TRANG CHỦ / Du lịch Hà Nội / Khuê Văn Các và những điều thú vị ẩn sau BIỂU TƯỢNG của Thủ đô

Khuê Văn Các và những điều thú vị ẩn sau BIỂU TƯỢNG của Thủ đô

Tác giả: Nguyễn Quý
1.774 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
khuê văn các
Ảnh: @vananhnguyen.thi

Khuê Văn Các, một phần không thể thiếu làm nên vẻ đẹp và tính biểu tượng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, góp phần làm nên nét đặc trưng của thủ đô nghìn năm văn hiến. Không chỉ là một kiến trúc độc đáo, căn gác này còn mang có ý nghĩa đặc biệt gắn liền với lịch sử và văn hóa của đất nước. 

Đối với người dân Thủ đô, có lẽ không ai là không biết đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam và cũng là biểu tượng cho truyền thống hiếu học nước nhà. Và trong đó, Khuê Văn Các được xem là một phần quan trọng không thể thiếu trong kiến trúc ấy. Dù chỉ chiếm một diện tích nhỏ nhưng công trình này lại mang ý nghĩa văn hóa và nghệ thuật vô cùng to lớn. Vậy Khuê Văn Các là gì? Ý nghĩa ẩn chứa trong kiến trúc ra sao? Cùng tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu về lịch sử của Khuê Văn Các 

Đây là là một trong 5 chiếc cổng trong khu vực nội tự của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nếu tính từ ngoài vào trong thì đây là cổng thứ 3, trước đó là cổng Đại Trung và kế tiếp là cổng Đại Thành. Các Khuê Văn được xây dựng vào năm 1805 tức là rất lâu sau khi Văn Miếu và Quốc Tử Giám ra đời (1070 và 1076) do Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành xây dựng. Ở một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, Khuê Văn Các được sử dụng như một thư viện sách, nơi tập hợp và chứa đựng tinh hoa tri thức nhân loại. Khác với phiên bản tại Trung Quốc, ở Việt Nam thì nơi đây không dùng để chứa sách mà chỉ mang nhiệm vụ tưởng niệm Khổng tử và Nho giáo. 

khuê văn các xưa
Các Khuê Văn xưa – Ảnh: Báo Nông nghiệp

Trong khi Văn miếu – Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên, là sự khởi đầu cho nền giáo dục khoa bảng Nho học của Việt Nam thì Các Khuê Văn lại là nơi mà các nhà Nho tìm đến để đàm đạo, bình luận thơ văn của những sĩ tử đã thành công đỗ đạt trong khoa thi Hội. 

Khuê Văn Các là gì?

Để phân tích tên gọi 1 chút, chữ Khuê có nghĩa là sao Khuê, một ngôi sao sáng trong chòm 28 sao. Sách Hiếu kinh có ghi chép: “Khuê chủ văn chương”, tức sao Khuê là biểu tượng của văn chương. Chính vì vậy đây là địa điểm mà hầu như bất cứ bậc thi nhân nào khi xưa cũng muốn đặt chân tới. 

Ý nghĩa của Khuê Văn Các

Việc xây dựng nơi đây ngay cạnh giếng Thiên Quang cũng là một dụng ý nghệ thuật to lớn. Về mặt phong thủy, giếng Thiên Quang có hình vuông, tượng trưng cho đất và những ô cửa tròn ở 4 mặt trên lầu của Các Khuê Văn tượng trưng cho trời theo quan niệm “trời tròn đất vuông”. Như vậy khu vực này sẽ được coi là nơi linh khí đất trời hội tụ. Các danh sĩ xưa thường chọn nơi này đàm đạo có lẽ cũng xuất phát từ mong muốn được lĩnh hội những tinh hoa của thiên địa để sự nghiệp đèn sách được soi sáng rộng mở. 

biểu tượng khuê văn các
Ảnh: @annhien_0990

Từ năm 1997 UBND, thành phố Hà Nội đã lựa chọn hình ảnh Khuê Văn Các làm biểu tượng chính thức của Thủ đô. Bên cạnh đó, địa điểm này còn xuất hiện trên mặt sau của tờ 100,000 VNĐ. Đây chính là những minh chứng hùng hồn và rõ ràng nhất cho những giá trị mà công trình này đang sở hữu.  

Khám phá kiến trúc của Khuê Văn Các

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một khối kiến trúc cổ mang đậm phong cách phương Đông, im đậm dấu ấn Nho học và Phật giáo được biểu hiện rõ nét trong từng chi tiết, từ vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ lim, gạch nung hay ngói mũi hài cho đến lối kiểu nhà hai tầng 8 mái, hoa văn trang trí rồng phượng. Toàn bộ khu di tích có thể được chia làm 5 lớp nối tiếp với nhau qua các cánh cổng gạch trong đó Khuê Văn Các được coi là cánh cổng thứ 3 và cũng là cánh cửa đẹp mang nhiều ý nghĩa nhất. 

khuê văn các là gì
Ảnh: @andrea_perini_78

Các Khuê Văn cùng cổng phụ Bí Văn và Súc Văn gợi liên tưởng tới kiểu cổng Tam quan đặc trưng của phong cách chùa chiền Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Bắc, trong đó Khuê Văn Các được coi là cổng chính. Công trình là một căn gác gồm 2 tầng được xây trên một nền vuông lát gạch Bát Tràng với bề mặt cao hơn so với mặt đất. Tầng dưới là 4 cột trụ bằng gạch lớn được trang trí hoa văn cầu kỳ với 4 mặt xung quanh không xây gạch mà để trống. Tầng trên lại được làm hoàn toàn bằng gỗ với nước sơn màu đỏ nổi bật đồng điệu với phần mái ngói. Phần mái được xây theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái trong đó, loại ngói ống được chọn làm vật liệu chính. 

kiến trúc khuê văn các
Ảnh: Báo Dân trí

Điểm nhấn trong kiến trúc Khuê Văn Các chính là những ô cửa tròn có 8 tiếp điểm tỏa những đường thẳng ra xung quanh. Đây chính là sự tái hiện hình ảnh ngôi sao Khuê ngời sáng trên bầu trời giống như những vị hiền tài luôn toát ra vẻ đẹp của ánh sáng tri thức. 4 mặt trên tầng lầu đều có khắc một cặp câu đối bằng chữ Hán với nội dung tôn vinh vẻ đẹp của nơi này và đạo học. Phía trên của khung cửa tròn là một bức đại tự đề chữ Khuê Văn Các. Xung quanh là dải lan can hình con tiện khiến tổng thể trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn nhiều. 

hình ảnh khuê văn các
Ảnh: @iam.hoiii

Các Khuê Văn chính là cánh cửa đưa du khách từ cổng Đại Trung vào đến Giếng Thiên Quang và hệ thống bia đá tiến sĩ trên mai rùa đá, nơi được coi là địa điểm phải đến của các sĩ tử trước khi bước vào những kì thi căng thẳng và quyết định cuộc đời mình.  Vào ban đêm, công trình này được thắp đèn đỏ nổi bật và đẹp mắt vô cùng.

>> Khám phá các kiến trúc biểu tượng khác của Thủ đô:

Thông tin khác về Khuê Văn Các mà bạn nên biết

Khuê Văn Các ở đâu?

  • Di tích này nằm trong tổ hợp Văn Miếu – Quốc Tử Giám có địa chỉ tại số 58 đường Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. 

Để di chuyển tới địa điểm này từ Hồ Hoàn Kiếm, bạn đi vào đường Lê Thái Tổ, tới ngã từ giao với Tràng Thi và Hàng Trống, tiếp tục đi thẳng vào phố Bà Triệu sau đó rẽ phải vào Hai Bà Trưng. Đi dọc đến hết Hai Bà Trưng rồi nhập vào đường Nguyễn Khuyến. Sau khi đi hết Nguyễn Khuyến bạn hãy rẽ trái ở phố Văn Miếu và rẽ phải để vào đường Quốc Tử Giám là sẽ thấy Văn Miếu ở bên tay phải. 

ý nghĩa của khuê văn các
Ảnh: Báo Dân trí
  • Văn Miếu – Quốc Tử Giám mở cửa từ: 8h – 16h30 các ngày trong tuần 
  • Giá vé tham quan toàn bộ công trình (bao gồm Khuê Văn Các): 30,000 VNĐ/lượt  

Lưu ý khi ghé thăm Khuê Văn Các ở Văn Miếu

  • Mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ
  • Tuyệt đối không viết, vẽ bậy lên mặt tường hay bất cứ bề mặt nào của Khuê Văn Các
  • Vứt rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung 
  • Không nói chuyện, cười đùa quá to trong khuôn viên

Mua quà lưu niệm liên quan đến Khuê Văn Các

Khách du lịch rất thích các đồ lưu niệm có in hình hay tạo hình Các Khuê Văn như móc khóa, tranh thêu, áo… Bên cạnh đó, các mô hình hay địa hình bằng đồng Khuê Văn Các thường được đặt làm để mang tới các hội nghị, hội thảo quốc tế dành tặng cho các vị khách quý nước ngoài như một món quà đối ngoại ý nghĩa. Nếu tới tham quan nơi này nhân dịp đầu năm mới, bạn sẽ có cơ hội được tham gia những hoạt động thú vị như xin chữ, khai bút đầu năm với sự tham dự của rất đông các bạn học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh nữa. 

Khuê Văn Các cùng lối kiến trúc ấn tượng không chỉ đại diện cho nét đẹp truyền thống dân tộc mà còn thể hiện được tầm vóc, ý chí con người Việt Nam. Các Khuê Văn cùng với các địa điểm gần đó như Liên Hoa Đài (cách 1,2km), Tháp Rùa (cách 2,3km) đã làm nên một tổ hợp di tích tiêu biểu mà bất cứ ai cũng không nên bỏ lỡ khi đặt chân tới vùng đất thiêng liêng này.

Khuê Văn Các nghĩa là gì?

Khuê Văn Các nghĩa là: “Nơi đón vẻ đẹp của sao Khuê”. Theo sách Hiếu kinh : “Khuê chủ văn chương”, tức sao Khuê là biểu tượng cho văn chương.

Khuê Văn Các xây dựng năm nào?

Các được xây dựng vào năm 1805, rất lâu sau khi Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng.

Khuê Văn Các được in trên đồng tiền nào?

Không chỉ là biểu tượng của thành phố, Các Khuê Văn còn được in trên tờ tiền polymer 100.000 Việt Nam Đồng, phát hành ngày 01/09/2004.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien