Bảo tàng dân tộc học Việt Nam hiện nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, được khánh thành năm 1997. Với những hiện vật trưng bày bình dị, bảo tàng đã thành công trong việc mang tới không gian tái hiện một cách chân thực và sống động mọi khía cạnh văn hóa phi vật thể và vật thể cũng như những nét tiêu biểu trong đời sống của các dân tộc Việt Nam.
Bảo Tàng Dân tộc học Hà Nội được khánh thành từ tháng 11 năm 1997 là nơi giới thiệu và trưng bày những giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc mang đậm tính chất lịch sử, vùng miền, trong đó nổi bật nhất là vườn kiến trúc dân gian. Ngoài ra, bảo tàng còn có trưng bày các giá trị văn hóa của các dân tộc tại khu vực Đông Nam Á. Nơi đây cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian vào dịp Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán hàng năm.
Bảo tàng dân tộc học ở đâu, đi đến đây thế nào?
Bảo tàng hiện nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên thuộc địa phận phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, ngay trong nội thành Hà Nội – cách trung tâm Hà Nội 8km và cách bến xe Mỹ Đình khoảng 3,6km. Bảo tàng nằm đối diện với hồ Nghĩa Tân, công viên Nghĩa Đô, công viên Cầu Giấy, công viên Thủ Lệ,… nên bạn có thể kết hợp khám phá cả hai địa điểm du lịch này cho lịch trình của mình.
Nếu đi tham quan bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bằng phương tiện cá nhân, bạn có thể gửi xe trong khuôn viên bảo tàng hoặc ở phía công viên Nghĩa Đô phía đối diện.
Ngoài ra, bạn có thể di chuyển đến bảo tàng bằng cách tuyến bus sau:
- Bus 12: xuống tại công viên Nghĩa Đô và đi bộ thêm khoảng 300m; tần suất 10 – 20p/chuyến từ 5h00 – 21h00; giá vé: 7.000đ/người.
- Bus 07: xuống tại điểm dừng trên đường Nguyễn Văn Huyên và đi bộ khoảng 200m; tần suất: 15 – 20p/chuyến từ 5h00 – 22h30; giá vé: 8.000đ/người…
- Truy cập busmap.vn để biết thêm thông tin chi tiết
Năm 1981 Nhà nước đã có định hướng thành lập mặt viện bảo tàng Dân tộc học tại thủ đô Hà Nội nhưng phải đến ngày 24/10/1995 mới có quyết định thành lập chính thức, dưới sự kết hợp tuyệt vời của 2 kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (người dân tộc Tày) và Veronique Dollfus (quốc tịch Pháp). Ngày 12/11/1997, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Tổng thống Cộng hòa Pháp đã cắt băng khánh thành bảo tàng. Chỉ tính đến năm 2000 thì bảo tàng là nơi cất giữ và trưng bày 42.000 phim và 15.000 hiện vật; 25 đĩa CDRom; 373 băng video; 273 file ghi âm; 2.190 phim dương bản quý về văn hóa của 54 dân tộc. (Nguồn: hpa.hanoi.gov.vn)
Giá vé vào bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bao nhiêu?
Vé vào tham quan bảo tàng năm 2021 được áp dụng như sau:
- Người lớn: 40.000đ/người/lượt
- Sinh viên: 15.000đ/lượt
- Học sinh: 10.000đ/lượt
- Trẻ em < 6 tuổi: Miễn phí
Ngoài ra, những trường hợp đặc biệt được miễn vé gồm: Người có thẻ ICOM, Nhà báo, Nhà tài trợ, Người có thẻ bạn của bảo tàng văn hóa các dân tộc học Việt Nam; người khuyết tật nặng. Giảm 50% giá vé đối với: Người cao tuổi; Người dân tộc thiểu số; Người khuyết tật.
Chi phí thuyết minh / hướng dẫn viên được áp dụng như sau:
- Trong nhà – Tiếng việt: 50.000đ/lượt
- Ngoài trời – Tiếng Việt: 50.000đ/lượt
- Toàn bộ bảo tàng – Tiếng việt: 100.000đ/lượt
- Trong nhà – Tiếng anh/Tiếng pháp: 100.000đ/lượt
Lưu ý: Số lượng thuyết minh / hướng dẫn viên bảo tàng Dân tộc học Hà Nội là có hạn. Vậy nên để đảm bảo lộ trình và trải nghiệm, bạn nên liên hệ và đặt lịch trước theo số 0243 75 62 193.
Một số thông tin khác:
- Giờ mở cửa: 8h30 – 17h30 thứ 3 đến chủ nhật hàng tuần (trừ tết Nguyên Đán)
- Điện thoại: (84-4) 37562193
- Fax: (84-4) 38360351
- Email: [email protected]
- Website: vme.org.vn
Bảo tàng dân tộc học có gì hấp dẫn?
Với tổng diện tích 4,5ha bảo tàng thuộc quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; đây là nơi nghiên cứu, phục chế và trưng bày tư liệu về 54 dân tộc. Toàn bộ bảo tàng được chia thành 03 phân khu chính:
Khu trưng bày ngoài trời
Khu trưng bày ngoài trời (còn gọi là Vườn kiến trúc) là nơi tái hiện lại các kiến trúc dân gian hay nhà ở đặc trưng của các dân tộc trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Kiến trúc nhà mồ của người GiaRai; nhà trệt lợp ván của người Pơmu; nhà trình tường của người Hà Nhì;… tất cả đều được tái hiện một cách chân thực và sắc nét tại khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Không chỉ tái hiện lại kiến trúc, bảo tàng còn chú trọng tạo không gian xanh mát, xen kẽ bởi nhiều cây cối mang tới cảm giác thoáng đãng, thư giãn cho du khách. Đồng thời, vườn xanh cũng là không gian lưu mà du khách có thể tìm thấy nhiều loài cây quen thuộc trong văn hóa Việt như: cây tre, cây nứa, cây trúc hay lộc vừng,..
Tòa nhà trống đồng bảo tàng Dân tộc học
Nhà trống đồng gồm hai tầng là nơi lưu trữ nhiều hiện vật quý về văn hóa xã hội, đặc điểm vùng miền khu vực sinh sống của mỗi dân tộc.
Tầng 1
Tầng 1 hiện đang trưng bày 15.000 hiện vật và 42.000 phim tài liệu cùng nhiều mô hình tái hiện sinh động lại đời sống, sinh hoạt hay các ngành nghề thủ công của 54 dân tộc anh em. Ngoài ra ở đây còn có nhiều dụng cụ độc đáo gắn liền với những ngành nghề sản xuất thủ công; đồng thời tái hiện lại một phần không gian sống hay tập tục – văn hóa nổi bật.
Tầng 2 của tòa nhà trống đồng bảo tàng Dân tộc học
Khu trưng bày chủ đề được bố trí một cách linh hỏa và đa dạng mang hững ý nghĩa riêng biệt tương ứng với từng năm. Một trong những chủ đề nổi bật được lòng du khách như: Hà Nội thời bao cấp – năm 2006; Đời sống và con người Tây Nguyên – năm 2014 – 2015;… Ngoài ra, tại đây sẽ có khu vực phân hóa theo từng địa điểm của mỗi dân tộc mang tới cho du khách cái nhìn khách quan hơn về ảnh hưởng của địa lý đến văn hóa và đời sống.
Toàn bộ khu trưng bày bên trong nhà Trống Đồng tại viện bảo tàng Dân tộc học sẽ có ghi chú phía dưới hình ảnh, hiện vật bằng ba thứ tiếng: Tiếng việt, Tiếng pháp và Tiếng anh. Để thuận tiện hơn du khách nhớ lấy “Giấy giới thiệu Bảo tàng” được phát miễn phí cho du khách ngay tại quầy mua vé.
Khu trưng bày Đông Nam Á
Tòa nhà hình cánh diều bên trong bảo tàng Dân tộc học Hà Nội chính là khu trưng bày Đông Nam Á nơi đưa du khách đến với một thoáng văn hóa Á Đông đặc trưng và một nét đẹp của những nền văn hóa nổi bật trên thế giới.
Không chỉ tham quan mà du khách còn có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều kiến thức thú vị từ những nền văn hóa khác nhau thông qua tài liệu, hiện vật, phim ảnh,… Trong đó, khu vực hội trường; phòng chiếu phim và phòng đa phương tiện là những địa điểm hấp dẫn du khách hơn cả.
Các hoạt động tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Không chỉ nghe, nhìn hay tự mình tìm hiểu về nền văn hóa của 54 dân tộc và các quốc gia, khu vực trên thế giới du khách còn có thể trải nghiệm những hoạt động thú vị khác tại đây như:
Tham quan và mua quà lưu niệm
Ngay trong khuôn viên của Bảo tàng dân tộc học sẽ có những gian hàng trưng bày và bán những món đồ lưu niệm nhỏ xinh như: vải thổ cẩm, tranh – ảnh về đất nước Việt Nam, móc khóa,… Chắc chắn bạn sẽ chọn được món quà ưng ý dành cho người thân, bạn bè của mình tại quầy lưu niệm của bảo tàng Dân tộc Việt Nam.
Xem múa rối nước
Đây là một trong những loại hình nghệ thuật giải trí tại khu vực châu thổ Sông Hồng đã xuất hiện cách đây khoảng 10 thế kỷ. Nó là sự kết hợp hài hòa của âm nhạc, không gian và thể hiện sự khéo léo của người nghệ sĩ, đồng thời cũng là một trong những loại hình nghệ thuật có vị trí quan trọng trong văn hóa sân khấu của dân tộc Việt Nam được bạn bè quốc tế đón nhận.
Chụp hình và lưu giữ kỷ niệm khi tham quan bảo tàng Dân tộc học Hà Nội
Đến với bảo tàng, bạn chắc chắn sẽ lưu giữ được những bức ảnh độc đáo trong một không gian đậm chất văn hóa và nghệ thuật. Lưu ý áp dụng mức phí 50.000đ/máy ảnh du lịch; các trường hợp khác du khách nên liên hệ quầy bán vé hoặc số điện thoại 0437562193 để biết thêm chi tiết.
“Có thể bạn quan tâm: Hệ thông các bảo tàng thu hút du khách tới tham quan khác của Hà Nội: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng Phòng không Không quân, bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, bảo tàng lịch sử Quân sự, bảo tàng Phụ nữ,…”
Những lưu ý khi tham quan bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Các quy định khi tham quan
Du khách đến tham quan tại bảo tàng cần tuân thủ những quy định sau:
- Hướng dẫn viên khá ít nên rất dễ kín lịch; du khách nên đặt trước thuyết minh trước khi đến.
- Không mang theo vật liệu dễ cháy nổ hay hóa chất độc hại, chất ăn mòn hay các vật dụng nguy hiểm khác.
- Giữ trật tự, không hút thuốc không ngồi hoặc chạm lên các hiện vật trưng bày bên trong bảo tàng dân tộc Việt Nam; không tự ý di chuyển hiện vật. Khi chụp hình du khách không được dùng đèn flash tại khu vực phòng trưng bày.
- Không trèo, hái hoa hoặc hái quả trong khuôn viên bảo tàng, không dẫm lên cỏ có ý thức giữ gìn cảnh quan chung.
- Du khách có nhu cầu tổ chức các hoạt động tập thể, đổi nhóm tại bảo tàng cần liên hệ trước với Ban quản lý để được hướng dẫn
Các quán ăn gần viện bảo tàng dân tộc Hà Nội
Sau khi dạo chơi một vòng tại bảo tàng, bạn có thể nghỉ ngơi và dùng bữa tại một số nhà hàng nổi tiếng gần đây như:
Nhất Cháo
Bên cạnh cháo, lẩu cháo nhà hàng cũng phục vụ nhiều món ăn hấp dẫn khác như: dimsum, phở, xôi, mỳ, cơm văn phòng, cơm chiên,… Quán sở hữu không gian rộng, thoáng mát.
- Địa chỉ: Ngõ 5, đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy – cách bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 350m
- Giá: 30.000 – 599.000đ/món
- Giờ mở: 7h30 – 03h00
- Số điện thoại: 09 105 29 29
Nhà hàng Nét Huế
Nhà hàng chuyên phục vụ những món ăn Huế thơm ngon như: Bò tiêu cơm cháy, hến xúc bánh tráng, bánh ướt cuốn thịt nướng, lẩu. Giữa không gian gần gũi được trang trí đẹp mắt bằng tranh hoa sen và những vật dụng thân thuộc như mẹt; bát sứ;… mang đậm chất cung đình xưa.
- Địa chỉ: Ngã tư đường Nguyễn Văn Huyên, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy – cách bảo tàng Dân tộc học 300m
- Giá: 65.000 – 465.000đ/món
- Giờ mở cửa: 7h00 – 22h00
- Số điện thoại: 096 829 64 33
Bằng kinh nghiệm thực tế chúng tôi vừa cung cấp cho du khách những thông tin quan trọng như giờ mở cửa, giá vé, trải nghiệm và chi phí cho chuyến tham quan bảo tàng Dân tộc học Việt Nam của du khách. Ở Hà Nội, còn 1 số bảo tàng thú vị khác mà bạn có thể ghé thăm như bảo tàng Phụ nữ, bảo tàng Phòng không – Không quân, bảo tàng Mỹ Thuật,…