Đền Bạch Mã cùng với đền Quán Thánh, đền Voi Phục và đền Cao Sơn thuộc Thăng Long Tứ Trấn xưa của Hà Nội. Không chỉ gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của thủ đô mà nơi đây còn sở hữu kiến trúc độc đáo và là điểm lễ cầu may đầu năm của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đền Bạch Mã là ngôi đền thiêng được người dân thành phố truyền tai nhau với cái tên Bạch Mã tối linh từ và được công nhận là Di tích lịch sử Quốc Gia vào ngày 12/12/1986.
Kiến trúc đền Bạch Mã Hà Nội có gì đặc biệt?
Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ khẩu, ghép 4 tòa nhà khác nhau tạo thành một khuôn tường rộng và sau. Bước qua cổng chính là tiền tế được nối thẳng với nhà đại bái phía sau bằng phương đình, sau đại bái là tòa hậu cung phía sau.
Ngay từ bên ngoài đền Bạch Mã du khách đã có thể cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng và trang nghiêm với nền tường vàng, cánh cửa làm bằng gỗ đỏ được chạm khắc rồng vàng. Phần mái đỏ của đền dù đã nhuốm rêu phong nhưng vẫn vô cùng vững trãi, cùng với các chi tiết rồng đắp nổi trang trí khiến du khách vô cùng thích thú. Đồng thời đền Bạch Mã cũng là một trong những kiến trúc tiêu biểu thời Lý còn được lưu giữ nguyên vẹn đến giờ, một trong những kiến trúc lâu đời nhất của Thủ đô.
Cửa đền Bạch Mã đặt về hướng Nam, toàn bộ khung gỗ, cột lớn,… đều sử dụng gỗ lim lớn và dựng theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” được trang trí bởi nhiều chi tiết chạm khắc tỉ mỉ. Nhà đại bái đặt áng thờ chế tác tinh xảo và được chạm khắc chi tiết rồng phượng sơn son thếp vàng. Đặc biệt các chi tiết đầu rồng, hoành phi, câu đổi tại di tích lịch sử ở Hà Nội này không chỉ được thếp vàng rực rỡ mà còn được thiết kế vô cùng tinh xảo, sống động.
Tại đền Bạch Mã Hà Nội còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử to lớn như: 15 tấm bia văn ghi lại những điển tích, thần thoại xây dựng đền và nghi lễ cúng thần, các lần tôn tạo trong hơn 1000 năm qua. Ngoài ra còn có: Sắc phong, hương án., độc bình, đôi phổng, chuông đồng hay kiệu rước,…
Vào ngày 12 – 13/02 âm lịch hàng năm, người dân thành phố sẽ tổ chức lễ hội Đền Bạch Mã với đoàn rước kiệu và trang phục truyền thống màu sắc sặc sỡ, cờ ngũ sắc,… Đây là lễ hội cầu may cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lễ hội chính là sự giao thoa hoàn hảo giữa lễ hội dân gian và nghi thức cung đình trang trọng hiếm nơi đâu có được.
Đền Bạch Mã sẽ mở cửa phục vụ du khách tham quan vào khoảng 9h00 – 17h30 hàng ngày. Du khách đến đây nên chú ý trang phục gọn gàng, lịch sự để đảm bảo không khí trang nghiêm. Ngoài ra, du khách cũng có thể chuẩn bị thêm chút tiền lẻ để công đức hoặc đặt lễ cầu may cho gia đình và người thân.
Bạn có thể quan tâm:
Đền Bạch Mã ở đâu?
Đền nằm tại số 76, phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, xưa thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.
Để di chuyển đến đền Bạch Mã, du khách có thể lựa chọn phương tiện cá nhân hoặc xe buýt công cộng đều khá thuận tiện, chi tiết:
- Xe buýt: Du khách có thể lựa chọn một số xe buýt sau: 01, 03A, 10B, 11, 14 14CT, 17, 18, 2A, 23, 34, 47A, 54, 98 hoặc 100; điểm xuống: số 80 đường Trần Nhật Duật; thời gian di chuyển tùy thuộc vào điểm xuất phát của du khách. Từ điểm dừng xe buýt du khách đi bộ thêm khoảng 450m (~5p) để đến cổng đền
- Phương tiện cá nhân: Du khách đi xe máy có thể gửi xe tại bãi gửi xe máy Nguyễn Hữu Huân nằm dưới vòng xoay cầu Chương Dương với chi phí khoảng 5.000 – 10.000đ/xe/lượt; sau đó đi bộ thêm khoảng 500m (khoảng 6-7 phút di chuyển) để tới đến.
Sự tích đền Bạch Mã Hà Nội
Tương truyền rằng đây là đền thờ thần Long Đỗ được xây dựng trong thời Bắc thuộc. Năm Canh Tuất 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long nhưng nhiều lần đắp lên lại sụp. Vua sai người đến cầu tại đền thì thấy một con ngựa trắng đi ra, sau này cho đắp thành theo dấu chân ngựa thì thành công. Từ đó đổi tên thành đền Bạch Mã và tôn thần Long Đỗ làm Quốc Đô Định Bang Hoàng thành Đại Vương, trấn giữ phía Đông Hoàng Thành Thăng Long.
Đặc biệt, khoảng thế kỷ 9 lúc Cao Biền sang làm thứ sử Giao Châu, đóng quân ở La Thành, dù tương truyền ông là một thầy phù thủy cao tay ấn nhưng cũng không thể trấn yểm nổi đất này nên đành phải chịu thờ phụng thần Long Đỗ.
Mong rằng với những chia sẻ của Du lịch Ba miền sẽ giúp du khách để hiểu hơn về ngôi đền Bạch Mã linh thiêng này. Đồng thời, cũng có thêm một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn cho hành trình khám phá thủ đô sắp tới của mình. Đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật những thông tin du lịch Hà Nội mới nhất, hấp dẫn nhất và hữu ích nhất tại đây: http://dulich3mien.vn/ha-noi