TRANG CHỦ / Du lịch Hà Nội / Đến Hà Nội, bạn đã một lần ghé thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám chưa?

Đến Hà Nội, bạn đã một lần ghé thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám chưa?

Tác giả: Nguyễn Quý
2.012 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
hình ảnh văn miếu quốc tử giám
Hình ảnh Văn Miếu Quốc Tử Giám - Nguồn: vanmieu.gov.vn

Văn Miếu Quốc Tử Giám là di tích lịch sử cấp Quốc gia, địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Đến với nơi đây, du khách sẽ được ngược dòng lịch sử, chứng kiến quá trình hình thành nên nền văn hiến đáng tự hào của nước nhà tại trường đại học đầu tiên Việt Nam.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi đã đào tạo ra hàng nghìn nhân tài giúp ích cho đất nước, một biểu tượng cho nền khoa cử của Việt Nam thời phong kiến. Không những là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi đây còn có 82 tấm bia tiến sĩ được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới vào năm 2010, qua đó thấy được Văn Miếu không chỉ có giá trị quan trọng về mặt văn hóa lịch sử với Việt Nam mà còn là tài sản cần được gìn giữ  của cả thế giới.

Địa chỉ Văn Miếu Quốc Tử Giám ở đâu?

Vị trí và hướng dẫn di chuyển

Khu di tích nằm ở số 58 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội, nằm giữa 4 con phố chính: Phố Nguyễn Thái Học ở phía Bắc, phố Tôn Đức Thắng ở phía Tây, phố Văn Miếu ở phía Đông và phố Quốc Tử Giám ở phía Đông.

Do nằm ở trung tâm của thủ đô nên bạn dễ dàng di chuyển tới Văn Miếu từ các khu vực của thành phố Hà Nội. Nếu chọn di chuyển bằng xe máy, tại  Hồ Gươm, bạn đi theo đường Lý Thái Tổ, rẽ phải vào đường Tràng Thi, đi về phía Cửa Nam – Nguyễn Khuyến rồi rẽ vào đường Văn Miếu là tới.

Nếu di chuyển bằng xe bus đi Văn Miếu Quốc Tử Giám, bạn có thể lựa chọn các tuyến xe bus có điểm dừng gần Văn Miếu như: tuyến bus 02, tuyến bus 23, tuyến bus 38, tuyến bus 25 hay tuyến bus 41.

>> Tổng hợp các khách sạn gần Văn Miếu Hà Nội tại đây

Giá vé vào Văn Miếu Hà Nội

Di tích lịch sử ở Hà Nội này cho du khách đến tham quan với giá vé 30.000đ đối với người lớn, 15.000đ đối với học sinh, sinh viên, người khuyết tật nặng, người già từ 60 tuổi trở lên, miễn phí vé đối với trẻ em dưới 15 tuổi.

vé vào văn miếu
Vé vào Văn Miếu – Nguồn: @meigun_arch

 Giờ mở cửa Văn Miếu có sự khác nhau theo mùa:

  • Vào mùa Hè (từ 1/4 – 31/10): Mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 7h30 – 17h30
  • Vào mùa Đông (từ 1/11 – 31/3 năm sau): Mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 8h – 17h30

Kiến trúc Văn Miếu Quốc Tử Giám

Quần thể kiến trúc ngày nay của danh thắng Hà Nội này là kết quả của nhiều lần trùng tu, mở rộng qua nhiều triều đại. Kiến trúc chủ yếu của khu di tích ngày nay được xây dựng từ  thời nhà Nguyễn gồm 3 khu vực chính: Khu vực Hồ Văn, khu vực Vườn Giám và khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Khu vực thứ nhất : Hồ Văn Văn Miếu

Hồ Văn nằm ở phía Nam, trước mặt Văn Miếu, hồ còn được gọi là Hồ Minh Đường hay hồ Giám. Diện tích hồ khoảng 12297 m2, ở giữa Hồ có gò tên Kim Châu, trên gò dựng Phán Thủy Đường (hiện nay đã không còn), nơi đây từng là địa điểm các nho sĩ kinh thành xưa tụ tập bình luận văn thơ. Theo ý đồ thiết kế ban đầu, hồ kết hợp với quần thể kiến trúc tạo ra một môi trường hài hòa, trong lành.

hồ văn văn miếu
Hồ Văn – Nguồn: vanhoavaphattrien.vn

Vào ngày 12/12/1998, trong khi nạo vét làm sạch hồ Văn Văn Miếu đã phát hiện được tấm bia Hoàn Văn Hồ bi do cử nhân Hoàng Huân Trung soạn năm Bảo Đại thứ 17 (1942), trên bia đá cho biết hồ Văn cùng dải đất chạy dọc phía Tây đều thuộc quần thể Văn Miếu Quốc Tử Giám, do thời Pháp thuộc phân chia lại hành chính mà hồ bị loại ra khỏi địa phận khu di tích, về sau các tri thức, nho sĩ đã xin trả lại Hồ văn vào địa phận Văn Miếu.

Khu vực thứ hai: Vườn Giám

Vườn là một không gian hình tứ giác nằm ở phía Tây Văn Miếu. Vườn Giám gồm các cây xanh, thảm cỏ, nhà nghỉ bát giác, không gian trong lành, thoáng đãng, nơi đây góp phần làm dịu không khí, gìn giữ cảnh quan và làm đẹp thêm cho khu di tích lịch sử.

vườn giám văn miếu quốc tử giám
Vườn Giám – Nguồn: vanmieu.gov.vn

Trước đây, Vườn Giám bị tách khỏi Văn Miếu Quốc Tử Giám trong giai đoạn chia lại địa giới hành chính của Pháp, sau nhiều lần đề nghị và xin sát nhập, mãi đến năm 1941, vườn mới được trả lại cho khu di tích.

Khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Đây là khu vực quan trọng nhất của quần thể di tích, bao gồm khu vực Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử cùng các nhà Nho giáo nổi tiếng và khu vực Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Bia Hạ Mã

Nằm ở khu Tiền Án của khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám là 2 tấm bia Hạ Mã – nghĩa là điểm xuống ngựa được Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho xây dựng năm 1771. Bia được dựng với mục đích nhắc nhở những người vào Văn Miếu thì dù có địa vị như nào thì đến đây cũng phải phải xuống ngựa đi bộ để biểu thị sự tôn kính với nơi dạy học, đào tạo linh thiêng này.

Tứ trụ Văn Miếu

tứ trụ văn miếu quốc tử giám
Tứ trụ – Nguồn: vanmieu.d.webcom.vn

Ngay khi bước chân vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám bạn sẽ thấy bốn cây cột được trang trí với các linh vật Long, Ly, Quy, Phượng được chạm khắc theo cặp gồm một con to và một con nhỏ. Đây là đồ án Huấn Tử thể hiện hình ảnh của các người Cha đang giáo huấn con cái, thể hiện quan niệm coi trọng vai trò của giáo dục con cái trong nhà của người xưa, học tập chính là gốc rễ của quốc gia.

Cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám

Cửa vào khu di tích là kiến trúc dạng tam quan gồm hai tầng và ba mái. Tầng một gồm 3 cửa, cửa giữa được làm bằng gỗ lim, mở vào bên trong, có trang trí một đôi rồng trầu mặt nguyệt, trên cổng là 3 chữ “Văn Miếu Môn”. 

cổng văn miếu quốc tử giám
Cổng Văn Miếu – Nguồn: Sưu tầm

Trước cổng có một đôi rồng đá được trang trí cách điệu theo phong cách thời Lê, bên trong là đôi rồng đá theo phong cách nhà Nguyễn. Phía cổng ở 2 bên có 2 bức phù điêu “Cá chép hóa rồng” và “Mãnh hổ hạ sơn” thể hiện cho sự phấn đấu thành tài và xuất quan giúp đời của bậc trí thức xưa.

Cổng Đại Trung

Từ cổng Văn Miếu có 3 con đường để đi tiếp, 2 con đường nhỏ 2 bên dẫn đến 2 cổng Thành Đức và Đại Tài, con đường lớn ở chính giữa được lát gạch dẫn tới cổng Đại Trung.

cổng đại trung văn miếu quốc tử giám
Cổng Đại Trung – Nguồn: vanmieu.gov.vn

Cổng Đại Trung Văn Miếu Quốc Tử Giám được thiết kế theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê với 3 gian không có cửa, có 3 bậc lên xuống, nền cổng được lát bằng gốm Bát Tràng, 2 bên cổng là 2 hàng cột chạy dọc ra phía sau, ở giữa là hàng cột để chống đỡ phần mái. Phần mái lợp bằng ngói mũi hài, trên nóc có 2 con cá chép ngồi chầu.

Khuê Văn Các

Qua cổng Đại Trung cũng sẽ có 3 con đường để đi tiếp, 2 con đường nhỏ ở 2 bên sẽ dẫn đến 2 cổng nhỏ là Bí Văn và Súc Văn. Ở giữa nối liền với lối đi từ cổng Đại Trung là Khuê Văn Các – biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Gác Khuê Văn xưa là nơi được dùng để họp bình về những bài văn hay của các sĩ tử thi đỗ kỳ thi hội. Các này được xây dựng năm 1805 tại khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám bởi Tổng trấn Bắc Thành thời bấy giờ, ông Nguyễn Văn Thành. 

Khuê Văn Các có kiến trúc đối xứng với 4 bệ chân cột hình vuông chống đỡ một căn gác vuông với 4 cửa hình tròn, bên trên là 2 tầng mái, được lợp bằng ngói ống. Trên gác có treo biển đề 3 chữ hán “Khuê Văn Các”, lấy chữ Khuê trong chòm sao khuê (chòm sao sáng nhất trong 28 chòm sao), đây là chòm sao biểu trưng cho văn chương, biểu trưng cho nền văn hiến Việt Nam. 

hình ảnh khuê văn các văn miếu
Khuê Văn Các – Nguồn: @iam.hoiii

Năm 2012, hình ảnh Khuê Văn Các đã được chọn làm biểu tượng cho thủ đô Hà Nội và được in hình trên tờ tiền 100 ngàn đồng.

Giếng Thiên Quang, Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám

Qua Khuê Văn Các sẽ đến khu vực giếng Thiên Quang và vườn đặt bia tiến sĩ Văn Miếu.

Giếng Thiên Quang nằm ở giữa, có hình vuông với chiều dài mỗi cạnh là 30m, giếng có lan can xây bằng gạch bao quanh, ở 2 phía Đông và Tây có 2 bậc thang đi xuống, giếng quanh năm đầy nước, nước giếng trong xanh và phẳng lặng.

Ở 2 bên giếng là các dãy bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám, những tấm bia này bắt đầu được khắc từ năm 1484 dưới triều đại vua Lê Thánh Tông nhằm biểu dương và khuyến khích nhân tài có thành tích cao ở các kỳ thi. Hiện nay do sự phá hủy của thời gian nên nơi đây chỉ còn lại 82 tấm bia, trên các tấm bia là họ tên và quê quán của 1304 Tiến sĩ đỗ đạt trong 82 khoa thi trong suốt giai đoạn 1442 – 1779.

bia tiến sĩ văn miếu quốc tử giám
Bia Tiến sĩ – Nguồn: toquoc.vn

Vào năm 1994, để bảo vệ các tấm bia khỏi sự phá hủy của thời tiết, 8 dãy nhà nhỏ, hài hòa được xây dựng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hệ thống có cột chống mái bằng gỗ, mái lớp hình mũi hài truyền thống. Sự bổ sung này không chỉ bảo vệ được các tấm bia mà còn giúp không gian thứ 3 này trở nên một kiến trúc hoàn chỉnh và gắn bó hơn.

Cổng Đại Thành

Qua khu vực vườn bia tiến sĩ ta sẽ bước vào khu vực thờ tự các bậc hiền tài của Nho Giáo và đức Khổng Tử tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Để bước vào khu thờ tự phải bước qua Cổng Đại Thành.

Cổng được xây dựng theo phong cách thời Hậu Lê (gỗ ba gian với mái lợp ngói mũi hài) giống với cổng Đại Trung. Chính giữa ở gần phần tiếp xúc với nóc có bức hoành treo 3 chữ Hán “Đại thành môn” theo chiều ngang, từ phải sang trái. Dưới chân cổng Đại Thành có 6 con Nghê gác cửa nhỏ được tạo tác tỉ mỉ, tinh tế bằng gỗ và đá.

cổng đại thành văn miếu quốc tử giám
Cổng Đại Thành – Nguồn: vanmieu.gov.vn

Điểm nhấn của cánh cổng là 2 bức vẽ “Long vân khánh hội” được trang trí trên cửa (thời xưa quan niệm rồng là biểu tượng của vương triều, của sự phồn thịnh nước nhà).

Ngoài cửa Đại Thành Văn Miếu Quốc Tử Giám, còn 2 cửa nhỏ khác là Kim Thành và Ngọc Thành nằm ở 2 bên, tuy nhiên 2 cửa này không dẫn thẳng đến khu vực chính mà đưa sang 2 dãy Tả Vu, Hữu Vu nối liền với khu Thái Học.

Khu Điện Đại Thành

Qua cửa Đại Thành sẽ tới một sân rộng mênh mông gọi là sân “Đại Bái ”được lát toàn bộ bằng gạch Bát Tràng, ở chính giữa sân là Bái Đường, xưa là nơi tổ chức lễ tế Khổng Tử. 

Dọc theo 2 bên sân là 2 dãy Tả Vu và Hữu Vu, cùng  Bái Đường tạo thành cụm kiến trúc mang hình chữ U. Tòa Bái Đường Văn Miếu Quốc Tử Giám có bậc thềm bằng đá, được chia làm 9 gian, được chống mái bằng 40 cây cột bằng gỗ lim. Mái được lợp bằng ngói mũi hài, trên nóc mái có trang trí họa tiết “lưỡng long chầu nhật nguyệt”.

bái đường và sân đại bái văn miếu quốc tử giám
Sân bái đường và Đại bái – Nguồn: @iam.hoiii

Phía trong ở chính giữa Bái Đường có đặt một hương án bằng gỗ được chạm khắc cực kỳ tinh xảo bằng nét hoa văn thời nhà Lê. Hai bên hương án là 2 đôi Hạc đồng tử cưỡi trên lưng rùa. Phía trên hương án treo bức “Vạn thế sư biểu” có ý ca ngợi Khổng Tử. Trong Bái Đường Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn có nhiều hoành phi, câu đối mang ý nghĩa ca ngợi sự học của người xưa.

Phía sau tòa Đại Bái là Điện Đại Thành, 2 kiến trúc được nối với nhau bằng một tiểu đình hình vuông. Điện Đại Thành kín đáo, được xây tường kín 3 mặt, để tạo nên không khí trang nghiêm của khu vực thờ Khổng Tử, Tứ Phối, Thập triết,…Hệ thống cột chống mái của điện đều được sơn thếp vàng, mái được làm bằng ngói mũi hài, trên nóc cũng có đôi rồng chầu nhật nguyệt.

Xem thêm:

Khu Thái Học Văn Miếu Quốc Tử Giám

Đây là khu vực cuối của cụm di tích Văn Miếu –  Quốc Tử Giám, toàn bộ nơi đây đều là sản phẩm của quá trình trùng tu, xây mới trên nền Văn Miếu xưa. Khu Thái Học cũ trước đây đã bị thực dân Pháp nã pháo phá hủy hoàn toàn vào năm 1946.

Khu Thái Học tuy được thiết kế mới nhưng vẫn mang phong cách xưa với kiến trúc chia thành các gian phòng, có cột trống mái làm bằng gỗ lim và lợp bằng ngói mũi hài. Khu vực này gồm Cổng Thái Học, nhà Tiền Đường, nhà Hậu Đường, Tả Vu, Hữu Vu, nhà Trống, nhà Chuông.

khu thái học văn miếu quốc tử giám
Khu Thái học – Nguồn: vanmieu.gov.vn

Khu Thái Học Văn Miếu Quốc Tử Giám thờ ai?

Nhà tiền đường là nơi tổ chức lễ kỷ niệm các danh nhân, hội thảo, triển lãm trưng bày văn hóa, nghệ thuật. Nhà hậu đường gồm 2 tầng. Tầng 1 là nơi thờ thầy giáo Chu Văn An – Tư nghiệp nổi tiếng nhất của Văn Miếu –  Quốc Tử Giám, ngoài ra nơi đây còn là địa điểm trưng bày lịch sử, quy định, chế độ thi cử Việt Nam thời xưa.

Tượng Chu Văn An tại Văn miếu Quốc tử giám
Tượng nhà giáo Chu Văn An – Nguồn: vanmieu.gov.vn

Tầng 2 nhà hậu đường là nơi thờ 3 vị vua có công sáng lập khu di tích và phát triển nền văn học, Nho giáo Việt Nam: Vua Lý Thánh Tông (1023-1072), Vua Lý Nhân Tông (1066-1128), Vua Lê Thánh Tông (1442-1497).

“Khám phá Hà Nội nửa ngày nên đi những đâu?”

Văn Miếu Quốc Tử Giám xây dựng vào năm nào?

Lịch sử xây dựng

Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 dưới triều đại vua Lý Thánh Tông để làm chỗ thờ phụng các bậc thánh nhân của Nho giáo và làm chỗ để dạy dỗ cho thái tử.

Năm 1076, vua Lê Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám để đưa con cháu vua và các quan lại quyền quý vào học, lựa chọn các văn thần giỏi vào làm thầy dạy.

Năm 1253, năm Nguyên Phong thứ 3 dưới thời vua Trần Nhân Tông, Quốc Tử Giám được đổi thành Quốc học viện, mở rộng thêm về quy mô và cho phép cả thường dân được vào học. 

Đến thời vua Trần Minh Tông, nhà giáo Chu Văn An được vua cử làm quan Tư Nghiệp (tương đương với chức Hiệu trưởng ngày nay), trực tiếp giám sát việc dạy học ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và dạy dỗ các hoàng tử. Chu Văn An được mệnh danh là “ông tổ của các nhà Nho Việt Nam”, khi ông mất vào năm 1370, ông được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở cạnh khu vực thờ  Khổng Tử trong Văn Miếu.

văn miếu được xây dựng vào năm nào
Các quan tại Văn Miếu xưa – Nguồn: vanmieu.gov.vn

Đến thời Hậu – Lê, Nho giáo được đề cao, Vua Lê Thánh Tông chỉ dụ tổ chức các khoa thi cao cấp để tuyển chọn nhân tài cho đất nước, những người đỗ đạt cao đều được dựng bia trên lưng rùa và đặt trong Văn Miếu. 

Đến năm 1762, vua Lê Hiển Tông cho sửa sang mở rộng lại Quốc Tử Giám biến nơi đây thành cơ sở đào tạo giáo dục cao cấp của triều đình.

Ý nghĩa của Văn Miếu Quốc Tử Giám

Là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đây là biểu tượng cho nền văn hiến của nước nhà, nơi đào tạo ra hàng nghìn nhân tài giúp đỡ cho triều đình phong kiến xưa. Không những vậy Văn Miếu Hà Nội còn là địa điểm dùng để thờ tự những bậc thánh nhân trong nền văn học, Nho giáo, thể hiện vai trò quan trọng của sự học đối với vận mệnh của một quốc gia.

Ngày nay, quần thể di tích là địa điểm tham quan nổi tiếng thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước, là nơi diễn ra các hội thi văn chương, các lễ hội, diễn đàn văn hóa, nơi khen thưởng cho những học sinh có thành tích ưu tú và xuất sắc.


Với bao thăng trầm, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc như ngày xưa. Mặc dù vậy, đây vẫn luôn là biểu tượng của giáo dục Việt Nam, nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Trải qua gần nghìn năm lịch sử, quần thể di tích không chỉ là công trình kiến trúc với giá trị về văn hóa lịch sử quan trọng của Việt Nam mà còn là di sản cần bảo vệ của cả thế giới.

Văn Miếu được xây dựng vào năm nào?

Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bắt đầu xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ 2 dưới triều đại vua Lê Thánh Tông.

Giá vé vào Văn Miếu?

Giá vé niêm yết 30.000đ/người cho cả du khách trong và ngoài nước. Với học sinh, sinh viên, giá vé sẽ là 15.000đ/người và miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Giờ mở cửa Văn Miếu – Quốc Tử Giám?

Từ 15/4 – 15/10: 7h30 – 17h30; Từ 15/10 – 15/4 năm sau: 8h – 17h.

Văn Miếu Quốc Tử Giám thờ ai?

Thờ Khổng Tử, Chu Công, Mạnh Tử,… các bậc hiền triết trong Nho giáo, thầy giáo Chu Văn An cùng các vị Vua góp công xây dựng nên nơi đây.

Văn Miếu có bao nhiêu bia Tiến sĩ?

82 bia Tiến sĩ trong các kỳ thi trải dài suốt hơn 300 năm lịch sử nước nhà (1442 – 1779)

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien