Đại Nội Huế (hay Hoàng thành) là một phần di tích thuộc Cố đô Huế, một điểm tham quan không thể bỏ qua khi bạn có dịp ghé thành phố mộng mơ này. Phong cách kiến trúc ở đây mang đậm những dấu ấn về văn hoá và lịch sử từ thời đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam – triều Nguyễn. Hoàng thành Huế được xây dựng trong 30 năm từ năm 1804 đến 1833 mới hoàn thành, bao gồm nhiều công trình với kích cỡ khác nhau.
Thành phố Huế từ lâu đã nổi tiếng bởi vẻ đẹp lãng mạn, có chút hoài cổ của vùng đất từng một thời được chọn làm kinh đô đất nước. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều kiến trúc lịch sử có giá trị quan trọng, nổi bật là di tích Cố đô với trung tâm là Đại nội Huế. Đây được xem là một trong những công trình tráng lệ nhất của Việt Nam, xưa là nơi sinh hoạt và diễn ra các hoạt động của vua chúa Nguyễn.
Giới thiệu về Đại Nội Huế
Địa chỉ đại Nội Huế nằm ở đâu?
Đại Nội nằm nghiêng mình bên dòng sông Hương xinh đẹp, nằm trên con đường 23/8 thuộc phường Thuận Hòa. Còn được gọi tên là Hoàng thành Huế, đây là vòng thành thứ 2 nằm trong di tích Cố đô, với vòng 1 là Kinh thành và vòng trong cùng là Tử cấm thành.
Giờ mở cửa và giá vé tham quan Đại Nội Huế
Giờ mở cửa
- Mùa hè: 6h30 – 17h30
- Mùa đông: 7h00 – 17h00
Vé tham quan
Bạn có thể mua vé ở ngay cổng vào của khu di tích, với giá 200.000 đồng/người lớn, và 40.000 đồng/trẻ em từ 7 – 12 tuổi.
Vé tham quan Đại Nội Huế bằng xe điện: Không gian bên trong Hoàng thành Huế khá lớn, có diện tích lên tới 36ha bao gồm hàng chục công trình kiến trúc lớn nhỏ. Vì vậy, để thuận tiện cho việc tham quan và tránh tốn thời gian hay công sức, bạn có thể chọn di chuyển bằng một chiếc xe điện:
- Loại xe: 4 chỗ, 8 chỗ và 11 chỗ với màu chủ đạo tím – vàng
- Giá: 240.000 – 500,000 đồng/vé/chuyến
- Địa chỉ: 19/14 đường Trần Văn Kỷ, phường Tây Lộc, thành phố Huế
- Điện thoại: 023 43 68 68 68 – 0905 811 101
- Email: [email protected]
Hướng dẫn tham quan Đại Nội Huế
Sơ đồ Đại Nội Huế
Công trình Hoàng thành Huế là vòng thành thứ 2 của di tích Cố đô, bên trong còn một vòng thứ 3 là Tử Cấm Thành – khu vực được thể hiện bằng những nét vẽ màu xanh lam đậm. Dưới đây là danh sách chi tiết hơn về các công trình trong từng vòng, giúp bạn dễ lên kế hoạch tham quan hơn (lưu ý là những điểm có màu xanh lục đã bị phá huỷ):
- Vòng 2 (Đại Nội Huế): Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Hiển Lâm Các, Hưng Miếu, Thế Miếu, Thái Miếu, Triệu Miếu, Điện Phụng Tiên, Phủ Nội Vụ, Cung Diên Thọ, Vườn Cơ Hạ, và Cung Trường Sanh.
- Vòng 3 (Tử Cấm Thành): Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành, Điện Khôn Thái, Vườn Ngự Uyển và Lầu Kiến Trung.
Các điểm tham quan nổi bật trong Đại Nội Huế
Ngọ Môn Quan Hoàng thành Huế
Tương tự như phần lớn các công trình cung đình thời xưa của Việt Nam, Hoàng thành có 4 cửa cho mỗi hướng Đông, Tây, Nam và Bắc. Trong đó, Ngọ Môn Quan là cổng phía Nam, đồng thời cũng là cổng lớn nhất và quan trọng nhất, xưa kia chỉ dành cho bậc vua chúa hoặc tiếp đón sứ thần nước ngoài. Theo quan niệm phong thuỷ, hướng Nam đem lại điềm tốt cho bậc đế vương nên tất cả những công trình nào dành cho vua thì đều phải quay mặt về hướng này.
Được xây dựng vào năm 1833, công trình thuộc khu Đại Nội Huế này đã từng chịu hư hỏng khá nặng sau trận Mậu Thân năm 1968, sau được tu sửa vào 1970. Nơi này có cái tên với ý nghĩa khá đơn giản – Ngọ là hướng Nam còn Môn là cửa, bao gồm tổng cộng tới 5 lối đi vào. Lối giữa có màu vàng vốn chỉ dành duy nhất cho vua, nhưng đã bị khóa hoàn toàn sau khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945. Hai cổng bên thì dành cho quan văn (bên trái) và quan võ (bên phải) – lối để bạn đi vào bên trong Đại Nội Huế sau khi soát vé; 2 cổng ngoài cùng khi xưa dành cho voi, ngựa, lính tráng, cấm vệ hay thị vệ theo hầu.
Ngọ Môn có hình chữ U, được xây bằng gạch đá kết hợp với các thanh chịu lực được làm từ đồng thau. Phía bên trên còn có hệ thống lầu Ngũ Phụng vô cùng tráng lệ, với 2 tầng được kết cấu hoàn toàn bằng gỗ lim. Đây từng là lễ đài tại Hoàng thành Huế, nơi vua đứng nhìn bao quát được quảng trường, Kinh thành hay Kỳ đài, theo dõi các lễ xướng danh sĩ tử thi đỗ tiến sĩ, lễ duyệt binh, lễ ban lịch,… Nơi đây cũng là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, mà nổi bật nhất phải kể đến buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại vào 30/08/1945 – đánh dấu vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.
Cổng Nghi Môn Đại Nội Huế
Từ Ngọ Môn đi vào bạn sẽ gặp cây cầu Trung Đạo bằng gạch, hai đầu là 2 cổng Nghi Môn đúc bằng đồng dưới thời vua Minh Mạng 1833. Mỗi cổng có 4 cột đồng, được trang trí tạo hình hoa sen và rồng bay tinh xảo, do phường Đúc nổi tiếng của Huế thực hiện. Bên trên các trụ là những khung hình chữ nhật tráng men với màu sắc vàng – trắng – xanh rực rỡ, khắc nổi những dòng chữ “Trung hòa vị dục”, “Chính trực đẳng bình”,… Tổ hợp công trình tại Đại Nội Huế này không chỉ là con đường dành riêng cho đế vương, mà còn có ý nghĩa nhắc nhở về đạo làm vua dưới thời phong kiến nhà Nguyễn.
Cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch, vốn được đào để nuôi cá và trồng sen – giống hoa trắng thanh tao, toả hương thơm ngát lại có hạt ngon. Mỗi sáng sớm, các phi tần cung nữ sẽ phải chèo thuyền ra hứng những giọt sương sớm để pha trà cho vua, tạo nên món trà sen có tiếng hiện nay. Dưới hồ tại Hoàng thành Huế này hiện có nuôi một đàn cá chép với đủ màu sắc sặc sỡ, bạn có thể dừng lại một chút để ngắm nhìn và chụp vài tấm ảnh check-in ấn tượng.
Sân Đại Triều Nghi Hoàng thành Huế
Qua khỏi cầu Trung Đạo là bạn sẽ tiến tới sân Đại Triều Nghi có diện tích trên 3.000m², được lát bằng đá Thanh chắc chắn. Nơi đây khi xưa là chỗ các quan lại từ Nhất phẩm tới Cửu phẩm xếp hàng thiết triều, hay để tổ chức các buổi lễ quan trọng của triều đình. Quan lại không được trực tiếp vào diện kiến mà những ý kiến của họ và mệnh lệnh của vua sẽ được truyền qua thái giám. Lý do là bởi theo tư tưởng truyền thống, nhà vua là Thiên Tử – người trời được phái xuống trị quốc nên mọi người không được phép nhìn mặt nếu không quyền lực sẽ bị giảm đi.
Hai bên sân Đại Triều Nghi thuộc Đại Nội Huế còn có hàng bia đá có tên gọi “phẩm sơn”, ghi rõ cấp bậc và theo quy tắc tả văn – hữu võ, chỉ vị trí cho các quan dễ đứng xếp hàng nhanh chóng và trật tự hơn. Hai góc sân gần điện là hai con kỳ lân trang trí bằng đồng thếp vàng, được đặt trang trọng trong chiếc lồng kính bằng gỗ sơn, thể hiện sự uy nghiêm của cung đình. Bên cạnh sân Đại Triều Nghi còn có 2 dãy nhà dành cho các quan lại nghỉ ngơi trước và sau khi thiết triều.
Điện Thái Hòa Hoàng thành Huế
Là công trình lớn và đồ sộ nhất trong phạm vi di tích Đại Nội Huế, Điện Thái Hoà biểu trưng cho quyền lực và hùng uy của vua triều Nguyễn. Tráng lệ là vậy nhưng nơi này được xây dựng chỉ trong thời gian ngắn khoảng 8 tháng, khởi công vào 21 tháng 2 và hoàn thành vào tháng 10 năm 1805. Kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” được chống đỡ bởi hệ thống xà bằng gỗ lim, bao gồm 80 hàng cột sơn son và vẽ khắc hình rồng uốn quanh cùng mây. Trải qua thời gian thì các cột này đa phần đều đã bị xuống cấp, không còn an toàn nên đã được thay mới nhưng vẫn giữ nét truyền thống.
Công trình thuộc kiến trúc Đại Nội Huế này bao trùm diện tích 1360m2 trên nền cao 1m, là nơi tổ chức các lễ như Đăng Quang, Khánh Sinh, Nguyên Đán, tiếp đón sứ thần,… Nơi đây cùng sân Đại Triều Nghi còn là nơi dùng để tổ chức 2 buổi đại triều mỗi tháng, diễn ra và mùng 1 và 15 âm lịch.
Nhà vua ngự trị trên ngai vàng phía trong điện, các quan lại đứng chầu bên ngoài, chỉ có tứ trụ triều đình cùng hoàng thân quốc thích mới được vào diện kiến. Ngai vàng này đã trải qua 13 đời vua nhà Nguyễn, được đặt trên bệ gỗ ba tầng tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân (trời, đất và con người).
Kiến trúc Điện Thái Hoà Đại Nội Huế bao gồm 1 sàn và 2 mái kép, được nối với nhau bằng trần thừa lưu tạo cảm giác liền mạch và gắn kết giữa khu nhà trước và sau. Từ phía bên ngoài nhìn lên mái của điện Thái Hòa sẽ thấy 8 con rồng, ngầm ý chỉ vua là con rồng số 9 – con số phong thủy biểu tượng cho sự vĩnh cửu, trường tồn. Bên trên còn có chiếc mũ ngũ sắc, từ bửu tán, các mặt diềm gỗ chung quanh cho đến mỗi mặt của ba tầng bệ đều trang trí một bộ 9 con rồng. Các đồ vật và chi tiết trang trí được thếp vàng sáng chói, thể hiện sự xa hoa của triều đình nhà Nguyễn khi xưa.
Phía sau chánh điện Thái Hòa bên trong Đại Nội Huế còn có một gian nhà nhỏ, hiện dùng để đặt sa bàn của Hoàng thành Huế bao gồm cả những công trình đã bị hủy hoại và hiện nay không còn. Ở đây còn có quầy hàng bán đồ lưu niệm, bạn có thể thoải mái mua đồ và chụp ảnh do bên trong điện Thái Hòa không được phép sử dụng máy ảnh.
- Lưu ý: Hiện điện Thái Hòa đã được tạm thời dỡ bỏ để trùng tu lại.
>> Một vài địa điểm mang đậm kiến trúc phong kiến thời nhà Nguyễn:
Kinh nghiệm tham quan Đại Nội Huế
- Đại Nội khá rộng, bạn nên chuẩn bị trước một bản đồ về địa điểm này để tránh lạc đường, gây mất thời gian du lịch.
- Tuân thủ các quy định của di tích khi tham quan: Không quay phim – chụp ảnh ở các khu vực cấm, không chạm vào các hiện vật dưới mọi hình thức.
- Đại Nội Huế về đêm không mở cửa tham quan nhưng bạn nên sắp xếp ghé du lịch nơi đây khi màn đêm buông xuống, ngắm những ánh đèn lung linh phủ sáng Cố đô, sẽ là một trải nghiệm khá thú vị.
- Tránh ăn mặc phản cảm khi ghé thăm Đại Nội vì nơi đây là một địa điểm tôn kính, mang nhiều ý nghĩa lịch sử đối với người dân Việt Nam.
- Hoàng thành Huế đẹp nhất khi xuân về (tháng 1 – tháng 3) hay vào mùa lễ hội, festival (tháng 4 – tháng 5) nên nếu sắp xếp được, bạn nên đến ghé thăm nơi đây vào những khoảng thời gian này.
Đại Nội Huế là một trong những điểm du lịch nổi bật của thành phố này, thu hút những người yêu thích khám phá không gian lịch sử. Vào tầm tháng 4 – 6 còn là mùa lễ hội, với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật Tử Cấm Thành Huế và các hoạt động truyền thống, các trò chơi dân gian vô cùng thú vị. Nếu đã có dịp đến với nơi từng một thời là thủ đô Việt Nam, đừng bỏ qua cơ hội ghé thăm Hoàng thành và cả khu di tích Cố đô Huế – công trình đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới bởi UNESCO vào 1993.
>> Khám phá các lăng tẩm đẹp ở Huế cùng Du lịch 3 miền: