Nghĩa trang Hàng Dương là một địa điểm linh thiêng, chứng kiến sự bi tráng, hào hùng trong thời kỳ đen tối của Côn Đảo. Chính tại đây biết bao nhiêu chiến sĩ anh dũng chiến đấu trước đòn roi và những tra tấn dã man của địch để rồi mãi mãi ngã xuống.
Cùng tìm hiểu về nghĩa trang nổi tiếng nhất của Côn Đảo mang cái tên “Hàng Dương”, một địa điểm nhớ nguồn, nơi ta tưởng nhớ về những thế hệ cha anh đã anh dũng đấu tranh dưới sự áp bức của tù ngục Côn Đảo, đánh đổi cho nền độc lập – dân chủ của Tổ quốc ngày nay
Vài nét về nghĩa trang Hàng Dương
Lịch sử nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo
Là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo, trước đây Hàng Dương là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng, nhân dân yêu nước thuộc nhiều thế hệ trong suốt giai đoạn 1862 – 1975 tại nhà tù Côn Đảo. Cả trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng và sau này là Đế quốc Mỹ cùng quân đội Việt Nam Cộng hòa cầm quyền.
Suốt 100 năm nhà tù Côn Đảo đã có khoảng 2 vạn chiến sĩ anh dũng ngã xuống trước đòn roi và sự tra tấn dã man. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chỉ có gần 2000 ngôi mộ được tìm thấy, hơn nửa số đó là những ngôi mộ vô danh. Cùng với Nhà Tù Côn Đảo thì nghĩa trang chính là những chứng tích cho thấy sự man rợ của quân đội thực dân và chính phủ cầm quyền thời bấy giờ.
Nghĩa trang Hàng Dương bắt đầu được khởi công xây dựng tôn tạo từ ngày 19/12/1992 do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư, Viện kỹ thuật Công binh là đơn vị tiến hành triển khai dự án.
Vào ngày 19/4/17979, Di tích nghĩa trang Hàng Dương được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Và đến ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định Công nhận đây là Di tích Đặc biệt Quốc gia.
Nghĩa trang Hàng Dương ở đâu?
Nghĩa trang nằm trên địa phận của huyện Côn Đảo, cách trung tâm thị trấn khoảng 2.5km. Đây là địa điểm không thể tách rời khỏi khu di tích lịch sử Quốc gia nhà tù Côn Đảo. Quy mô của nghĩa trang lên đến 20ha, chia làm 4 khu vực, mỗi khu vực đều được phân chia theo từng giai đoạn gắn liền với những thay đổi lớn trong lịch sử của đất nước. Nghĩa trang mở cửa miễn phí tất cả các ngày từ 7h – 22h cho du khách tới tham quan, kính viếng.
Khám phá nghĩa trang Hàng Dương
Bố cục tổng thể
Sau khi tôn tạo và xây dựng lại vào năm 1992, tổng thể nghĩa trang được chia làm 4 khu vực:
- Khu vực A: Gồm 688 ngôi mộ (7 mộ tập thể) , 91 ngôi mộ đã có tên và 597 ngôi mộ vẫn chưa xác định được danh tính. Đa số là các phần mộ chiến sĩ từ trước 1945, trong đó có mộ của liệt sĩ cách mạng, cố tổng bí thư Lê Hồng Phong; Nhà yêu nước, nhà báo, nhà văn Nguyễn An Ninh.
- Khu vực B nghĩa trang Hàng Dương: Với 695 ngôi mộ (17 mộ tập thể) , khu vực B của nghĩa trang có 276 mộ có tên và 419 mộ khuyết danh. Đa số là các phần mộ ở giai đoạn 1945 – 1960, trong đó có mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc.
- Khu vực C: Khu vực này có 373 ngôi mộ (1 mộ tập thể) trong đó 332 mộ có tên và 41 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960 – 1975, tại đây có ngôi mộ của anh hùng Lê Văn Việt.
- Khu D: Gồm 157 ngôi mộ, trong đó 14 mộ có tên và 144 mộ khuyết danh. Đặc biệt mộ khu D được quy tập các mộ từ Hòn Cau và Hàng Kẹo về
Những kiến trúc đặc biệt tại nghĩa trang Hàng Dương
Trong khuôn viên nghĩa trang còn có nhiều kiến trúc với những ý nghĩa đặc biệt được người nghệ sĩ tạo ra gửi gắm vào điển hình là 3 tác phẩm điêu khắc: Bức tượng trao áo, “Bất khuất” và “Hy vọng”.
- Bức tượng trao áo: Tượng cao 9m, nặng 25 tấn được khởi công xây dựng vào ngày 16/7/1980. Dưới chân tượng có ghi lại dòng chữ “Vĩnh biệt đồng chí”, tượng miêu tả lại hành động cảm động trao áo của ông Vũ Văn Hiếu cho Cố tổng bí thư Lê Duẩn trước khi anh dũng hy sinh trước bệnh tật và những đòn tra tấn của quân địch.
- Một kiến trúc nổi bật khác tại nghĩa trang Hàng Dương mang cái tên “Bất khuất”, đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Hải Châu. Tác phẩm dài 22m và cao 3.2m, miêu tả lại những tù nhân đang giúp đỡ, nương tựa lẫn nhau chiến đấu chống lại gông cùm, xiềng xích của giặc xâm lược. Tác phẩm không những kể được một câu chuyện đầy xúc động về sự đoàn kết của tù nhân chính trị, vừa khắc họa được ý chí đấu tranh kiên cường, không chịu khuất phục trước những khó khăn của cuộc sống tù đầy,
- “Hy vọng” là tác phẩm của nhà điêu khắc Phan Gia Hưng; Tượng cao 5m, tạc một người con gái Việt đang đứng hiên ngang trước gió biển, trên tay thả chim bồ câu, biểu tượng của sự tự do, của hòa bình, của tình thần lạc quan, luôn tràn đầy hy vọng như khác họa lại hình ảnh Chị Sáu – người con gái cách mạng anh hùng của dân tộc
Kinh nghiệm thăm viếng nghĩa trang Hàng Dương
Theo kinh nghiệm chia sẻ của người dân khi thăm viếng nghĩa trang nên đi theo 2 lịch trình thăm viếng ban ngày và ban đêm: Ban ngày viếng mộ các anh hùng cách mạng, riêng mộ cô Sáu thì nên viếng vào ban đêm. Bạn có thể tự chuẩn bị đồ lễ hoặc mua ở các cửa hàng dọc trên đường đến nghĩa trang, đồ lễ có thể là hoa quả, bánh trái, hoa tươi, hàng mã, gương lược,… Bạn có thể chuẩn bị các đồ lễ đặc biệt như quần áo bộ đội, mũ tai bèo, gói chè, bao thuốc, hoa để lễ ở Đài tưởng niệm, còn riêng với đồ lễ cho cô Sáu, có thể chọn nón lá, tiền vàng, gương lược, nước suối, hoa trắng,…
- Lịch trình thăm viếng ban ngày: Đầu tiên, du khách sẽ đến thắp hương tại Lễ đài tưởng niệm sau đó lần lượt đi thắp hương cho các khu mộ tại nghĩa trang Hàng Dương theo thứ tự lần lượt từ A – D: Khu A (viếng mộ các anh hùng liệt sĩ, viếng mộ liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh) – Khu B (viếng mộ các anh hùng cách mạng, viếng mộ anh hùng Cao Văn Ngọc, lưu ý không viếng mộ chị Sáu) – Khu C (viếng mộ các chiến sĩ cách mạng, viếng mộ anh hùng Lê Văn Việt) – Khu D (do khu vực này ở khá sâu bên trong, có khá ít người thăm viếng, nên du khách có thể tới thắp hương hoặc không)
- Lịch trình thăm viếng nghĩa trang Hàng Dương về đêm: Đầu tiên du khách vẫn tiếp tục thắp hương trước ở đài tưởng niệm, sau đó sẽ đến Thăm viếng, cầu nguyện ở mộ chị Võ Thị Sáu.
“Sau khi thăm viếng nghĩa trang, du khách đừng quên khám phá các địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Công Đảo như: Vườn quốc gia Côn Đảo, bãi Đầm Trầu, nhà tù Côn Đảo,…”
Nghĩa trang Hàng Dương là nghĩa địa lớn nhất tại Côn Đảo, chính tại nơi đây hàng vạn chiến sĩ yêu nước của ta đã ngã xuống. Đau thương là thế, bi tráng là thế nhưng sự hi sinh của các anh, các chị đã đánh đổi cho chúng ta một nền độc lập, hòa bình như ngày nay. Để rồi ngày nay biết bao nhiêu triệu người vẫn ghé thăm nơi đây để thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính đối với thế hệ đi trước.