TRANG CHỦ / Du lịch Hồ Chí Minh / Tới tham quan và chiêm bái chùa Pháp viện Minh Đăng Quang Sài Gòn

Tới tham quan và chiêm bái chùa Pháp viện Minh Đăng Quang Sài Gòn

Tác giả: Nguyễn Quý
2.486 Lượt xem Theo dõi Dulich3mien trên
pháp viện minh đăng quang
Toàn cảnh chùa Minh Đăng Quang - Ảnh: Chuaviettoancau

Pháp viện Minh Đăng Quang được xây dựng năm 1968 tại số 55, xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Cả pháp viện như toát nên nét đẹp kiến trúc của Phật Giáo vừa trang nghiêm cổ kính lại vô cùng thanh tịnh, dù cho có nằm giữa đô thị tấp nập. Nơi đây được ví như “đóa hoa của Phật”, nơi du khách tìm về sự thanh tịnh trong tâm hồn.

Nằm ở trung tâm thành phố nên việc du chuyển đến chùa Minh Đăng Quang của du khách cũng tương đối đơn giản, du khách có thể lựa chọn xe buýt số 56, 55, 06, 30, 52, 60-3, 60-4, 150 hoặc 104, điểm xuống Khu dân cư Estella xa lộ Hà Nội cách pháp viện khoảng 450m. Đặc biệt, pháp viện cũng là kiến trúc Phật Giáo duy nhất hiện nay đạt 4 kỷ lục Việt Nam.

Kiến trúc độc đáo của Pháp viện Minh Đăng Quang

Chùa nằm trên khu đất rộng tới 37.500m2 vào năm 1968, với mục đích xây dựng một trung tâm hoằng pháp có giá trị sử dụng lâu dài và xứng tầm với sự phát triển của Giáo hội Tăng – già Khất sĩ Việt Nam thời bấy giờ. Tháng 5 năm 2019, Pháp viện chính thức xác lập 4 kỷ lục Việt Nam gồm: Ngôi tịnh xá có bốn bảo tháp lớn nhất Việt Nam; Bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện lớn nhất Việt Nam; Điểm tổ chức Đại lễ kỷ niệm 60 năm Đức tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng lớn nhất Việt Nam; Nơi diễn ra lễ khất thực cổ Phật lớn nhất Việt Nam.

chùa pháp viện minh đăng quang
Chùa nhìn từ trên cao – Ảnh: Danviet

Pháp viện không thu phí tham quan và mở cửa phục vụ du khách, phật tự chiêm bái từ 8h00 – 20h00 hàng ngày.

Bộ tứ Bảo tháp tại Thiền viện Minh Quang Đăng

Bốn bảo tháp 9 tầng cao 37m được đặt tại bốn vị trí đối xứng bao quanh chính điện. Mỗi bảo tháp được thiết kế dạng bát giác với màu vàng đặc trưng, phần mái được trang trí bằng nhiều chi tiết hình mây cách điệu vô cùng mềm mại. Tầng cao nhất của bảo tháp có đặt một xá lợi.

chùa minh đăng quang
Các bảo tháp tại chùa – Ảnh: @gocchihcm

Theo đó, bốn tòa bảo tháp được sử dụng với những mục đích khác nhau:

  • Bảo tháp Ca – diếp được đặt bên trái của khuôn viên pháp viện Minh Đăng Quang là nơi thờ 7 Đức Phật và Lịch Đại Tổ Sư. Tầng trệt của bảo tháp đặt bàn thờ tổ sư khai lập đạo Khất sĩ Việt Nam. Các tầng còn lại thờ 7 vị Phật gồm: Đức phật Tỳ Bà Thi, Đức phật Thi Khí, Đức phật Tỳ Xá, Đức phật Câu Lưu Tôn, Đức phật Ca Diếp, Đức phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Đức phật Thích Ca Mâu Ni.
  • Bảo tháp Xá Lợi Phật chùa Minh Đăng Quang quận 2 nằm bên phải là nơi thờ Phật, lưu giữ kinh thư và tượng Phật. Tầng trệt là 50 bàn đọc sách, tầng 2 – tầng 4 là 10.000 bản kinh sư tiếng Việt, tầng 5 – 8 đặt các bộ Đại tạng kinh, Luật, Luận bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
  • Hai Bảo tháp phía sau pháp viện Minh Đăng Quang mỗi bảo tháp cao 13 tầng (~49m) rộng 16x16m được sử dụng là nơi đặt tro cốt của chư tăng, phật tử. Đây chính là nơi tôn trí Phật thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với bậc cao tăng, trưởng lão đi trước.
bảo tháp tại chùa pháp viện minh đăng quang
Một bảo tháp tại chùa – Ảnh: @gocchihcm

Chánh điện chùa Minh Quang Đăng

Về tổng thể chùa có kiến trúc 4 tầng rộng 40m và dài 70m. Chánh điện chùa nằm ở tầng trên, có hình bát giác truyền thống với đường kính 32m, rộng 24m và dài 50m. Toàn bộ chánh điện toát lên vẻ đẹp trang nghiêm, uy nghi với phần mái ngói màu vàng, được trang trí nhiều chi tiết mây uốn lượn.

chánh điện pháp viện minh đăng quang
Lối lên chánh điện chùa – Ảnh: @hiroki.f_1015

Lối dẫn lên chánh điện pháp viện Minh Đăng Quang tầng thứ hai có hai bậc tam cấp chạy song song hai bên, phần tay vịn được chạm khắc nhiều hoa văn hoa cúc và đèn hoa sen. Trước chánh điện là lư hương lớn cùng hệ thống tiểu cảnh tạo cảm giác không gian xanh mát, xung quanh là các tháp nhỏ.

Không gian bên trong chánh điện chùa Minh Đăng Quang vô cùng rộng lớn với các chi tiết cột kèo được sơn giả gỗ hoặc đắp gỗ trang trí với tông màu nâu thường thấy. Chính giữa điện đặt tượng phật Thích Ca Mâu Ni bằng gỗ cao nhất Việt Nam. Tượng màu vàng đồng được đặt trong một khung gỗ nâu chạm khắc nhiều hoa văn trang trí tinh xảo nặng khoảng 7,2 tấn và cao 7,2m. 

thiền viện minh đăng quang
Bên trong chánh điện chùa – Ảnh: @gocchihcm

Trước án thờ có chiếc mõ gỗ khổng lồ được chạm khắc hoa văn tinh xảo, hai bên đặt hai tháp hoa sen giấy lớn vô cùng trang nghiêm. Đặc biệt, phần mái chánh điện pháp viện Minh Đăng Quang được xây cao 13 tầng là biểu tượng của Lục phàm, Tam Tôn và Tứ Thánh trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Ngoài ra, nằm khuất 1 góc cạnh bảo tháp Hồng Ân và Tứ Ân là chánh điện cũ.

Tháp chuông, tháp trống tại chùa Minh Đăng Quang

Xung quanh chánh điện có những tháp nhỏ đặt ở bốn góc của pháp viện chính là lầu chuông, lầu trống của pháp viện. Các tháp nhỏ được thiết kế dạng 3 tầng với phần mái được trang trí cầu kỳ bằng chi tiết màu vàng đắp nổi, điểm cao nhất của tháp đều đặt một xá lợi tinh xảo. Xen lẫn với các tháp chuông, lầu trống là hệ thống cây cảnh, tiểu cảnh giúp tạo không gian xanh mát, gần gũi với thiên nhiên.

Khuôn viên chùa pháp viện Minh Đăng Quang

khuôn viên pháp viện minh đăng quang
Khuôn viên chùa – Ảnh: @gocchihcm

Khuôn viên của chùa cũng mang tới cho du khách cảm nhận về không gian yên bình, xanh mát. Trong đó, nổi bật hơn cả phải kể tới:

  • Cây bồ đề chùa Minh Đăng Quang được chiết từ cội bồ đề 2000 tuổi tại Sri Lanka do Hòa thượng Phó tăng Thống đại hiệu A.Wajirajothi Maha Thera tặng Giáo hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 60 năm Tổ sư vắng bóng (ngày 27/01/2014). Do đó, cây bồ đề trở nên quý giá và được chư tăng, phật tử giữ gìn, chăm sóc vô cùng cẩn thận, đến nay tán lá của cây đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, che phủ cả một khoảng sân chùa.
  • Trong khuôn viên pháp viện Minh Đăng Quang cũng có rất nhiều cây xanh, tiểu cảnh được đặt xen kẽ các công trình, kiến trúc nhằm mang tới không khí trong lành, dễ chịu cho du khách và phật tử mỗi dịp chiêm bái.
  • Trong sân pháp viện còn đặt một bức tượng phật Thích Ca Mâu Ni đặt trong bảo tháp, phía trước là hoa tươi và án hương phục vụ nhu cầu lễ phật, cầu may của phật tử. Hai bên đạt bức tượng hai vị la hán làm bằng thạch cao trắng vô cùng đẹp mặt, tinh xảo.

Một vài địa điểm du lịch ở quận 2 khác:

Các hoạt động tại chùa pháp viện Minh Đăng Quang

Đại lễ tưởng niệm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Ngày 1 tháng 2 năm 2014 đại lễ tưởng niệm Tổ Sư và 70 năm phát triển của đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Đặc biệt, đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Vắng Bóng là một sự kiện trọng đại với tất cả tăng sĩ, phật tử với nhiều hoạt động được cử hành trong ngày này.

pháp viện minh đăng quang
Lễ tưởng niệm đức Tổ sư tại chùa – Ảnh: Giacngo

Tổ chức các khóa tu Pháp viện Minh Đăng Quang

Bên cạnh đó các khóa tu ngắn hạn hay giảng pháp cũng thường xuyên được tổ chức tại pháp viện với 4 ngày chủ nhật hàng tháng và 4 ngày xám hối. Vào các ngày này Trụ trì chùa là sư Thích Giác Toàn và chúng tăng sẽ cùng nhau giảng pháp, bàn về sự nhiệm màu của Phật Pháp và hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Phục vụ đồ ăn tại nhà hàng chay pháp viện Minh Quang Đăng

Nằm ngay trong khuôn viên của chùa có một nhà hàng chay với sức chứa khoảng 500 khách phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Không gian rộng lớn cùng thiết kế mở giúp du khách dễ dàng cảm nhận cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, bình dị. Chủ nhân của nhà hàng này là những phật tử ngoan đạo, họ hoan hỷ cúng dường đồ ăn, công sức, tiền bạc để hoàn thiện không gian nhà hàng với mong muốn mang tới những trải nghiệm tốt nhất cho du khách khi ghé chùa Minh Đăng Quang. Nhà hàng phục vụ thực đơn đa dạng với 60 món chay khác nhau.

Lịch sử chùa Minh Quang Đăng

Pháp viện  được hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên (đệ nhất Trưởng giáo đoàn IV hệ phái khất sĩ) sáng lập vào năm 1968 nhằm tạo dựng một trung tâm sinh hoạt chung xứng tầm với tốc độ phát triển của giáo hội tăng. Trước đây pháp viện Minh Đăng Quang được xây dựng đơn giản bằng chất liệu tre, nứa đơn sơ khi đó chủ yếu dựa vào sức người (hòa thượng, thượng tọa,… trong giáo đoàn) để san lấp, dọn dẹp và vun xới.

Đến năm 1989, Chư tôn trong giáo đoàn đã phát động phong trào trồng cây xây, tôn tạo cảnh quan cho pháp viện. Bởi thế đến với thiền viện Minh Đăng Quang du khách có thể dễ dàng cảm nhận được không khí trong lành, xanh mát. Nhưng phải tới năm 2009 pháp viện mới được trùng tu và sở hữu dáng vẻ sa hoa, trang nghiêm như hiện tại. Không chỉ nổi tiếng trong nước mà pháp viện còn là địa điểm giao lưu Phật Pháp toàn cầu được nhiều Phật tử nước ngoài ghé thăm khi đến du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

Pháp viện Minh Quang Đăng không chỉ là địa điểm vãn cảnh, tìm kiếm cảm giác bình yên trong tâm hồn mà còn là nơi mỗi du khách gửi gắm niềm tin về một tương lai tốt đẹp phía trước. Hy vọng những chia sẻ của Du lịch ba miền đã giúp du khách hiểu hơn về địa điểm này và có những chuẩn bị phù hợp cho hành trình du lịch Hồ Chí Minh sắp tới.

Có thể bạn sẽ thích

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam

footer dulich3mien

Dulich3mien là địa chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch phổ biến, văn hóa, ẩm thực và lễ hội tại 63 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Chúng mình mong muốn chia sẻ cho những kinh nghiệm, cẩm nang cùng các thông tin hữu ích giúp cho hành trình khám phá dải đất hình chữ S của du khách trở nên thú vị hơn.

LIKE & SHARE

© Copyright 2022, All Rights Reserved | Dulich3mien