Làng cổ Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của Việt Nam được ghi nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2005. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng cổ vẫn còn lưu giữ nhiều di sản vật thể và phi vật thể quý báu. Đây là điểm dừng chân lý tưởng dành cho du khách muốn tìm về những dấu ấn xưa cũ của một làng quê Bắc Bộ xưa giữa chốn thành thị tấp nập.
Đường Lâm là một trong những ngôi làng lâu đời bậc nhất ở Việt Nam, nơi đây còn lưu giữ được những nét văn hóa của vùng quê Việt Nam xưa. Với những kiến trúc cổ kính từ cổng, đình, giếng, chùa,.. đến những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm, những con đường gạch, và những nét văn hóa còn được lưu giữ bởi lại qua nhiều thế hệ, nơi đây chắc chắn sẽ là một điểm đến đầy hứa hẹn với những con người ưa thích sự thanh tịnh, chán ghét cái ồn ào, tấp nập của cuộc sống thủ đô.
Làng cổ Đường Lâm ở đâu? Cách Hà Nội bao xa?
Làng cổ nằm cách trung tâm thủ đô 44km về phía Tây, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Bạn có thể lựa chọn phương tiện cá nhân hoặc công cộng để di chuyển đây.
Nếu bạn chọn đi phượt bằng xe máy để linh động về thời gian và khám phá cảnh quan trên đường thì từ trung tâm Hà Nội có 2 cung đường di chuyển như sau:
- Cung đường thứ nhất: Bạn đi theo đại lộ Thăng Long đến ngã ba Hòa Lạc, theo đường 21, đi qua Sơn Lộc đến ngã tư giao với quốc lộ 32 thì sẽ có biển chỉ dẫn đi vào khu du lịch làng cổ Đường Lâm.
- Cung đường thứ hai: Bạn đi theo hướng Nhổn, dọc theo quốc lộ 32, qua thị xã Sơn Tây đến ngã tư giao với đường 21 sẽ có lối rẽ vào làng cổ ở bên tay trái.
Nếu bạn di chuyển bằng xe bus sẽ an toàn hơn và không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết thì sẽ có các tuyến xe bus di chuyển đến gần làng cổ:
- Tuyến bus CNG 01, Bx Mỹ Đình – Bx Sơn Tây
- Tuyến bus 89, Bến xe Yên Nghĩa – Bx Sơn Tây
- Tuyến bus 73, Bến xe Mỹ Đình – Chùa Thầy
Sau khi đi hết tuyến, bạn tiếp tục thuê taxi hoặc xe ôm để di chuyển đến làng cổ.
Làng cổ Đường Lâm có gì đẹp?
Đường Lâm là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra danh nhân có đóng góp quan trọng với tổ quốc điển hình như: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh, bà chúa Mía. Về chính trị đương đại có Phan Kế Toại (nguyên phó thủ tướng chính phủ), Hà Kế Tấn (nguyên Bộ trưởng Bộ thủy lợi). Ngoài là vùng đất của những danh nhân, nơi đây còn lưu giữ nhiều kiến trúc cổ mang đậm nét vùng quê Bắc Bộ xưa được bảo tồn và lưu giữ qua hàng trăm năm.
“Các ngôi làng tham quan du lịch nổi tiếng khác tại Hà Nội: làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, làng nón Chuông… “
Cổng làng cổ Đường Lâm (Cổng Mông Phụ)
Đây là chiếc cổng lâu đời duy nhất còn tồn tại ở Đường Lâm, cổng được xác định là xây dựng vào năm Kỷ Mão 1533 dưới thời vua Lê Thần Tông. Cổng được xây quay về hướng Đông Nam – quan niệm đây là hướng của sự phát triển, của sự thịnh vượng.
Hình ảnh cổng làng bên cạnh cây đa cổ thụ và hồ sen luôn đem lại bao cảm xúc cho những du khách đến thăm Đường Lâm, sau hàng trăm năm cây cổng vẫn còn đó, lưu giữ lại những nét đẹp trong văn hóa của người con xứ Đoài.
Cổng làng Mông Phụ của làng cổ Đường Lâm Sơn Tây được xây dựng theo phong cách “thượng gia hạ môn” – trên là nhà, dưới là cổng. Tường của cổng được xây dựng bằng đá ong chít mạch bằng hỗn hợp kết dính từ cát, vôi, mật. Hai cửa cổng được làm từ gỗ lim theo hình “cánh dế” dày chừng năm phân, trước cổng có khắc hàng câu đối, bên tả là “Kỷ mão mạnh hạ sắc chỉ”, câu đối bên hữu là “Thế hữu hưng nghi đại” với đại ý là cần tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của làng quê và cần thích nghi với những cái mới để phát triển.
Đình Mông Phụ
Qua cổng của địa điểm du lịch gần Hà Nội này, đi vào trung tâm là một kiến trúc mang phong cách lai tạo của người Việt với dân tộc Mường – Đình làng Mông Phụ. Đình này đã tồn tại hơn 400 năm và được tu sửa 2 lần nhưng vẫn gần như giữ nguyên được các thiết kế như ban đầu.
Đình được xây dựng ở phần đất trung tâm và cao nhất của làng cổ với diện tích khoảng 1800 m2. Trong đình thờ Tản Viên Sơn Thánh – vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt.
Đình ở làng cổ Đường Lâm được xây dựng theo kiểu chữ Công gồm Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc và Bái Đình. Với nét kiến trúc Việt – Mường, đình mô phỏng kiến trúc nhà sàn của người dân tộc Mường với sàn gỗ cách đất. Kiến trúc đặc biệt nhất của ngôi đình là tòa Đại Bái, tòa nhà được xây dựng theo kiểu “ba gian hai chái”, được dựng bởi 48 cột gỗ có trang trí các họa tiết rồng, phượng. Ngoài ra, ở bên ngoài còn có nhà xích hậu chuyên để tiếp khách và chuẩn bị lễ trước khi vào đình.
Phía bên trong đình của làng cổ Đường Lâm Sơn Tây được treo rất nhiều hoành phi, câu đối. Nổi bật trong số đó là bức hoành phi “lão long huấn tử” nổi tiếng trong Nho giáo và bức “dũng cảm cả tướng” được vua Thành Thái ban tặng. Gian giữa đại đình là cửa võng lưỡng long chầu nguyệt sơn son thếp vàng, ban thờ được trang trí với tượng rồng, hổ phù. Ngôi đình là kiến trúc đặc sắc với giá trị về mặt văn hóa và lịch sử với nhiều hiện vật quý báu. Nơi đây là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch mỗi khi tới làng cổ.
Các ngôi nhà cổ Đường Lâm
Danh thắng Hà Nội này nổi tiếng với những ngôi nhà cổ có lịch sử hàng trăm năm, đặc biệt là qua nhiều thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn gìn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc, những thế hệ sống tại các căn nhà này vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đẹp được truyền từ nhiều đời. Hiện nay, làng cổ có 956 ngôi nhà cổ, các ngôi nhà được xây với kiến trúc 5 hoặc 7 gian được làm từ các nguyên liệu truyền thống từ thôn quê như: đá ong, gỗ xoan, tre, gạch đất nung,… Trong các ngôi nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm, nổi bật nhất là các ngôi nhà cổ ông Hùng, bà Điền, ông Thể,….
Nhà cổ ông Hùng là ngôi nhà cổ lâu đời nhất tại làng Đường Lâm, được xây dựng từ năm 1649, tới nay đã gần 400 năm và trải qua 12 thế hệ. Ngôi nhà gồm 5 gian, 3 gian giữa là không gian dùng cho thờ cúng và tiếp đón khách, 2 gian còn lại là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ. Ngoài sân của ngôi nhà trồng rất nhiều cây cảnh, hoa và các chum rượu tạo nên một khung cảnh hết sức yên bình và thanh tịnh.
Nhà cổ bà Điền tại khu du lịch làng cổ Đường Lâm có tuổi đời khoảng 200 năm. Ngôi nhà truyền thống gồm 3 gian theo lối kiến trúc Bắc Bộ xưa, bàn thờ được đặt ở gian chính giữa và hướng ra phía ngoài sân. Ngoài sân lát gạch là những khóm hoa và chum rượu đã được ủ lâu năm. Hiện nay sinh sống tại ngôi nhà là cháu của bà Điền, cụ bà năm nay đã gần trăm tuổi nhưng vẫn ngồi ở nhà để tiếp đón du khách đến tìm hiểu về ngôi nhà.
Nhà cổ ông Thể là một trong những ngôi nhà lớn nhất tại Đường Lâm cổ trấn với lối kiến trúc 7 gian được gắn kết với nhau theo hướng cổ truyền, hoàn toàn không sử dụng một chiếc đinh sắt nào. Gia đình ông Thể có truyền thống làm tương gạo được truyền từ đời này sang đời khác. Đến với ngôi nhà, du khách sẽ thấy trong không khí phảng phất mùi thơm của tương. Các chum tương được xếp ngay ngắn với nhau tại sân nhà, ngoài ra còn có các chum rượu hạ thổ được ủ từ rất nhiều năm. Du khách tới tham quan làng cổ Đường Lâm đều mua vài chai tương mang về để sử dụng hoặc làm quà biếu.
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh
Giang Văn Minh là một vị sứ thần tài ba của nước Việt, ông nổi tiếng bởi sự gan dạ và yêu nước. Vào năm 1637, ông được vua Lê cử làm sứ giả đi sứ Trung Hoa. Khi yết kiến vua nhà Minh, sứ thần nước Việt đã được ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (nghĩa là cột đồng đến nay đã phủ kín rêu phong, nhắc lại việc Mã Viện cho lập cột đồng sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ).
Nghe xong vế đối, người con của quê hương Đường Lâm Sơn Tây đã bình tĩnh đối lại “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa đến nay máu vẫn còn đỏ, nhắc lại 3 lần thất bại của 3 triều đại phương Bắc khi xâm lược Việt Nam). Vế đối đó Giang Văn Minh tỏ rõ được lòng tự hào và khí phách của dân tộc, vua Minh hóa giận đã cho xử tử ông. Về sau xác ông được đem về quê nhà an táng.
Năm 1845, nhân dân để tưởng nhớ ông đã cho lập nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh tại làng cổ Đường Lâm. Nhà thờ được xây dựng bằng gạch thời Tự Đức theo kiến trúc kiểu chữ “nhị”, quay về hướng Nam.
Chùa Mía làng cổ Đường Lâm
Chùa có tên hiệu là “Sùng Nghiêm Tự”, chùa được bà chúa Mía (Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung- Cung phi của chúa Trịnh Trạng) cho tu bổ và xây dựng lại năm 1632. Trong chùa hiện tại lưu giữ nhiều tượng phật lớn, nhỏ quý hiếm có giá trị tâm linh và lịch sử quan trọng.
Đây là nơi hội tụ quần thể di tích đền chùa, miếu mạo được xây dựng từ lâu đời, đến nay vẫn giữ được nét truyền thống và cổ xưa độc đáo với kiến trúc bao gồm các tòa tam quan, thượng điện, chính điện và nhà tổ
Giếng cổ Đường Lâm
Tại làng cổ Đường Lâm có rất nhiều giếng cổ, khi xưa nơi đây là địa điểm tập trung lấy nước sinh hoạt của cả làng. Điều độc đáo khi tới đây là hệ thống giếng nước đa dạng, mỗi giếng nước lại ẩn chứa những giai thoại thú vị. Có những giếng đã tồn tại hơn 4 thế kỷ với nét đẹp bề thế, thâm trầm và cổ kính.
Đặc biệt giếng sữa Chuông Sa nổi tiếng linh thiêng có thể giúp người phụ nữ căng đầy bầu sữa để nuôi con. Người tới xin sữa chỉ cần thành tâm cầu khấn và xin nước từ giếng về uống là sữa sẽ về.
Vườn hoa làng cổ Đường Lâm
Mặc dù ở Hà Nội có không ít vườn hoa rộng lớn với nhiều loại hoa tuy vậy vườn hoa ở đây lại thu hút khách du lịch bởi cái riêng chỉ mình nó có. Hòa mình vào bầu không khí thanh bình, yên tĩnh của làng cổ. Đến thăm vườn hoa du khách sẽ được hòa mình vào núi, đồi, ruộng lúa, đầm sen,… có lẽ đây mới đúng là địa điểm có thể đưa bạn về những ký ức tươi đẹp của tuổi thơ.
Đền thờ Phùng Hưng
Đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng được thờ phụng ở nhiều nơi nhưng nổi bật nhất vẫn là đền thờ tại làng cổ Đường Lâm Sơn Tây Hà Nội. Phùng Hưng là người chỉ đạo cuộc kháng chiến chống ách đô hộ của nhà Đường tại Việt Nam. Sau nhiều năm kháng chiến, ông lên ngôi lấy hiệu là Bố Cái Đại Vương và trị vì được 7 năm. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ ông ở quê nhà thôn Cam Ly xã Đường Lâm.
Tại đây, đền thờ được xây dựng với nhiều hạng mục: Nghi môn, tả – hữu mạc, đại bái, hậu cung, xung quanh là vườn cây cổ thụ biểu thị cho sự trường tồn, vĩnh cửu.
Lăng Ngô Quyền tại Đường Lâm Hà Nội
Nằm cách đền Phùng Hưng khoảng 500m là lăng thờ Ngô Quyền – Vị anh hùng có công đánh đuổi quân Nam Hán xâm lược năm 938 với trận Bạch Đằng nổi tiếng. Quần thể Lăng được xây trên 1 ngọn đồi gọi là đồi Cấm, phía trước là một cánh đồng rộng lớn và một vũng nước nhỏ chạy ra sông Tích. Bên cạnh đó là đồi Hổ Gầm tương truyền đây là nơi thủa nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và luyện tập võ nghệ.
“Các địa điểm du lịch đang thu hút khách du lịch khác của Sơn Tây: Làng văn hóa các dân tộc, đền Thượng Ba Vì, vườn quốc gia Ba Vì, hồ Suối Hai, thung lũng Bản Xôi, chùa Tây Phương,…”
Top 3 đặc sản làng cổ Đường Lâm
Thịt quay đòn Đường Lâm
Tương truyền sau khi chiến thắng trận Bạch Đằng, vua Ngô Quyền đã cho làm món thịt này để đãi quân sĩ. Miếng thịt heo được chọn để quay phải là những miếng thịt ba chỉ ngon có lớp da dày nhưng không quá nhiều mỡ được ướp cùng gia vị và lá ổi băm nhỏ. Sau đó thịt được cuốn vào những chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong và đem quay trên lửa. Thịt sau khi đã chín có phần da vàng ươm, giòn rụm, thịt mềm và có hương thơm đặc trưng khó cưỡng.
Kẹo dồi, kẹo lạc Đường Lâm
Đây là loại kẹo được làm đơn giản với những nguyên liệu hết sức dân dã như lạc, mạch nha, bột gạo,… Kẹo có vị thơm ngon và bùi của vừng, lạc, uống với nước vối tại làng cổ thì hợp phải biết.
Gà mía tại Đường Lâm
Gà mía là loài gà quý đặc sản tại làng cổ, trước đây chỉ dùng để tiến vua hoặc dùng trong hội lớn. Loài gà này có chân nhỏ, khi luộc da có màu vàng, ăn giòn, thịt ngon và chắc. Đến du lịch Đường Lâm nhất định phải thử món ăn đặc sản này nhé.
Kinh nghiệm đi làng cổ Đường Lâm
Giá vé vào làng cổ Đường Lâm
Đến tham quan khu vực di tích làng cổ, bạn cần phải mua vé với mức giá là 20.000 VNĐ/người, ngoài ra nếu bạn đi xe máy thì phí giá vé gửi xe tại làng sẽ là 10.000 VNĐ/xe.
Tại làng cổ có cung cấp dịch vụ thuê xe đạp cho du khách thuận tiện tham quan,mức giá thuê xe cũng khá phù hợp, rơi vào khoảng 30.000 – 50.000 VNĐ/giờ hoặc nếu bạn thuê cả ngày thì chỉ mất từ 80.000 – 100.000 VNĐ.
Lịch trình tham quan làng cổ trong 1 ngày
Nếu bạn chưa biết du lịch làng cổ Đường Lâm theo lịch trình như thế nào thì ở đây chúng tôi có đề xuất này cho bạn tham khảo để tận dụng được nhiều thời gian cho chuyến tham quan:
6h30 – 8h00: Di chuyển từ Hà Nội – Làng cổ
8h00 – 12h: Mua vé tại cổng làng Mông Phụ và tham quan các địa điểm quanh làng như Đình làng Mông Phụ, các ngôi nhà cổ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, giếng cổ Đường Lâm.
12h – 13h30: Nghỉ trưa, ăn cơm
13h30 – 16h: Tham quan các khu vực đền thờ Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền, chùa Mía, vườn hoa Đường Lâm
16h : Xuất phát về lại Hà Nội trước khi trời tối
Nếu đã chán nản với sự ồn ào, tấp nập của thành phố đông đúc thì hãy về với làng cổ Đường Lâm một lần để thử trải nghiệm sự thanh bình yên ả của nơi đây, có lẽ đến đây biết đâu bạn có thể tìm lại được những ký ức tuổi thơ đã bị chôn vùi ở đâu đó bởi những áp lực của công việc, của cuộc sống bộn bề hàng ngày.
Dulich3mien gợi ý: