng tựa vào núi Yên Tử linh thiêng, mặt hướng vào suối Giải Oan. Khi xưa đây là địa điểm nhà vua thường xuyên tổ chức lập đàn giải oan cho các cung phi bởi vậy mới có tên là chùa Giải Oan.

Chùa Hoa Yên (chùa Vân Yên)

Đây là công trình kiến trúc cổ hơn 700 năm tuổi nằm ở độ cao 535m so với mực nước biển. Ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc dạng chữ “đinh” với 5 gian tiền đường, hậu đường. Khuôn viên chùa còn có vô số tượng, tháp cổ, bia đá,… do các bậc thánh nhân và nhiều đời vua để lại khi đến đỉnh núi Yên Tử vãn cảnh chùa.

Chùa Hoa Yên Yên Tử
Chùa Hoa Yên Yên Tử – Nguồn: truclamyentu.com.vn

Những di vật quý giá mang giá trị kiến trúc cổ còn được lưu giữ như: ngói mũi hài, phù điêu sư tử – đầu rồng – bệ tượng tam thế, gạch hoa cúc,… và 03 gốc hoa đại hơn 700 tuổi gốc cây to lớn xù xì in đậm dấu ấn thời gian.

Chùa Một Mái

Ngôi chùa nằm ẩn mình trong hang núi giữa lưng chừng đất trời chỉ để lộ ra một phần mái. Đó cũng là lý do nơi đây được đặt tên là chùa Một Mái. Không gian chùa Một Mái trên núi Yên Tử vô cùng an tĩnh nên vua Trần Nhân Tông thường lui tới đây để làm kinh và đọc sách mỗi ngày. Một số kinh, sách còn được lưu giữ đến ngày nay

Chùa Bảo Sái Yên Tử

Trước đây chùa chỉ là một am nhỏ nhưng sau này sư Bảo Sái thường tới đây để tu hành nên mới được mở rộng hơn và đặt tên “Bảo Sái”. Đây cũng là nơi ông viết sách và truyền dạy kiến thức cho đệ tử của mình. Không gian chùa toát nên cảm giác yên bình, tĩnh mịch khiến con người ta trở nên bình tâm và thanh tịnh hơn.

Chùa Vân Tiêu ở khu du lịch núi Yên Tử

Chùa Vân Tiêu Yên Tử
Chùa Vân Tiêu Yên Tử – Nguồn: vietsensetravel.com

Ngôi chùa cổ sở hữu vị trí và địa hình vô cùng thuận lợi nên được lập thành am thất. Từ đây du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh suối Bạch Đằng và chùa Giải Oan phía dưới. Đặc biệt, lối lên chùa có hai bậc thang đá chạy song song hai bên; tứ phía xung quanh được bao bọc bởi núi rừng xanh mát mang tới cảm giác “thoát tục”. Có lẽ bởi vậy nên vua Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây là một trong những địa điểm để thiền tịnh và tu tập.

Chùa Đồng núi Yên Tử

Ngôi chùa quanh năm mây mờ giăng, thời vua Trần Nhân Tông còn tụ tập đây chỉ là một hòn đá lớn hình vuông, sa này mới được vợ của chúa Trình xây dựng thành ngôi chùa nhỏ và trở thành nơi có cảnh quan đẹp nhất tại Yên Tử. 

Chùa Đồng Yên Tử
Chùa Đồng Yên Tử – Nguồn: kynghidongduong.vn

Kiến trúc chùa ghi dấu ấn phật giáo đặc biệt với những hoa văn chạm khắc tỉ mỉ phía chân tường, mái chùa dạng mũi hài đặc trưng và chi tiết hình rồng trang trí. Đây là không chỉ là nơi linh thiêng mà còn ghi dấu nhiều sự tích núi Yên Tử.

Thiền Viện Trúc Lâm (chùa Lân)

Thiền viện nằm ngay trên Dốc Đỏ – đoạn đường nhỏ di chuyển vào ngọn núi. Khi xưa mỗi khi trời mưa việc di chuyển đến chùa vô cùng khó khăn phải sử dụng bè và men theo dây căng để đến chùa; lâu dần trở thành thói quen nên lấy tên Lân để đặt cho chùa. 

Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử
Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử – Nguồn: vietnamplus.vn

Cảnh quan chùa vô cùng khang trang, phí trước sân chùa có một viên đá màu nâu lớn mang ý nghĩa phong thủy; hai bên cửa chính là hai bức chạm khắc trang trí hình hoa sen. Thiền viện núi Yên Tử vẫn giữ nguyên dáng mái mũi hài nhưng chi tiết trang trí được tối giản bằng hình dạng mây vờn.

Tháp Huệ Quang (Tháp Tổ)

Tháp nằm giữa khu tháp chính là nơi đặt xá lị của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm. Không gian nơi đây khá đơn giản, nổi bật là kiến trúc mái mũi hài đặc trưng và nhiều ngôi tháp nhỏ – nơi đặt xá lị của nhiều đời sư thầy nên cảm giác vô cùng thiêng liêng.

Tượng đá An Kỳ Sinh

Đây là một bức tượng đá tự nhiên tựa như vị tu sĩ dáng đứng hiên ngang trên núi Yên Tử, tay chắp cung kính, thân khoác áo dài. Khi xưa nơi đây là điểm tưởng nhớ và ghi ơn của đạo sĩ An Tử  – người đã tạo ra nhiều phương thuốc tốt chữa bệnh cho dân. Đứng đây du khách có thể cảm nhận được sự kỳ diệu, hùng vĩ của thiên nhiên và lắng nghe những câu chuyện gắn liền với nơi đây.

Tượng phật Trần Nhân Tông

Tượng Trần Nhân Tông núi Yên Tử
Tượng Trần Nhân Tông núi Yên Tử – Nguồn: baotintuc.vn

Đây là bức tượng đồng đầu tiên được đúc nổi trên vị trí núi đá cao với trọng lượng 138 tấn và chính thức khánh thành vào ngày 3/12/2013 sau hơn 5 năm thi công. Tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử là bức tượng cao 12,6m tọa trên đài sen cao 2m nằm trong khi đất rộng 2.200m2 có khu vực hành lễ và nhiều công trình khác. Xung quanh bệ đá được chạm khắc hoa văn rồng và hoa cúc; tượng gắn liền với ngày Lễ phật giáo lớn của Việt Nam là ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông Niết bàn.

Một số đặc sản ở Yên Tử

Không chỉ nổi tiếng bởi thắng cảnh, giá trị kiến trúc và văn hóa phong phú mà khu du lịch núi Yên Tử còn ghi dấu trong lòng du khách bởi nhiều món đặc sản như:

Đặc sản măng trúc tươi

Măng trúc tươi ở đây nhờ hấp thụ được sinh khí của trời và dưỡng chất quý của đất mà thân mềm, ngọt vô cùng chứ không như ở những vùng khác. Du khách có thể dễ dàng tìm mua đặc sản Quảng Ninh này tại những điểm dừng chân trên đường lên núi hay phía chân núi. Loại măng này có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và trở thành món quà hấp dẫn mỗi lần ghé thăm đỉnh Yên Tử của nhiều du khách. 

Giá bán khoảng 120.000đ/kg.

Thưởng thức rượu mơ Yên Tử

Sự kết hợp của trái mơ và rượu gạo cay nồng cho ra món thức uống đặc trưng, nổi tiếng khắp gần xa. Khi uống rượu mơ thực khách có thể cảm nhận được vị chua nhè nhẹ của trái mơ, hương thơm thoang thoảng, vị ngọt dịu chứ không cay nồng như những loại rượu khác rất dễ uống. Du khách có thể tìm mua rượu mơ Yên Tử ở bất cứ cửa hàng nào gần khu vực núi; giá khoảng 60.000đ/chai.

Trầu tại núi Yên Tử Quảng Ninh

Đây là một loại cây với khả năng giảm đau nhức xương khớp, hỗ trợ điều trị vết thương ngoài da vô cùng hiệu quả. Chính bởi vậy mà nhiều người xem nó như vị thuốc quý mỗi lần có dịp ghé thăm đều muốn mua một chút về để dự trữ và làm quà cho người thân.

Du khách có thể mua lá trầu tươi hoặc dầu xoa bóp làm từ trầu một lá đều rất hiệu quả; giá bán khoảng 60.000đ/chai ngâm rượu 500ml.

“Du khác đừng quên ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Quảng Ninh như: Hồ Yên Trung, đền Cửa Ông, biển Trà Cổ, khu du lịch Quảng Ninh Gate, bảo tàng Quảng Ninh, đảo Ngọc Vừng, đảo Cái Chiên,… để có chuyến du lịch đầy trọn vẹn”

Khu du lịch núi Yên Tử là một trong những địa điểm du lịch kết hợp trải nghiệm và văn hóa hấp dẫn dành cho du khách. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ du khách có thể xây dựng cho mình lộ trình phù hợp và sẵn sàng chinh phục đỉnh núi nơi đất Phật linh thiêng.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien