TRANG CHỦ / Du lịch Hà Nội / Trọn vẹn thông tin về đền Quán Thánh, một trong Thăng Long tứ trấn

Trọn vẹn thông tin về đền Quán Thánh, một trong Thăng Long tứ trấn

Tác giả: Nguyễn Quý
1.977 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
Đền Quán Thánh
Đền Quán Thánh - Nguồn: Phomiendu

Đền Quán Thánh là một trong những kiến trúc lâu đời gắn liền với cuộc sống tâm linh của nhiều người dân thủ đô. Nơi đây còn lưu giữ lại nhiều nét kiến trúc, công trình của những thời kỳ trước với giá trị về văn hóa không thể đong đếm được.

Đền còn có tên gọi khác là Trấn Vũ Quán là một trong “Thăng Long tứ trấn”, tức là 4 ngôi đền linh thiêng trấn giữ 4 hướng của Hà Nội. Hãy cùng tìm hiểu về ngôi đền cổ trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long này.

Địa chỉ đền Quán Thánh ở đâu?

Đền nằm ở cuối đường Thanh Niên, thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. 

Di chuyển đến đền Quán Thánh

Xe bus: Có các tuyến xe bus số 45, 14 và 50 có điểm dừng gần chùa. Giá vé xe bus là 7,000 VND . (Bạn truy cập website: map.busmap.vn/hn để có thêm thông tin chi tiết về tuyến bus và điểm dừng)

Xe máy: Bạn đi xe máy tới Đền có thể gửi xe máy ở khu vực vỉa hè rộng 2 bên cổng Tam Quan. Bạn yên tâm rằng đây là điểm trông xe đã được chính quyền địa phương cấp phép. Giá vé gửi xe là 5.000 VND/ lượt.

Lịch sử đền Quán Thánh

Đền được xây vào khoảng năm 1010, đây là thời gian vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Mục đích xây dựng đền  để thờ Huyền Thiên Trấn Vũ với mong muốn giúp người dân trừ tà ma, yêu quái, diệt hồ ly,…

Đền Quán Thánh ngày xưa
Ngôi đền khi xưa

Đền Quán Thánh đã từng trải qua 7 lần trùng tu trong khoảng từ năm 1618 đến năm 1941 và đều được ghi trên văn bia. Sau nhiều lần trùng tu đền mới có được diện mạo như ngày nay, gồm các công trình lần lượt từ ngoài vào gồm: cổng tam quan, sân, nhà tiền tế, trung tế, hậu cung và các tòa nhà có chức năng phụ trợ.

Năm 1962, Đợt đầu đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trong đền được công nhận là bảo vật quốc gia vào tháng 12 năm 2016.

Kiến trúc đền Quán Thánh 

Cổng tam quan

Phía trước cổng tam quan có 4 trụ đá với 4 tượng nghê trên đỉnh trụ, với 2 bức bình phong trang trí nổi hình mãnh hổ. Cổng Tam Quan bao gồm 2 cửa phụ ở 2 bên và 1 cửa chính ở giữa. Ở hai bên có những bức phù điêu có in những hình ảnh cây cỏ, sông nước. Mái cổng của đền Quán Thánh có hình rồng bay, được chạm khắc tinh tế. Bước qua cổng, bạn sẽ đến một khoảng sân rộng rãi, có nhiều cây xanh, hòn non bộ,…

Cổng tam quan đền Quán Thánh
Cổng tam quan của đền – Nguồn: Nguyenngoctung2401

Tòa tiền tế đền Quán Thánh

Khu tiền đường nằm ngay sau hòn non bộ, trước mặt khu tiền đường là 2 bức tượng voi phục thiết kế tỉ mỉ, độc đáo. Bên trong khu tiền đường có khám thờ, án thư và 1 bức tượng của ông Trùm Trọng – nghệ nhân đúc tượng Trấn Vũ. Các hình tứ linh, dơi, cá, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới được chạm khắc tỉ mỉ bằng gỗ trên các bộ phận thuộc kiến trúc đền Quán Thánh

Bên trái của nhà tiền tế có treo một chiếc khánh bằng đồng đen kích thước khá lớn. Khánh có bề ngang 1,25 m và cao khoảng 1,1 m, được đúc vào năm 1784. Ngoài cùng phía trước của khánh đồng có đôi cây đèn đồng lớn với nhiều hoa văn độc đáo.

Tòa Tiền Tế đền Quán Thánh
Bên trong tòa Tiền Tế

Tòa trung tế đền Quán Thánh

Tòa trung tế của di tích lịch sử ở Hà Nội này có 4 lớp mái, chính giữa tòa nhà này là bức hoành phi đề 3 chữ “Trấn Vũ Quán” – 1 tên gọi khác của đền. Điểm nhấn của tòa trung tế là bức tượng Trấn Vũ màu đen. 

Nói về pho tượng đồng Trấn Vũ tại đền Quán Thánh thì đây là một pho tượng có nhiều giá trị lịch sử, nghệ thuật. Tượng được đúc vào năm 1677, là bức tượng đồng lớn nhất miền Bắc Việt Nam vào thời điểm đó và là minh chứng cho kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của người nghệ nhân Việt thời xưa.

Tượng đồng đến Quán Thánh
Pho tượng Trấn Vũ tại đền – Nguồn: Adwfree

Tượng đồng Đền Quán Thánh cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn ngồi oai nghiêm trong tư thế đầu nhìn thẳng trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m. Khuôn mặt tượng vuông hình chữ điền (田), trông oai nghiêm nhưng lại rất hiền hậu. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên kiếm, kiếm chống trên lưng rùa. Quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên. (Rùa, rắn và kiếm là biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ)

Khám phá những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng khác ở Hà Nội: Đền Thượng Ba Vì, đền Ngọc Sơn, đền Voi Phục

Thông tin khác về đền Quán Thánh Hà Nội

Giá vé đền Quán Thánh

Giá vé vào Đền là 10.000 VND (0,43 USD)/ người lớn, 5.000 VND (0,22 USD)/ sinh viên và trẻ nhỏ. 

Giờ mở cửa:

Đền mở cửa từ 8h đến 17h hàng ngày, các ngày lễ tết sẽ mở cửa từ 6h đến 20h, riêng ngày giao thừa, Đền sẽ mở cửa hết đêm.

Thời gian diễn ra lễ hội đền Quán Thánh

Đền thường mở cửa đón người dân vào dâng hương tất cả các ngày trong năm. Đặc biệt, vào dịp lễ tết, ngày mùng 1, ngày rằm âm lịch có đông người dân địa phương hơn bình thường đến dâng hương và cầu nguyện… 

Vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, Đền sẽ tổ chức lễ hội Đền Quán Thánh. Lễ hội là nơi để người dân Hà Nội trở về với tâm linh để nhớ ơn vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ thiêng liêng vô hình vừa diệt trừ yêu quái và vừa biểu tượng cho sự trấn an ở phía Bắc kinh thành Thăng Long để nhân dân được hưởng cuộc sống thái bình, yên vui.

Lễ hội đền Quán Thánh
Lễ hội diễn ra tại đền – Nguồn: Baodautu.vn

Ở lễ hội này có nhiều nghi lễ với nhiều các hoạt động tín ngưỡng khác nhau như: giáng bút, cầu mộng, cầu lộc. Đặc biệt ý nghĩa của nghi lễ giáng bút là khuyên bảo, răn dạy, kêu gọi của thần phù hộ cho con người trên cõi trần gian.

Các điểm du lịch gần đền Quán Thánh

Khi tới đền, bạn có thể kết hợp trải nghiệm một số các hoạt động khác như tham quan Chùa Một Cột, Lăng Bác, Phủ Chủ Tịch, Chùa Trấn Quốc; công viên Bách Thảo, chợ Đồng Xuân, hoàng thành Thăng Long. Thưởng thức ẩm thực xung quanh Hồ Tây, một số địa chỉ với món ăn đặc trưng nổi tiếng là bánh cuốn số 29 Thụy Khuê, bánh tôm Hồ Tây số 1 Đường Thanh Niên, kem Hồ Tây, hay vịt quay, heo quay Lạng Sơn ở số 40 An Dương.


Đền Quán Thánh là một trong những đặc trưng tiêu biểu về tín ngưỡng tâm linh của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Bạn đến Hà Nội có thể ghé thăm Đền có thể để dâng hương, có thể để tìm hiểu kỹ hơn về một phần lịch sử Việt Nam hoặc cũng có thể đơn thuần là đến tham quan vẻ đẹp của nó.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien