TRANG CHỦ / Du lịch Hà Nội / Tham quan cột cờ Hà Nội – Điểm check in được yêu thích của Hà Nội

Tham quan cột cờ Hà Nội – Điểm check in được yêu thích của Hà Nội

Tác giả: Nguyễn Quý
2.052 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
Cột cờ Hà Nội 01
Nguồn: @anh_nguyen2610

Cột cờ Hà Nội đã từng là nơi cả nước hướng về, hòa chung cùng giây phút đất nước giành được độc lập của cả hai miền Bắc Nam. Cũng kể từ đó nơi đây không chỉ trở thành minh chứng cho một Thủ đô tự do mà còn đại diện cho nền độc lập nước nhà.

Cột cờ Hà Nội hay Kỳ đài Hà Nội là 1 địa điểm mang đậm tính lịch sử hiếm hoi còn sót lại sau chiến tranh. Với giá trị cả về lịch sử lẫn kiến trúc, cột cờ này đã được công nhận là di tích lịch sử vào năm 1989. Ngày nay, cột cờ là điểm đến ưa thích của khách du lịch khi tới tham quan thủ đô, là địa điểm check in ưa thích của giới trẻ bởi những nét đẹp trong kiến trúc cũng như ý nghĩa về mặt lịch sử của nó.

Cột cờ Hà Nội ở đâu?

Vị trí

Kỳ đài Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Cột cờ được xây dựng ở phía Đông của Hoàng Thành Thăng Long, trên nền đất cũ của tòa thành Tam Môn nhà Lê. Ngày nay, Cột cờ nằm trong khuôn viên của Bảo tàng lịch sử Quân đội Việt Nam, đối diện với vườn hoa Lê Nin.

Di chuyển đến Cột Cờ Hà Nội

Do nằm ở vị trí Trung tâm của Hà Nội nên rất dễ dàng để bạn di chuyển đến cột cờ. Nếu chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân, bạn chỉ cần chạy theo đường Tràng Thi, qua Cửa Nam tới đường Điện Biên Phủ, di chuyển tiếp tới ngã ba Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương là sẽ tới cột cờ. Lưu ý là vào các ngày cuối tuần sẽ có một vài địa điểm cấm đường nên bạn cần chú ý di chuyển tại tuyến giao thông này.

Nếu chọn di chuyển bằng phương tiện công cộng bạn có thể lựa chọn một trong các tuyến xe bus có bến dừng tại điểm dừng gần cột cờ sau: Tuyến xe bus số 09, tuyến xe bus số 18, tuyến xe bus số 41, tuyến xe bus số 45, tuyến xe bus số 09CT

Cột cờ Hà Nội xây dựng năm nào?

Cột cờ được xây dựng từ năm 1805 dưới triều đại của vua Gia Long và qua 7 năm xây dựng, cột cờ được hoàn thành vào năm 1812. Cột cờ được xây dựng trong khu vực Hoàng thành Thăng Long cách Đoan Môn 300m và cách điện Kính Thiên 500m. Mục đích của các vua nhà Nguyễn ngày xưa là biến địa điểm này thành vọng canh phòng thủ quan trọng bảo vệ Hoàng thành. Từ trên đỉnh của cột cờ Hà Nội có thể nhìn bao quát cả một vùng tương đối lớn ra tận bên ngoài thành.

Cột cờ Hà Nội 02
Nguồn: vnexpress.net

Ý nghĩa của Cột cờ Hà Nội

Trong giai đoạn Thực dân Pháp chiếm đóng thành Hà Nội, mặc dù chúng phá hủy rất nhiều công trình lịch sử, tuy nhiên với vị trí chiến lược cột cờ không bị phá hủy mà trở thành đài quan sát và liên lạc với các khu vực xung quanh của Pháp.

Đến năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công, lá cờ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, mãi đến năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hoàn toàn thắng lợi thì lá quốc kỳ một lần nữa tung bay trên đỉnh cột cờ. 

Cột cờ Hà Nội 03
Nguồn: @ngthuha_

Ngày 10/10/1954, cả nước hướng về Kỳ đài Hà Nội chứng kiến giây phút thiêng liêng của Lễ thượng cờ tại Kỳ đài, cũng từ đó hình ảnh cột cờ đã trở thành biểu tượng cho nền độc lập của nước nhà. Với ý nghĩa lịch sử to lớn, đến năm 1989, cột cờ chính thức được công nhận là di tích lịch sử.

Cột cờ Hà Nội có gì đặc biệt?

Cột cờ nằm trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long nên để tham quan cột cờ bạn cần phải mua vé, giá vé vào đây khá rẻ chỉ 20.000 VNĐ/người, giảm 50% với học sinh, sinh viên và người già trên 60 tuổi, miễn phí vé vào cột cờ Hà Nội với trẻ em dưới 15 tuổi, người có công với cách mạng .Thời gian vào tham quan cột cờ là từ 8h đến 17h tất cả các ngày trong tuần.

Kiến trúc cột gồm 3 tầng  cao và một cột cờ ở trên đỉnh. Tầng một có hình chóp vuông cụt với chiều dài mỗi cạnh 42,5m; cao 3.1m, ở 2 bên có 2 cầu thang làm bằng gạch dẫn lên tầng 2.

Cột cờ Hà Nội 04
Nguồn: zing.vn

“Tham gia Tour khám phá phố cổ bằng xe buýt 2 tầng”

Giống với tầng 1, tầng 2 cũng có hình chóp vuông cụt, chiều dài mỗi cạnh là 27m, cao 3.7m. Tầng 2 có 4 cửa, ở cửa phía Đông có đề 2 chữ “Nghênh Húc” (nghĩa là đón nhận ánh sáng), cửa Tây là 2 chữ “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu), trên cửa Nam là 2 chữ “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng) còn cửa Bắc không có đề chữ. Ý nghĩa của việc đặt tên cho mỗi cửa này là để dễ dàng cho quân lính xác định phương hướng.

Cột cờ Hà Nội 05
Nguồn: vnexpress.net

Tầng 3 có chiều dài mỗi cạnh là 12.8m, cao 5.1m. Tầng có một cửa đi vào trong ở hướng Bắc. Trong tầng có đường cầu thang với tổng cộng 54 bậc, chiều rộng chỉ vừa 1 người đi, xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Soi sáng và thông khí tầng 3 là 39 lỗ có hình dẻ quạt chạy xung quanh thân cột từ dưới lên trên. 

Cột cờ Hà Nội 06
Nguồn: vnexpress.net

Cột cờ Hà Nội cao bao nhiêu mét ?

Toàn bộ cột cờ cao 33.4m, tính cả cán cờ nữa sẽ là 41.4m.

Đỉnh cột cờ được cấu tạo thành 1 căn phòng bát giác, mỗi cạnh có một cửa sổ, chiều cao của căn phòng là 3.3m. Phần đỉnh cột được lợp ngói, ở giữa có một cột sắt dài 8m, có hệ thống ròng rọc dùng để treo cờ.

Địa điểm du lịch gần Cột Cờ Hà Nội ?

Hoàng Thành Thăng Long

Nằm ở số 19C, Hoàng Diệu – Quán Thánh, Ba Đình, cách cột cờ 600m. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Hoàng Thành Thăng Long là một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều đời vua với vai trò như một trung tâm quyền lực, đa dạng về các tầng di tích cùng với chiều dài lịch sử văn hóa từ tận thế kỷ 13 đến nay. Đến tham quan nơi đây, du khách sẽ được chìm trong không gian đậm chất lịch sử cũng như văn hóa thời phong kiến xưa của Việt Nam.

Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam 

Đây là bảo tàng quốc gia, đứng đầu trong hệ thống các bảo tàng Quân Đội. Nằm ở 28A Điện Biên Phủ, Điện Bàn, Ba Đình, cách cột cờ Hà Nội 100m. Hiện nay, nơi đây lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, tài liệu lịch sử. Đặc biệt, đây là nơi cất giữ 4 Bảo vật của Quốc gia bao gồm: Chiếc MiG – 21 số hiệu 4324 (chiếc máy bay trong cuộc chiến đấu chống không quân Mỹ tấn công miền Bắc đã 14 lần bắn rơi máy bay địch), Chiếc máy bay MiG – 21 số hiệu 5121 (chiếc máy bay được anh hùng Phạm Tuân lái và bắn rơi siêu pháo đài bay B52 của Mỹ vào ngày 27/12/1972), Xe tăng T-54B số hiệu 843 (chiếc xe tăng đã tham gia vào các cuộc giải phóng Huế, Đà Nẵng, ,.. Sài Gòn, đặc biệt ngày 30/4/1975, đây là chiếc xe tăng đã húc vào cổng phụ Độc lập, chỉ huy xe tăng lúc đấy là Bùi Quang Thận đã nhảy ra khỏi xe và cắm lá cờ đỏ sao vàng lên nóc Dinh Độc Lập), Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh (tấm bản đồ chỉ các hướng tấn công Sài Gòn – Gia Định của quân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử).

Công viên Lê Nin gần cột cờ Hà Nội

Nằm cách cột cờ chỉ 260m, bạn chỉ cần đi bộ một đoạn là sẽ hòa mình vào bầu không khí trong lành, mát mẻ của công viên. Tại công viên có đặt tượng của vị lãnh tụ của công nhân thế giới V.I.Lê – Nin, bức tượng cao 5.2m, được làm bằng đồng và được đặt trên một bệ đá cao 2.7m.

Ngoài ra, bạn có thể tham quan, khám phá một số địa điểm khác như: Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam (750m); phố Hàng Mã (1,5km); công viên Bách Thảo (1,8km), chùa Quán Sứ (1,5km), nhà tù Hỏa Lò (1,3km), Khuê Văn Các, phố sách Hà Nội Đinh Lễ.

Cột cờ Hà Nội không những là điểm đến tham quan nổi bật tại Hà Nội mà nơi đây còn là một di tích lịch sử hào hùng của dân tộc, biểu tượng của sự độc lập, của sự thống nhất. Nếu bài viết hữu ích, mong bạn bỏ ra vài giây để like bài viết để tạo động lực cho đội ngũ của chúng mình, và đừng quên gửi những ý kiến đóng góp đến dulich3mien để đội ngũ cố gắng cải thiện chất lượng nội dung, cảm ơn và chúc bạn có những giây phút du lịch thú vị, đầy ý nghĩa bên những người thân thương.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien