Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một trong những điểm du lịch văn hoá nổi bật của Thủ đô Hà Nội, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nơi đây mang lại một góc nhìn thấu triệt, trung thực và đầy đủ về người phụ nữ Việt Nam qua các nội dung trưng bày đa dạng và phong phú. Kiến trúc nơi này được thiết kế với phong cách hiện đại và bắt mắt, với nhiều khu vực chủ đề cùng vô số các tài liệu, hiện vật từ nhiều thời kỳ.
Trong các địa chỉ văn hóa hấp dẫn ở Hà Nội, Bảo tàng Phụ Nữ nổi bật với phong cách kiến trúc hiện đại cùng chủ đề trưng bày phong phú. Vào năm 2014, trang web về du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor đã đánh giá đây là một trong những điểm đến không nên bỏ lỡ ở Việt Nam. Đến đây, bạn sẽ được tìm hiểu thêm về các giá trị văn hoá của người phụ nữ trong nhiều vai trò, qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Địa chỉ bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam ở đâu?
Bảo tàng nằm ở số 36 trên phố Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, thuộc quận Hoàn Kiếm, ngay giữa trung tâm Thủ đô. Nơi này khá gần khu phố cổ và các điểm tham quan nổi tiếng khác của thủ đô như hồ Hoàn Kiếm, Nhà thờ lớn, 36 phố cổ Hà Nội, Nhà hát lớn,… Chính vì vậy, địa chỉ này luôn tấp nập khách đến tham quan không chỉ người dân Việt Nam mà là cả bạn bè quốc tế, phù hợp với lịch trình khám phá Thủ đô trong 1 ngày.
Được thành lập năm 1987, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chính thức khánh thành và đi vào hoạt động từ 1995, với mục đích chính là tôn vinh, nâng cao kiến thức và hiểu biết cho công chúng về nét đẹp của người phụ nữ Việt. Nơi đây hiện đang lưu giữ và trưng bày số lượng lớn các tài liệu, hiện vật, di sản vật thể và phi vật thể, đồng thời đóng vai trò là trung tâm giao lưu, trao đổi văn hoá góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Hệ thống trưng bày ở bảo tàng còn phản ánh sự phát triển và thay đổi về vai trò, vị thế và đời sống của người phụ nữ trong xã hội qua thời gian.
Có gì hấp dẫn ở bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam?
Vào năm 2006, Bảo tàng được tạm thời đóng cửa để sửa sang và nâng cấp, rồi trở lại vào năm 2010 với một diện mạo hoàn toàn mới. Nằm trên một khuôn viên có tổng diện tích gần 5,000m2, kiến trúc nơi này có phong cách hiện đại bao gồm 2 tòa chính – phụ với khu dịch vụ cafe ăn nhẹ. Không gian bên trong tòa nhà chính bảo tàng Phụ Nữ Hà Nội có 4 tầng, mỗi tầng có một nhiệm vụ khác nhau, trưng bày hơn 40.000 tài liệu hiện vật liên quan đến phụ nữ Việt Nam.
Tầng 1 bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Cửa hàng lưu niệm nằm tại tầng 1 của Bảo tàng là nơi bạn có thể lựa chọn những món đồ độc đáo mang đậm nét văn hóa Việt Nam và mang nét đặc trưng của bảo tàng Phụ nữ như: Bưu thiếp, đánh dấu sách, … Ngoài ra còn có các sản phẩm thủ công như các đồ vải có họa tiết thổ cẩm, sản phẩm bằng giấy, đến từ những hội nhóm hỗ trợ dành cho nhóm phụ nữ yếu thế và phụ nữ dân tộc, giúp đỡ về đầu ra nhằm phát triển sinh kế cho họ
Từ nhiều năm trở lại đây, giáo dục thông qua các chương trình trải nghiệm luôn được bảo tàng Phụ nữ ưu tiên phát triển, cải tiến để giúp các em học sinh khám phá mà không bị nhàm chán. Thuyết minh viên vốn là người giới thiệu chính thì bây giờ chỉ đóng vai trò định hướng hoạt động, còn các em sẽ được tự mình trao đổi, trình bày ý tưởng và quan điểm riêng của mình. Phòng khám phá giúp các em có cơ hội phát triển các kỹ năng thông qua nhiều hoạt động như học các làm nón truyền thống, thử trang phục truyền thống của các dân tộc, v.v.
Tầng 2 bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Đây là khu vực trưng bày với chủ đề “Phụ nữ trong gia đình”, kể câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ từ khi trưởng thành, kết hôn, rồi đến khi thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ. Các giá trị truyền thống của phụ nữ Việt còn được giới thiệu qua các tập tục, nghi lễ, kinh nghiệm và tri thức với 3 nội dung chính là hôn nhân, sinh đẻ và chăm lo đời sống gia đình.
Hôn nhân
Thông qua những nghi lễ, tập tục trong đám cưới của các dân tộc Việt Nam, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu 2 hình thái hôn nhân tồn tại ở nước ta là phụ hệ và mẫu hệ.
Sinh đẻ, mang thai và chăm sóc sản phụ
Với quan niệm con cái là tài sản quý giá của mỗi gia đình, đồng thời để duy trì nòi giống qua nhiều thế hệ, người Việt Nam rất coi trọng việc sinh con đẻ cái. Những nghi lễ, cúng tế không chỉ tập trung vào giai đoạn cầu con, mà còn để bảo vệ sản phụ và thai nhi trong bụng. Ở bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện còn những hiện vật như bộ vòng cầu tự của nhóm người H’mông Xanh, Mai Châu, bùa an thai của dân tộc Việt ở Hà Nam và Nam Định,…
Cuộc sống gia đình
Vai trò và năng lực của người phụ nữ không chỉ thể hiện qua thiên chức làm vợ, làm mẹ, chăm sóc chồng con và tổ chức cuộc sống trong gia đình của chính họ, mà còn ở việc tham gia vào lực lượng lao động. Ở nông thôn những vùng đồng bằng, phụ nữ thường tham gia cày cấy, canh tác và đánh bắt, hái lượm, đồng thời phát triển các nghề thủ công nghiệp, riêng miền núi còn thường xuất hiện nghề dệt vải. Nhiều phụ nữ Việt Nam còn thực hiện hoạt động buôn bán nhỏ, đặc biệt phát triển ở các vùng đô thị nhưng hiện nay cả các vùng nông thôn hẻo lánh cũng không thiếu.
Tầng 3 bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Khu vực này có chủ đề chính là “Phụ Nữ trong lịch sử”, tập trung giới thiệu vai trò và sự tham gia của các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Đồng thời, nội dung trưng bày còn đề cập đến cuộc sống đời thường của họ trong chiến tranh, với những câu chuyện về sự đóng góp, chiến công và cả hy sinh, mất mát của họ cho nền độc lập. Ở đây có 6 khu vực nội dung chính bao gồm: Các nhân vật lịch sử, giai đoạn 1930 – 1954, 1954 – 1975, thống nhất, bà mẹ Việt Nam anh hùng và phụ nữ đương đại.
Khu vực này của bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện đang trưng bày các vật dụng, đồ đạc của những nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến cứu nước, bao gồm các kỷ vật như dây móc quần áo bằng tóc, lọ hoa làm từ vỏ đạn, chiếc quạt con cóc,… Ở đây còn công chiếu những bộ phim ngắn giới thiệu hình ảnh đời sống người phụ nữ đương đại với những phẩm chất nhân hậu, bản lĩnh, nghị lực và tinh thần bất khuất.
Tầng 4 bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Tầng này của Bảo tàng mang chủ đề “Thời trang phụ nữ” gồm 3 nội dung chính gồm: Thời trang & nghệ thuật tạo hoa văn; Trang sức & trang điểm; Cùng nhuộm răng & ăn trầu. Trưng bày giới thiệu những thông tin đa dạng, những bộ trang phục độc đáo với các kỹ thuật đặc trưng đến từ 54 dân tộc như thêu (phụ nữ H’Mông và Thái), kỹ thuật batik hay đáp vải, ikat,… Nghệ thuật làm đẹp của phụ nữ các dân tộc qua việc sử dụng đồ trang sức và trang điểm, được khắc họa rõ nét qua các sưu tập trâm, khăn đội, vòng cổ, hoa tai, vòng tay, xà tích, v.v.
Đặc biệt, nhuộm răng và ăn trầu là một chủ đề cực thu hút du khách tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây chính là một phong tục mang nét độc đáo của người phụ nữ Việt, tuy nhuộm răng chỉ còn tồn tại ở người cao tuổi nhưng ăn trầu thì vẫn thường xuất hiện ở các vùng miền quê. Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong các dịp quan trọng như hôn nhân, tang lễ và các buổi gặp mặt, các bà các cụ ở nông thôn vẫn còn giữ thói quen nhai trầu hàng ngày. Những nhóm người dân tộc như Tày, Mường thường dùng để đồ ăn trầu trong túi vải mang theo, dùng mo cau để cuộn lá trầu cho tươi lâu, trong khi nhiều người già còn mang theo cối giã cho mềm.
>> Dạo quanh các bảo tàng nổi tiếng khác của Hà Nội:
- Bảo tàng gốm Bát Tràng
- Bảo tàng Phòng không Không quân
- Bảo tàng Dân tộc học
- Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
- Bảo tàng Lịch sử Quân sự
- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Thông tin khác về bảo tàng Phụ nữ
Theo review của nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, bảo tàng không chỉ hấp dẫn du khách bởi chất lượng và sự đa dạng về thông tin, không gian hiện đại, mà còn bởi phương thức phục vụ tốt, sự đổi mới liên tục và sáng tạo.
Giá vé vào bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam:
- Người lớn: 40.000 đồng / lượt
- Sinh viên / Hội viên Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: 20.000 đồng / lượt
- Trẻ em / Học sinh: 10.000 đồng / lượt
- Giờ mở cửa: 8h – 17h
- Website: baotangphunu.org.vn
Hướng dẫn di chuyển đến Bảo tàng:
- Xe bus qua bảo tàng Phụ Nữ: Với giá vé 7,000 đồng, bạn có thể đi các tuyến bus 08A, 09B, 31, 36, 45 hay 49, với điểm xuống gần nhất tại 39 Lý Thường Kiệt, 58B Bà Triệu và 29 Hàng Bài.
- Phương tiện cá nhân: Từ khu vực phố cổ, bạn có đi dọc theo bờ Hồ Gươm trên tuyến phố Lê Thái Tổ đến phố Bà Triệu, tới ngã giao với Lý Thường Kiệt thì rẽ trái.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất ở Hà Nội, liên tục được gọi tên trong danh sách những điểm đến hàng đầu do TripAdvisor bình chọn. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội được tìm hiểu về đời sống, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, qua hệ thống trưng bày phong phú và đa dạng. Từ đó những nét đẹp bình dị mà quý giá của họ mới được thể hiện rõ nét, làm rõ tầm quan trọng và giới thiệu những giá trị văn hoá đó tới công chúng thế giới.